Bí Mật Của Naoko - Bí mật của em hay nỗi tuyệt vọng nơi anh?
Keigo lại khiến tôi day dứt, không phải bởi những vụ án chứa đựng sự thật đầy nỗi xót xa hay quá khứ đầy tội lỗi nhưng ngập ngụa sự bi ai cần được chôn vùi của một ai đó. Bí Mật Của Naoko được phác thảo thành một câu chuyện tàn nhẫn thiên về tâm...
Keigo lại khiến tôi day dứt, không phải bởi những vụ án chứa đựng sự thật đầy nỗi xót xa hay quá khứ đầy tội lỗi nhưng ngập ngụa sự bi ai cần được chôn vùi của một ai đó. Bí Mật Của Naoko được phác thảo thành một câu chuyện tàn nhẫn thiên về tâm lý xã hội với các yếu tố kỳ ảo, bắt đầu bằng tấn bi kịch đổ ập lên thân phận nhỏ bé của các nhân vật và đến cuối cùng lại giết chết tia hy vọng mong manh của họ bằng việc tiết lộ bí mật vào phút 89. Trong lòng họ, những nỗi buồn cứ chực vỡ tan, một thứ đau thương mà mắt thường không thể nhìn và thấu suốt được. Là người chồng đã mất vợ, người cha đã mất con hay người phụ nữ mang hai thân phận đã tự kết liễu hạnh phúc của mình để mang đến một cuộc sống không thấp thoáng dáng hình tội lỗi cho người mình yêu? Trong chớp mắt, thế giới kỳ ảo bỗng khép lại nhường chỗ cho thực tại trần trụi và sự giằng xé khôn nguôi. Tôi thấy tiếc vì đã quá hời hợt khi đọc những trang đầu tiên, để rồi càng về sau lại càng nặng trĩu và nhận ra cảm xúc của mình đang bị tác giả kiểm soát, tất nhiên Keigo vẫn luôn là người chiến thắng.
“Heisuke nhìn vào bóng tối, thầm nghĩ không biết gã vừa mất vợ hay mất con gái”, câu nói này y hệt một cái đẩy tay thật mạnh khiến Heisuke rơi vào hố sâu của sự tăm tối, cuộc sống bình lặng của gã đã chính thức bị xáo trộn bởi tai nạn kinh hoàng đó. Gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái thì vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monani thực sự đã chết. Rốt cuộc Heisuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy? Gã không thể xem Naoko (trong thân xác Monami) là vợ, bởi làm sao có thể đối xử và hành động như một người chồng khi đối diện với hình hài của con gái, như vậy khác nào gã chấp nhận xóa bỏ những ký ức về Monami khỏi cuộc sống? Gã cũng chưa chắc có được những ngày tháng suôn sẻ nếu quyết định đi bước nữa và xem Naoko như con gái mình. Keigo đã đẩy nhân vật vào hoàn cảnh đầy trớ trêu và cay đắng thế đấy, tôi tự hỏi Heisuke liệu đã mang lỗi lầm gì mà ông lại khiến gã phải nhận kết cục đau đớn như vậy?
Heisuke tất nhiên là nhân vật đáng thương nhất, việc gã không thể giữ lại cả hai người mà mình yêu thương nhất đã bất hạnh lắm rồi, bởi dù mất đi ai thì khoảng trống trong lòng gã cũng không thể lấp đầy. Heisuke đã rất cố gắng để bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới bên cạnh cô vợ mang hình hài của con gái như một ông bố đang ở trong tình cảnh “gà trống nuôi con” nhưng hàng loạt tình huống dở khóc dở cười lại xuất hiện và khiến mọi thứ dần chuyển biến xấu. Khi gã dần già đi thì Naoko trong thân hình con gái lại trưởng thành và ngày càng xinh đẹp. Gã bắt đầu lo lắng, nghi ngờ, ghen tuông và bộc lộ tất cả những rối rắm ấy một cách chẳng hay ho chút nào. Dù vậy thì tôi vẫn rất khâm phục tình cảm của Heisuke, lúc gã có xem tạp chí khiêu dâm rồi tưởng tượng ra hình hài cô gái khác để tự giải quyết nhu cầu sinh lý hay lần đến nhà chứa tìm gái, tôi vẫn cảm thấy gã đáng thương hơn đáng trách. Gã không cố gồng mình để làm người cao thượng, gã sống thật với những xúc cảm của bản thân và tôi luôn có cảm giác gã đang kìm nén để không hét lên với cả thế giới rằng Monami mà mọi người đang thấy chính là vợ gã. Tôi thực sự không thể biết gã đã chịu đựng những dục vọng và vượt qua nỗi ngượng ngùng khi nhìn thấy con gái dần lớn lên như thế nào, tôi chỉ biết gã đến cuối cùng đã đánh mất cả hai người mà mình yêu nhất. Và đó là nỗi bi ai lớn nhất!
