Những điều cần biết về niềng răng - chỉnh nha
Niềng răng là gì?
Niềng răng giúp khắc phục các vấn đề như răng không đều hoặc răng chật hàm, hàm trên hô hoặc hàm dưới đưa ra, vị trí xương hàm và khớp xương hàm bị lệch. Niềng răng giúp cải thiện thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, làm cho vẻ mặt hài hòa và tạo nên khuôn mặt cân đối, các cơ hàm hoạt động chức năng hơn, các răng được ăn khớp nhau tốt, giúp cho nụ cười đẹp và hoàn hảo hơn. Đôi khi niềng răng còn hỗ trợ các điều trị khác trong nha khoa như nha khoa thẩm mỹ và cấy ghép răng.
Những ai cần niềng răng?
Các đối tượng đầu tiên cần niềng răng là những người bị chấn thương răng, bị hở hàm ếch… gây khó khăn trong ăn uống và giao tiếp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay có rất nhiều người tìm đến dịch vụ này để tạo thẩm mỹ cho hàm răng và khuôn mặt. Đặc biệt có những trường hợp muốn đổi vận số.
Ở các quốc gia phát triển, việc sở hữu hàm răng đẹp là một trong những yếu tố thẩm mỹ hàng đầu. Vì vậy, có rất nhiều ca sĩ trước khi tấn công thị trường âm nhạc Mỹ, việc làm tiên quyết là niềng răng. Việt Nam ta có câu “Cái răng cái tóc là gốc con người”, vì vậy việc niềng răng để có một nụ cười hoàn hảo là một điều đáng khích lệ.
Những dấu hiệu sau đây cần niềng răng sớm:
- Răng xoay hay các răng mọc chen chúc.
- Răng mọc sai chỗ, xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm.
- Răng sữa mọc sớm hoặc muộn.
- Có thói quen xấu như mút tay, thở miệng.
- Có khớp cắn sâu, cắn chéo, cắn hở.
- Có sai hình xương hàm và lệch lạc răng (răng nhô ra trước hoặc thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc lùi ra sau).
- Có răng dư hoặc răng ngầm.
- Cung răng và xương hàm hẹp.
Những lưu ý trước khi niềng răng
Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể tiến hành niềng răng. Tùy vào độ tuổi và cấu trúc răng mà thời gian niềng răng dài hay ngắn. Trung bình một người cần 1 đến 2 năm để có một hàm răng đẹp. Có những trường hợp cần nhiều thời gian hơn nữa.
Việc niềng răng sẽ mất chi phí tương đối cao đòi hỏi ở bạn lòng kiên trì. Vì vậy hãy cân nhắc kỹ lưỡng.
- Thời gian đầu khi niềng răng sẽ khó chịu, thậm chí là đau buốt, gây khó khăn trong giao tiếp và ăn uống. Bạn chỉ ăn được những thứ mềm như cháo, bún, phở…
- Trong quá trình niềng răng và kể cả khi đã hoàn tất, bạn cần tránh những thức ăn cứng như đá, cắn hạt dưa…
- Thức ăn rất dễ mắc vào các niềng răng, nên bạn phải chú ý chải răng thật kỹ sau khi ăn.
- Với những bạn nhỏ tuổi, việc đeo niềng răng có thể gặp phải sự trêu chọc của những người xung quanh.