Tiệm tạp hoá Namiya - Tấm bản đồ của người lạc lối
Màu xanh thăm thẳm của đêm bao trùm lấy bìa sách, trong thứ bóng tối dịu êm ấy ta nhìn thấy rất nhiều thứ: chiếc máy phát nhạc từ đĩa than, phong thư, đàn ghita, điện thoại, đồng hồ cổ và bóng của ba người dưới ánh trăng. Tất cả xoay quanh tiệm tạp...
Màu xanh thăm thẳm của đêm bao trùm lấy bìa sách, trong thứ bóng tối dịu êm ấy ta nhìn thấy rất nhiều thứ: chiếc máy phát nhạc từ đĩa than, phong thư, đàn ghita, điện thoại, đồng hồ cổ và bóng của ba người dưới ánh trăng. Tất cả xoay quanh tiệm tạp hoá cũ với chiếc bảng hiệu bị bồ hóng đóng đến mức khó nhìn thấy được tên của nó. Thứ màu huyễn hoặc của màn đêm hoà vào những điểm sáng của các vật dụng tưởng chừng chẳng liên quan gì khiến tôi vô cùng tò mò. Higashino Keigo liệu có kể những câu chuyện trinh thám phức tạp như những quyển sách trước nữa không? Điều bất ngờ gì sẽ ẩn chứa sau những món đồ ấy? Lật mở trang sách đầu tiên, các nhân vật từ từ hiện ra và họ kể về cuộc đời mình với những màu sáng, tối khác nhau.
Hình do người review chụp
Giọng văn kể chuyện chậm rãi, quyển tiểu thuyết dường như thoang thoảng trong từng nét chữ những nỗi buồn không rõ hình hài. Vòng xoay tạo hoá cũng bắt đầu chuyển động đè lên những khắc nghiệt của cuộc sống và mang đến những ấm áp dịu ngọt cho những số phận mang nhiều nỗi niềm hoang mang. Tôi không nghĩ một người chuyên viết về đề tài trinh thám kỳ bí như Keigo lại tạo nên một điều tuyệt vời như thế, bởi không có quá nhiều chi tiết nghẹt thở nhưng ông vẫn khiến người đọc phải chú tâm lần theo sợi dây liên kết rất mỏng mà ông đặt vào tay các nhân vật. Ông đã khiến người khác tin vào sự xoay vần của tạo hoá, cũng như những điều diệu kỳ mà cuộc sống chứa đựng.
Cách Keigo chọn tình huống mở đầu khá thú vị: “Một đêm vội vã lẫn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, Atsuya, Shota và Kouhei đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hoá với biển hiệu cũ kĩ bám đầy bồ hóng, khiến người ta khó lòng đọc được trên đó viết gì. Định bụng nghỉ tạm một đêm rồi sáng hôm sau chuồn sớm, cả ba không ngờ chờ đợi cả bọn sẽ là một đêm không ngủ, với bao điều kỳ bí bắt đầu từ một phong thư bắt ngờ gửi đến…”. Những mẩu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan nhau cũng dần được nhân vật kể lại một cách chi tiết thông qua các bức thư. Thoạt tiên, nhưng bức thư được gửi bởi những người khác nhau, trong khoảng thời gian khác nhau dường như chẳng có chút liên quan gì. Nhưng dần dà, mọi thứ liên kết với nhau. Thì vậy, họ ở cùng một thị trấn cơ mà! Hình ảnh của tiệm tạp hoá Namiya dường như gắn liền với trại trẻ Marumitsu, bởi đằng sau hai nơi ấy chính là một mối tình đầy day dứt của ông chủ Fuji và bà Akiko – người sáng lập ra trại trẻ. Tuy họ đã không thể đến được với nhau sau rất nhiều sóng gió, nhưng có vẻ như ông Fuji chưa từng quên, bà Akiko cũng chính vì thương nhớ ông mà không lấy ai, chỉ chú tâm chăm sóc trại trẻ được đặt tại quê nhà của người bà từng yêu. Tác giả còn khéo léo để chúng ta nhìn thấy được những sự việc được móc nối một cách hoàn hảo, khi thấp thoáng lồng ghép cuộc đời của các nhân vật với nhau.
