Đà Lạt - Ngước mắt và cúi đầu
Chuỗi ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời hai mươi hai năm có lẻ vừa qua đã bắt đầu từ khi mùa hạ đang chớm độ kiêu hãnh, vắt ngang suốt mùa thu, đợi đến khi giá lạnh vội vã trườn sang mới ngả dần về chiều cuối. Là kết thúc thật sự hay chỉ nửa vời để lại mở ra những bi kịch còn nghiệt ngã hơn, chưa ai có thể cho tôi một câu trả lời rõ ràng. Tôi thà tin rằng sóng sắp tan, mưa đương dịu, gió đã mềm; người ta sẽ sống thế nào đây nếu ngay cả một chút hy vọng níu giữ linh hồn cũng không còn nữa?
Nhưng tôi vốn là người dư thừa kiêu hãnh nên chẳng mấy khi nguyện ý lệ thuộc vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì, chỉ có đôi phút yếu lòng mới tìm đến những đấng tối cao hòng nương nhờ kiếm chút an ủi. Bản tính cơ hội như thế đấy, bao giờ bước chân đến nhà thờ cũng mang theo chút tư tâm, may sao vẫn còn biết ngượng để không ghé thăm vào dịp lễ. Buổi sáng hôm ấy, tôi về lại nhà thờ Chính tòa Đà Lạt khi mặt trời đã treo ngang con gà trên nóc tháp chuông. Mấy năm rồi tôi vẫn không thể quen được nước sơn màu vàng sáng này, cứ nhớ hoài màu nâu đỏ nhuốm thời gian của ngày xưa cũ. Như là gặp lại bạn chơi hồi nhỏ, thấy bạn bây giờ lộng lẫy kiêu sa, mừng cho bạn mà ngập ngừng không dám gọi tên, sợ lầm người lại thẹn. Rồi thở dài nhớ mãi những chuyện từ thuở chân trần chạy khắp đồng trên ruộng dưới, nhớ mùi rạ mới ngào ngạt vị ấm no, nhớ những rổ rau má đầu mùa non như bàn tay khẽ chạm... Quen biết nhiều năm thường tạo ra cái tật dễ giận vậy đó, cứ lưu luyến hoài hai tiếng "ngày xưa" mãi thôi. Hàng tùng lâu năm rủ bóng bên trái thánh đường cũng không còn nữa rồi, nhìn khoảnh sân trống hoang ngổn ngang máy móc thi công mà lòng ram ráp như có bụi đất mờ mịt. Quang cảnh đổi thay mới biết năm tháng đã mệt mỏi thế nào, và mình là kẻ "ăn mày dĩ vãng" cố chấp ra sao. Biết bao giờ nhà thờ con gà mới vực lại nét rêu phong cổ kính, và mình, liệu có khi nào được trở về thanh thản và giàu tin yêu như lần đầu tiên ghé đến nơi này?
Nhà thờ Chính tòa Đà LạtNhà thờ Chính tòa Đà Lạt
Thời ngây thơ, thứ gì cũng thiếu, chỉ có niềm tin và mơ ước là quá sức đủ đầy. Bây giờ hẳn nhiên cũng chẳng đỡ "nghèo" hơn thuở xưa là bao, đáng tiếc là chút sắc hồng trong đôi mắt cũng đã phai phôi hết rồi theo ngày tháng. Nên khi nghe câu chuyện cũ về một nữ tu ở tu viện Bác Ái Thánh Vinh Sơn, tôi không còn đủ sức ngợi khen người con gái giàu đức hy sinh và chàng trai chung tình, chỉ thấy xót xa và âm thầm thở dài, âu cũng là số phận. Dù vậy khi lang thang qua những hành lang vắng lặng, những lối hoa thăm thẳm, những bậc cầu thang hun hút và thánh đường yên ắng đến mức tiếng bước chân mình cũng thành lạc lõng bơ vơ, tôi vẫn bâng khuâng, làn váy người con gái ấy có lẽ cũng từng lướt qua những hàng ghế này, gương mặt trái xoan khuôn kín trong vành khăn xanh đội đầu phải chăng vẫn luôn lấp ló sau ô cửa sổ kia... Chỉ một con đường rợp bóng thông reo thôi mà đời đạo cách ngăn, duyên tình dang dở, người ra đi ngậm cười vì tâm nguyện vẹn tròn, kẻ ở lại đau đáu nhớ thương, rồi cũng nguôi lòng mà bước sang cuộc tình mới. Ừ thì cưỡng ép, nhưng cũng là một dạng "kết thúc hạnh phúc", có phải không?
