Mary to Majo no Hana và sự thân quen mang tên Ghibli
Một chút về Ponoc, về Mary to Majo no Hana và sự thân quen mang tên Ghibli
Studio Ponoc là nột cái tên còn quá mới mẻ với những người yêu phim hoạt hình và fan ruột anime Nhật Bản. Thế nhưng hãng phim chỉ mới được thành lập năm 2015 này lại không hề xa lạ bởi người sáng lập chính là Nishimura Yoshiaki - người từng nhận hai đề cử Oscar liên tiếp cho hai tác phẩm anime và thành viên toàn những nhân viên kì cựu “chuyển nhà” từ xưởng Ghibli huyền thoại sang. Sau khi đạo diễn kì tài - người đồng sáng lập Ghibli - Miyazaki Hayao tuyên bố nghỉ hưu và ngừng sản xuất phim, nhiều nhân viên cũ của hãng đã rời đi và một trong số ấy đã đóng góp cho sự ra đời của Ponoc.
Mary to Majo no Hana là tác phẩm hoạt hình đầu tay của studio Ponoc, thuộc thể loại phiêu lưu giả tưởng dành cho trẻ em. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Anh quốc The Little Broomstick của nữ nhà văn Mary Stewart và được dàn dựng bởi đạo diễn Yonebayashi Hiromasa (đạo diễn của tác phẩm Karigurashi no Arrietty). Nhà sản xuất của phim chính là Sakaguchi Riko và Nishimura Yoshiaki với những tác phẩm đã từng sản xuất có thể kể đến là Kaguya-hime no Monogatari, Omoide no Marnie. Giám đốc âm Muramatsu Takatsugu của Omoide no Marnie cũng là giám đốc âm nhạc cho phim.
Mary to Majo no Hana công chiếu đầu tháng 7/2017 và có một khởi đầu cực kì tốt trong ngày đầu và xếp thứ hai doanh thu phòng vé trong tuần đầu tiên tại Nhật, phá vỡ kỉ lực của Omoide no Marnie năm 2014 cũng do Yonebayashi làm đạo diễn.
Với xuất thân của đội ngũ nhân viên Ponoc, Mary to Majo no Hana dĩ nhiên có nhiều nét tương đồng với phong cách làm anime của Ghibli như chọn tiểu thuyết của nhà văn nữ để chuyển thể, cách mở đầu câu chuyện, thiết kế nhân vật, chuộng vẽ tay và nét vẽ mộc mạc, màu sắc, âm thanh... Hơn nữa, nhà sáng lập Ponoc cũng đã chia sẻ rằng mục tiêu của hãng chính là bảo tồn những giá trị nghệ thuật và tinh thần triết lí của Ghibli. Việc bị so sánh và mổ xẻ là không tránh khỏi nhưng rõ ràng phim cũng có những điểm khác biệt về nội dung và xây dựng cá tính nhân vật so với đặc trưng phim hoạt hình Ghibli. Những người hâm mộ "ruột” của Ghibli có thể sẽ không thoải mái với việc Ponoc đang làm nhưng không thể không thừa nhận sự cố gắng của hãng và nhận ra chất riêng của Ponoc dù chúng chưa thực sự nổi bật.
Với nguồn kinh phí thấp, tên tuổi nhỏ bé nhưng các họa sĩ đã dành ra rất nhiều thời gian cho cảnh chỉ kéo dài vài giây trên phim, thậm chí đã bay tận sang nước Anh để tìm cảm hứng sáng tác, nhằm đem quang cảnh thiên nhiên nước Anh lên màn ảnh chân thực và tươi đẹp giống như miêu tả sinh động của tiểu thuyết gốc... Thay vì gay gắt cho rằng sự tái tạo này là ăn cắp, người xem nên tận hưởng sự quen thuộc hoài niệm về Ghibli. Chắc hẳn trong tương lai Ponoc sẽ sáng tạo hơn bởi vì dù có yêu thích và trân trọng đến mức nào thì chẳng ai, chẳng tổ chức nào muốn trở thành bản sao của thần tượng mình cả. Tất cả chúng ta đều khao khát được là chính mình, Ponoc cũng thế và một ngày không xa cái bóng Ghibli sẽ không còn che khuất Ponoc nữa.
