Ngẫm REVIEW phim ATV Tuyết Hoa Thần Kiếm - Chuỗi bi kịch chốn võ lâm kéo dài ba đời

REVIEW phim ATV Tuyết Hoa Thần Kiếm - Chuỗi bi kịch chốn võ lâm kéo dài ba đời

Đăng vào ngày trong Tin tức 1322

Chỉ vì quan niệm chính tà bất lưỡng lập, mà bao nhiêu người phải rơi lệ và đổ máu cho cuộc chiến giữa chính và tà. Tuyết Hoa Thần Kiếm là bản tình ca buồn, bi thương như chính tên gọi tiếng Anh của phim The Snow is Red – Tuyết đỏ. Câu chuyện là chuỗi bi kịch chốn võ lâm kéo dài ba đời, giáng xuống số phận của những hồng nhan yêu hết mình các bậc trượng phu để rồi ôm lấy khổ đau cả cuộc đời.

Tên tiếng Anh: The snow is red
Tên phiên âm: Xue Hua Shen Jian
Tên gốc: 雪花神劍
Số tập: 40
Ngày phát sóng trên ATV: 28/7/1997
Ngày phát hành ở VN: 1997
Đề tài: võ hiệp kỳ tình
Nhạc phim: Nam nhân vô lệ

Diễn viên

Khương Đại Vệ vai La Quyền
Cung Từ Ân vai Nhiếp Tiểu Phụng
Mễ Tuyết vai Nhiếp Mỵ Nương
Từ Thiếu Cường vai Nhạn Thiên Hành
Dương Cung Như vai Mai Giáng Tuyết
Trần Vỹ vai Trần Huyền Sương
Viên Văn Kiệt vai Phương Thiện Nam
Lô Huệ Quang vai Giáp Sinh
Chân Chí Cường vai Trần Thiên Tướng
Cao Hùng vai Thượng Quan Thiên Bằng

Giới thiệu phim

Tuyết Hoa Thần Kiếm với diễn xuất chân thật của Cung Từ Ân đã cuốn hút và lấy đi nước mắt của không ít khán giả, từ những bà nội trợ, lớp trẻ và những đứa bé mê dòng phim kiếm hiệp. Đây cũng là vai diễn lớn nhất trong sự nghiệp của Cung Từ Ân (lúc bấy giờ lấy nghệ danh Cung Thi Tây). Thành công của Tuyết Hoa Thần Kiếm còn phải kể đến dàn diễn viên đồng đều, cuốn hút, dẫn dắt khán giả qua ba thế hệ là Mễ Tuyết, Khương Đại Vệ, Từ Thiếu Cường, Dương Cung Như, Trần Vỹ,  Viên Văn Kiệt…

Nhạc phim với nhan đề “Nam nhân vô lệ” làm thổn thức bao con tim, đến bây giờ vẫn còn rất được yêu thích. Bài hát này do nam chính Viên Văn Kiệt trình bày, được người hâm mộ lồng ghép trong những phim cổ trang khác vì nó nói thay tiếng lòng cho chuyện tình buồn giữa anh hùng và giai nhân.

Ra đời năm 1997, được Việt Nam mua lại bản quyền phát hành cùng năm, sau nhiều năm trôi qua, bộ phim vẫn giữ nguyên mức độ được yêu thích như ban đầu. Phim thường được chiếu lại trên các đài truyền hình, nhưng khán giả chưa bao giờ chán, ngược lại mỗi lần bàn luận lại càng sôi nổi hơn. Đây là phim kiếm hiệp được yêu thích nhất của ATV, có topic bàn luận hàng ngày trên diễn đàn điện ảnh. Khán giả yêu thích tất cả những gì liên quan đến phim, từ nhân vật, cốt truyện, diễn biến cho đến tiếng sáo trầm buồn trong phim. Tuyết Hoa Thần Kiếm trở thành một hiện tượng mà đến nay chưa bộ phim kiếm hiệp nào phá vỡ được.