Tu viện Bác Ái Thánh Vinh Sơn ở Lãnh địa Đức Bà, phía sau nhà thờ
Sự bấp bênh và mong manh của đời sống này đã dạy tôi đừng bao giờ gọi vang tên của đứa trẻ đỏng đảnh khó nuôi mang tên "hạnh phúc", bởi có được không dễ dàng mà ai biết nó sẽ bỏ mình đi lúc nào. Tôi đã chẳng buồn đếm bao nhiêu mùa đợi chờ đã trôi qua chỉ để có những khoảnh khắc êm đềm như khi ngồi bên cậu trên ngọn đồi bình yên của trung tâm mục vụ Đà Lạt, cũng chẳng buồn bận tâm mình sẽ ở bên nhau được bao lâu và biết đến khi nào mới có một lần chạy trốn hiện thực như thế này nữa. Nhiều năm về sau, có thể tôi sẽ quên chúng ta đã đi con đường nào đến đỉnh đồi mùa thu ấy, màu áo chúng ta mặc đã nhạt phai trong nỗi nhớ mơ hồ, những lời thương mến thôi cũng rã rời trên môi khô không nhắc lại; nhưng sẽ chẳng thể nào quên mùi nhựa thông hăng hắc và tiếng xập xè của những con ong vỗ cánh bay. Bồ công anh đã từng vàng rực như những vụn bông chơi vơi trên đồng cỏ, màu trời đã từng xanh trong thiết tha và cao vời đến thế. Một cái siết tay, bờ vai thơm nắng, nhịp tim thong thả, biết rằng được gặp gỡ, được ngồi bên nhau và nhường nhịn nhau đến từng câu nói, để rồi mờ mịt xa xôi, để rồi chờ đợi câm lặng, cũng là một điều tốt đẹp, thật tốt đẹp trong đời.
Trên đỉnh đồi trung tâm mục vụ Đà Lạt
Nhưng ngoài huyết thống, tôi không tin có mối quan hệ nào bền bỉ được đến khi nhắm mắt xuôi tay. Nhiều lần phải đối diện với những đổ vỡ và chia ly không mong đợi, tôi tự an ủi mình rằng là do Duyên quá ngắn mà Nợ mãi chẳng đầy nên đoạn đường ta đi cùng nhau chỉ được đến thế. Tin vào chữ Duyên nên luôn thấy gần gũi với Phật giáo hơn, bước chân qua cổng chùa đã thấy lòng thanh sạch và yên ả, không có cảm giác như mình đang ngó trộm qua cửa sổ nhà hàng xóm như khi ghé đến nhà thờ hay chủng viện. Không là một khách thăm quan đơn thuần ngước mắt ngưỡng mộ kiến trúc thâm nghiêm, dưới mái chùa cong tôi chỉ là đứa con hoang đàng nay trở về cúi đầu dỗ tâm bình lặng. Tôi lang thang qua những lối nhỏ ẩn dưới hàng cây của thiền viện Trúc Lâm mà không e mình sẽ lạc; người ta chỉ đi lạc khi đã tự vạch ra cho mình một đích đến, còn tôi, buổi sáng ấy, có hẹn định gì đâu, cứ đi và đi thế thôi. Đi trong gió lạnh thổi từ hồ Tuyền Lâm và hơi nắng đang dâng, đi trong tiếng chuông gió ngân nga đục trầm, đi trong suy tư, tự kéo gỡ những ý nghĩ rối ren đang quẩn quanh tâm trí. Hôm tôi đến, Sơ Quan* và Trùng Quan** đang khóa, chỉ có Lao Quan*** còn mở, không thể thấu qua ba cửa thì vẫn chỉ là kẻ phàm phu tục tử, dẫu có dập đầu cúi lạy trăm lần trong Chính điện thì duyên Phật vẫn xa vời. Tôi trở về đời thực khi những đoàn khách tham quan bắt đầu dồn dập ùa đến, họ nói cười, họ reo vui lăng xăng khắp nơi chụp ảnh, chỉ mình tôi quay lưng xuống núi, như vẫn luôn ngược dòng số đông suốt nhiều năm qua. Bao người trượt ngang, chắc không ai bước trùng nhịp chân mình...