Lúc đi sâu vào quyển sách, tôi thật sự nghĩ các nhân vật đang chọn cách “tâm sự với người lạ”. Họ không biết ai là người sẽ trả lời thư cho mình và người đó có thật lòng hay không nhưng vẫn chấp nhận gửi thư đến. Phải chăng dẫu xung quanh chúng ta có bao nhiêu người đi nữa thì hẳn cũng có lúc bản thân cảm thấy vô cùng bất lực khi chẳng thể sẻ chia, hoặc giả, ta chỉ muốn nói với một người chẳng liên quan, chỉ để vơi nỗi long, chỉ để nếu chẳng giải quyết được gì, cũng sẽ như trang giấy trắng xét bỏ, chẳng còn ràng buộc với nhau? Ấy thế mà thật kỳ diệu, mọi người tìm đến tiệm tạp hoá Namiya không những đã giải toả được phần nào điều mà mình không thể nói với người thân cận, mà còn vô tình tiếp thêm sức mạnh để ông Fuji vượt qua những ngày tuổi già cô quạnh.Vậy tại sao họ lại tin tưởng và tìm đến ông để gỡ rối? Bởi ông đã dùng cả con tim mình để trả lời những bức thư đó chăng? Từ bức thư ngô nghê của một cậu học trò muốn được 100 điểm, đến câu chuyện phức tạp của cô gái lỡ có thai với một người đã có vợ, ông lúc nào cũng dành hết tâm sức vào những bức thư đó cho đến khi bản thân cảm thấy hài lòng với câu trả lời của mình mới thôi. Dù ông biết những người đặt câu hỏi đã có riêng cho mình câu trả lời, nhưng ông vẫn cố gắng tìm từ ngữ thích hợp nhất để xoa dịu phần nào khó khăn đè nặng trong lòng người hỏi. Ông không đặt mình làm trung tâm để áp đặt người khác, mà dịu dàng trao cho họ chiếc chìa khoá để họ can đảm mở những nút thắt, đây mới thực sự là điều khiến tôi trân trọng và cảm động. Số phận của chúng ta vốn dĩ chỉ có bản thân mình mới có thể quyết định được, vậy nên hãy can đảm và chân thành, nhất định mọi thứ sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.
Bìa sách khi phát hành ở Trung Quốc
Cuộc sống vốn dĩ có quá nhiều điều bất ngờ, vậy nên việc Keigo tạo một vòng tròn luân hồi khiến bản thân tôi vô cùng hài lòng. Các tuyến nhân vật cứ xoay vòng cho đến khi nó tạo nên mối dây liên kết chặt chẽ và tự giải thoát bằng chính sự can đảm của mình để đạt được những điều tuyệt vời nhất. Ai trong chúng ta mà chẳng sai lầm, quan trọng là chúng ta đã làm gì để sửa chữa và khiến nó trở nên tốt đẹp hơn.
Trước khi chết, ông đã dặn con trai mình đăng tin khuyến khích mọi người chia sẻ cảm xúc thật sự khi nhận được lời khuyên vào ngày giỗ thứ 32 của mình. Tôi không nghĩ con trai và cháu ông sẽ vẫn nhớ lời hứa đó, nhưng có vẻ như ông đã luôn ở cạnh họ để nhắc nhở về “lời hứa giữa hai người đàn ông”. Hoặc giả, chính long nhiệt tình của ông đã làm xúc động con cháu, khiến họ trân trọng sự “rỗi rãi” của ông. Khi thông tin được tải lên internet, bất ngờ là mặc dù không phải ai cũng hiểu hết những điều mà ông nói, đều làm theo lời ông khuyên, quyết định của người nhờ tư vấn cũng không hẳn là đúng và mang lại hạnh phúc. Những người được ông tư vấn đã thực sự trở về sau 32 năm với một tấm lòng thành kính to lớn, họ đã xem ông như một ân nhân khi tất cả quay lại với sự thành công nhất định nào đó. Dĩ nhiên, đâu phải ai cũng làm theo lời khuyên của ông, cũng có người đã phải hối hận vì quyết định sai trái năm nào, nhưng đã nói dối ông rằng nhờ ông mà người đó đã không sai lầm, để “cứu rỗi” cho tâm hồn của ông và lan truyền nhiệt hút của ông cho những người gửi gắms khác. Và càng ngạc nhiên hơn khi trong số những lời biết ơn đó là dành cho ba tên trộm lẫn trốn trong tiệm. Cả ba đã nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống qua những lần trao đổi thư, có lẽ thế nên họ mới nán lại lâu hơn dự tính mà không phàn nàn nữa. Ở đó họ tìm thấy câu trả lời mà mình luôn trăn trở bấy lâu nay: “Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số đó ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình. Nhưng có lẽ bạn không thuộc hai loại này.Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm đâu. Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì tờ giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tuỳ ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc sống”.