tuyết hoa thần kiếm

Tóm tắt phim (có tiết lộ kết thúc)

Bi kịch của câu chuyện “máu nhuộm đỏ vùng tuyết trắng” kéo dài ba đời bắt đầu khi Nhiếp Mỵ Nương đơn thương độc mã ôm ấp giấc mơ khôi phục Thánh Giáo. Trong quá trình đối đầu với chính phái, Nhiếp Mỵ Nương nảy sinh tình cảm với Giáp Sinh, một người xuất gia cả đời chỉ biết ăn chay, niệm Phật. Kết quả mối tình oan trái ấy là cô bé Nhiếp Tiểu Phụng thừa hưởng sắc đẹp và cả tính cách hệt như mẹ mình. Hai mẹ con thân cô thế cô bị cả giang hồ truy sát dưới danh nghĩa bảo vệ an nguy chốn võ lâm. Hình ảnh mẹ chết trước mặt mình trong vòng vây của những người tự xưng danh môn chính phái khiến Nhiếp Tiểu Phụng khắc vào tâm can mối thù phải trả này.

Không thể để đồng đạo giết một đứa trẻ vô tội, cao thủ võ lâm La Quyền dẫn Tiểu Phụng lên núi. Ba thầy trò La Quyền, Trần Thiên Tướng, Nhiếp Tiểu Phụng nương tựa nhau mà sống. La Quyền dạy dỗ Tiểu Phụng vô cùng nghiêm khắc, hằng mong cô sẽ không theo con đường ma nữ như mẹ mình. Tiểu Phụng càng lớn càng xinh đẹp, càng giống mẹ. Cô gái như bông hoa nở rực rỡ giữa núi rừng, khiến không chỉ trái tim của chàng trai Thiên Tướng xao động mà cả La Quyền cũng phải cố tránh đối diện với tình cảm của mình. Vào một đêm mưa gió, hai thầy trò La Quyền, Tiểu Phụng gần gũi, kết quả Tiểu Phụng mang thai. Cô cứ nghĩ La Quyền và mình sẽ hạnh phúc bên nhau, nào ngờ ông không thể đối diện với hành động trái luân thường đạo lý, cũng như nhận ra dã tâm của Tiểu Phụng mà tìm cách đưa cô về với chính đạo. Thái độ lạnh lùng của La Quyền khiến Tiểu Phụng ôm hận trong lòng, hóa yêu thành hận, quyết tâm giành lại những gì đã mất. Cô hại La Quyền phải ngồi xe lăn suốt đời. Thiên Tướng được lệnh của sư phụ, đem hai bé gái song sinh của Tiểu Phụng bỏ trốn, nào ngờ bị Tiểu Phụng truy đuổi, bị mù hai mắt. Phần Tiểu Phụng cũng lạc mất hai con.

Mười sáu năm sau, giang hồ yên bình lại một lần nữa dậy sóng khi thế lực của Minh Nhạc do Nhiếp Tiểu Phụng làm giáo chủ ngày càng bành trướng. Chàng trai chính nghĩa Phương Thiện Nam bị xoáy vào cuộc đấu tranh chốn giang hồ, đồng thời phải đứng giữa tình yêu của hai cô gái. Một là nghĩa nữ của Trần Thiên Tướng, Trần Huyền Sương thuộc chính phái. Hai là đệ tử của Nhiếp Tiểu Phụng, Mai Giáng Tuyết thuộc tà phái. Mai Giáng Tuyết bản tính lương thiện, vì tình cảm với Thiện Nam đã hy sinh rất nhiều, thậm chí rời khỏi sư môn, nhưng anh lại dành tình cảm của mình cho Huyền Sương. Cuộc chiến giữa tình yêu, giữa chính tà không đội trời chung lên đến hồi gay cấn khi Nhiếp Tiểu Phụng thâu tóm cả giang hồ, lần lượt gặp lại các cố nhân và phát hiện Giáng Tuyết, Huyền Sương chính là con gái ruột của mình.

