Okuribito - Nhìn từ cái chết để thấy vẻ đẹp thơ mộng của sự sống
Và sẽ là một thiếu sót nếu trong danh sách ấy chúng ta không nhắc đến cái tên Okuribito (Departures) của Takita Yojiro, mở đầu bằng cảnh nhân vật chính tẩm liệm cho một cô gái vừa mất. Sau khi tiến hành tẩy rửa, anh khựng lại và hỏi thân nhân người đã khuất sẽ trang điểm cho người ấy theo kiểu nam hay kiểu nữ. Bộ phim đã bắt đầu như thế đấy, để rồi đạt được giải Phim nước ngoài hay nhất Oscar 2009. Tính đến đây, vẫn chưa có tác phẩm Nhật Bản nào khác đạt được giải thưởng trong hạng mục này.
Câu chuyện về nghi thức cuối cùng đối với người chết
Daigo (Motoki Masahiro thủ vai) là nghệ sĩ chơi cello cho một dàn nhạc ở thủ đô Tokyo, nhưng anh là người cuối cùng nhận thức được việc dàn nhạc đã bị giải thể. Anh cùng vợ (Mika do Hirosue Ryoko thủ vai) trở về ngôi nhà mà mẹ quá cố đã để lại, đó cũng chính là nơi tràn đầy những kỷ niệm về người cha đã bỏ rơi anh khi còn nhỏ. Tại nơi đây, Daigo thấy mẩu tin tuyển “người đưa tiễn” nên anh đã nghĩ nó liên quan đến dịch vụ lữ hành. Sau đó, anh phát hiện công việc của mình là khâm liệm và đặt thi thể người quá cố vào quan tài trong các lễ an táng. Từ đó, Daigo gặp biết bao tình huống éo le phần vì anh chưa có kinh nghiệm, phần vì vợ anh phản đối và những người xung quanh kỳ thị công việc này.
Sau đoạn flash forward Daigo hỏi rằng trang điểm cho người đã khuất theo kiểu nam hay nữ, phim quay ngược lại thời điểm Daigo vừa bị thất nghiệp và vợ chồng anh gặp khủng hoảng tài chính. Mở đầu phim chẳng hé lộ Okuribito sẽ đi theo hướng nào. Chúng ta không có cách nào để biết, và hai nhân vật cũng vậy, rằng đây là khởi đầu của một cuộc hành trình phát triển và khám phá bản thân sâu sắc, được thực hiện thông qua chất liệu là cái chết.
Một Nhật Bản vẫn e dè với dịch vụ mai táng
Bạn biết đến một Nhật Bản dung hòa diệu kỳ nền văn hóa truyền thống phương Đông và xu hướng sống hiện đại phương Tây. Thế nhưng ít ai biết rằng, đa phần người Nhật có cái nhìn kỳ thị với những người làm công việc liên quan đến mai táng. Ngoài cảm giác “ô uế”, họ còn cho rằng những người đó đang kinh doanh trên sự đau thương và mất mát của người khác. Daigo được khuyên rằng “hãy tìm một nghề khác được kính trọng hơn”, “hãy tìm một công việc mà con anh có thể tự hào”,… Trong nửa đầu của Okuribito, bạn sẽ bắt gặp quan niệm này thông qua rất nhiều nhân vật. Thế nhưng, đạo diễn Takita Yojiro và biên kịch Koyama Kundo đã uyển chuyển hướng khán giả đến cái nhìn dịu dàng hơn thông qua cách quan sát từng hành động của Daigo khi xử lý và mặc quần áo giúp xác chết một cách kính trọng.
