Hóng Vén màn bí mật hậu trường của các phiên bản live-action Death Note (Phần 2)

Vén màn bí mật hậu trường của các phiên bản live-action Death Note (Phần 2)

Đăng vào ngày trong Tin tức 1586

Nhà sản xuất Sato Takahiro tiếp tục chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình thực hiện các phần live-action.

Quá trình sản xuất bộ phim năm 2006

Death Note
(c) NTV

- Nhóm Yotsuba, Near và Melo bị loại ra khỏi dự án phim năm 2006 vì lý do câu chuyện phim được thực hiện tập trung chủ yếu vào L và Raito. Phía nhà sản xuất đã nhận được sự chấp thuận việc này từ Shueisha và tác giả.

- Kết thúc của phần hai không được quyết định trước vì việc sản xuất phải tuân theo một lịch trình chặt chẽ nhưng sau đó đã có thỏa thuận theo hướng để cho L chiếm ưu thế trong đoạn kết.

- Trong bản manga, Raito được diễn tả là một thiên tài đang chán chường và vô tình nhận được cuốn Death Note, nhưng trong thời lượng hai tiếng ngắn ngủi, đạo diễn đã quyết định chỉnh sửa một chút, để cho Raito là người vô cùng phẫn nộ vì bọn tội phạm không bị luật pháp trừng trị. Theo cách đó, khán giả dễ dàng hiểu được động cơ khiến Raito hành động như vậy.

- Những cảnh liên quan đến Raye Penber ở tàu điện ngầm đáng lẽ diễn ra tại tuyến Yamanote ở Tokyo, tuy nhiên đoàn phim không được phép thực hiện ở đó. Thay vào đó họ đã làm cảnh quay tại tàu điện ngầm ở Fukuoka trong khoảng thời gian và kinh phí ít ỏi. Cảnh cuối cùng của phần một được quay tại bảo tàng nghệ thuật Kitakyushu, cũng ở Fukuoka.

- Oba Tsugumi tác giả của bộ truyện đã nghĩ ra tên thật của L, một chi tiết không hề xuất hiện trong manga.

Các Tử thần

Death Note
(c) NTV

- Để vạch ranh giới giữa bản điện ảnh và anime, ngay từ đầu họ đã quyết định rằng người lồng tiếng cho Ryuk sẽ là diễn viên thực thụ chứ không phải là diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp. Nakamuri Shido nhanh chóng nhận lời mời và làm tốt vai trò của mình đến nỗi anh được mời lồng tiếng lần nữa cho nhân vật này trong anime.

- Về Rem thì rất nhiều người hiểu lầm rằng nhân vật này là nam. Chính vì vậy, để duy trì hình ảnh phi giới tính của Rem, Ikehata Shinosuke là sự lựa chọn tốt nhất cho nhân vật này.

- Trong phần một, vì thời gian quay gấp rút nên một bức tượng cao 2,5m của Ryuk được chế tạo với mục đích dành cho quay kỹ xảo. Tuy nhiên họ không thể dành nhiều tâm sức vào từng chi tiết khuôn mặt do thời gian ngặt nghèo và bức tượng lại quá nặng để mang đi khắp nơi. Trong phần hai, nhân viên đã chỉnh sửa bức tượng Ryuk cho dễ di chuyển hơn, trong khi tượng của Rem chỉ có thân trên. Các bức tượng thực sự rất hữu dụng trong suốt quá trình quảng bá và thậm chí còn được sử dụng trong vở nhạc kịch năm 2015. Có lẽ do tận dụng quá nhiều nên hiện nay các bức tượng đều đã rách nát.

Phần ngoại truyện ra đời như thế nào?

Death Note
(c) NTV

- Kể cả trước khi phần một được công chiếu và phần hai được khởi quay thì nhà sản xuất đã lên ý tưởng làm phần phim ngoại truyện về L vì có rất nhiều thứ về L không được miêu tả trong bộ phim. Tại thời điểm đó họ chưa hề có được sự chấp thuận từ phía tác giả hay nhà xuất bản.

- Trong lần xuất hiện để quảng bá phim ở Sapporo, Hokkaido có sự tham gia của nhà sản xuất, Matsuyama và Fujimura Shinji (nam diễn viên đóng vai Wataru), Fujimura đã nhận được rất nhiều phản hồi đầy nhiệt tâm từ phía khán giả không kém gì Matsuyama. Lúc ấy, nhà sản xuất đã trấn an Matsuyama rằng chắc chắn L sẽ trở thành hit khi các bộ phim được ra mắt.