Tà mãi mãi không thể thắng chính. Cái ác luôn luôn chịu quy hàng. Nhiếp Tiểu Phụng cuối cùng cũng mất hết tất cả, chết trong vòng tay của La Quyền. Thế lực tà phái bị tiêu diệt hoàn toàn. Những người thuộc chính phái, có người đã hy sinh, cũng có người sống với nỗi đau mãi khôn nguôi. Phương Thiện Nam và Trần Huyền Sương đã có một cái kết đẹp bên nhau. Còn người con gái giống và được Tiểu Phụng yêu thương nhất, Mai Giáng Tuyết lại là sự kết tinh hướng thiện của La Quyền, cùng ông phiêu bạt chốn giang hồ.

tuyết hoa thần kiếm

Cảm nhận về các nhân vật

Năm 1997, vào thời kỳ mà ATV đang chinh phục khán giả Hồng Kông bằng các bộ phim truyền hình, ở Việt Nam, hãng phim Lê Quý Đôn cũng dần dần giới thiệu đến khán giả những bộ phim hay của ATV, như một  món ăn lạ đổi vị sau hàng trăm phim TVB. Tuyết Hoa Thần Kiếm là một trong rất hiếm những phim ATV làm mưa làm gió khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam, trở thành món ăn tinh thần cho rất nhiều gia đình, từ già đến trẻ. Lúc bấy giờ tôi vẫn là một cô bé, không biết tình yêu là gì, cũng say mê dõi theo bước đường của những nhân vật trong phim. Tôi yêu Nhiếp Tiểu Phụng, Mai Giáng Tuyết, thương xót cho những con người ở phe tà giáo và ghét cay ghét đắng bọn đàn ông chính phái. Tôi nhớ như in cảm giác hụt hẫng của mình khi trong cuộc chiến tranh ngôi vị bang chủ võ lâm, Minh Nhạc đã để thua vào tay Phương Thiện Nam. Cứ ngỡ khi lớn lên, tôi sẽ nhìn bộ phim một cách tích cực hơn, nhưng mỗi lần xem lại, trái tim tôi vẫn hướng về Minh Nhạc.

Câu chuyện trong Tuyết Hoa Thần Kiếm chia làm 3 giai đoạn với nhân vật Nhiếp Tiểu Phụng xuyên suốt, từ lúc cô được mẹ dắt tay đi tìm cha, đến khi nhắm mắt trong vòng tay La Quyền. Bộ phim là bi kịch cuộc đời của những người phụ nữ, mà tiêu biểu là những người phụ nữ họ Nhiếp, đồng thời là cái cười chua ngoa dành cho những người đàn ông tự xưng danh môn chính phái, hết lần này đến lần khác tổn thương người yêu họ.

Nhiếp Mỵ Nương: Xuất hiện ngắn ngủi trong những tập đầu của bộ phim nhưng Mễ Tuyết đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả với vai Nhiếp Mỵ Nương, một “ma đầu” có thể vì tình yêu mà hy sinh tất cả. Mỵ Nương sinh ra Nhiếp Tiểu Phụng, một người hội tụ những ưu điểm của mẹ, xinh đẹp và võ công cao cường, hơn nữa còn rất hiếu thảo. Cái chết của Nhiếp Mỵ Nương trước bọn danh môn chính phái là nỗi hận trong lòng Nhiếp Tiểu Phụng, khiến cô nuôi dã tâm báo thù.

Giáp Sinh: Trong những người thuộc phe chính phái, Giáp Sinh là người tôi dành cho nhiều thiện cảm nhất. Bởi lẽ ông cũng là chàng trai bình thường, muốn hành động theo tình yêu, nhưng cũng khó lòng bảo vệ được gia đình của mình. Ở tuổi của ông, ở địa vị của ông lúc bấy giờ, tôi có thể hiểu và cảm thông cho ông, bởi lẽ ông không thể làm gì khác. Bản thân ông cũng chịu phạt mấy mươi năm, với tôi đã là sự đền bù thích đáng. Đoạn tôi ấn tượng nhất trong phim, là khi Mai Giáng Tuyết lần đầu gặp lại ông. Nó đơn giản, nhưng từng cử chỉ, từng lời nói của hai người lại khắc sâu trong lòng tôi. Đó chính là cuộc hội ngộ của hai thế hệ, cuộc hội ngộ của tình thân.

