Các mọt sách, các bạn có đang mắc phải căn bệnh tsundoku không?
(Ảnh: tofugu)
Giờ hãy thử nhìn vào chiếc bàn kê cạnh giường của mình xem. Bạn có thấy bản thân mình đang mắc phải “căn bệnh” này không? Tôi đoán chắc hầu hết mỗi người trong chúng ta đều có rất nhiều sách và chỉ mới đọc hết một số ít trong số đó.
Về mặt ngữ nghĩa, tsundoku được kết hợp từ hai từ “tsunde” (chất đống đồ vật) và “dokusho” (đọc). Và sau đây là quá trình thường thấy ở một người bị tsundoku:
Sau khi chọn lựa rất kĩ số sách muốn mua ở hiệu sách, các bạn sẽ mua về và đặt chúng ở đâu đó trong nhà rồi nghĩ “Mình sẽ quay lại đọc nó sau”, nhưng điều này chắc hẳn sẽ không xảy ra hoặc nếu có cũng là một khoảng thời gian rất lâu sau đó. Rồi đến một dịp khác, bạn lại đọc được những đánh giá, bình luận về mấy quyển sách hay ho khác hoặc có cơ hội xem trước vài trang trên mạng và quyết định mua chúng chỉ với một cú click chuột. Hay Amazon đề cử một cuốn sách best-seller? Click nhanh… Và điều tương tự cứ lặp đi lặp lại như vậy sau mỗi vài tuần.
Như đã nói ở trên, đây là một hiện tượng rất nhiều người gặp phải. Vậy nên, trước khi cảm thấy quá tội lỗi vì đã lãng phí tiền bạc cũng như thời gian tìm và mua sách, chúng tôi muốn gợi ý một số điều bạn có thể làm để cải thiện tình huống.
(Ảnh: thedailystar)
1. Đọc sách đi!
Cách đơn giản và trực tiếp nhất, sách là do các bạn mua về? Vậy hãy đọc chúng đi!
2. Đem đi quyên góp!
Chọn ra những cuốn sách mà bạn không muốn đọc nữa sau khi đọc thử vài trang đầu và quyên góp chúng cho thư viện hoặc các tổ chức từ thiện hay các cửa hàng bán đồ cũ. Nếu không, bạn cũng có thể tặng chúng cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình.
3. Sắp xếp chúng một cách có trật tự!
Giờ hãy đứng lên và bắt đầu sắp xếp lại giá sách cũ kĩ bám đầy bụi của mình đi thôi. Rất có thể vấn đề tích trữ quá nhiều sách sẽ được giải quyết sau khi bạn mua cho mình một cái giá để sách bé hơn. Sau đó, đừng quên tự đặt ra một hình thức sắp xếp cho riêng mình nhé.
4. Mua sách trên Kindle!
Hãy bảo vệ môi trường, bảo vệ cây cối bằng cách giảm thiểu lượng giấy trong thói quen đọc sách của mình. Nhưng đừng chủ quan, “tsunkindle” hoặc “E-tsundoku” vẫn có thể xảy ra đấy.
Tuy nhiên, nếu việc một đống sách được sắp xếp gọn gàng đẹp đẽ có thể đem lại cho bạn niềm vui và nâng cao tinh thần cho bạn, vậy thì bạn không cần lo lắng gì cả. Như nhà văn viết truyện giả tưởng người Anh Jeanette Winterson từng nói: “Sưu tập sách là một mối ám ảnh, một nghề nghiệp, một căn bệnh, một cơn nghiện, một sự ảo tưởng, một sự ngớ ngẩn, một số phận chứ không chỉ là một sở thích.”
(Ảnh:tofugu)
Hay như câu nói của một nhà văn người Mỹ Alfred Edward Newton:
Ngay cả khi không thể đọc, sự hiện hữu của những cuốn sách sẽ giúp sản sinh ra trạng thái mê ly và từ đó hành động mua nhiều sách hơn nhiều so với khả năng đọc của mình cũng sẽ giống như tâm hồn mình đang tìm đến với cõi vô cực vậy… chúng ta yêu mến những cuốn sách ngay cả khi không đọc, sự hiện diện của chúng đã đủ để đem lại sự thoải mái và tái đảm bảo cho con người.
Nguồn: tofugu, thedailystar
Dịch: Phương