5 hậu quả khó tránh khi nghệ sĩ vướng phải scandal
Suy cho cùng, các idol là những cỗ máy hái ra tiền. Họ thường được coi như một món đầu tư của các đơn vị quản lý đã xây dựng sự nghiệp cho họ. Tuy nhiên, scandal của các idol có thể nói lên điều gì về những người liên quan? Chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh và đời tư của người nghệ sĩ trong con mắt công chúng?
1. Các bản hợp đồng đối với idol là gần-như-không-thể-phá-bỏ
Ký vào bản hợp đồng để trở thành một idol – hay nói một cách thực tế hơn là lao động để hướng tới việc trở thành idol mà không có bất cứ một sự bảo đảm chắc chắn nào về việc sẽ được cho debut với tư cách idol – là một việc cũng dễ dàng và không chút đau đớn như thể bước đi trên một mặt sàn ghép bằng những mảnh Lego và bên dưới đốt lửa vậy.
Rất nhiều idol ký hợp đồng với các công ty quản lý từ khi họ còn rất trẻ. Các công ty tuyển mộ tween và teen vào danh sách của họ, và rồi bắt đầu vun đắp nên những thần tượng hoàn hảo nhất từ nền tảng vốn có ban đầu. Các idol được tuyển chọn sẽ được huấn luyện khả năng ca hát, vũ đạo và diễn xuất, được cho thi đấu với nhau ngay từ thời khắc họ bước chân vào công ty quản lý. Các tập đoàn giải trí như Johnny & Associates, Stardust Promotion và các công ty tương tự đầu tư rất lớn cho công tác chiêu sinh. Nghệ sĩ hẳn sẽ cảm thấy phải gánh trên vai một thứ bổn phận nặng nề đối với công ty quản lý trên con đường đi đến thành công của họ.
Cho với những ai muốn thử trốn chạy: những cuộc chiến pháp lý dai dẳng vẫn đang chực chờ ở phía trước đó. Vài năm trước đây, nhóm nhạc pop nổi tiếng SMAP của Nhật Bản đã bị lôi vào một vụ lùm xùm xung quanh việc nhóm bị cáo buộc có ý định rời bỏ công ty Johnny & Associates, theo chân người quản lý cũ – cũng đã rời khỏi công ty – của họ. Đó là bằng chứng cho thấy sự nghiệp của các idol sẽ biến thành một mớ bầy hầy như thế nào nếu đối đầu với công ty quản lý của họ, cũng đồng thời cho thấy việc “thoát xác” khỏi ngành công nghiệp âm nhạc thật sự khó khăn tới mức nào.
2. Que sáng vừa là dấu hiệu của sự ủng hộ, vừa là cây búa phán xử của ngài thẩm phán
Một concert của idol sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi biển que sáng phát quang bên dưới khán đài, và trong một số trường hợp là thắp sáng kịp thời cho chính bản thân bài hát. Đối với các fan Nhật Bản, que sáng cũng quan trọng như uchiwa (loại quạt cứng, có tay cầm) vậy, còn các nhóm nhạc pop thần tượng của Hàn Quốc thường sẽ chỉ định màu que sáng cho riêng họ, nhằm phân biệt các nhóm nhạc của họ với nhau.
Một concert của Arashi, que sáng phát quang bất chấp ánh đèn sân khấu
Tuy nhiên, que sáng không chỉ được sử dụng để huơ loạn xạ trong lúc nhạc vẫn đang chạy và để có cảm giác bạn đang là một phần của fanbase đâu. Các fan còn sử dụng que sáng như một cách thể hiện sự phản đối và ghét bỏ ứ-thèm-tế-nhị đối với các nhóm cụ thể nữa cơ.
Làm thế nào mà một que sáng nhỏ xíu lại có thể biểu lộ được sự giận dữ hướng đến một nghệ sĩ cơ chứ? Chính là, bạn tắt nó đi. Việc làm này sẽ tạo ra cái được gọi là “biển đen im lặng”, và điều này đòi hỏi một sự đoàn kết và liên kết tương đối mạnh giữa các fan của các nhóm vốn được xem là đối thủ của nhau mới có thể tạo nên được.