Nhiếp Tiểu Phụng: Nhiếp Tiểu Phụng là vai diễn để đời của Cung Thi Tây. Dẫu rằng thời trẻ là một diễn viên sáng giá, nhưng sau vai Nhiếp Tiểu Phụng, Cung Thi Tây cũng không còn vai nào khiến khán giả rung động nhiều như thế nữa. Cung Thi Tây chứ không phải bất kỳ ai khác, chính là linh hồn của Tuyết Hoa Thần Kiếm. Nhiếp Tiểu Phụng là kết tinh tình yêu (tội lỗi) của Nhiếp Mỵ Nương và Giáp Sinh, là người thừa hưởng nét đẹp của mẹ, căn cơ võ học của cả cha mẹ, nhưng còn cái ác dần manh nha, lại là từ chính bọn danh môn chính phái gieo vào. Tôi cho rằng Tiểu Phụng bi kịch hơn Mỵ Nương, bởi hai lẽ. Một là dù cả hai mẹ con cùng yêu và mang giọt máu của người chính phái, nhưng ít ra, Giáp Sinh dám thừa nhận tình cảm của mình dành cho Mỵ Nương, thậm chí đã từng có ý định ra đi với gia đình nhỏ của mình. Hai là, Mỵ Nương chết là hết, còn Tiểu Phụng vẫn phải sống, gặm nhấm nỗi đau, sự cô đơn và hận thù. Tôi không trách La Quyền, nhưng rõ ràng đứng theo cảm nhận của Tiểu Phụng, cô gái ấy, và sau này là bà ấy, trở nên như vậy, tất cả là bởi tại ông. Tôi không nghĩ rằng Nhiếp Tiểu Phụng ngốc, không nghĩ bà ấy quá cố chấp để rồi ngày càng lún sâu, bởi cuộc đời bà ấy là một chuỗi bi kịch. Bi kịch từ lúc sinh ra đến khi trở thành nữ ma đầu, rồi giáo chủ của Minh Nhạc. Bởi lẽ, đẩy bà vào hố sâu tội ác, chính là bọn danh môn chính phái, chính là sự ghẻ lạnh của La Quyền. Mà người như La Quyền thì, làm sao bà có thể không yêu?

La Quyền: Vai La Quyền của Khương Đại Vệ là một trong những vai để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Nhưng người ta thường khen Khương Đại Vệ diễn xuất hay, chứ ít ai có thể đồng cảm với nhân vật này. Dẫu rằng từ đầu đến cuối, La Quyền không làm gì nguy hại đến ai, nhưng đã có rất nhiều người, vì ông mà chết. La Quyền là người đã bảo vệ Tiểu Phụng, dắt tay cô bé lên Ái Lao Sơn, trở thành người ơn, người thầy và người mà Tiểu Phụng yêu cả cuộc đời. Lâu ngày tiếp xúc, La Quyền nhận ra dã tâm của Tiểu Phụng, nhưng thay vì dùng tấm lòng của mình để cảm hóa cô, ông lại lạnh nhạt, hắt hủi, dùng phương pháp không thích hợp, làm cho Tiểu Phụng lún sâu vào con đường tội lỗi. Tôi không trách ông vì một phút thiếu kiềm chế khiến Tiểu Phụng mang thai, mà tôi cảm thấy tiếc nuối, giá mà ông dùng tình yêu của mình cảm hóa cô, thì cô đã không ra nông nỗi. La Quyền sai lầm hết lần này đến lần khác, cho đến khi gặp lại Nhiếp Tiểu Phụng lần nữa vẫn không nhận ra mình sai ở đâu. Chỉ đến khi Tiểu Phụng nằm trong vòng tay ông, trở thành cô thiếu nữ năm nào, ông mới dám đối diện với tình cảm của mình, nhưng tất cả đã quá muộn. Bao nhiêu năm sống không bằng chết trong hang sâu, và cả cuộc đời còn lại phải sống trên xe lăn, tôi trộm nghĩ, đã là quả báo đớn đau nhất ông phải nhận rồi. Vì vậy, tôi chưa hề hận ông.