Giao tiếp bằng xúc giác chính là hình ảnh tái hiện hiệu quả nhất của bộ phim, khi người chết nhận được sự âu yếm nhiều nhất. Xuất phát điểm của Daigo là một nghệ sĩ cello thất bại, và máy quay đã tận dụng một cách thơ mộng câu chuyện có vẻ không liên quan này để nhấn mạnh đôi bàn tay khéo léo của nhân vật: khi anh nắm lấy lòng bàn tay nhăn nheo của người cấp trên luống tuổi, khi vị khách đầu tiên anh đảm nhiệm lại là một phụ nữ đã mất hai tuần mới được người thân phát hiện, thi thể bắt đầu thối rửa, và cả khi họ phải đối diện với sự thờ ơ của chính gia quyến,… Bộ phim vẫn duy trì vẻ đẹp kể cả khi truyền tải những hình ảnh thẳng thắn, chẳng hạn như khi Daigo phải làm mẫu cho buổi quay video hướng dẫn thực hành nhét bông vào hậu môn hoặc buộc phải vệ sinh thi thế đầy giòi,… Khán giả bật cười trước sự thể hiện dí dỏm của đoàn phim, nhưng cũng lặng đi, bởi hóa ra, ngành dịch vụ an táng này lại oái oăm và chua xót đến thế.
Những khung hình đậm tính nghệ thuật và phép ẩn dụ
Có tang tóc, nhưng không đau buồn vô vọng, Okuribito là một cái nhìn đầy nhân văn về “Nokanshi” (nạp quan sư) - một người kết nối giữa sự sống và cái chết, giữa người quá cố và người thân của họ. Okuribito cũng không đánh mạnh nỗi ám ảnh tối tăm về cõi chết mà vẽ ra khung cảnh bao quát về vùng nông thôn nguyên sơ của Yamagata, với những ngọn núi cao chót vót và những dòng sông ngoạn mục để người ta cảm thấy thanh tĩnh hơn trước sự ra đi của ai đó. Phim nhẹ nhàng truyền tải thông điệp nhân văn mang đậm chất triết lý phương Đông và trong văn hóa của người Nhật: cái chết chưa hẳn là một sự kết thúc mà đó là sự khởi đầu một chuyến hành trình mới của con người ở một thế giới khác.
Cuộc hành trình của nhân vật chính qua lăng kính của đạo diễn Takita trở nên sống động khi Daigo chăm chút từng cơ thể không còn sự sống, vuốt ve một cách dịu dàng, chu đáo, tạo ra cuộc tiễn đưa thanh thản và trang nghiêm giống như món quà cho người sống cũng như cho người đã khuất. Những hình ảnh ấy đạt đến vẻ đẹp điện ảnh hoàn mỹ.
Những cảnh tang lễ trong phim cũng gây nhiều xúc cảm và lấy nước mắt người xem. Có muôn ngàn lý do để mỗi người giã từ cuộc sống này, có thể là bệnh tật, có thể là tai nạn, có thể là già nua, cũng có thể là tự kết liễu sinh mệnh,… Đến gần với những câu chuyện được đại diện bởi các gia đình khác nhau, nhưng cộng hưởng lẫn nhau, hình ảnh điện ảnh mang lại cái nhìn sâu sắc: Là các thành viên của gia đình nhân loại, tất cả chúng ta đều được gắn kết bằng sợi tơ hồng cho sự hữu hạn.
Đa phần hình ảnh đều là một phép ẩn dụ, chẳng hạn như những ngọn đèn dầu có tông màu mật ong cũng báo trước cho ánh sáng tàn lụi của buồng hỏa táng. Đạo diễn Takita nhiều lần sử dụng hình ảnh thức ăn như bạch tuộc sống hay trứng cá nóc nướng,... Chúng ta thấy những góc cận cảnh về các đồng nghiệp Daigo, Sasaki và giám đốc văn phòng Yuriko đang ăn những miếng gà rán ngon lành. Máy qua chuyển sang cảnh toàn, tiết lộ rằng họ đang tập trung trong văn phòng, một cây thông Noel bằng nhựa nhấp nháy ở hậu cảnh. Ở đây, thức ăn là một sự kiên định đanh thép về cuộc sống giữa thực tế không thể tránh khỏi của cái chết.
