Top 6 bộ phim về bệnh tật bi nhưng không lụy đáng xem nhất
1. Boku no Hatsukoi o Kimi ni Sasagu
Bộ phim được công chiếu vào năm 2009, dựa trên tác phẩm manga cùng tên của tác giả Aoki Kotomi. Nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu cảm động của Takuma - chàng trai biết trước mình sẽ chết vào năm 20 tuổi do căn bệnh tim quái ác và Mayu - con gái của vị bác sĩ điều trị cho Takuma. Đảm nhận tuyến vai chính khi rất trẻ, Inoue Mao (vai Mayu) và Okada Masaki (vai Takuma) đã hoàn toàn chinh phục được trái tim của khán giả bằng lối diễn xuất tự nhiên.
Bộ phim khai thác thành công đề tài tình yêu trong hoàn cảnh khó khăn nhất của con người. Trước cái chết, chàng trai vẫn khẳng định mình may mắn và hạnh phúc khi gặp được tình yêu của cuộc đời. Còn cô gái, lúc Takuma chết, cô vẫn tự hào nói với mọi người rằng mình cũng hạnh phúc khi yêu chàng trai này. Đây chính là thông điệp sâu sắc và ý nghĩa mà bộ phim dành tặng khán giả, nên hài lòng và hạnh phúc với tình yêu của mình. Cảnh kết của bộ phim càng khiến người xem không khỏi day dứt, Mayu ôm hũ tro của Takuma và hai người cùng tổ chức "đám cưới" ở một nhà thờ, giống như lời hẹn ước ngày xưa.
2. 1 Litre no Namida
Có thể nói đây là bộ phim về bệnh tật đầu tiên của Nhật Bản chào sân khán giả ở Việt Nam. 1 Litre no Namida được chuyển thể từ cuốn nhật ký cùng tên, nội dung xoay quanh nhân vật Kitou Aya, phiên bản truyền hình do Sawajiri Erika diễn chính, phiên bản điện ảnh do nữ diễn viên Oonishi Asae thủ vai. Cô bé Kitou Aya biết mình mắc bệnh thoái hóa tiểu não vào năm 15 tuổi, từ đó bắt đầu viết nhật ký ghi lại những câu chuyện thường ngày cho đến khi qua đời.
Mặc dù kết thúc buồn và không hề có tình cảm trai gái ướt át, nhưng bộ phim vẫn thu hút và lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Ở Kitou Aya, không chỉ là tâm hồn trong sáng, ngây thơ của tuổi thanh xuân mà còn là cả một bầu trời lạc quan và an nhiên đón nhận từng ngày sống của mình. Năm 25 tuổi, Kitou Aya ra đi mãi mãi và kết thúc bộ phim, nhưng có thể nói giá trị và bài học về ý nghĩa cuộc đời ngắn ngủi vẫn đọng lại cho đến những dòng nhật ký cuối cùng.
3. Taiyou no Uta
Tayou no Uta có 2 phiên bản điện ảnh và truyền hình, nhưng đều trở thành những bộ phim bất hủ khi nhắc đến đề tài bệnh tật của Nhật Bản. Nội dung phim chủ yếu xoay quanh Kaoru, cô gái mắc bệnh khô da sắc tố (XP), không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nên thường ngủ vào ban ngày và hoạt động vào ban đêm. Kaoru có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc và luôn ấp ủ ước mơ xuất bản đĩa đơn của riêng mình.
Bộ phim đã thực sự khẳng định được thực lực của nữ diễn viên Sawajiri Erika, khi lần nữ hóa thân vào nhân vật phải đối diện với cái chết nhưng cô đã lột tả nội tâm của nhân vật Kaoru rất khác với Aya. Câu chuyện đầy cảm động của Kaoru đã tiếp thêm cho khán giả nhiệt huyết và hoài bão của một thời tuổi trẻ nhiều chông gai, trắc trở.
