Hyoka - Kem Đá: Series light novel, anime, live-action nên xem phần nào nhất?
Hyoka là phần truyện mở đầu cho chuỗi series light novel Cổ Điển Hội gồm 6 tập tính đến năm 2016 của tác giả Yonezawa Honobu, hay thường được biết đến với cái tên Kem Đá khi xuất bản ở Việt Nam.
Hyoka ban đầu được đăng tải trên trang Phiếm Mộng Điện, sau khi nhận được phản hồi tích cực từ độc giả, năm 2001 Yonezawa Honobu quyết định đưa tác phẩm này đi dự giải thưởng dành cho tác giả trẻ dòng light novel của nhà xuất bản Kadokawa và giành được giải thưởng ở thể loại kỳ bí – kinh dị, đặt bước chân đầu tiên vào văn đàn Nhật Bản.
Series Kem đá là một câu truyện trinh thám, phá án đầy ly kỳ của một nhóm học sinh thuộc CLB Văn học cổ điển của trường trung học Kamiyama. Bắt đầu từ việc chị gái của Oreki Hotaro bắt cậu phải tham gia câu lạc bộ Văn học cổ điển để tránh nguy cơ nơi đó bị giải thể vì đã ba năm không có nổi một thành viên tham gia. Tại đây, cậu gặp cô tiểu thư Chitanda Eru với tính hiếu kỳ, chính điều này đã kéo một người với chủ nghĩa “tiết kiệm năng lượng” và câu cửa miệng “Việc không cần phải làm thì khỏi làm. Việc bắt buộc phải làm thì làm cho nhanh gọn” vào vòng xoáy của những câu chuyện kỳ bí. Đồng hành cùng hai bạn trẻ là anh bạn Fukube Satoshi với biệt danh là “cơ sở dữ liệu sống” và cô bạn Ibara Mayaka “cầu toàn”. Từ đây bốn người bạn, bốn mảnh ghép khác nhau này cùng đồng hành khám phá những điều bí ẩn, tạo nên nét riêng biệt trong chuỗi series.
Tôi khá thích cách tác giả xây dựng nhân vật Oreki Hotaro: lười, hay nói đúng hơn là sống đúng với phương châm của mình, việc không phải làm thì sẽ không làm, một con người “xám xịt” từ đầu đến chân. Thế nhưng con người “xám xịt” đấy lại có một bộ óc siêu việt. Khả năng nắm bắt tình hình, quan sát để đưa ra được những lí lẽ làm tôi cực kì ấn tượng. Có thể tưởng tượng rằng, bình thường Oreki chính là một đám mây xám trôi lờ lững, nhưng đến khi “phải làm việc” rồi thì những bánh xe trong não bộ của cậu bắt đầu lên dây cót và nhanh gọn giải quyết được tình hình. Như thể cậu có viên đá thời gian của Doctor Strange để nhìn thấy được tương lai vậy. Tôi từng đồ rằng cậu sẽ trở thành một thám tử đại tài nếu phát huy hết tài năng, thế nhưng đời đâu như mơ, cậu sống với đúng phương châm sống của mình, thậm chí còn phủ nhận việc mình có năng lực và bảo đó chỉ là may mắn mà thôi. May mắn như vậy tôi cũng muốn có được.
Ngoài những chi tiết “phá án thần sầu ra” thì những phân đoạn của chàng lười và cô tiểu thư tò mò hay chàng lười với cậu bạn thân cũng khiến tôi thấy rất ưng ý. Tác giả đã vẽ ra những hình ảnh tuổi học trò đầy đáng yêu về sự hiểu lầm trong tình cảm, những pha “cà khịa đi vào lòng đất” của hai cậu bạn thân, những điều đó đã đem lại một Kem Đá đúng chất vừa ngọt ngào vừa mát lạnh của tuổi thanh xuân.
Bên cạnh đó, tôi còn rất thích việc tác giả sử dụng lối chơi chữ trong tác phẩm của mình. Các bạn có tự hỏi vì sao tác phẩm này có tên là Hyoka - Kem Đá hay không? Tôi đoán chắc chắn sẽ có những bạn có thể đoán được, thế nhưng để xây dựng nên cả một câu chuyện, xây dựng nên nội dung, sự tư duy logic, những vấn đề và cách giải đáp những vấn đề đó là cả một quá trình rất khó và không phải ai cũng có thể làm được. Và chính nó đã nâng tầm cho cái tên Kem Đá: “Ice cream” “I scream” “Tôi hét!”. Vâng đó chính là ý nghĩa mà tác giả muốn nhắc đến, xin trích dẫn một đoạn trong truyện như thế này:
“Tớ nhớ ra rồi. Tớ đã hỏi bác ấy ‘Kem đá’ có nghĩa là gì. Và bác ấy đã nói với tớ, đúng thế, là ‘Hãy mạnh mẽ lên!’.