Kịch sân khấu chuyển thể ở Nhật
Mỗi câu chuyện đều để lại trong lòng tôi những cảm xúc rất khác nhau. Tôi thích nhất là câu chuyện của Nhạc sĩ cửa hàng cá, tôi thích cách anh dám ước mơ và theo đuổi nó đến cùng dù mãi cũng không có thành tựu gì lớn. Bấy giờ, chắc chắn sẽ có những bạn tự vấn bản thân: “Mình có từng dám nghĩ và dám làm như vậy chưa?”. Tôi chợt nhớ đến một câu nói, nếu dám làm bạn có thể sẽ thành công nhưng không làm thì chắc chắn đã thất bại. Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh vẫn chưa bao giờ từ bỏ nó: “Vậy thì bố ơi, con sắp để lại được dấu ấn rồi. Dù chỉ là một trận thua”, có lẽ chính sự chân thành của anh đã để lại một “Tái sinh” vô cùng tuyệt vời cho nền âm nhạc. Ngoài ra, nhân vật khiến tôi cảm thấy khâm phục nhất chính là cô nàng Green River, bởi lẽ chấp nhận làm một bà mẹ đơn thân trong tình cảnh vô cùng khó khăn chẳng phải là điều dễ dàng gì. Nghe lại câu chuyện về một người mẹ cố gắng dùng hơi sức cuối cùng để bảo vệ cô con gái bé bỏng thực sự khiến chúng ta không khỏi xót xa. Tôi tự hỏi, sức mạnh ấy ở đâu ra? Phải chăng chính vì thế người ta mới gọi yêu thương đó với hai từ “thiên chức”? Một người làm mẹ dù có thể nào cũng phải mang lại hạnh phúc cho con mình, huống hồ chị đã không thể để cô bé có một người cha như bao đứa trẻ khác.
Keigo đã vẽ nên vô vàn điều tuyệt vời bằng cách tô sáng những trong các mảnh đời bất hạnh. Ông dạy chúng ta bài học về sự tin tưởng và sẻ chia. Rằng hãy tin vào bản thân mình trước, tránh cảm giác nghi ngờ luôn đeo bám và áp đặt lên người khác. Keigo còn nhắc chúng ta nhớ rằng một trong những điều khiến trái tim ta trở nên dễ chịu hơn chính là biết sẻ chia, mở lòng ra để thêm chứa chan và nhận yêu thương từ cuộc sống.
Nếu bắt đầu tôi chọn màu xanh thăm thẳm của màn đêm, thì khi kết thúc Keigo lại kéo ánh mặt trời lên bằng những tia nắng ấm áp của buổi bình minh. Đó chính là Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hoá Namiya.
Tiệm tạp hoá Namiya - Tấm bản đồ của người lạc lối
Màu xanh thăm thẳm của đêm bao trùm lấy bìa sách, trong thứ bóng tối dịu êm ấy ta nhìn thấy rất nhiều thứ: chiếc máy phát nhạc từ đĩa than, phong thư, đàn ghita, điện thoại, đồng hồ cổ và bóng của ba người dưới ánh trăng. Tất cả xoay quanh tiệm tạp hoá cũ với chiếc bảng hiệu bị bồ hóng đóng đến mức khó nhìn thấy được tên của nó. Thứ màu huyễn hoặc của màn đêm hoà vào những điểm sáng của các vật dụng tưởng chừng chẳng liên quan gì khiến tôi vô cùng tò mò. Higashino Keigo liệu có kể những câu chuyện trinh thám phức tạp như những quyển sách trước nữa không? Điều bất ngờ gì sẽ ẩn chứa sau những món đồ ấy? Lật mở trang sách đầu tiên, các nhân vật từ từ hiện ra và họ kể về cuộc đời mình với những màu sáng, tối khác nhau.
Hình do người review chụp
Giọng văn kể chuyện chậm rãi, quyển tiểu thuyết dường như thoang thoảng trong từng nét chữ những nỗi buồn không rõ hình hài. Vòng xoay tạo hoá cũng bắt đầu chuyển động đè lên những khắc nghiệt của cuộc sống và mang đến những ấm áp dịu ngọt cho những số phận mang nhiều nỗi niềm hoang mang. Tôi không nghĩ một người chuyên viết về đề tài trinh thám kỳ bí như Keigo lại tạo nên một điều tuyệt vời như thế, bởi không có quá nhiều chi tiết nghẹt thở nhưng ông vẫn khiến người đọc phải chú tâm lần theo sợi dây liên kết rất mỏng mà ông đặt vào tay các nhân vật. Ông đã khiến người khác tin vào sự xoay vần của tạo hoá, cũng như những điều diệu kỳ mà cuộc sống chứa đựng.
