Tại sao người Hồng Kông lại có những cái tên tiếng Anh rất kỳ lạ?
Có rất nhiều người có tên bất thường. Thư ký tòa án tên là Rimsky Yuen và nguyên thư ký thực phẩm và sức khỏe tên là York Chow.
Nghệ sĩ nổi tiếng thì tên là Fanny Sit, Moses Chan và Dodo Cheng. Người mẫu thì có Vibeke, Bambi, Dada và Vonnie. Luật sư danh tiếng thì có Magnum, John Baptist, Ludwig, Ignatius, Bunny…
Cái tên còn vận cả vào người. Tháng 7 năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ một người phụ nữ tên Ice Wong có 460 gram thuốc được gọi là ice. Cách đây vài tháng, Devil Law phải ra hầu tòa vì tàng trữ ma túy và lái xe đâm vào xe buýt. Vào năm 2010, một người phụ nữ tên là Cash Leung đã phải ngồi tù vì dùng tiền giả trả cho tài xế.
Một blogger đã tạo ra trang HKSAR Name of the Day được update liên tục những cái tên kỳ lạ ở Hồng Kông, và con số hiện nay đã hơn 2000 tên.
Các chuyên gia ngôn ngữ học cho biết tên tiếng Anh này chẳng thể tìm thấy ở các nước nói tiếng Anh phương Tây, nhưng mà ở Hồng Kông, ngày càng có nhiều những cái tên khác thường ra đời, và chẳng ai xác định được chính xác xu hướng bắt đầu khi nào.
David Li, giáo sư tại khoa ngôn ngữ học và nghiên cứu ngôn ngữ hiện đại của Viện Giáo dục Hồng Kông cho biết: “Không có dấu hiệu giảm. Ngày càng có nhiều cái tên kỳ lạ hoặc bất thường xuất hiện, nếu ai đó ghi nhận lại thì sẽ thấy”.
Bộ di trú, cơ quan chính phủ giám sát đăng ký nhận dạng, không tổng hợp số liệu thống kê về các loại tên, nhưng một cuộc kiểm tra cho thấy các chuyên gia đã đúng.
Năm 2005, tác giả của HKSAR Blog kết luận rằng tên của 2,5% trong số 5707 luật sư là không bình thường, không phổ biến hoặc duy nhất. Có người còn tự khảo sát sổ đăng ký hiện tại của 7.367 luật sư, và tỷ lệ tên phù hợp với những mô tả này đã tăng lên 6%.
Để làm rõ lý do tại sao người Hồng Kông chọn được gọi là Whale hoặc Uriah thay vì John hoặc Jane, trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao họ có tên tiếng Anh nhé.
Ở Hồng Kông, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ mà hầu hết người dân đều hiểu, và văn hóa ăn uống của họ cũng không thiếu bánh mì và bơ, việc đặt một cái tên tiếng Anh thường xuất hiện như một lẽ thường. Đầu những năm 1980, trước khi chính phủ bắt đầu dùng tiếng Trung là ngôn ngữ giảng dạy, 90% các trường trung học được dạy bằng tiếng Anh. Một số người Hồng Kông được cha mẹ đặt tên khi mới sinh hoặc bởi giáo viên trong trường. Một số tự nghĩ ra tên mình.
Stephen Matthews, phó giáo sư của khoa Ngôn ngữ học tại trường Đại học Nhân văn Hồng Kông chia sẻ: “Thời thuộc địa, để tăng thêm uy tín, người ta chọn tên tiếng Anh. Các doanh nhân sẽ lấy tên tiếng Anh như một dấu ấn của sự tinh tế hoặc để cho thấy họ từng làm ăn với người nước ngoài. Còn ở trường, giáo viên nói tiếng Anh sẽ dễ nhớ tên tiếng Anh của học sinh hơn tên tiếng Trung”.
Và David Li cũng đề cập trong một bài báo năm 1997, gọi các sinh viên bằng tên tiếng Anh là một cách để khuyến khích sự quan tâm của họ đối với ngôn ngữ này”. Đây cũng là cách nhanh chóng việc làm quen làm lạ, vốn là một việc không dễ dàng với văn hoa Trung Hoa. “Ở Mỹ và Bắc Mỹ, mọi người thích gọi nhau bằng tên riêng, nhưng tên riêng của người Hoa thường chỉ cho gia đình và bạn bè thân thiết gọi thôi, họ không thoải mái lắm nếu người lạ gọi họ bằng tên thật”.
Matthews ước tính rằng 90% nữ giới và 65% sinh viên nam trong trường có tên tiếng Anh. Ban đầu, nhưng cái tên độc đáo bắt nguồn từ việc một bộ phận không nhỏ người dân bị giới hạn về tiếng Anh đặt ra.Đối với những cái tên độc đáo, ông cho biết ban đầu chúng phát sinh một phần do "kiến thức không đầy đủ" về ngôn ngữ tiếng Anh. Những cái tên có thể sót một ký tự nào đó là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, theo thời gian, mọi người đã ngừng đặt câu hỏi liệu các biến thể đó có phải là tên thật hay không và chấp nhận chúng. "Nó bắt nguồn từ việc biết quá ít tiếng Anh, nhưng bây giờ, nếu bạn thấy một cái tên khác thường, thì đó không phải vì tiếng Anh của họ không tốt nữa, mà là vì họ thích thế. Họ thích tùy hứng sử dụng tiếng Anh của họ. Nói cách khác, họ đang khẳng định bản sắc Hồng Kông của họ... Tiếng Anh ở Hồng Kông không còn là biểu tượng của ảnh hưởng thuộc địa, mà là một phần bản sắc dân tộc”.
Li cho biết, giới trẻ cảm thấy những cái tên thông thường không đặc sắc và họ muốn tạo sự khác biệt. Đôi khi, họ chọn tên các thương hiệu để đặt cho mình, ví dụ như Chanel, Rolex…
HKSAR Blog thống kê, thường thì tên tiếng Anh sẽ được đặt bằng cách thêm vào một ký tự, bớt đi, hoặc thế bằng một ký tự khác trong một từ gốc tiếng Anh. Bên cạnh đó, nam giới rất thích tên chữ “son” trong tên, ví dụ như Samuelson, Winson, Philson và Garson.
Nhiều tên tiếng Anh bắt nguồn từ sự đồng âm trong tên gốc. Ví dụ, có một luật sư tên thật là Tse Kar-son, thì anh ta sẽ đặt tên tiếng Anh của mình là Carson. Ca sĩ Lee Hak-kan (Lý Khắc Cần) tên tiếng Anh là Hacken. Ca sĩ Chan Yik-shun (Trần Dịch Tấn) là Eason.
Nhà thiết kế thời trang Amus Leung bật mí về cái tên tiếng Anh của mình. Đầu tiên, một giáo viên đã gợi ý cái tên Amos – một nhà tiên tri trong Kinh thánh. Sau đó, giáo viên này ghép nó với từ “amuse” và nghĩ ra cái tên Amus, nghe có vẻ mềm mại và phù hợp với tính cách của cô nàng hơn. Amus Leung khẳng định cô thích tên tiếng Anh của mình hơn, vừa dễ nhớ vừa là duy nhất trên đời, giống như bản thân cô vậy.
Người Hồng Kông không chọn những cái tên tiếng Anh có sẵn. Họ nghĩ ra tên còn dựa vào yếu tố văn hóa và ngôn ngữ. Khi bạn sống trong một thành phố nơi bạn có thể gặp một Raimundo, Psyche hoặc Schubert bất cứ lúc nào, cuộc sống sẽ thú vị hơn nhiều nhỉ.
Nguồn: The Alantic