Rằng nếu tớ yếu đuối thì sẽ có một ngày tớ không còn có thể gào thét nữa. Nếu như vậy thì tớ sẽ sống mà...
... sống mà như đã chết...”
Kem Đá được chuyển thể thành anime vào ngày 22 tháng 4 năm 2012 do Kyoto Animation sản xuất – công ty đã từng sản xuất rất nhiều bộ anime truyền hình nổi tiếng như: Full metal Panic!, Kanon, Clannad... và gần đây nhất là bộ Violet Evergarden. Nếu so ra Kem Đá là một tác phẩm bám cực kỳ sát nguyên tác light novel từ thời gian, bối cảnh, nhân vật cho đến cốt truyện. Không giống như Violet Evergarden đã phải thay đổi về mặt thời gian để cho mạch truyện hợp lý vì trong nguyên tác tác giả viết theo lối phi tuyến tính – không có trình tự về mặt thời gian. Hay như Koe no Katachi đã phải lược bớt rất nhiều so với manga vì không đủ thời lượng chiếu, do đó không làm nổi bật nên được tính cách của nhiều nhân vật. Ngoài ra trong anime cũng có một chút thay đổi so với bản light novel. Trong bản light novel, tác giả nói rằng Chitanda là một “tiểu thư ‘nhà nông’” thế nhưng miêu tả khá ít về điểm đó, lên đến anime, nhà sản xuất đã “tô vẽ nhiều hơn”, làm nổi bật lên gia cảnh của đúng một “cô tiểu thư nhà giàu”. Tôi khá thích sự thay đổi này của bên nhà sản xuất, nó cho người xem một cái nhìn rõ ràng hơn về những danh gia vọng tộc trong tác phẩm, nhìn vào ngôi nhà của Chitanda và nhà của Oreki có thể phân biệt rõ ràng được bên nào là “thường dân”, bên nào là “con rùa nạm kim cương”, không những nhà cao cửa rộng, có ruộng vườn cực to, nhà cô tiểu thư này còn có hẳn một cái ao sinh thái chỉ để làm đẹp, những đồ cổ vật cực đáng giá cũng chỉ để trưng bày cho vui mắt.
Hơn thế nữa, Kem Đá cũng đã được chuyển thể thành live-action, phân phối bởi Kadokawa Picture với hai diễn chính Yamazaki Kento (vai Oreki Hotaro) và Hirose Alice (vai Chitanda Eru). Khác với anime, phần live-action này chỉ tập trung toàn bộ câu truyện vào quyển đầu tiên của series Cổ Điển Hội, nhưng vì hy vọng quá nhiều nên tôi rất thất vọng trước diễn xuất của dàn cast.
Về nhân vật nam chính, trong thâm tâm tôi mỗi lần đọc truyện, Oreki sẽ là một cậu thanh niên lười nhác, nhưng vẫn có một đôi mắt có hồn, một đôi mắt sắc sảo, có thể phát hiện ra mọi vấn đề. Thế nhưng khi xem Yamazaki Kento diễn, tôi chỉ thấy một Oreki đờ đẫn với sự ảm đạm và đôi mắt đôi lúc sẽ “dại dại”, nói thật rằng nếu như Oreki nguyên tác mà mang đôi mắt đờ đẫn kiểu đấy thì tôi cá rằng cậu ta chẳng thể đi phá án được đâu. Còn Chitanda trong nguyên tác là một cô gái có sự tò mò vô tận kèm theo là đôi mắt to tròn đầy hiếu kỳ, thế nhưng khi Hirose Alice lại thiếu đi sự hiếu kỳ trong ánh mắt.
Nếu như để cho điểm riêng light novel Hyoka – Kem Đá thì tôi sẽ chấm 10/10 điềm, trong khi live-action được một nửa số điểm. Còn đối với phần series anime và series light novel thì tôi sẽ để 11/10. Vì những phần sau trong series không những phát triển về nội dung mà tuyến tình cảm của nhân vật khiến tôi cực kỳ phấn khích, dù biểu lộ không rõ ràng nhưng “cái gì càng che giấu thì càng kích thích” đúng không?! Các bạn mà bỏ qua series Kem Đá này thì thật đáng tiếc, chắc chắn sự “đầu tư” này sẽ không làm các bạn thất vọng đâu.