Naoko vẫn ở đó bằng lời nói, hành động và cả tâm hồn của một người vợ hết mực yêu thương chồng, nhưng những điều đó làm sao có thể khỏa lấp sự mất mát đang đầy ấp trong tâm trí gã? Nàng vì cố sống cho phần con mà bỗng nhiên trở thành nhân vật ích kỷ. Tôi không ghét Naoko, nói đúng hơn thì tôi thích cách Keigo để nàng được sống lại một cuộc đời không-hối-tiếc. Naoko trong thân xác của Monami buộc phải trưởng thành, suy nghĩ của nàng dẫu hoàn toàn thay đổi thì tôi vẫn tin đó chính là cách nàng thể hiện tình yêu với chồng. Nàng cố gắng để con gái trở thành một người giỏi và độc lập; nàng lao đầu vào học hành, thi cử hòng giúp Monami mở rộng cuộc sống chứ không mãi quẩn quanh trong xó bếp như nàng đã từng; nàng dự định hết mọi thứ chỉ để Heisuke an lòng mà tìm lại hạnh phúc cho mình. Tôi vẫn nhớ lời đề nghị làm chuyện ấy cùng Heisuke của nàng trong lần hai người giận nhau vì Soma – anh khóa trên thầm để ý Monami ở câu lạc bộ tennis, khoảnh khắc hai người khó khăn khi chạm vào nhau trên giường đã khiến lòng tôi quặn thắt, dẫu tôi biết gã sẽ không thể và Naoko chắc chắn cũng đau lòng. Tôi nhận ra Heisuke và Naoko dù cố gắng cách mấy cũng không thể hàn gắn như trước, vậy nên tôi đồng ý với quyết định cuối cùng của nàng.
Bí Mật Của Naoko đã được Nhã Nam tái bản với bìa hoàn toàn mới, ngoài ra tiểu thuyết còn được chuyển thể thành movie và drama. Trong đó, movie bám khá sát truyện còn drama với thời lượng 9 tập cũng cố gắng sửa lại một số chi tiết cho phù hợp với fomat phim truyền hình. Nhân vật Soma được nhắc đến thoáng qua trong bản tiểu thuyết khi được chuyển thể thành phim đã trở thành bi kịch làm gãy vỡ mối quan hệ của Naoko và Heisuke. Tuy nhiên vì thời lượng phát sóng nên phim chỉ bắt đầu bi kịch ấy khi Monami đã học cấp ba trong khi truyện là chuỗi kéo dài từ hồi cấp hai, tất nhiên điều này sẽ khó làm bật ý chí sống khác, cũng như sự chuyển biến tâm lý của Naoko trong thân xác con gái. Nhân vật Heisuke bỗng nhiên hoàn hảo quá phi lý khi lên màn ảnh rộng cũng dễ gây cảm giác nhàm chán, Keigo đã rất thành công khi để gã sống thật với những ham muốn bình thường trong 10 năm dài và điều đó như một lời khẳng định về tấm lòng trước sau như một của gã. Đặc biệt phải kể đến câu chuyện về gia đình người tài xế đã gây tai nạn, cả truyện lẫn phim đều khắc họa những bi kịch của họ khá đậm nét, khiến tôi vừa xót xa vừa cảm thấy thỏa mãn vì tuyến nhân vật phụ không hề bị lãng quên.
Là Naoko tự cho mình quyền trở thành Monami hay chính Heisuke đã quyết định chuyện ấy? Điều đó liệu có còn quan trọng nữa không khi Naoko và Heisuke đều chịu đau khổ. Thương thay cho Heisuke khi anh chẳng thể làm được gì ngoài việc ngậm ngùi trong nước mắt và tự chôn vùi bí mật về người vợ của mình, vì quá hiểu Naoko nên chính anh là người chịu nhiều sự dày vò nhất. Gã tưởng mình đang nguôi ngoai chấp nhận trước khi con gái theo chồng nhưng nào có phải vậy đâu, bởi Naoko vô tình đã chọn con đường gieo lại tổn thương nhiều nhất cho chồng mình. Giọt nước mắt và sự bất lực ấy liệu còn nhấn chìm gã bao nhiêu nữa trong sự tuyệt vọng mơ hồ? Còn Naoko, nàng có thực sự hạnh phúc khi lựa chọn con đường từ bỏ thân phận thật không?
"Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt."
Bí Mật Của Naoko - Bí mật của em hay nỗi tuyệt vọng nơi anh?
Keigo lại khiến tôi day dứt, không phải bởi những vụ án chứa đựng sự thật đầy nỗi xót xa hay quá khứ đầy tội lỗi nhưng ngập ngụa sự bi ai cần được chôn vùi của một ai đó. Bí Mật Của Naoko được phác thảo thành một câu chuyện tàn nhẫn thiên về tâm lý xã hội với các yếu tố kỳ ảo, bắt đầu bằng tấn bi kịch đổ ập lên thân phận nhỏ bé của các nhân vật và đến cuối cùng lại giết chết tia hy vọng mong manh của họ bằng việc tiết lộ bí mật vào phút 89. Trong lòng họ, những nỗi buồn cứ chực vỡ tan, một thứ đau thương mà mắt thường không thể nhìn và thấu suốt được. Là người chồng đã mất vợ, người cha đã mất con hay người phụ nữ mang hai thân phận đã tự kết liễu hạnh phúc của mình để mang đến một cuộc sống không thấp thoáng dáng hình tội lỗi cho người mình yêu? Trong chớp mắt, thế giới kỳ ảo bỗng khép lại nhường chỗ cho thực tại trần trụi và sự giằng xé khôn nguôi. Tôi thấy tiếc vì đã quá hời hợt khi đọc những trang đầu tiên, để rồi càng về sau lại càng nặng trĩu và nhận ra cảm xúc của mình đang bị tác giả kiểm soát, tất nhiên Keigo vẫn luôn là người chiến thắng.
“Heisuke nhìn vào bóng tối, thầm nghĩ không biết gã vừa mất vợ hay mất con gái”, câu nói này y hệt một cái đẩy tay thật mạnh khiến Heisuke rơi vào hố sâu của sự tăm tối, cuộc sống bình lặng của gã đã chính thức bị xáo trộn bởi tai nạn kinh hoàng đó. Gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái thì vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monani thực sự đã chết. Rốt cuộc Heisuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy? Gã không thể xem Naoko (trong thân xác Monami) là vợ, bởi làm sao có thể đối xử và hành động như một người chồng khi đối diện với hình hài của con gái, như vậy khác nào gã chấp nhận xóa bỏ những ký ức về Monami khỏi cuộc sống? Gã cũng chưa chắc có được những ngày tháng suôn sẻ nếu quyết định đi bước nữa và xem Naoko như con gái mình. Keigo đã đẩy nhân vật vào hoàn cảnh đầy trớ trêu và cay đắng thế đấy, tôi tự hỏi Heisuke liệu đã mang lỗi lầm gì mà ông lại khiến gã phải nhận kết cục đau đớn như vậy?
Heisuke tất nhiên là nhân vật đáng thương nhất, việc gã không thể giữ lại cả hai người mà mình yêu thương nhất đã bất hạnh lắm rồi, bởi dù mất đi ai thì khoảng trống trong lòng gã cũng không thể lấp đầy. Heisuke đã rất cố gắng để bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới bên cạnh cô vợ mang hình hài của con gái như một ông bố đang ở trong tình cảnh “gà trống nuôi con” nhưng hàng loạt tình huống dở khóc dở cười lại xuất hiện và khiến mọi thứ dần chuyển biến xấu. Khi gã dần già đi thì Naoko trong thân hình con gái lại trưởng thành và ngày càng xinh đẹp. Gã bắt đầu lo lắng, nghi ngờ, ghen tuông và bộc lộ tất cả những rối rắm ấy một cách chẳng hay ho chút nào. Dù vậy thì tôi vẫn rất khâm phục tình cảm của Heisuke, lúc gã có xem tạp chí khiêu dâm rồi tưởng tượng ra hình hài cô gái khác để tự giải quyết nhu cầu sinh lý hay lần đến nhà chứa tìm gái, tôi vẫn cảm thấy gã đáng thương hơn đáng trách. Gã không cố gồng mình để làm người cao thượng, gã sống thật với những xúc cảm của bản thân và tôi luôn có cảm giác gã đang kìm nén để không hét lên với cả thế giới rằng Monami mà mọi người đang thấy chính là vợ gã. Tôi thực sự không thể biết gã đã chịu đựng những dục vọng và vượt qua nỗi ngượng ngùng khi nhìn thấy con gái dần lớn lên như thế nào, tôi chỉ biết gã đến cuối cùng đã đánh mất cả hai người mà mình yêu nhất. Và đó là nỗi bi ai lớn nhất!
