Wiang Kum Kam - Thành xưa quên lãng
Cầu Narawat cũ
Đường quê
Cần phải lần lại quá khứ một chút để giải thích vì sao khu di tích này lại lạ lẫm với khách du lịch như vậy. Ngày xửa ngày xưa, vùng đất bây giờ là tỉnh Chiang Mai thuộc về vương quốc Hariphunchai của người Môn. Già nửa thiên niên kỷ huy hoàng rồi vương quốc này tan nát dưới những trận đánh liên tiếp của quân Lanna, được lãnh đạo bởi đại đế Mangrai. Chiếm được Hariphunchai, ngài quyết định dời đô từ Ngoen Yang bên bờ Mae Kong (nay là Chiang Saen gần Tam Giác Vàng) về miền đồng bằng của một dòng sông khác - Wiang Kum Kam. Mười lăm năm vừa lập đô vừa kiến thiết đức vua mới phát hiện ra mình đã bị vùng đất này lừa tình. Nền đất quá yếu, không đủ sức nâng đỡ những đền đài thành quách mà vua khao khát, trong khi đó sông Ping lại cứ hăm he dâng nước dọa nhấn chìm cả kinh thành. Vua Mangrai lại dời đô lần nữa về nơi bây giờ là thành cổ Chiang Mai, Wiang Kum Kam bị hạ bậc xuống làm thành phố vệ tinh của thủ đô (phần nào đó như Sơn Tây và Hà Nội ngày xưa ấy). Năm 1558, quân Miến Điện tràn sang xâm lược, Wiang Kum Kam chính thức bị tàn phá cùng vương quốc Lanna. Trận lụt lớn vào thế kỷ 17 đã hoàn toàn vùi lấp thành phố, sử xanh còn nhắc nhở mà người ta đã kịp quên Wiang Kum Kam vàng son một thuở nằm chính xác chốn nào.
Hơn 200 năm sau, khi sông Ping đã đổi dòng, người Siam lục tục trở về chốn cũ, lập thành làng Chang Kham. Không ai biết về một kinh đô chết yểu, cho tới năm 1984, các nhà khoa học thuộc ban 4 Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hóa Thailand phát hiện một số tàn tích quanh chính điện Kam Thom của Wat Chang Kham. Cuộc khảo cổ được triển khai, phủi hết bùn đất ra khỏi những trang sử cuối của vương quốc Lanna, phơi khô, tái tạo, và chúng ta lại có Wiang Kum Kam cho ngày hôm nay.
Bản đồ di tích
Không bán vé, không hướng dẫn viên. Một mình tôi cứ thế lọc cọc đạp xe trên những lối nhỏ, lần mò tìm đến các Wat. Với thời tiết nhiệt đới đặc trưng, cũng như Việt Nam, trước thế kỷ 20 hầu hết nhà ở của người Thái đều là tranh tre vách lá, giàu sang hơn thì cất nhà gỗ, chỉ những công trình kiến trúc phục vụ cho mục đích tôn giáo và quân sự mới được xây bằng gạch đá thôi. Điều đó giải thích vì sao cũng như hai công viên lịch sử mà tôi ghé thăm ngày hôm sau là Sukhothai và Si Satchanalai, năm tháng chỉ còn để lại ở Wiang Kum Kam những di tích đền tháp. Phế tích nằm lẫn với nhà dân (người Thái tôn trọng tiền nhân nên đương nhiên không có chuyện rút tạm viên gạch cổ về kê chân giường như xứ nào đó), rất khó để có được một cái nhìn toàn cảnh về khu vực này. Và nếu không có hướng dẫn viên, không dành thời gian vặn cổ anh Google hòng vắt kiệt thông tin về lịch sử Lanna thì khách tham quan sẽ dễ rơi vào tình trạng đi chụp ảnh đánh dấu là chính. Nhưng như vậy có khi lại hay, các bạn Trung Quốc ăn xổi ở thì gần như không thấy xuất hiện tại nơi này, nhờ thế, tôi có được một Wiang Kum Kam yên tĩnh trong lành vào buổi sáng, thật quý giá lắm thay.