4. Sekai no Chuushin de, Ai wo Sakebu
Bộ phim cũng là một trong những tác phẩm chuyển thể, nhưng không phải từ truyện tranh mà từ tiểu thuyết thuộc hàng bestseller. Nội dung xoay quanh hai nhân vật chính là Matsumoto Sakutaro và Hirose Aki cùng học chung lớp. Sau khi Saku chia sẻ về câu chuyện tình yêu của ông nội mình trong quá khứ, hai người thường xuyên nói đến tình yêu đích thực. Cho đến khi Aki phát hiện mình bị mắc bệnh bạch cầu ở tuổi 17, Saku luôn tìm mọi cách giúp Aki hoàn thành tâm nguyện đi Úc. Nhưng cuối cùng, Aki đã chết trước khi lên máy bay, còn Saku sống trong cảnh nhớ nhung cô gái trong suốt quãng thời gian về sau.
Mặc dù có hơi hướng của bệnh tật, nhưng bộ phim hoàn toàn không làm cho người xem cảm thấy mệt hay nản vì quá xoáy sâu vào vấn đề này. Ngược lại, cả bản điện ảnh và truyền hình đều là những thước phim hồi tưởng về một thời tuổi trẻ đã qua, trong sáng đến nỗi trở thành hồi ức không thể quên. Chính vì những điều này mà bản truyền hình đã liên tiếp đoạt được 9 giải thưởng cao nhất trong lễ trao giải vào năm 2004.
5. Beautiful Rain
Bộ phim được phát sóng vào năm 2010, ngay lập tức đã gây được tiếng vang lớn, với sự góp mặt của hai diễn viên đình đám là Toyokawa Etsushi và Ashida Mana. Trong phim Toyokawa Etsushi đảm nhận vai Keisuke - người cha gà trống nuôi con và Ashida Mana - còn gọi là Miu, cô con gái độc nhất của Keisuke. Diễn biến của bộ phim dựa trên tình thương yêu của hai cha con Keisuke, cụ thể sau khi vợ mất, Keisuke đã từ chức ở công ty xây dựng và trở thành thợ cả ở nhà máy kim loại. Mỗi ngày, Keisuke đều bận rộn chăm sóc cô con gái, cho đến khi ông được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer gia đoạn đầu. Từ đó, cuộc sống của hai cha con gặp nhiều khó khăn, nhưng Miu đã giúp đỡ, ủng hộ cha mình vượt qua bệnh tật.
Bộ phim thu hút người xem nhờ diễn xuất tài tình của hai diễn viên chính, đặc biệt là tài năng nhí Ashida Mana. Đồng thời, nội dung phim cũng khiến khán giả rơi nước mắt vì tình cảm cha con sâu nặng và ý nghĩa đến không tưởng. Đây cũng chính là góc nhìn mới về thể loại phim bệnh tật, không cần tình cảm yêu đương vẫn có thể hút được khán giả mọi lứa tuổi.
6. April Bride
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, được khởi chiếu từ năm 2009, dưới sự sản xuất của TBS và Toho. Nội dung phim nói về câu chuyện tình yêu đẹp và thấm đẫm nước mắt của Nagashima Chie và Akasu Taru. Phim mở đầu bằng cảnh cặp đôi này làm đám cưới ở nhà thờ, nhưng éo le thay, cô dâu Chie lại đang mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Những ngày tháng cuối cùng này cũng là những giây phút cô hạnh phúc bên người chồng Taru của mình.
Tuy có phần sướt mướt, nhưng câu chuyện của hai nhân vật chính khiến người xem tìm được sự lạc quan trong cảnh bi đát, và nhận ra tình yêu đẹp hơn mình tưởng rất nhiều. Bộ phim dài 129 phút, tạo cảm giác lây lan hạnh phúc và tin tưởng vào một tình yêu đích thực cho người xem.
Bên cạnh các phim kể trên, còn có các bộ phim về đề tài bệnh tật đáng xem như Koizora, 1778 Stories of Me and My Wife, Boku no Aruku Michi, Beautiful Life, Mioka...
Gai