Naoko vẫn ở đó bằng lời nói, hành động và cả tâm hồn của một người vợ hết mực yêu thương chồng, nhưng những điều đó làm sao có thể khỏa lấp sự mất mát đang đầy ấp trong tâm trí gã? Nàng vì cố sống cho phần con mà bỗng nhiên trở thành nhân vật ích kỷ. Tôi không ghét Naoko, nói đúng hơn thì tôi thích cách Keigo để nàng được sống lại một cuộc đời không-hối-tiếc. Naoko trong thân xác của Monami buộc phải trưởng thành, suy nghĩ của nàng dẫu hoàn toàn thay đổi thì tôi vẫn tin đó chính là cách nàng thể hiện tình yêu với chồng. Nàng cố gắng để con gái trở thành một người giỏi và độc lập; nàng lao đầu vào học hành, thi cử hòng giúp Monami mở rộng cuộc sống chứ không mãi quẩn quanh trong xó bếp như nàng đã từng; nàng dự định hết mọi thứ chỉ để Heisuke an lòng mà tìm lại hạnh phúc cho mình. Tôi vẫn nhớ lời đề nghị làm chuyện ấy cùng Heisuke của nàng trong lần hai người giận nhau vì Soma – anh khóa trên thầm để ý Monami ở câu lạc bộ tennis, khoảnh khắc hai người khó khăn khi chạm vào nhau trên giường đã khiến lòng tôi quặn thắt, dẫu tôi biết gã sẽ không thể và Naoko chắc chắn cũng đau lòng. Tôi nhận ra Heisuke và Naoko dù cố gắng cách mấy cũng không thể hàn gắn như trước, vậy nên tôi đồng ý với quyết định cuối cùng của nàng.
Bí Mật Của Naoko đã được Nhã Nam tái bản với bìa hoàn toàn mới, ngoài ra tiểu thuyết còn được chuyển thể thành movie và drama. Trong đó, movie bám khá sát truyện còn drama với thời lượng 9 tập cũng cố gắng sửa lại một số chi tiết cho phù hợp với fomat phim truyền hình. Nhân vật Soma được nhắc đến thoáng qua trong bản tiểu thuyết khi được chuyển thể thành phim đã trở thành bi kịch làm gãy vỡ mối quan hệ của Naoko và Heisuke. Tuy nhiên vì thời lượng phát sóng nên phim chỉ bắt đầu bi kịch ấy khi Monami đã học cấp ba trong khi truyện là chuỗi kéo dài từ hồi cấp hai, tất nhiên điều này sẽ khó làm bật ý chí sống khác, cũng như sự chuyển biến tâm lý của Naoko trong thân xác con gái. Nhân vật Heisuke bỗng nhiên hoàn hảo quá phi lý khi lên màn ảnh rộng cũng dễ gây cảm giác nhàm chán, Keigo đã rất thành công khi để gã sống thật với những ham muốn bình thường trong 10 năm dài và điều đó như một lời khẳng định về tấm lòng trước sau như một của gã. Đặc biệt phải kể đến câu chuyện về gia đình người tài xế đã gây tai nạn, cả truyện lẫn phim đều khắc họa những bi kịch của họ khá đậm nét, khiến tôi vừa xót xa vừa cảm thấy thỏa mãn vì tuyến nhân vật phụ không hề bị lãng quên.
Là Naoko tự cho mình quyền trở thành Monami hay chính Heisuke đã quyết định chuyện ấy? Điều đó liệu có còn quan trọng nữa không khi Naoko và Heisuke đều chịu đau khổ. Thương thay cho Heisuke khi anh chẳng thể làm được gì ngoài việc ngậm ngùi trong nước mắt và tự chôn vùi bí mật về người vợ của mình, vì quá hiểu Naoko nên chính anh là người chịu nhiều sự dày vò nhất. Gã tưởng mình đang nguôi ngoai chấp nhận trước khi con gái theo chồng nhưng nào có phải vậy đâu, bởi Naoko vô tình đã chọn con đường gieo lại tổn thương nhiều nhất cho chồng mình. Giọt nước mắt và sự bất lực ấy liệu còn nhấn chìm gã bao nhiêu nữa trong sự tuyệt vọng mơ hồ? Còn Naoko, nàng có thực sự hạnh phúc khi lựa chọn con đường từ bỏ thân phận thật không?
"Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt."