Công thức dựng phim taiga: Đã đến lúc đài NHK nên nghĩ lại
Tháng 12/2015, một bài báo xuất hiện trên tờ Yomiuri Shimbun đã đem triển vọng của series phim lịch sử dài tập taiga phiên bản 2016 của đài NHK đặt lên bàn cân. Bài báo có nhắc đến “Sanada Maru”, bộ taiga thứ 55 của đài này, dự kiến công chiếu từ ngày 10/01/2016. Sanada Maru cũng chính là tên vành đai phòng thủ bao quanh thành Osaka nhằm chống lại một kế hoạch vây hãm vào năm 1615, 12 năm sau ngày Mạc phủ Tokugawa nhất thống Nhật Bản dưới quyền cai trị của mình. Tờ Yomiuri nói rằng giai đoạn lịch sử đầy biến động này “chắc chắn là giai đoạn ưa thích nhất của đài NHK”, bởi lẽ rất nhiều bộ taiga lấy bối cảnh thời Chiến Quốc (thế kỷ 15, 16 ở Nhật Bản). Thật khó mà đếm hết được số lần những sự kiện và các nhân vật tai to mặt lớn của thời đại này được đưa lên màn ảnh.
Trọng điểm của bài báo là, liệu đài NHK có thể lật ngược được tình thế cho dòng phim đang có rating ở mức bi đát nhất trong lịch sử này - cụ thể là “Hana Moyu”, lên sóng vào cuối năm ngoái, có Inoue Mao trong vai Fumi Sugi, người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn Nhật Bản chuyển mình từ thời kỳ Edo (Giang Hộ) sang thời kỳ Meiji (Minh Trị) hồi giữa thế kỷ 19, tận mắt chứng kiến những biến động của thời đại – hay không. Mức độ quan tâm của khán giả dành cho bộ phim đã rớt xuống dưới mức hai chữ số từ giữa tháng 4 và chưa bao giờ có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy rằng các nhà phê bình đổ lỗi cho vị thế của truyền thông – ngày nay, thế hệ trẻ chẳng còn mặn mà gì với việc xem TV nữa – song, sự thật là loạt series 15 phút buổi sáng hàng ngày của đài NHK vẫn rất hot, vậy nên vấn đề hẳn là nằm ở kịch bản rồi. Kể từ năm 2010, khi đại thần làng rock Fukuyama Masaharu đóng taiga (vai Sakamoto Ryoma), mức rating cũng chỉ lượn lờ dưới mốc 20% mà thôi.
Taichi Kasuga, một chuyên gia về phim lịch sử, phát biểu với tờ Yomiuri rằng vấn đề nằm chính ở cách thể hiện. Ông cho rằng đài NHK đang “sỉ nhục trí thông minh của khán giả” bằng việc cố tình giản lược hóa kịch bản để chúng trở nên “dễ hiểu”, khiến cho “các khán giả mộ điệu” cảm thấy không hài lòng. Mặt khác, nhiều nhà phê bình trên Internet phàn nàn rằng phim dày đặc nhân vật và quá nhiều nhánh phụ. Hơn thế nữa, lịch sử bị cải biên để đạt được độ kịch tính thích hợp: Sự kiện được tinh giản, các nhân vật được tạo ra để thu hút cảm tình của đám hậu bối sống cách tiền nhân sau cả ngàn năm, các anh hùng xen ngang vào các bối cảnh lịch sử quen thuộc mà vốn chẳng mấy can hệ tới họ.
Tuy nhiên, những điểm nhấn này lại không được lòng những người thực sự có đam mê, những người thực sự có kiến thức về lịch sử - vốn không phải là đối tượng khán giả chủ đạo mà đài NHK nhắm tới. Nhưng khi series phim cố gắng nghiêm túc bám sát vào những sự kiện có thật ai ai cũng biết (như đã làm với “Gou”, bộ phim về người cháu gái của lãnh chúa Oda Nobunaga, công chiếu năm 2011), khán giả lại phàn nàn rằng nó quá “tăm tối” và “nhàm chán”. (Lời người dịch: Khán giả thật khó chiều!)
Tờ Yomiuri cho rằng thủ phạm chính là khâu casting. Nhà đài ưu tiên những gương mặt tài năng quen thuộc với công chúng, vậy nên tất cả những chuyện khác đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Người ta thường nói đùa với nhau rằng, vai nam chính nữ chính trong các drama taiga đều về tay gà nhà Johnny & Associates, công ty quản lý tài năng quyền lực nhất Nhật Bản. Tất cả bọn họ đều được lựa chọn nhờ vào tên tuổi của chính họ thay vì thực lực diễn xuất đã qua kiểm chứng. Điều đó cho thấy các sản phẩm làm ra rất nhiều và rất vội, khâu đạo diễn và biên kịch rất yếu, khiến cho phần ruột bỗng phải chịu cảnh chênh lệch một trời một vực so với phần nhìn – thứ luôn được ưu tiên hàng đầu.
