Tình thầy trò – Cấm kỵ, đau đớn nhưng cũng đầy rung cảm
Trong một đất nước có cả những người gục chết trên bàn làm việc, thì vai trò của người giáo viên lại càng quan trọng hơn. Họ không chỉ là người đưa đò lèo lái con thuyền tri thức, mà còn thay phụ huynh quan tâm cho các em học sinh, để phụ huynh an tâm cống hiến cho xã hội. Nếu học sinh có vấn đề dính đến pháp luật, cảnh sát sẽ gọi cho giáo viên chủ nhiệm trước nhất. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong Kokuhaku, và khi cô giáo Moriguchi từ chối đến sở cảnh sát mà nhờ một giáo viên khác đi thay, người học trò của cô đã căm phẫn như thế nào, để rồi từ đó xảy ra những câu chuyện quá đỗi đau lòng.
Giáo viên lúc này còn đóng cả vai trò người cha, người mẹ. Quan hệ thầy – trò chính vì thế không chỉ còn gói gọn trong nhà trường, mà nó còn liên quan đến đạo đức xã hội. Điện ảnh Nhật Bản thì chưa bao giờ ngần ngại mang vấn đề này lên màn ảnh, nhưng không hề phản đối gay gắt, mà qua những góc nhìn rất đỗi dịu dàng.
(Nguồn ảnh: Toho)
Hirunaka no Ryusei (Ánh Sao Ban Ngày) chuyển thể từ manga cùng tên là một bộ phim học đường nhẹ nhàng, trong sáng, không khai thác chuyện tình thầy trò một cách triệt để, mà chỉ là một phần trong tháng ngày thanh xuân của cô gái quê Suzume. Ngày đầu lên Tokyo, Suzume bị lạc và ngất xỉu, khi tỉnh dậy thì thấy Satsuki ở bên giúp đỡ mình. Cô học sinh năm nhất cao trung sau đấy mới biết Satsuki cũng chính là giáo viên chủ nhiệm của mình. Được thầy quan tâm, Suzume dần rung động. Tuy nhiên, bộ phim rẽ sang một hướng khác, tình yêu thật sự của Suzume là dành cho cậu bạn bàn bên.
Nhẹ nhàng hơn cả, và không kém phần mờ ảo, là mối tình thầy trò trong Sensei ni Koishita Natsu (Mùa Hạ Ấy Em Đã Yêu Người). Câu chuyện cũng bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ của nữ sinh Fuuka và thầy giáo mỹ thuật mới Hiroki. Đây là bộ phim ngắn dài 6 tập, mà mỗi tập chỉ vỏn vẹn vài phút, nên mỗi thứ được khắc họa theo chiều lãng đãng.
Taisetsu na Koto wa Subete Kimi ga Oshiete Kureta (Em Đã Dạy Cho Anh Biết Điều Gì Là Quan Trọng) có một kết thúc viên mãn cho cặp nam nữ chính, nhưng là câu chuyện buồn với nữ phụ Saeki Hikari. Nếu cậu học sinh mê truyện tranh ngưỡng mộ cô giáo trẻ trung của mình, thì tình cảm mà Hikari dành cho thầy chủ nhiệm Shuji lại sâu hơn thế. Trước đó, em từng vô tình đi ngang lớp thầy, nghe thầy giảng về loài ốc sên khiếm khuyết và đã yêu thầy từ đó, vì em cũng là một người khiếm khuyết sống trong cái bóng hoàn hảo của người chị đã mất. Em dõi theo thầy suốt một năm dài, để rồi một ngày nọ, sau cơn say, thầy tỉnh dậy và phát hiện em nằm bên cạnh. Sáng hôm đó là ngày khai giảng, thầy được xếp vào chủ nhiệm lớp em. Em luôn tỏ ra bí ẩn và đôi phần nguy hiểm, nhưng thực tế lại là cô gái nhạy cảm và nhân hậu. Nhưng mà, thầy không yêu em.
Buồn, và day dứt hơn cả, là câu chuyện tình thầy trò trong 3 phiên bản Koko Kiyoshi (Giáo Viên Cao Trung). Phiên bản năm 2003 với hai nhân vật Ikumi và Hina là một tình yêu thật sự, Hina không phải là kẻ thứ ba đến muộn. Hina cũng có cuộc gặp gỡ kỳ lạ với người đàn ông tên Ikumi, để rồi sáng hôm sau nhận ra đấy chính là giáo viên mới của mình. Ikumi có vẻ không nhận ra Hina, nhưng bánh xe số phận đã cuốn họ quay theo nhịp tình yêu. Nhưng Ikumi có những niềm riêng biến chuyện tình của họ trở thành những thước phim buồn đọng mãi trong lòng khán giả.