Trần Thiên Tướng: Sai lầm lớn nhất của Nhiếp Tiểu Phụng chính là yêu người không nên yêu. Nếu người cô chọn là Trần Thiên Tướng, có lẽ cuộc đời cô đã khác. Một Trần Thiên Tướng ngu ngơ, khờ khạo, có thể không can nổi hạt mầm ma đầu trong con người Nhiếp Tiểu Phụng, nhưng tình yêu nguyên sơ của anh, chắc chắn sẽ sưởi ấm cho cô. Anh là con người chung thủy trong tình yêu, biết phân biệt sai trái, cũng là người biết thay đổi, biết trưởng thành, chín chắn, là điểm tựa cho bất cứ người phụ nữ nào anh yêu. Sau này Thiên Tướng yêu người khác, đợi chờ cô ấy 16 năm, nhưng khi họ gặp lại, cũng là lúc rời xa vĩnh viễn. Thủ vai Thiên Tướng – người đàn ông chính phái ngay thẳng, người chưa từng làm tổn hại ai là Chân Chí Cường mà lúc bấy giờ tôi rất yêu mến. Nên đây cũng là vai diễn ấn tượng với tôi.

Mai Giáng Tuyết: Thủ vai Mai Giáng Tuyết là Dương Cung Như mà tôi yêu thích, nên trong tâm thức tôi lúc bấy giờ, dĩ nhiên tôi thích cô hơn Trần Huyền Sương. Nhưng dõi theo câu chuyện của họ, tôi thật lòng yêu mến và rung cảm bởi nhân vật này. Giáng Tuyết và Huyền Sương là chị em sinh đôi, là con của Tiểu Phụng và La Quyền. Nhưng họ thất lạc cha mẹ, thất lạc nhau từ khi mới lọt lòng, để rồi cuộc đời trôi theo hai dòng chảy khác nhau. Chỉ vì được Minh Nhạc nuôi dưỡng, dù cho Giáng Tuyết có tốt đẹp đến đâu, cô cũng vẫn chỉ là người của tà phái. Sinh ra Giáng Tuyết, chính là thành tựu lớn nhất của Tiểu Phụng và La Quyền. Giáng Tuyết sở hữu sắc đẹp của mẹ, tấm lòng lương thiện của cha và tài năng của cả hai. Quyết định tính cách của Giáng Tuyết, chính là người cha nuôi thuở bé, vậy nên dù gia nhập Minh Nhạc, cô vẫn là cô gái không làm hại ai. Xem phim rất nhiều lần, tôi thật sự không hiểu tại sao Giáng Tuyết lại yêu Thiện Nam. Có lẽ nhà làm phim đã bỏ sót chi tiết. Nhưng khán giả vẫn nhận ra tình yêu cô dành cho Thiện Nam lớn lao biết bao nhiêu. Giáng Tuyết giống bà ngoại của mình, vì tình yêu mà chủ động, mà hướng thiện, vì người đàn ông mình yêu mà bất chấp tất cả. Giáng Tuyết giống mẹ của mình, yêu một người là yêu cả một đời. Giáng Tuyết giống ông ngoại của mình, biết đúng sai, biết phân biệt nặng nhẹ, biết buông bỏ. Giáng Tuyết giống cha của mình, làm gì cũng nghĩ đến người xung quanh, nhận thiệt thòi về phía mình. Giáng Tuyết khác họ, vì yêu, mà không được yêu. Mai Giáng Tuyết là đứa con mà Tiểu Phụng yêu nhất, thậm chí có lúc bà đã từng nghĩ, chỉ có một đứa con gái là đủ. Cô là đứa cháu có thể khiến Giáp Sinh tự hào và là người khiến La Quyền lo lắng nhất. Lo không phải vì sợ cô sai lầm, mà lo vì cô quá nghĩ cho người khác. Bóng dáng Giáng Tuyết cùng La Quyền dìu dắt nhau, dần khuất xa, tôi không rõ đó là kết thúc đẹp nhất cho Giáng Tuyết hay không. Câu hỏi này khắc khoải bao năm nay, cho đến khi viết những dòng này. Có lẽ là một kết thúc đẹp, bởi từ bây giờ, cô sẽ được cha mình yêu thương, được báo hiếu cho ông, bởi từ lúc này, người đàn ông không xứng đáng với cô, chẳng thể làm đau cô nữa.