Wiang Kum Kam đẹp và man mác buồn. Buồn vì phong ba lịch sử, buồn bởi sự vắng vẻ, buồn do khách đến chơi cứ rầu rầu nghĩ về ngày chia tay sắp đến. Tôi đã ngơ ngẩn khi chạm tay vào những viên gạch nung còn đẫm hơi sương của Wat Nanchang, lặng lẽ ngồi trên bậc thềm cỏ hoa vươn lên nhún nhường, nhìn mặt trời thong thả vượt qua rặng tre, phế tích dưới ánh nắng càng thêm cô quạnh. Tôi đã bật cười khi đọc biển giới thiệu về Wat E-Kang, làm sao có thể liên tưởng nền gạch ngày nay với cái tên "chùa Khỉ" năm xưa được đây? Nằm giữa hai Wat này là khu nhà hội nghị được xây để phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh về nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 được tổ chức năm ngoái. Bây giờ ban quản lý di tích trưng dụng tòa nhà làm nơi tập tành cho các nghệ nhân, khi tôi chuẩn bị rời đi thì trống chưa bập bùng, đàn mới so dây, các bác các em còn đang điểm trang váy áo. Rất muốn dừng lại để ngắm nhìn mà tiếc thay thời gian không đợi, tôi đành đạp xe đi khi đoàn khách tham quan đầu tiên bắt đầu tìm đến trên những chuyến xe lóc cóc vó ngựa khua.
Wat Nanchang
Wat E-Kang
Rộn ràng...
Lần mò theo biển chỉ đường, tôi đến với Wat Ku Padom và Wat Ku Maisong. Mất mát hết rồi, chỉ còn lại nền cũ và vài đoạn tường gạch không giữ nổi chút vôi vữa ban sơ. Dăm ba bức tượng Phật nho nhỏ nằm lại trên chedi đổ nát, có bức chẳng còn đầu. Đây cũng là một điểm tôi thấy khó hiểu ở Thailand, ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ này đều là người theo đạo Phật (Miến Điện và Khmer), cớ sao họ lại nhẫn tâm chặt đầu tượng Phật như thế? Không phải Phật tử nhưng mỗi khi gặp một bức tượng Phật không toàn vẹn, tôi luôn cảm thấy đau lòng và phần nào bị xúc phạm. Có khi nào vì mối thù tàn phá ấy mà mấy trăm năm qua rồi, người Miến Điện và người Thái vẫn khó hòa hợp được với nhau?
Wat Ku Padom
Wat Ku Maisong
Quay xe về lối cũ, rẽ thêm vài lần, tôi đến với Wat Thatnoi và Wat Kanthom. Đây chính là nơi những dấu tích đầu tiên về Wiang Kum Kam phát lộ. Ngày nay Wat Kanthom đã mất tên, hầu như người ta nhắc đến nơi này bằng cái tên của ngôi chùa mới được xây bên cạnh. Một dưới đất, một trên cạn, một tàn tạ, một đang trên đà mở rộng tân trang. Mê tín một chút thì việc người Thái thời trung cổ và người Siam thời cận đại đều lựa chọn xây chùa ở cùng một nơi cũng đủ để khẳng định mảnh đất này có linh khí, tôi cho là thế.
Wat Thatnoi
Wat Kanthom, nơi tiến hành khai quật đầu tiên
Xét về mức độ bị hủy hoại, hai ngôi chùa "song sinh" Wat Phra Chao Ong Dam và Wat Phaya Mangrai cũng tương tự như hai "chị em" Wat Thatnoi và Wat Kanthom thôi, nhưng khi đứng trên giồng đất ngăn cách khuôn viên đôi bên, tôi bỗng thấy lạnh sống lưng dù trời mùa hè vẫn đang đổ nắng gắt. Có thể là do ánh mắt ngại ngần của một cặp đôi tôi gặp ngay lối vào, cô gái đã nằng nặc đòi bạn trai đi thẳng dù cậu ta đã bật đèn muốn rẽ; có thể là do cây cầu đá bắc qua dòng kênh cạn sứt mẻ và mong manh lạ kỳ; có thể do hai phế tích này nằm giữa vườn nhãn cổ thụ âm u, chỉ mình tiếng ve kêu rỉ rả mà sao tôi mơ hồ cảm thấy có ánh nhìn nào đó vẩn vít phía sau lưng... Bây giờ hồi tưởng lại mới có thể bình tĩnh để phân tích như vậy, còn ngay lúc đó nỗi sợ bùng lên dù xưa nay bản thân không phải người yếu bóng vía, tôi chụp vội vài bức ảnh rồi dong xe chạy tuốt, mồ hôi rịn thành dòng buốt lạnh thái dương. Linh cảm rằng mình không được chào đón nơi đó, nên thôi, tôi đi.
Wat Phra Chao Ong Dam
Wat Pu Pia là một di tích đặc biệt, bởi nó may mắn giữ được những kết cấu căn bản để người ta có thể phục dựng thành công chedi chính, thậm chí là đôi nét trang trí xưa kia bên ngoài tòa tháp, như là hình dáng một đài sen gần đỉnh hay hoa văn uốn vòng quen thuộc của kiến trúc Môn quanh cửa tò vò. Wat That Kaow thì không may mắn bằng, phần cao nhất của di tích này là đống gạch vụn còn lại của một mondop (hoặc một tháp chuông - không ai dám khẳng định). Trên nền cũ của ubosot bên cạnh, người ta dựng lại một bức tượng Phật lớn để thờ cúng - bức tượng duy nhất nằm ngoài trời mà tôi bắt gặp trong các Wat mình ghé thăm có đèn lễ đầy đủ. Nằm gần trục đường chính nên Wat này có nhiều khách tham quan, nhưng chẳng thể đủ nhiều để tôi phải nhíu mày căn ke góc chụp. Mà ghé lại đây hầu hết là khách phương Tây đứng tuổi, họ đã qua rồi cái thời đến nơi nào cũng phải tựa lưng tạo dáng chụp kiểu ảnh check-in. Cũng kỳ cục, tôi đã già đâu mà sao đã thấy ngại khi trông mình trên ảnh rồi?
Wat Pu Pia
Wat That Kaow
Nơi cuối cùng tôi tìm đến trong hành trình khám phá Wiang Kum Kam là Wat Chedi Liem - ngôi chùa biểu tượng. Không một ai đến với cố đô này lại có thể bỏ qua ngôi chùa với chedi năm tầng trắng toát mang phong cách kiến trúc Môn này, đây cũng là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng dưới thời Mangrai đại đế, không kể đến Wat Kanthom vốn được sửa sang từ chùa cũ của người Môn. Tôi tự hỏi, phải chăng những lễ lạt quan trọng diễn ra đồng thời ở Wiang Chiang Mai và Wiang Kum Kam đã được tổ chức ở một trong hai ngôi chùa này? Phải chăng hoàng hậu Paiko đã nhận phượng ấn** dưới ngọn tháp trắng ấy? Phải chăng tiếng sênh ca hát mừng hoàng tử Phya Chai Songkram con trai đại đế Mangrai được tấn phong phó vương đã vang suốt 7 ngày 7 đêm quanh bóng bồ đề của Wat Kanthom? Sử sách chỉ ghi lại đôi dòng mà kẻ mù tịt tiếng Thái như tôi đương nhiên không có khả năng đào sâu tìm hiểu, đành để trí tưởng tượng bay bổng vậy. Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn***, lịch sử sở dĩ luôn khiến người ta thôi thúc lần lại, có lẽ cũng bởi những mơ hồ như thế...
Wat Chedi Liem
Thành phố Chiang Mai bây giờ chỉ còn giữ lại được vài đoạn tường thành và mấy cái cổng của Nopburi Si Nakhorn Ping Chiang Mai**** hơn nửa thiên niên kỷ trước. Cái sự chết yểu của đô thành Wiang Kum Kam có khi lại là "may mắn", suy cho cùng, gìn giữ tốt nhất cũng là con người, mà tàn phá giỏi nhất cũng chỉ con người thôi. Một buổi sáng, tôi chỉ kịp ghé 1/3 số di tích của cố đô này nhưng thấy rằng như vậy là đủ. Dấu tích tiền nhân luôn mang lại cảm xúc mãnh liệt trong tôi, nếu lang thang nữa, e rằng đến cuộc đời mình mình cũng sẽ lạc mất lối về. Ai khiến xui chi để Wiang Kum Kam thanh vắng như thế, để những nền chùa nằm dưới hố sâu cứ đau đáu dưới ánh mặt trời, để vó ngựa cứ khua vang trên đường vàng nắng, để chân lữ khách cứ chơi vơi không biết mình còn đây hay đã trôi về quá khứ mất rồi. Thời gian đã quên lãng Wiang Kum Kam, bây giờ, người Thailand và khách phương xa mới dần dần học cách nhớ lại, một thời vương quốc Lanna đã rất lẫy lừng, đánh đâu thắng đó...
*Cầu Narawat cũ là cầu sắt, nằm trên đường Loi Khro, còn cầu Narawat mới bằng bê tông nằm trên đường Charoen Muang.
**Gốc tích của người Lanna là người Thái Vân Nam, hẳn là chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Trung Hoa, người viết phỏng đoán vậy thôi.
***"Gửi Boris Konilov" - Olga Berggoltz, Bằng Việt dịch.
****Tên chính thức của kinh đô Chiang Mai thuở xưa.