Cách Keigo chọn tình huống mở đầu khá thú vị: “Một đêm vội vã lẫn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, Atsuya, Shota và Kouhei đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hoá với biển hiệu cũ kĩ bám đầy bồ hóng, khiến người ta khó lòng đọc được trên đó viết gì. Định bụng nghỉ tạm một đêm rồi sáng hôm sau chuồn sớm, cả ba không ngờ chờ đợi cả bọn sẽ là một đêm không ngủ, với bao điều kỳ bí bắt đầu từ một phong thư bắt ngờ gửi đến…”. Những mẩu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan nhau cũng dần được nhân vật kể lại một cách chi tiết thông qua các bức thư. Thoạt tiên, nhưng bức thư được gửi bởi những người khác nhau, trong khoảng thời gian khác nhau dường như chẳng có chút liên quan gì. Nhưng dần dà, mọi thứ liên kết với nhau. Thì vậy, họ ở cùng một thị trấn cơ mà! Hình ảnh của tiệm tạp hoá Namiya dường như gắn liền với trại trẻ Marumitsu, bởi đằng sau hai nơi ấy chính là một mối tình đầy day dứt của ông chủ Fuji và bà Akiko – người sáng lập ra trại trẻ. Tuy họ đã không thể đến được với nhau sau rất nhiều sóng gió, nhưng có vẻ như ông Fuji chưa từng quên, bà Akiko cũng chính vì thương nhớ ông mà không lấy ai, chỉ chú tâm chăm sóc trại trẻ được đặt tại quê nhà của người bà từng yêu. Tác giả còn khéo léo để chúng ta nhìn thấy được những sự việc được móc nối một cách hoàn hảo, khi thấp thoáng lồng ghép cuộc đời của các nhân vật với nhau.
Lúc đi sâu vào quyển sách, tôi thật sự nghĩ các nhân vật đang chọn cách “tâm sự với người lạ”. Họ không biết ai là người sẽ trả lời thư cho mình và người đó có thật lòng hay không nhưng vẫn chấp nhận gửi thư đến. Phải chăng dẫu xung quanh chúng ta có bao nhiêu người đi nữa thì hẳn cũng có lúc bản thân cảm thấy vô cùng bất lực khi chẳng thể sẻ chia, hoặc giả, ta chỉ muốn nói với một người chẳng liên quan, chỉ để vơi nỗi long, chỉ để nếu chẳng giải quyết được gì, cũng sẽ như trang giấy trắng xét bỏ, chẳng còn ràng buộc với nhau? Ấy thế mà thật kỳ diệu, mọi người tìm đến tiệm tạp hoá Namiya không những đã giải toả được phần nào điều mà mình không thể nói với người thân cận, mà còn vô tình tiếp thêm sức mạnh để ông Fuji vượt qua những ngày tuổi già cô quạnh.Vậy tại sao họ lại tin tưởng và tìm đến ông để gỡ rối? Bởi ông đã dùng cả con tim mình để trả lời những bức thư đó chăng? Từ bức thư ngô nghê của một cậu học trò muốn được 100 điểm, đến câu chuyện phức tạp của cô gái lỡ có thai với một người đã có vợ, ông lúc nào cũng dành hết tâm sức vào những bức thư đó cho đến khi bản thân cảm thấy hài lòng với câu trả lời của mình mới thôi. Dù ông biết những người đặt câu hỏi đã có riêng cho mình câu trả lời, nhưng ông vẫn cố gắng tìm từ ngữ thích hợp nhất để xoa dịu phần nào khó khăn đè nặng trong lòng người hỏi. Ông không đặt mình làm trung tâm để áp đặt người khác, mà dịu dàng trao cho họ chiếc chìa khoá để họ can đảm mở những nút thắt, đây mới thực sự là điều khiến tôi trân trọng và cảm động. Số phận của chúng ta vốn dĩ chỉ có bản thân mình mới có thể quyết định được, vậy nên hãy can đảm và chân thành, nhất định mọi thứ sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.
Bìa sách khi phát hành ở Trung Quốc
Cuộc sống vốn dĩ có quá nhiều điều bất ngờ, vậy nên việc Keigo tạo một vòng tròn luân hồi khiến bản thân tôi vô cùng hài lòng. Các tuyến nhân vật cứ xoay vòng cho đến khi nó tạo nên mối dây liên kết chặt chẽ và tự giải thoát bằng chính sự can đảm của mình để đạt được những điều tuyệt vời nhất. Ai trong chúng ta mà chẳng sai lầm, quan trọng là chúng ta đã làm gì để sửa chữa và khiến nó trở nên tốt đẹp hơn.