Biển đen im lặng suốt màn biểu diễn của Seventeen tại Lễ trao giải MAMA
Đối với các fan Hàn Quốc, một biển đen im lặng là một lời tuyên bố ngắn gọn, một sự xua đuổi đói với nhóm nhạc thần tượng và màn trình diễn của họ. Đó là một cái nhún vai lạnh lùng sau chót: Màn biểu diễn của các người không xứng đáng để có được dù chỉ một đốm sáng thắp lên trong bóng tối vì các người. Người dịch bài chưa nghe về trường hợp biển đen trong các fandom ở Nhật. Thật may mắn và đáng tự hào đúng không.
3. Kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử chẳng phải là điều gì đáng bất ngờ
Những giá trị và khát khao đặt vào màu da trắng và di sản “có quyền” không hề bị giới hạn ở Mỹ và Canada. Các idol có nước da trắng xanh sẽ được xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu nhiều hơn và thường xuyên hơn hẳn so với những người có màu da sẫm hơn.
Thật không may thay, gương mặt đen thui lại là một hiện tượng phổ biến hơn những gì mọi người thường nghĩ tới. Năm ngoái, nhóm nhạc thần tượng nữ Momoiro Clover Z đã xuất hiện với những gương mặt đen thui cùng với các diễn viên hài của Rats & Star ngay trước khi quay một buổi biểu diễn tạp kỹ. Hình ảnh này thật đáng để rùng mình: nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng thậm chí đến tận năm 2015 rồi mà tình cảnh này vẫn cứ xảy ra, và còn xảy ra với sự ủng hộ của rất nhiều những người có thẩm quyền trong ngành văn hóa nữa chứ.
4. Các nhóm nữ có trách nhiệm không thể trốn tránh đối với cộng đồng fan chủ đạo của họ: Nam giới
Có còn nhớ những bản hợp đồng kín không kẽ hở mà các idol của chúng ta phải ký vào không? Trong vô số những điều mà các idol đầy triển vọng phải hứa là sẽ bỏ qua một bên, luôn có một điều, đó là không được phép có những mối quan hệ có thể gây mất lòng fan – và mất fan. Không-hẹn-hò là quy tắc vô cùng phổ biến, thậm chí một số công ty còn đi xa hơn bằng việc công khai tuyên bố với các tài năng và người quản lý về việc nghệ sĩ sẽ bị đóng băng sự nghiệp nếu “dám” vi phạm quy định. Hậu quả của việc coi thường quy định này bao gồm chấm dứt hợp đồng ký hậu , bẽ mặt trước công chúng, và trong một số trường hợp, sự nghiệp của bạn sẽ tiêu tùng, như bạn biết đấy. Đây là cho trường hợp bạn là idol nữ.
Idol nam cũng bị buộc phải tuân thủ quy định trên, nhưng các cô gái mới chính là những người phải chịu áp lực trong việc phải giữ cho hình ảnh của mình “available” nhiều nhất có thể trước lực lượng fan nam của họ, nhưng không phải thực sự “available” hoàn toàn. Duy trì được sự ảo diệu chính là chìa khóa đưa tới thành công cho họ, bởi nếu một idol nữ mà có bạn trai, cô ấy sẽ trở thành một idol nữ mà fan nam không thể nào có được, bất kể bên nam có mua bao nhiêu CD hay tham dự bao nhiêu buổi concert có cô ấy.
AKB48 là một ví dụ không thể điển hình hơn về cách đối xử quá mức kinh khủng với những cô gái trẻ ấy. Vé tham dự những sự kiện cho phép bắt tay và cơ hội để có thể được gặp gỡ các cô gái được tặng kèm khi mua CD hoặc DVD, nhưng không phải trong sản phẩm nào cũng có. Điều này góp phần thúc đẩy doanh thu theo cách hiệu quả hơn rất nhiều so với những lời tung hô tán tụng. Các fan nam mua CD theo lố để thu thập cơ hội tham dự các sự kiện của nhóm, đồng thời cũng để vote cho thành viên mà họ yêu thích nhất trong AKB48 lên hạng và trở thành gương mặt trung tâm của cả nhóm. Kỹ thuật này hút fan nam về cho nhóm và hứa hẹn với họ rằng họ sẽ có được lòng trung thành của các cô gái mà họ ưa thích.