Nhà tổ thiền viện Trúc Lâm
Tôi đã có một buổi chiều tà ngồi hầu chuyện vị sư bác trong chùa Linh Sơn, không trần thuật về những oan khổ mình đã gặp, chỉ kính cẩn lắng nghe, thi thoảng đáp lời đôi tiếng. Bóng nắng tan dần trên mái ngói lốm đốm sắc nâu, hoa trạng nguyên phai dần màu đỏ, thời gian vụt nhanh đến nỗi tôi hơi hốt hoảng. Không nhớ nổi mình đã nói gì đã nghe được những gì, chỉ cảm thấy bước chân nhẹ nhàng hơn và đôi mắt bớt màu u ám, như là được trở về với mái chùa làng, với những buổi chiều ngồi gục đầu dưới thềm nghe sư cụ khuyên dạy. Và nhận ra mình đã đi xa thật xa, xa đến mức nhìn một viên ngói nâu cũng chập chờn thương, nhặt một bông hoa đại cũng lan man nhớ, ngồi bên bậu cửa nhìn ngày tàn cũng tưởng bóng áo nâu của sư cụ vừa lướt qua đây. Nặng lòng như thế nên những ngôi chùa từng qua với tôi cuối cùng cũng chỉ như chốn nghỉ chân, không bao giờ đủ "tĩnh" và "an" để chuyên tâm tu tập. Chỉ là phàm nhân, mãi là phàm nhân với thất tình lục dục mà thôi...
Dưới mái Tổ đường chùa Linh Sơn
Đi qua những giáo đường thinh lặng và những chính điện vang tiếng mõ rền, mới biết thứ tình cảm đậm nét nhất trong mình vẫn là một chữ "thương". Nên khi chắp tay cầu nguyện, tôi cũng chỉ cầu bình an cho những người mình yêu thương trong cuộc đời này. Chỉ cần như thế, cũng đủ để tôi cố gắng không ngừng nghỉ, miệt mài leo những con dốc cao vời cứ nối nhau trập trùng xuất hiện. Chỉ cần như thế, hẳn là tôi có thể đều chân đi trọn kiếp sống, dù lòng chẳng bao giờ thôi đau đáu lo toan. Chỉ cần như thế, Mất - Được có là gì đâu, nếu những người mình thương có thể thanh thản vui cười.
Nhưng, số phận liệu có bao giờ biết rủ lòng thương những kẻ phải quằn quại vì nó?
* Hành giả hay sạch hết phàm tình, thấy suốt các pháp hư vọng không thật, ngộ được tâm tính vốn sẵn chính mình thì mới vượt qua khỏi cổng thứ nhất, trong nhà Thiền gọi là Sơ Quan (hay Tổ Sư Quan); cũng gọi là Kiến tính.
** Sau khi kiến tính, hành giả tiếp tục dụng công tu hành, chẳng những không bị cái “có” làm ngại mà còn không chấp trước nơi “không”; đây mới qua được cửa thứ hai là Trùng Quan.
*** Sau đó, lại tiếp tục dụng công miên mật, thấu suốt cảnh giới tịch và chiếu không hai, có và không không còn ngăn ngại, tuy đối diện với ngũ dục nhưng vẫn tự như như không mất bản tính; đây là thấu qua khỏi cửa cuối cùng là Lao Quan.