Trước khi chết, ông đã dặn con trai mình đăng tin khuyến khích mọi người chia sẻ cảm xúc thật sự khi nhận được lời khuyên vào ngày giỗ thứ 32 của mình. Tôi không nghĩ con trai và cháu ông sẽ vẫn nhớ lời hứa đó, nhưng có vẻ như ông đã luôn ở cạnh họ để nhắc nhở về “lời hứa giữa hai người đàn ông”. Hoặc giả, chính long nhiệt tình của ông đã làm xúc động con cháu, khiến họ trân trọng sự “rỗi rãi” của ông. Khi thông tin được tải lên internet, bất ngờ là mặc dù không phải ai cũng hiểu hết những điều mà ông nói, đều làm theo lời ông khuyên, quyết định của người nhờ tư vấn cũng không hẳn là đúng và mang lại hạnh phúc. Những người được ông tư vấn đã thực sự trở về sau 32 năm với một tấm lòng thành kính to lớn, họ đã xem ông như một ân nhân khi tất cả quay lại với sự thành công nhất định nào đó. Dĩ nhiên, đâu phải ai cũng làm theo lời khuyên của ông, cũng có người đã phải hối hận vì quyết định sai trái năm nào, nhưng đã nói dối ông rằng nhờ ông mà người đó đã không sai lầm, để “cứu rỗi” cho tâm hồn của ông và lan truyền nhiệt hút của ông cho những người gửi gắms khác. Và càng ngạc nhiên hơn khi trong số những lời biết ơn đó là dành cho ba tên trộm lẫn trốn trong tiệm. Cả ba đã nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống qua những lần trao đổi thư, có lẽ thế nên họ mới nán lại lâu hơn dự tính mà không phàn nàn nữa. Ở đó họ tìm thấy câu trả lời mà mình luôn trăn trở bấy lâu nay: “Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số đó ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình. Nhưng có lẽ bạn không thuộc hai loại này.Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm đâu. Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì tờ giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tuỳ ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc sống”.
Kịch sân khấu chuyển thể ở Nhật
Mỗi câu chuyện đều để lại trong lòng tôi những cảm xúc rất khác nhau. Tôi thích nhất là câu chuyện của Nhạc sĩ cửa hàng cá, tôi thích cách anh dám ước mơ và theo đuổi nó đến cùng dù mãi cũng không có thành tựu gì lớn. Bấy giờ, chắc chắn sẽ có những bạn tự vấn bản thân: “Mình có từng dám nghĩ và dám làm như vậy chưa?”. Tôi chợt nhớ đến một câu nói, nếu dám làm bạn có thể sẽ thành công nhưng không làm thì chắc chắn đã thất bại. Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh vẫn chưa bao giờ từ bỏ nó: “Vậy thì bố ơi, con sắp để lại được dấu ấn rồi. Dù chỉ là một trận thua”, có lẽ chính sự chân thành của anh đã để lại một “Tái sinh” vô cùng tuyệt vời cho nền âm nhạc. Ngoài ra, nhân vật khiến tôi cảm thấy khâm phục nhất chính là cô nàng Green River, bởi lẽ chấp nhận làm một bà mẹ đơn thân trong tình cảnh vô cùng khó khăn chẳng phải là điều dễ dàng gì. Nghe lại câu chuyện về một người mẹ cố gắng dùng hơi sức cuối cùng để bảo vệ cô con gái bé bỏng thực sự khiến chúng ta không khỏi xót xa. Tôi tự hỏi, sức mạnh ấy ở đâu ra? Phải chăng chính vì thế người ta mới gọi yêu thương đó với hai từ “thiên chức”? Một người làm mẹ dù có thể nào cũng phải mang lại hạnh phúc cho con mình, huống hồ chị đã không thể để cô bé có một người cha như bao đứa trẻ khác.
Keigo đã vẽ nên vô vàn điều tuyệt vời bằng cách tô sáng những trong các mảnh đời bất hạnh. Ông dạy chúng ta bài học về sự tin tưởng và sẻ chia. Rằng hãy tin vào bản thân mình trước, tránh cảm giác nghi ngờ luôn đeo bám và áp đặt lên người khác. Keigo còn nhắc chúng ta nhớ rằng một trong những điều khiến trái tim ta trở nên dễ chịu hơn chính là biết sẻ chia, mở lòng ra để thêm chứa chan và nhận yêu thương từ cuộc sống.
Nếu bắt đầu tôi chọn màu xanh thăm thẳm của màn đêm, thì khi kết thúc Keigo lại kéo ánh mặt trời lên bằng những tia nắng ấm áp của buổi bình minh. Đó chính là Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hoá Namiya.