(Nguồn ảnh: TBS)
Vẫn là một câu chuyện buồn, Doku (Đức) là mối tình không biên giới giữa Yuki – giáo viên tiếng Nhật và Đức – cậu du học sinh người Việt trên đất Nhật. Khi du lịch sang Việt Nam, Yuki đã nhận được sự giúp đỡ của Đức, và khi về Nhật, họ gặp lại nhau. Một giáo viên mới chuyển nghề còn nhiều bỡ ngỡ, một sinh viên nơi đất khách, cả hai dần nảy sinh tình cảm với nhau. Ở trung tâm luyện thi, những tưởng quan hệ của họ không bị thành kiến của xã hội, nhưng với Nhật Bản, giáo viên thì vẫn là giáo viên, và đó là người sẽ giúp đỡ của học sinh đang lạ lẫm nơi quê người, chứ không phải cuốn vào những rắc rối ảnh hưởng đến trung tâm.
Nếu chuyện nữ sinh rung động thầy giáo là điều dễ hiểu bởi lẽ ở giai đoạn ẩm ương mơ mộng, người con gái dễ dàng nảy sinh tình cảm với một người chững chạc, trưởng thành và có thể dang rộng vòng tay bảo vệ mình, thì chuyện một nam sinh phải lòng giáo viên chủ nhiệm có vẻ đặc biệt hơn. Majo no Jouken là một trong những phim truyền hình kinh điển về đề tài nhạy cảm này, với cách thể hiện vô cùng táo bạo. Không còn là tình cảm trong sáng vô ngần nữa, hai cô trò với tâm hồn lạc lõng tìm thấy nhau, hòa quyện vào nhau rồi cùng bỏ trốn. Mà theo pháp luật Nhật Bản, cô giáo Michi có thể bị khép tội dụ dỗ và ép buộc trẻ vị thành niên quan hệ.
(Nguồn ảnh: TBS)
Câu chuyện của Izumi trong Narratage (Lời Tự Thuật) chuyển thể từ tiểu thuyết lại có chút khác biệt. Vào mùa xuân năm hai đại học, cô nhận được cuộc gọi từ một thầy giáo cũ nhờ đóng góp một tiết mục tại lễ tốt nghiệp của trường. Đồng ý trở lại trường, những ký ức thời ngây ngô bồi hồi trỗi dậy. Gặp lại nhau, những cảm xúc vô hình của họ bừng lên. Đây không hẳn là câu chuyện tình thầy trò, mà khai thác một khía cạnh khác: tình yêu, chuẩn mực và giới hạn, khi thầy giáo Takashi vẫn chưa ly hôn.
Sensei! (Thầy Ơi, Em Yêu Anh) không bắt đầu với cuộc gặp gỡ tình cờ ngoài trường học, mà là rung động đầu đời của Hibiki với giáo viên chủ nhiệm dạy lịch sử ngay dưới mái trường. Hibiki không gặp phải sự cản trở từ phụ huynh hay cái nhìn dị nghị từ bè bạn, mà ở chính sự nhút nhát hiền lành của mình, thế giới nội tâm phức tạp của thầy giáo – vốn là người đàn ông trưởng thành, và rào cản từ phía nhà trường, mà đại diện là cô giáo đem lòng yêu thầy Kosaku. Phim cũng là lát cắt tình cảm giữa nam sinh và sự theo đuổi quyết liệt dành cho cô giáo.
Cũng có một kết thúc trọn vẹn là câu chuyện tình trong khuôn viên trường học của Yuni và thầy giáo tiếng Anh vừa chuyển đến Haruka. Học giỏi tất cả các môn trừ Anh ngữ, Yuni nhanh chóng phải lòng thầy giáo và tỏ tình bởi cách thức độc nhất vô nhị. Kinkyori Renai có hai phiên bản chuyển thể từ truyện tranh, và phiên bản điện ảnh chính là một chuyện tình thầy trò lãng mạn với cảnh hôn đốn tim không chỉ fan Nhật mà còn bất cứ tâm hồn mơ mộng nào khác.
(Nguồn ảnh: Toho)
Nhắc đến tình yêu học trò, mới thấy phim Nhật khai thác đề này không hề ít, và mỗi câu chuyện lại mang trong mình hơi thở riêng, những cảm xúc riêng, nhưng đều chạm đến trái tim nhạy cảm của khán giả. Ngoài những cuộc gặp gỡ tình cờ do số phận cố ý sắp đặt, chúng ta còn có chuyện tình yêu luân hồi trong Koishite Akuma, chuyện tình đầy cám dỗ và sai trái của chàng học trò 19 tuổi với giáo viên đã có gia đình trong Hito no Sekkusu no Warauna, mối quan hệ hài hước nhưng cũng lắm trớ trêu của cậu học sinh và cô hiệu trưởng vốn có hôn ước định sẵn, gặp lại thầy giáo cũ cũng là tình yêu năm nào trong series mini-drama First Love, thầy giáo tốt bụng độc thân cho nữ sinh ở nhờ trong Himitsu no Kankei: Sensei wa Doukyonin hay tình yêu đầy ám ảnh trong Tenshi no Koi, cô gái bé nhỏ vụng về Chiaki yêu thầm thấy huấn luyện trong Stewardess Monogatari… Còn bạn, đã từng yêu giáo viên bao giờ chưa?
(Nguồn ảnh: Gaga Corporation)