Idol Minegishi Minami trước đây đã trực tiếp lãnh nhận hậu quả của việc dám phá vỡ quy tắc bất thành văn này. Khi cô ấy bị phát hiện là đã có bạn trai, cô đã mất chỗ đứng trong AKB48, đồng thời bị giáng xuống đội thực tập sinh vì cái tội phá luật. Sau đó, cô ấy có đăng một video quay lại hình ảnh chính mình với mái đầu cạo tóc và xin lỗi vì quyết định “thiếu suy nghĩ và kém chín chắn” của bản thân. Một số fan cũng đã lên tiếng bảo vệ cô ấy, tuy nhiên công ty đã lên tiếng rồi, và sự nghiệp của cô ấy thế là đi tong.
5. Phụ nữ luôn luôn chịu tác động xấu nhất của bất kỳ scandal nào
Minami Minegishi bị loại hoàn toàn khỏi nhóm vì dám hẹn hò với một cậu trai. Tuy nhiên, cây chuyện của cô ấy hoàn toàn chẳng phải là chuyện mới mẻ hay đáng ngạc nhiên gì đối với các idol nữ.
Năm 2016 quả là một năm tồi tệ, vô cùng tồi tệ đối với Becky (tức Rebecca Eri Ray Vaughan), một nhân vật nổi tiếng trên các chương trình truyền hình Nhật Bản sau khi scandal qua lại với Kawatani Enon bị tờ Shunkan Bunshun khui ra. Cuộc hôn nhân sáu-tháng với người phụ nữ khác dường như chẳng phải là bí mật gì giữa anh ta và Becky. Gió đã nổi lên rất nhanh, nhưng chỉ nhắm vào một phía. Các hợp đồng của Becky lần lượt biến mất, từng cái từng cái một, và tần suất xuất hiện trong các chương trình tạp kỹ của Becky cũng bị cắt giảm về con số không theo thời gian tháng 2 trôi đi.
Becky không phải một idol, nhưng giống như hầu hết những cô gái làm việc trong ngành giải trí ở Nhật Bản, cô ấy bị những chuẩn mực về đạo đức “treo cổ” khi đời sống tình ái của cô bị đem ra tiết lộ trước công chúng. Sự nghiệp của cô được xây dựng theo hình ảnh của một cô-hàng-xóm tốt bụng, một người phụ nữ trẻ đầy sức lôi cuốn, một cô gái biết làm duyên làm dáng nhưng vẫn giữ mình trinh bạch trong con mắt công chúng. Nay ảo ảnh đó đã tan tành rồi còn đâu.
Còn Kawatani Enon thì vẫn cứ là hình ảnh đại diện cho ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản. Ban nhạc của anh ta có chút thay đổi nhỏ để đối phó với tình hình hậu scandal, sự nghiệp của Kawatani đã chùng xuống, nhưng không đến mức bị dồn tới bước đường cùng như Becky.
Tôi chắc chắn không có ý định vẽ lại bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp giải trí của châu Á bằng một gam màu u ám, song những gì quan sát được lại chẳng phải là những biến cố mang tính nhất thời. Chúng đang xảy ra, và vẫn sẽ còn tiếp tục xảy ra trên nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tạo ra tiền lệ và củng cố niềm tin cho các thể chế xã hội rằng hiện trạng thực tế là thế đấy – một điều tất yếu, không thể phá vỡ, không thể ngăn cản. Cách đối xử với nữ giới trong làng giải trí đặc biệt đáng kinh sợ, và tự bản thân điều này đã nói lên rằng các thể chế xã hội trên toàn thế giới vẫn còn phải đi một chặng đường dài, rất dài nữa mới có thể đạt đến sự bình đẳng thực sự.
Những công cuộc kinh doanh này đã ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế và con người như thế nào. Tẩy chay có tác dụng gì không? Liệu có thể phản đối được sức ảnh hưởng của một ngành công nghiệp đang đưa ra thị trường những nhóm nhạc mới mỗi tháng từ nguồn thực tập sinh dài đến hàng cây số của họ, những nhóm nhạc gồm toàn những ngôi sao trẻ tuổi ôm đầy hy vọng trong tim? Nền kinh tế của Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề đến mức nào nếu như nền công nghiệp sản xuất các idol mà chúng ta hôm nay vẫn biết đổ sụp? Liệu rằng những thành tựu mà các nhóm đã đạt được, những thành tựu đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt có xứng đáng với sự hy sinh mà mỗi cá nhân đã bỏ ra không? Tôi đoán là câu trả lời cũng sẽ phức tạp và đớn đau như quy trình tạo ra một siêu sao mới thôi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Nguồn dịch: womenwriteaboutcomics