Trần Huyền Sương: Tôi không biết số phận của Huyền Sương gọi là may mắn hay bi kịch, có lẽ chỉ có thể nói cô may mắn hơn Giáng Tuyết rất nhiều, bởi ít ra, cô được người ta gọi là chính phái, cô được sư phụ yêu thương, và có được tình yêu của Thiện Nam. Cô là một nhân vật hiền lành, đáng thương hơn đáng trách, nhưng một phần bởi cái tính lúc nào cũng ra vẻ mình là người chính phái, bởi lúc nào cũng để tâm cảm xúc của mình mà quên rằng có một người luôn đau hơn cô, và vì cô là người đến sau nhưng lại có được tình yêu của Thiện Nam, nên tôi không thể ưa cô được. Tôi ghét cô nhất phim, ghét luôn diễn viên Trần Vỹ. Mỗi lần xem lại là cái sự ghét ấy lại tăng lên. Tôi chỉ có thể tự AQ cho kết thúc hạnh phúc của cô là, yêu và được một thằng vô dụng như Thiện Nam yêu, là bất hạnh lớn nhất của đời cô.

Phương Thiện Nam: Là truyền nhân “gây hại cho phụ nữ” đời thứ 3, Thiện Nam gánh luôn danh hiệu “bị nhiều người sỉ vả nhất”. Ghét nhân vật này, khinh bỉ nhân vật này, tôi thật sự cũng không muốn bình luận về anh. Không ai cấm anh yêu Huyền Sương nhưng cái kiểu lừng khừng giữa hai chị em, rồi làm tổn thương Giáng Tuyết hết lần này đến lần khác, thì dù anh có cứu nguy cả võ lâm tôi cũng chỉ muốn phỉ nhổ anh. Anh là điển hình của các nhân vật nam chính phim kiếm hiệp: ngu và luôn gặp hên. Đây có lẽ là vai diễn tiêu biểu của Viên Văn Kiệt, trước, và sau phim này, hầu hết anh đều đóng dạng vai trai ngu bị gái dắt mũi.

Mỗi nhân vật trong phim đều được đắp dày, tạo rung cảm nơi người xem. Cô người yêu bị hủy dung nhan của Thiên Tướng, đại sư tỷ, nhị sư tỷ của Giáng Tuyết, tiểu sư muội của Thiện Nam, Thượng Quan Vỹ… cho đến người cha nuôi trong ký ức của Giáng Tuyết… tất cả đều để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tuyết Hoa Thần Kiếm không hẳn là một phim xuất sắc nhất, nhưng là bộ phim mà tôi tin là biên kịch đã rút cạn con tim để viết, tôi tin là đạo diễn và ê kíp đã làm nó như thể đó là tác phẩm cuối cùng, và các diễn viên đã thể hiện nó như chính cuộc đời của mình. Dù có bao nhiêu năm nữa trôi đi, những cô bé cậu bé con ngày xưa, có lớn lên, có già đi, thì tình cảm dành cho Tuyết Hoa Thần Kiếm mãi không đổi thay.

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."