Ninomiya Kazunari – Kẻ bị bắt nạt hoá “thiên tài” diễn xuất
Nạn nhân của bạo lực học đường… không vì lí do gì
Nhìn thử thành quả của Ninomiya gầy dựng bây giờ: rõ ràng anh nổi tiếng không chỉ ở phương diện thành viên nhóm nhạc Arashi hay khả năng diễn xuất “thiên bẩm” mà còn bởi tính cách đáng quý của một ngôi sao hạng A. Trong hầu hết các chương trình, Ninomiya luôn được giao trọng trách khuấy động không khí và tạo hiệu ứng hài hước, vui vẻ. Trước hay sau sân khấu, Ninomiya Kazunari luôn giữ thái độ lịch sự với bất kỳ ai, xứng đáng là một thanh niên tốt hiếm có.
Nhưng ai ngờ được Ninomiya chúng ta biết đã từng có một quá khứ trầm lặng đến ám ảnh. Bắt đầu từ trường mẫu giáo, Ninomiya đã bộc lộ là một đứa trẻ ghét bị chú ý. Cậu bé luôn tìm cách né tránh các hoạt động tập thể và im lặng làm mọi thứ một mình. Lên tiểu học, Ninomiya có biệt danh là cậu bé đeo yếm “Kintaro” và bị bắt nạt đến nỗi mỗi ngày đều không muốn đến trường. Trong truyện tranh Doraemon nếu Jaian từng đe dọa Nobita thì ở phiên bản đời thực kẻ bắt nạt cũng áp đặt triết lý ngang ngược lên Ninomiya thế này: "Dù tao làm gì, đó là lỗi của mày. Ngay cả khi tao hết chuyện, đó cũng là lỗi của mày."
Bản thân Ninomiya đã từng bị ám ảnh đến mức khẳng định không cần phải có bạn bè và không muốn trở thành trung tâm của bất cứ điều gì. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn khi anh gia nhập công ty của papa Johnny Kitagawa.
Bị mua chuộc bởi 5.000 yên để trở thành thần tượng
Ban đầu, Ninomiya không hề có hứng thú với danh xưng "thần tượng" mà mơ ước trở thành một cầu thủ bóng chày. Chỉ vì anh họ lén gửi hồ sơ cho công ty Johnny’s mà vô tình Ninomiya được gọi đến buổi thử giọng đúng ngay vào ngày thi đấu bóng chày. Tất nhiên Ninomiya nhất mực từ chối, nhưng khi mẹ dùng 5.000 yên để dụ dỗ thì anh đồng ý tham gia… cho vui.
Sau tất cả, vào năm 13 tuổi, chủ tịch Johnny quyết định để Ninomiya ra mắt với tư cách là thành viên của nhóm nhạc Arashi. Mặc dù ban đầu, Ninomiya luôn có cảm giác phải làm những thứ bản thân không có khả năng nhưng bằng cách thần kỳ nào đó Arashi lại trở thành một phần không thể tách rời với anh. Khi tham gia các hoạt động solo, Ninomiya đã thấy cô đơn chỉ vì thiếu các thành viên còn lại. Cho đến tận bây giờ, Ninomiya và bốn thành viên vẫn luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.
Thần tượng “đá chéo” hay diễn viên tài năng
Showbiz Nhật Bản có quy tắc ngầm thần tượng là thần tượng, nghệ sĩ hài là nghệ sĩ hài, và diễn viên là diễn viên, tên gọi phụ thuộc vào công ty quản lý. Có những công ty chuyên đào tạo diễn viên hài như Yoshimoto Kogyo, hay những công ty chuyên nuôi dưỡng thần tượng như Johnny & Associates. Ví dụ, miễn là họ trực thuộc công ty của papa Johnny, thì tự động được gán mác "thần tượng". Ngay cả khi sự nghiệp phát triển lấn sân sang các lĩnh vực khác thì vẫn không thể nâng cấp từ "thần tượng" thành nghệ danh khác. Chừng nào còn ở công ty quản lý ban đầu thì một thần tượng sẽ không thể thay đổi “nhãn mác”, trừ trường hợp ở độ tuổi được thăng chức thành "artist" như SMAP. Bất kể bạn diễn hay hát giỏi như thế nào, thì thần tượng vẫn không được tôn trọng lắm… Thậm chí có định kiến đã là thần tượng thì hiễn nhiên không có kỹ năng diễn xuất.
Nhưng với trường hợp của Ninomiya, từ “thần tượng” không bao giờ là đủ để nói về anh. Bởi vì khả năng thuyết phục người hâm mộ của Ninomiya không chỉ dừng ở giọng hát mà còn là diễn xuất trên màn ảnh lớn nhỏ.
(c) Asmik Ace Entertainment
Ao no Honou (2003) không phải là phim điện ảnh đầu tay của Ninomiya, không nhận được bất kỳ giải thưởng nào, doanh thu phòng vé cũng không đáng tự hào, nhưng kỹ năng diễn xuất của anh lại được công nhận và tạo ra nhiều cơ hội lớn sau này. Bao gồm việc góp mặt trong phim của đạo diễn Hollywood - Clint Eastwood, đạo diễn kịch sân khấu Mỹ - Robert Allan Ackerman, hay Toyotomi Toshikawa… tất cả đều muốn hợp tác với anh sau khi xem bộ phim này. Nhân vật Kushimori Shuichi với ngoại hình gầy gò nhẹ nhàng lấy đi nước mắt của khán giả, cho dù anh chỉ im lặng thì vẫn tạo cho người xem cảm giác rất chân thật. Cho thấy, Ninomiya giỏi nắm bắt và đặc tả chi tiết bằng cơ thể.