Phim cũng đề cao tình cảm gia đình với chi tiết đắt giá về hình ảnh viên đá đã xóa bỏ diệu kì sự day dứt cả đời của hai cha con Daigo. Rồi có những trường đoạn đối thoại với từng câu chữ “đắt xắt ra miếng”, mà ở đó, hai nhân vật không trực tiếp nói điều gì, chỉ thông qua hình ảnh đàn cá lội ngược dòng gợi lên nhiều suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Mang chủ đề cái chết nhưng phim lại dẫn dắt người xem về lại những khoảnh khắc đáng giá trong cuộc đời, làm sống lại niềm vui, tình yêu trong cuộc sống.
Âm nhạc tinh tế và kỹ thuật quay nửa tĩnh nửa động
Kỹ xảo điện ảnh mang đậm chất Nhật Bản - sử dụng các cảnh quay tĩnh để tạo hiệu ứng. Âm nhạc của Hisaishi và kỹ thuật quay phim của Takita là một phần trong thành công của bộ phim. Daigo chọn chơi Ave Maria, một tác phẩm năm 1853 của nhà soạn nhạc lãng mạn người Pháp Charles Gounod dựa trên bản Prelude số 1 của Johann Sebastian Bach trong C Major. Daigo đưa Sasaki và Yuriko vào tâm trạng suy ngẫm, rồi chuyển sang nhạc nền của Okuribito một cách liền mạch với điệu vũ tinh tế của âm nhạc và hình ảnh - những cảnh Daigo thực hiện các nghi thức đắp chiếu đa tôn giáo xen kẽ với những hình ảnh họa tiết về phong cảnh thiên nhiên mùa đông và một đàn sếu kiếm ăn - mở ra.
Trong bộ phim của đạo diễn Takita Yojiro, sự sống và cái chết là hai chuyển động biểu cảm của một tác phẩm âm nhạc, không hề đối lập và nhảy múa nhịp nhàng, giống như sự lên xuống của thủy triều. Hisaishi Joe một lần nữa mang đến bữa tiệc âm nhạc đặc sắc thông qua cảnh Daigo chơi đàn cello trong gian phòng kín hoặc giữa thiên nhiên rộng lớn. Giai điệu bình lặng, trầm ngâm, nhưng cuối cùng là hy vọng, giống như chính bộ phim - sự giao thoa của duyên dáng và nỗi buồn.
Nhân vật đan xen và diễn xuất nâng đỡ nhau
Motoki Masahiro đã thuyết phục khán giả về sự rối loạn nội tâm, những căng thẳng cảm xúc khi vừa nhận việc mới. Hirosue Ryoko làm người xem phải say mê vẻ nữ tính điển hình của phụ nữ Nhật Bản. Và ngôi sao thực sự của Okuribito là Yamazaki Tsutomu. Vai diễn Sasaki của ông phản phất hình ảnh người đàn ông đã nhìn thấy đủ xác chết trong nhiều kiếp nhưng luôn thi vị hóa bằng những câu đùa. Sasaki không bao giờ phát biểu về sự vĩ đại hay tầm quan trọng của công việc, nhưng mọi thứ đều được ngụ ý thông qua những biểu hiện tinh tế của Yamazaki.
Không chỉ nhân vật Daigo, các nhân vật phụ trong phim cũng có câu chuyện của riêng mình. Ông Sasaki rất nhớ người vợ quá cố; cô trợ lý văn phòng có nỗi niềm riêng; bà lão điều hành nhà tắm công cộng, và khách hàng lớn tuổi nhất của bà; người phục vụ tại một lò thiêu... Để rồi ở cuối phim, khi các câu chuyện nhỏ đan xen lại, cái kết diễn ra rất tự nhiên và vô cùng thỏa mãn.
Một bộ phim để chiêm nghiệm và truyền cảm hứng
Okuribito khám phá các nghi lễ của cái chết, bổ sung thêm một tác phẩm trong mạch phong phú của điện ảnh Nhật Bản. Đấy là một câu chuyện về cách những nghi lễ này an ủi chúng ta, mê hoặc chúng ta và đưa chúng ta đến một nơi mà nỗi đau được thay thế bằng sự chấp nhận, tôn trọng. Đó là một câu chuyện hấp dẫn, đầy nước mắt và niềm vui, giúp những người sống kết nối lại với người yêu của họ.