Nói về chuyện “được ưu tiên hàng đầu”, ý tôi muốn nói đến “thứ tốt nhất có thể mua được bằng tiền” ấy. Trong năm nay, đài NHK đã dốc toàn lực để đảm bảo rằng “Sanada Maru” trở thành bom tấn. Để đóng vai người anh hùng Nobushine “Yukimura” Sanda, họ đã ký hợp đồng với Sakai Masato, gương mặt được săn đón nhất Nhật Bản hiện nay nhờ vai chính trong series phim đình đám “Hanzawa Naoki” của đài TBS vào năm 2013. Sakai cũng chính là nhân tố chính yếu đảm bảo cho sự thành công với mức rating khủng của bộ taiga “Atsuhime” vào năm 2008, khi anh nhận vai vị tướng quân có lẽ là hơi gàn dở Tokugawa Iesada. Các nhà sản xuất cũng đã tranh đấu kịch liệt để mời Mitani Koki, biên kịch hàng đầu về viết kịch bản, cố tình phớt lờ sự thật rằng lần gần đây nhất Mitani quản lý việc xây dựng kịch bản cho một bộ taiga “Shinsegumi!” chiếu năm 2008 với rating thất bại thảm hại.
NHK cũng đã trưng dụng cả những chương trình khác phát trên đài này để tăng cường quảng bá cho “Sanada Maru”. Các chương trình về du lịch như “Tsurube no Kazoku ni Kanpai” (Lời chào của Tsurube tới các Gia đình) và “Buratamori” đã được chuyển địa điểm tới gần những nơi có liên quan trong thiên anh hùng ca ấy; ngoài ra, các diễn viên trong đoàn làm phim cũng xuất hiện với vai trò khách mời. Phim tài liệu lịch sử và các chương trình thảo luận cung cấp nền tảng kiến thức phục vụ cho bộ drama sắp lên sóng. Thậm chí ngay cả các show mới cũng lồng ghép tuyên truyền hết mức có thể.
Theo như ấn bản điện tử của tạp chí lá cải Cyzo, đài NHK đã cho Sakai gần như luôn hiện hữu trước con mắt công chúng từ mùa thu năm ngoái để quảng bá phim, nhưng anh đã chứng minh rằng không có đề nghị hợp tác nào như vậy cả trong một cuộc phỏng vấn. Các phóng viên mảng giải trí đương nhiên không thể bỏ qua chân dung của Sanada, vai diễn của Sakai. Họ muốn biết về đời sống hôn nhân và đứa con mới sinh của anh ấy, nhưng Sakai có bao giờ nói về những chuyện này đâu. Vậy nên, một vài cơ quan truyền thông thậm chí còn chẳng thèm đăng bài hay cho điểm tin trên TV. Thêm vào đó, một chuyên gia về showbiz phát biểu với tờ tạp chí rằng, phong cách diễn xuất của Sakai tương đối “một mình một ngựa” vậy nên các diễn viên khác thường không biết phải làm việc với anh như thế nào. Do đó, xét về tổng thể, mạch phim “không thể hòa chung được một nhịp điệu”.
Tới nay, tất cả những nỗ lực trên dường như đã được đền đáp. Rating tập 1 đạt mức 19% và tập hai bùng nổ với mức 20%; tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng “Shinsengumi!” cũng đã từng bắt đầu với con số 26% đầy ấn tượng và tụt dần đều, rồi kết thúc ở mức trung bình 17,4% đáng thất vọng. (Cập nhật: hiện Sanada Maru đi được 2/3 chặng đường, tập 30 chỉ có 14.5 còn tập 31 là 17.3).
Điều mà chẳng ai bàn tới chính là, tại sao đài NHK, đài phát thanh và truyền hình quốc gia của Nhật Bản với nguồn ngân quỹ dồi dào đến từ những khoản đóng góp hợp pháp bắt buộc của tất cả các hộ gia đình, lại bị ám ảnh về mức rating như thế. Đài NHK chắc chắn sẽ trả lời rằng, đó là bởi họ tin họ cần phải làm hài lòng công chúng, nhưng nếu đó là sự thật thì sự thật đó đã được định hướng sẵn từ trước rồi. Kế hoạch tăng cường độ phủ sóng cho “Sanada Maru” cũng chỉ “cá mè một lứa” với phương thức mà các nhà ga thương mại sử dụng – kết quả chốt lại vẫn cứ là thu hút và làm hài lòng các nhà tài trợ mà thôi.
Đài NHK có một thứ đặc quyền sang chảnh là chẳng phải nhìn sắc mặt bất kỳ ai mà sống hết, hoặc ít nhất là trên lý thuyết. Cách mà nhà đài này thực hiện trong việc đưa tới cho người ta những thứ mà giả sử rằng họ sẽ cần cũng giống như kiểu cầm đèn chạy trước xe tăng vậy. Họ không thể thực tế hơn một chút – chưa nói đến chuyện có trách nhiệm hơn một tí – trong việc làm ra những series phim chất lượng hết mức có thể hay sao? Có lẽ những gì khán giả cần thực sự chỉ là chất lượng mà thôi.