Những vai diễn mà anh đóng thật ra không dễ thực hiện, vì không theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân hay motif nhân vật phổ biến, nhưng Ninomiya hoàn toàn có thể điều khiển vai diễn của mình. Tiêu biểu có Jiwo Jima Kara no Tegami. Lúc đó mới khoảng 23 tuổi, Ninomiya đã trở thành người đầu tiên trong gia đình Johnny’s tiếp xúc với Hollywood, và màn trình diễn xuất sắc của Ninomiya được thế giới công nhận. Thời điểm năm 2006, ngoại trừ Ninomiya thì cả bốn thành viên còn lại của Arashi đều có vị trí riêng trong showbiz. Anh chủ động xin công ty quản lý thêm cơ hội casting, vì vậy mà có vai Saigo trong bộ phim điện ảnh này. Tại Liên hoan phim Berlin năm ấy, phóng viên nước ngoài hỏi kinh nghiệm anh có được với tư cách một diễn viên, Ninomiya khẳng định mình không phải là diễn viên, mà đang hát và nhảy ở Nhật Bản, hoạt động trong nhóm nhạc thần tượng năm người. Thay vì vội vã vứt bỏ gánh nặng thần tượng và thoát khỏi thành kiến của không ít người hâm mộ, Ninomiya biến những vụn vặt vô hình thành chất dinh dưỡng để vươn lên mạnh mẽ hơn.
Ninomiya nói rằng khi diễn xuất, anh sẽ mất trí nhớ tạm thời và ở trong trạng thái bị thôi miên nhẹ để chuyển đổi giữa mình và nhân vật. Nói cách khác, đó không phải “idol” Ninomiya Kazuyari mà là vai diễn anh đóng. Khi lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình Tekkonkinkreet (2007) và live-action Ansatsu Kyoushitsu (2016), Ninomiya không chỉ sử dụng thanh âm để thoại mà còn thay đổi cả ánh mắt và khí chất của mình để hòa làm một với vai diễn. Không có gì lạ khi những người từng làm việc với Ninomiya sử dụng từ "thiên tài" để mô tả anh.
Trong phim Hana no Kureseba (2015), diễn viên Yoshinaga Sayuri đảm nhận vai mẹ của nhân vật Koji do Ninomiya đóng luôn tự hào về cậu con trai này kể cả ở ngoài đời. Bà nói rằng Ninomiya chưa hề có cảnh NG, có thể đáp ứng mọi yêu cầu diễn xuất của đạo diễn Yamada. Ninomiya nhớ hết các câu thoại dài và biến nó theo cách diễn giải dễ chịu hơn, khiến cho tác phẩm chủ đề nặng nề này cũng có thể khiến mọi người mỉm cười.
Miễn là Ninomiya hợp tác với đạo diễn, nhà biên kịch hay diễn viên thì họ đều hết mực khen anh. Bởi vì ngoài kỹ năng diễn xuất, thái độ chuyên nghiệp của Ninomiya cũng được đánh giá cao, anh luôn ghi nhớ các câu thoại trước, hiếm khi cầm kịch bản đến địa điểm quay, chủ động nói chuyện với đồng nghiệp, trước khi ghi nhớ kịch bản thì tên của tất cả các nhân viên sẽ được ghi lại trước tiên…
(c) NTV, Toho, Nikkatsu
Ninomiya tham gia khá nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh, nhưng ở mỗi tác phẩm, kỹ năng diễn xuất tuyệt vời của anh gây ấn tượng với khán giả theo cách khác nhau, như Ryusei no Kizuna (2008), Platinum Data (2013), hay loạt phim Ooku và GANTZ… Đặc biệt nhất là Freeter, Ie wo Kau (2010), nhân vật Seiji do Ninomiya đảm nhận có những cảnh muốn giúp đỡ mẹ mình nhưng hoàn toàn bất lực và tức giận vì sự bất tài của mình. Những phân đoạn hoàn toàn làm khán giả rung động khiến họ như đang xuất hiện trong chính bộ phim.
Mặc dù Ninomiya có những hạn chế trong diễn xuất, ngoài việc là một thần tượng, thì một diễn viên có ngoại hình quá baby sẽ rất kén vai theo thời gian. Gương mặt Ninomiya lại luôn trông giống như một anh chàng 17 tuổi, dáng người gầy gò và thấp bé khiến anh không thể đảm nhận vai những anh hùng vĩ đại và quý ông quyền lực như Abe Hiroshi. Nhưng Ninomiya là một diễn viên có thể sử dụng “trái tim" để diễn xuất, truyền đạt cảm xúc ngay cả khi ngôn ngữ không có sẵn. Diễn xuất được chia thành hai phần: kỹ năng và trái tim, bản thân Ninomiya không được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng chính nhờ nuôi dưỡng một trái tim diễn xuất nên nó vượt qua các mọi kỹ năng.
Không nhất thiết phải rạch ròi nên gọi Ninomiya Kazuyari là thần tượng hay diễn viên. Thực tế, Ninomiya Kazuyari đều đã vượt qua phạm vi của các thần tượng và khẳng định khả năng vô hạn, xứng đáng với vị trí “báu vật” của showbiz.