Muốn trải nghiệm văn hóa Nhật, nhất định phải đi xem phim rạp
Hàng tuần ở Nhật có rất nhiều phim ra rạp, từ phim hoạt hình (movie riêng biệt hoặc từ một series nào đó, 2D, 3D),
phim người đóng (phim chuyển thể, nghệ thuật, thương mại...)
Phim đa dạng về thể loại
Bản thân việc đến rạp chiếu bóng xem phim ở Nhật đã là một trải nghiệm văn hóa rồi. Hàng năm, hàng tháng, thậm chí là hàng tuần, ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản đã thu về một nguồn lợi khổng lồ từ việc sản xuất những phiên bản movie của các bộ manga nổi tiếng. Một số những bộ nổi tiếng hơn đã được phát hành vào năm ngoái có thể kể đến: Lupin III, Doraemon và Thám tử lừng danh Conan. Bên trong rạp chiếu phim, cũng như hầu hết các rạp chiếu khác ở phương Tây, bạn chắc chắn sẽ tìm được những tấm poster quảng cáo nhiều vô thiên lủng về những phim mới phát hành, bao gồm cả phim ngoại lẫn phim Nhật.
Có lẽ chẳng có gì phải lấy làm ngạc nhiên khi rất nhiều những bộ phim lớn của điện ảnh Mỹ tìm được đường sang Nhật và được trình chiếu kèm phụ đề tiếng Nhật. Bạn sẽ thấy rằng bản phim phát hành ở Nhật chỉ chậm hơn ngày công chiếu chính thức tại Mỹ có một chút thôi. Còn trường hợp phim nước ngoài chiếu chậm cả năm là do phim đó không có ngôi sao được yêu thích nhiều ở Nhật, nên bên nhập phim phải làm khảo sát và đợi phim đạt được giải thưởng mới chiếu.
Vé
Tuy nhiên, mua vé xem phim có lẽ khá khác so với những gì người nước ngoài trông đợi. Từ những trải nghiệm của cá nhân tôi, tôi thấy rằng nhân viên quầy vé ở đây chuẩn tắc hơn nhiều. Ở đây, việc người ta đi mua vé sớm hơn ngày chiếu vài hôm là chuyện chẳng có gì phải lấy làm lạ. Bạn có thể chọn chỗ cho mình tại một số rạp chiếu phim lớn hơn, cũng gần như kiểu chọn chỗ khi đi xem concert, xem múa ballet hay xem kịch vậy. Sơ đồ ghế ngồi cũng liệt kê cả những chỗ ngồi đặc biệt dành cho người khuyết tật, ghế VIP và cả ghế đôi nữa.
Một người bạn Nhật Bản của tôi dạo gần đây lần đầu tiên đến rạp xem phim một mình. Cô ấy nói rằng cô ấy thấy rất ngượng, bởi vì ở Nhật người ta hiếm khi nào đến rạp chiếu phim một mình. Đi xem phim ở đây thường được coi như một cuộc hẹn hoặc một hoạt động bạn tham gia chung cùng bạn bè của mình vậy.
Mỗi trung tâm thương mại sẽ có một cụm rạp độc quyền, Việc đặt vé, mua combo bỏng ngô - nước ngọt
cũng tương tự như ở Việt Nam. Nhưng bạn cũng có thể mua vé tự động.
Giá vé có xu hướng dao động từ 1500 đến 1800 yên. Kể ra thì cũng hơi đắt đối với một số người – cái này còn tùy thuộc vào việc bạn đến từ đâu nữa, nhưng tôi thấy rằng đồ ăn và thức uống ở đây so với ở Mỹ thì rẻ hơn rất nhiều. Người đi xem phim ở các rạp tại Nhật thường hay mua một lượng lớn đồ ăn và thức uống, nhưng cũng tùy rạp nữa. Bỏng ngô là một món Tây khá là kỳ lạ ở Nhật Bản, và ngày này, có vô số các thương hiệu nổi tiếng của các cửa hàng chỉ chuyên phục vụ bỏng ngô (vị phô mai và caramel là những hương vị phổ biến nhất, tất nhiên rồi) được mở ra tại các đầu mối giao thông lớn cũng như trong các cửa hàng bách hóa, nơi người ta thường xếp thành những hàng dài thật dài để mua. Bánh mì và bánh ngọt cũng có mặt ở rất nhiều rạp chiếu phim đấy.
Bé con tại rạp chiếu phim
Một trong những điều mà tôi thấy rất thú vị khi nghĩ tới các rạp chiếu phim tại Nhật Bản đó là, người mẹ thường đem theo em bé và trẻ nhỏ đi xem phim cùng mình. Chăm sóc trẻ con vào thời điểm trước khi đi học và trước khi được gửi đi nhà trẻ là một truyền thống vẫn còn phổ biến lắm, là một phần trong trách nhiệm của người mẹ, vậy nên tới tận ngày hôm nay, các bà mẹ vẫn sẽ luôn chăm chút cho bé con của mình. Cũng chính bởi điều này, ở đây luôn có phòng dành cho những người có thể vừa xem phim vừa chăm con, phòng trường hợp bé con bắt đầu khóc, tránh ảnh hưởng đến người khác.
Nhật Bản cũng là nước sản xuất ra rất nhiều những bộ phim gây ấn tượng mạnh về kịch bản, lời thoại và diễn xuất của các diễn viên vô cùng tài năng. Nếu như bạn đang học tiếng Nhật hoặc mê thích xem phim nước ngoài, tôi nhiệt liệt đề nghị bạn nên để mắt đến rạp chiếu phim ở Nhật. Đó sẽ là một trải nghiệm cực kỳ đáng giá, giúp mở rộng tầm mắt ra không ít đâu!