- Phần ngoại truyện cố gắng khắc họa phần "người" trong L, một điều không được miêu tả trong manga, ví dụ như cho anh chạy xe đạp - chi tiết chưa từng xuất hiện ở bản truyện gốc.

Ca khúc chủ đề được thể hiện bởi Red Hot Chili Peppers

Death Note
(c) NTV

- Tại thời điểm thực hiện các phần phim Death Note, phần lớn các bản chuyển thể từ những tác phẩm của Jump đều là anime. Mặc dù Death Note khá nổi tiếng trong cộng đồng fan manga nhưng vẫn cần được truyền bá rộng rãi đến các thế hệ, do đó họ chọn âm nhạc phương Tây làm ca khúc chủ đề của phim. Warner Music đề xuất chọn Red Hot Chili Peppers, vốn rất khác biệt với hình ảnh của Death Note, và ê kíp quyết định rằng sự khác biệt này sẽ giúp cho việc kết hợp càng thêm thú vị và bất ngờ.

- Tuy nhiên, nhân viên đoàn phim đã phải bay đến Los Angeles vào tháng 2/2006 trước khi bắt đầu quay phần một vì công ty thu âm không cho phép họ nghe trước ca khúc này. Đây cũng là nơi họ gặp các thành viên của ban nhạc và lần đầu tiên nghe bài Dani California.

- Sau đó Dani California được chọn là ca khúc chủ đề của phần một và phát hành dưới dạng single, còn ca khúc chủ đề của phần hai là Snow nằm trong album của Red Hot Chili Peppers được ra mắt cùng thời điểm công chiếu phần hai.

- Mặc dù ê kíp thực hiện vô cùng hào hứng về sự hợp tác với ban nhạc song những diễn viên như Fujiwara lại chẳng mặn mà gì, bởi họ không hiểu vì sao đây lại là một chuyện quan trọng vì họ chẳng biết gì về ban nhạc này. Chỉ có Kashii Yui, xuất hiện ở phần 1, cảm thấy vui mừng vì cô biết ban nhạc này.

Bộ phim trở thành bom tấn doanh thu phòng vé

Death Note
(c) NTV

- Phần một đã thu được khoảng 2,85 tỷ yên tiền vé, còn phần hai thu về gần gấp đôi với 5,2 tỷ yên.

- Cả đội ngũ sản xuất và công ty phát hành đều không ngờ rằng bộ phim có thể thành công như vậy, đặc biệt là phần hai vì đa số các phần sau đều bị thất bại so với phần một. Do đó, trong một buổi thầu để thúc đẩy doanh thu phòng vé cho phần hai, họ đã ra một quyết định chưa từng có, đó là phần một sẽ được chiếu trên TV trước khi phần hai ra rạp. Điều này đi ngược lại quy tắc thông thường của nền điện ảnh Nhật Bản, vì một bộ phim điện ảnh chỉ được phát hành video hay DVD ít nhất sau sáu tháng ra rạp và chỉ được phát sóng trên TV một năm sau khi khởi chiếu. Tại thời điểm ấy, phần một chỉ mới được chiếu vào tháng 6 và lịch chiếu phần hai là tháng 10, do đó khoảng cách chưa đến sáu tháng.

- Phần một được phát sóng vào ngày 27/10. Ngày hôm sau ê kíp và dàn diễn viên đã đến Hong Kong để thực hiện chiến dịch quảng bá, tại đây họ được chào đón nhiệt thành không kém gì khi ở Nhật. Fujiwara trở về Nhật vào sáng ngày 29/10 vì có lịch diễn kịch, còn nhà sản xuất và Matsuyama trở về vào buổi chiều. Sau khi đến Narita và tìm đường đến Shinagawa thông qua Narita Express và đi tuyến Yamanote, họ hoang mang vì có quá nhiều người hỏi chụp hình chung với Matsuyama vì trước đây hầu như công chúng không hề chú ý đến anh. Sau đó họ nhận ra rằng sự nổi tiếng đột ngột này là do phần một vừa được chiếu trên truyền hình.

- Phần ngoại truyện cũng đem về doanh thu khoảng 3,1 tỷ yên mặc dù có nhiều người trong ngành suy đoán bộ phim này sẽ không thành công. Điều này cũng biến Matsuyama trở thành thần tượng chỉ sau một đêm và anh bị mọi người bám theo ở khắp mọi nơi.

Nguồn: Doramaworld
Dịch: Eri-chan

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."