Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai - 85 Triết Lí Sống Tích Cực Của Marcus Aurelius
Giới thiệu sách
Cuốn sách của trí tuệ
Marcus Aurelius - tác giả của tác phẩm Triết học kinh điển Suy ngẫm (Meditations) - là một vị hoàng đế của La Mã cổ đại, đồng thời cũng là một nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử.
Ngay từ nhỏ, Aurelius được hưởng nền giáo dục toàn diện, tinh thông tiếng La tinh và Hi Lạp, từng học qua triết học, pháp luật, hội họa và là một trong những nhân vật đại diện cho phái Khắc Kỉ (Stoicisme). Khi còn trẻ, ông đã tham gia vào chính trị và 3 lần giữ chức Tổng tài của đế quốc La Mã. Năm 161 TCN, ông lên ngôi hoàng đế La Mã ở tuổi 40. Nhờ sự kiên quyết của mình, ông đã cùng với anh trai là Lucius Verus lên ngôi, trở thành vị đồng hoàng đế đầu tiên trong lịch sử La Mã.
Trong những ngày tháng nắm quyền, Marcus Aurelius không hề tỏ ra cao ngạo hay sử dụng quyền lực bừa bãi, mà nghiêm cẩn chấp chính, một lòng vì nước vì dân. Khi tại vị, ông đã ban hành nhiều điều luật cải cách, xóa bỏ những quy định bất hợp lí, được dân chúng vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ. Ngoài ra, để dân chúng nơi biên cương cũng được hưởng thái bình, ông nhiều lần thân chinh dẫn quân đi dẹp loạn, cuối cùng đổ bệnh rồi qua đời ngay chính trong doanh trại.
Marcus Aurelius chưa bao giờ vì bận rộn triều chính mà từ bỏ việc suy ngẫm và viết lách, hễ có thời gian là ông đọc sách, ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân, sau này những tư liệu quý giá ấy đã được ông tổng hợp lại và viết nên tác phẩm kinh điển Suy ngẫm.
Tác phẩm Suy ngẫm gồm những câu chuyện từ bạn bè đế người thân, chuyện đời thường đến vũ trụ bao la, tất cả phản ánh trí tuệ của Marcus Aurelius. Có người nói ông đã dùng chính linh hồn mình để viết nên kiệt tác này. Từng câu văn, dòng chữ đều toát lên phẩm cách cao thượng, dũng cảm, nhân hậu, khiêm tốn của một bậc vĩ nhân. Đọc Suy ngẫm cũng tựa như được tắm trong đại dương chân lí, mang tới cho bạn những ích lợi không ngờ.
Cuốn sách Từ hạt cát đến ngọc trai – 85 triết lí sống tích cực của Marcus Aurelius chọn lựa những đoạn kinh điển nhất trong Suy ngẫm, qua đó đúc rút ra không ít bài học từ những triết lí sâu sắc. Với cách trình bày mới lạ, bắt mắt, tri thức của bậc vĩ nhân được thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp cận, hi vọng mang đến cho độc giả những “giọt trí tuệ” làm phong phú thêm thế giới tâm hồn.
Mục lục
Phần 1 - Rộng lòng tiếp thu trí tuệ của mọi người
Phần 2 - Suy nghĩ thông minh
Phần 3 - Lời nhắc nhở của cuộc đời
Phần 4 - Những suy ngẫm trong nghịch cảnh
Phần 5 - Cần cù dựng nên sự nghiệp
Phần 6 - Đánh giá giá trị của cuộc sống
Phần 7 - Hoàn thiện bản thân
Phần 8 - Đặt hiệu quả lên hàng đầu
Phần 9 - Chú trọng tu dưỡng bản thân
Phần 10 - Đạo làm người
Phần 11 - Giàu lòng nhân ái
Phần 12 - Sống vui vẻ
Trích sách
1. Chân lí về tình bạn: “Tình bạn không có nghĩa là ai cũng có thể làm bạn, càng đông càng vui; điều quan trọng nhất là giữa những người làm bạn với nhau có cùng chí hướng hay không, có ảnh hưởng tốt đến nhau hay không.”
2. “Từ Rusticus, ta lĩnh ngộ được rằng tính cách của một con người cần được rèn giũa và sửa đổi, hiểu rằng không được để mình bị cuốn vào những cuộc thi hùng biện, không viết những thứ để đầu cơ trục lợi, không nhắc nhở những điều vụn vặt, không thể hiện mình học rộng biết nhiều hay đem những việc làm từ thiện ra để khoe khoang; học được cách tránh lối viết câu chữ đẹp đẽ à sáo rỗng; không mặc loại quần áo để mặc khi ra ngoài những khi ở nhà hay làm những việc tương tự; học cách viết thư với văn phong giản dị, chân thật, như kiểu bức thư mà Rusticus gửi cho mẹ ta vậy.
Đối với những người dùng lời lẽ để xúc phạm hay có lỗi với ta, nếu họ đã có ý hòa giải thì hãy vui vẻ chấp nhận. Từ Rusticus, ta cũng học được cách đọc kĩ lưỡng, tỉ mỉ, không thỏa mãn với những lí giải bề ngoài, không tùy tiện vào hùa với những người luôn miệng thao thao bất tuyệt.” - Marcus Aurelius, Suy ngẫm.
3. Chẳng ai vừa sinh ra đã là một viên ngọc trai, bất cứ ai muốn trở thành ngọc trai cũng đều phải trải qua rất nhiều nỗ lực, thậm chí là đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt nữa. Khi bạn chưa được người khác xem như một viên ngọc trai, thì hãy coi mình như một hạt cát.
Đừng than vãn cuộc đời không công bằng, thay vào đó hãy nhìn nhận một cách đúng đắn những lời chỉ trích, phê bình của người khác, cố gắng thầm lặng để từng bước, từng bước một làm tốt mọi chuyện. Cứ như vậy, rồi sẽ có một ngày, người khác cũng sẽ nhận ra bạn là viên ngọc trai vô giá.
4. Hạnh phúc chính là sống cho bản thân mình
“Đừng quá quan tâm đến chuyện người khác đang nghĩ gì, rất hiếm khi một người bị coi là không hạnh phúc, trong khi những kẻ không quan tâm đến tiếng nói của trái tim mình mới chính là những người bất hạnh.” - Marcus Aurelius, Suy ngẫm.
5. “Cách tự báo thù tốt nhất chính là đừng bao giờ trở thành người giống như kẻ gây tội ác.” - Marcus Aurelius, Suy ngẫm.
Ai cũng có lòng đố kị, song chúng ta không thể nuôi lớn nó mà phải học cách kiềm chế bản thân. Một mặt biến lòng đố kị thành động lực tiến lên phía trước, mặt khác học cách mở rộng lòng, khoan dung trước thành công của người khác.