Na Ta Niên, Ngã Môn Nhất Khởi Truy Đích Nữ Hài
Chuyện phim và nội dung tiểu thuyết tương đối giống nhau. Ấy là câu chuyện về những cậu học trò mà nhân vật trung tâm là Kha Cảnh Đằng, cùng thích cô bạn gái dễ thương, học giỏi Thẩm Giai Nghi. Mỗi người có một cách riêng để theo đuổi Giai Nghi, qua đó gợi nhớ lại thời tuổi trẻ đã qua của tất cả chúng ta. Cái thời mà, tất cả mọi chàng trai đều thích một cô gái.
Hãy cứ để cho mình được tiếp tục thích cậu.
Nếu ai đã xem phim thì đều thấy nó ngắn gọn, súc tích nhưng sinh động, trẻ trung. Những cảnh quay đẹp, diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên và một cái kết đầy tiếc nuối đã ghi điểm tuyệt đối. Tiểu thuyết hơi dài dòng, lan man, không tập trung vào các nhân vật mà chỉ liệt kê sơ sài, đặc biệt là rất nhiều chương kể về chuyện mối tình của Kha Cảnh Đằng và Lý Tiểu Hoa cũng như nhân vật Thẩm Gia Nghi chưa thật sự ấn tượng, khiến độc giả dễ hụt hẫng. Nhưng công bằng mà nói, “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” là một tác phẩm về tuổi trẻ đáng đọc để hiểu về mình, hiểu về người, hiểu về cuộc sống hơn. Vì nó là một câu chuyện tình ngập tràn tuổi trẻ qua lăng kính của chàng trai Cửu Bả Đao dí dỏm nhưng không hời hợt.
Có ai đó đã nói, đây là cuốn tự truyện của Cửu Bả Đao – Kha Cảnh Đằng. Còn riêng tôi, vẫn cảm thấy đây là cuốn tiểu thuyết lãng mạn, bay bổng và nhiều vấn vương. Nếu nói rằng, đây là tự truyện của tất cả những chàng trai đã từng yêu, thì có lẽ đúng hơn. Cái hay của Cửu Bả Đao là đã kể lên một câu chuyện chân thật có, mộng mơ có, và rất đỗi tâm lý. Chàng trai nào đã đi qua thanh xuân mà không bắt gặp hình ảnh của mình trong Kha Cảnh Đằng? Cô gái nào đã đi qua thời hoa niên mà không đồng tình với lựa chọn hạnh phúc của Thẩm Giai Nghi?
Người ngồi trước, người ngồi sau. Lưng áo đứa con trai bắt đầu xuất hiện những vết mực.
Cuốn sách được một dịch giả có tiếng của làng sách Trung Quốc – Lục Hương chuyển ngữ. Tôi không biết văn phong trong tác phẩm gốc như thế nào, nhưng qua bản dịch tiếng Việt, Kha Cảnh Đằng hiện ra chân thật và gần gũi. Câu văn không quá nhuần nhuyễn, ngôn từ đôi chỗ xử lý chưa thỏa đáng, nhưng toát lên tác phẩm là sức trẻ. Đó là sự am tường thế giới thiếu niên, là những ngôn ngữ học đường được xử lý tinh tế. Và có một người bạn đã nói với tôi, cuốn sách hay là cuốn sách có lời đề tựa, giới thiệu ở đầu trang. Nhưng cuốn sách này có tận bốn lời đề tựa. Và dĩ nhiên, khi đọc mới thấy, tác phẩm này không chỉ là những lời tâng bốc ngoa ngôn.
Thanh xuân là cơn mưa tầm tã. Cho dù bị cảm, cũng muốn quay lại đằm mình thêm lần nữa…
Tôi đọc để nhớ về tuổi trẻ của chính mình…