Oden – Hồn đông của người Nhật
Ở Nhật vào khoảng thời gian cuối năm thế này, Oden gần như là lựa chọn số 1 trong các bữa ăn của gia đình hoặc những buổi họp mặt bạn bè. Nói không quá thì người Nhật thật sự đã xem Oden như sự sống của mình trong suốt mùa đông. Vậy liệu Oden sức hấp dẫn đến mức nào?
Truyền thống lâu đời của Oden
Oden là một trong những món ăn cổ truyền của người Nhật, được người dân nơi đây xem như nét tự hào trong nền văn hóa ẩm thực. Bắt nguồn từ món Tofu-dengaku xuất hiện cách đây 800 năm, với cách chế biến tương đối đơn giản khi chỉ có đậu phụ hầm với nước tương. Nhưng chính cách chế biến không cầu kỳ đã giúp Oden giữ trọn hương vị thuần túy của nguyên liệu, khiến nó nhanh chóng chiếm trọn tình cảm của người Nhật và trở thành món ăn mang linh hồn mùa đông ở đất nước mặt trời mọc.
Tofu-dengaku
Nhìn chung, Oden khá giống với món lẩu Việt Nam, đều bao gồm 2 thành phần là nước dùng và đồ cho vào lẩu, nhưng cách chế biến lại tương tự như món hầm khi được ninh nhiều giờ liền. Ngày nay Oden đã được biến tấu vô cùng đa dạng, chứ không đơn thuần là đậu phụ hầm trong nước dùng như trước nữa, công thức chế biến dần mang đặc trưng hương vị của vùng miền khiến món ăn cũng ngon theo một cách rất riêng.
Món ăn ủ lòng ngày đông
Oden được xếp vào loại đồ hầm. Các thành phần thường thấy của món Oden là những thứ được ưa chuộng vào mùa đông như: củ cải, trứng luộc, konnyaku… Những thứ trên được hầm nhiều giờ trong nước chắt lọc từ dashi, shouyu, một ít đường và thêm vài gia vị khác. Nước hầm có vị mặn vừa phải của shouyu, vị ngọt từ các thành phần đem ninh, nhất là củ cải.
Có thể nói tất cả những gì tinh túy của món oden dường như đã được kết tinh, cô đọng trong miếng củ cải, vừa cắn vào liền cảm nhận được sự đượm nồng hương vị tươi nguyên và thấy lòng dần ấm lên giữa tiết trời lạnh giá.
Ăn ngon và dễ tìm
Nếu không có thời gian hầm Oden tại nhà hoặc tìm đủ các nguyên liệu để tạo nên một món ăn đủ chuẩn, thì bạn cũng chẳng cần phải lo lắng, bởi nó gần như được bán ở khắp mọi nơi. Oden thường được bán ở các xe thực phẩm và hầu hết cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản trong mùa đông với giá siêu mềm, chỉ khoảng 50 yên một phần.
Sự khác biệt trong văn hóa giữa các vùng miền đã khiến Oden có nhiều biến tấu cả về tên gọi lẫn cách dùng. Ở Nagoya, món này được gọi là Kantoni và nước tương được sử dụng như một loại sốt chấm. Kansai lại gọi là Kantodaki với hương vị đậm đà hơn nhiều so với các loại ở những địa phương khác. Tại Shizuoka, Oden sử dụng nước dùng khá đặc với thịt bò và hắc xì dầu, tất cả thành phần đều được nướng xiên, rắc thêm cá khô bào katsuobushi cùng với bột aonori (làm từ rong biển) trước khi ăn.
Oden – Hơn cả một món ăn
Có lẽ từ rất lâu rồi, Oden không chỉ đơn giản là món ăn giúp người Nhật ấm lòng mỗi khi đông về nữa. Nó đã thực sự trở thành văn hóa, là quốc hồn quốc túy của đất nước, con người xứ sở Phù Tang. Món ăn này cũng giống như tính cách của người Nhật vậy: gọn gàng trong cách sắp xếp, tỉ mỉ cẩn thận trong cách lựa chọn nguyên liệu và chế biến, cần đủ lửa, thời gian để món ăn đạt đến mỹ vị, tạo cảm giác thỏa mãn, đắm say cho người thưởng thức.
Các nguyên liệu đều được chuẩn bị rất chu đáo, mỗi khâu chế biến cũng phải có kỹ năng riêng. Ví như luộc trứng đã là chuyện quá đơn giản với chúng ta rồi, nhưng làm sao để trứng không bị thâm, lửa bao nhiêu là đủ và luộc thế nào không bị dập mới đáng quan tâm. Vởi củ cải thì phải được thái to và hầm thật kỹ để thấm đẫm toàn bộ tinh túy của nước dùng, cũng như mùi vị đặc trưng của các thành phần khác. Sự cô đọng ấy cũng giống như con người Nhật Bản vậy, trông thì bình dị thôi nhưng lại ẩn chứa một tâm hồn vô cùng sâu lắng.
Không hề có một công thức cầu kỳ hay nguyên liệu quá đắt đỏ, Oden vẫn hiển nhiên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nhật trong ngày đông lạnh giá. Những giá trị tinh thần ẩn chứa trong món ăn bình dân này thật sự đã khiến chúng ta nể phục hơn tích cách con người ở đất nước mặt trời mọc, phải chăng bởi họ luôn sống với một trái tim đầy nhiệt huyết, muốn cải tiến và mong được hạnh phúc vì mình và người khác?