Nội dung phim
Cô bé Mary hiện đang sống với bà Charlotte trong thị trấn cổ Redmanor vì cha mẹ phải làm việc ở xa. Một ngày nọ trong kì nghỉ hè nhàm chán, Mary đuổi theo chú mèo mun của mình vào rừng. Ở đó, Mary tìm thấy chiếc chổi bay và đóa hoa phép thuật cùng những gợi mở đầy hấp dẫn để đến với ngôi trường Endor – nơi cô bé được chỉ dẫn để trở thành một phù thủy quyền năng. Tuy nhiên, tất cả không hề thú vị và nhiệm màu khi Mary phát hiện ra ý đồ xấu xa của những người ở thế giới ấy. Quay về nhà một mình hay cùng những người bạn hành trình? Mary phải dũng cảm lựa chọn và chiến đấu.
Giới thiệu nhân vật
Mary Smith
Mary là cô bé với mái tóc hung đỏ nổi bật nhưng Mary ghét màu tóc ấy. Cô bé rất tự ti vì ngoại hình của mình.
Lồng tiếng cho Mary là nữ diễn viên trẻ thực lực Sugisaki Hana. Sugisaki Hana trước đây cũng từng tham gia vào dự án phim cuối cùng của Ghibli là Omoide no Marnie.
Ở bản tiếng Anh, diễn viên nhí Ruby Barnhill lồng tiếng nhân vật Mary.
Peter
Peter là cậu bé địa phương và thường trêu Mary vì mái tóc màu đỏ khá hoang dã của cô bé. Nam diễn viên tài năng Kamiki Ryunosuke là ngườilồng tiếng cho nhân vật Peter. Gần nhất, nam diễn viên đã tham gia lồng tiếng nhân vật nam chính trong tác phẩm Kimi No Na wa.
Hiệu trưởng Mumblechook
Nếu bản tiếng Nhật nhân vật hiệu trưởng này do ngôi sao không tuổi Amami Yuki lồng tiếng thì bản tiếng Anh do nữ minh tinh Kate Winslet đảm nhận phần lồng tiếng nhân vật chính Mary. Hiệu trưởng là một người rất tham vọng và đã bắt giữ những người bạn của Mary để uy hiếl cô bé cũng như tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm xấu xa.
Đây là nhân vật phản diện có cá tính rõ ràng, không nhanh chóng bị hiền hậu hóa dù tác phẩm này chủ yếu dành cho trẻ em.
Doctor Dee
Konihata Fumiyo là người lồng tiếng cho nhân vật doctor Dee - giáo viên hóa học nổi tiếng của trường Endor. Doctor Dee rất xảo quyệt và lão ta là người góp phần rất lớn cho âm mưu đen tối của hiệu trưởng.
Trong bản tiếng Anh, nam diễn viên Jim Broadbent là ngưòi đẩm nhận phần lồng tiếng cho nhân vật này.
Khám phá và làm chủ chính bản thân mình
Hình ảnh vẽ tay đẹp và mộc mạc, chi tiết kết hợp đồ họa vi tính mượt mà, hài hòa khiến các bạn nhỏ mãn nhãn nhưng Mary to Majo no Hana vẫn là một phim phiêu lưu nên sẽ khiến bạn khng thể rời mắt được bởi những tình tiết liên tục của mạch truyện.
Mary to Majo no Hana tuy rất nhịp nhàng, màu sắc nhưng phim không chỉ dành cho trẻ con mà người lớn cũng sẽ học được nhiều điều từ hành trình khám phá vùng đất phù thủy cùng Mary. Chúng ta có thể khám phá thế giới nội tâm của chính mình từ kinh nghiệm của Mary bé nhỏ. Tất cả chúng ta đều tại nỗi lo sợ mơ hồ trong lòng, thiếu tự tin về ngoại hình, về khả năng của bản thân, sợ sự thay đổi nhưng cũng sợ nỗi cô đơn và tẻ nhạt. Chúng ta luôn cứtự nghiêm trọng hóa vấn đề để làm khổ chính mình, thổi phồng những khuyết điểm bản thân mà không biết nét thu hút đặc biệt đang tồn tại. Có lúc lại trở nên dựa dẫm vào điều gì đó, người nào đó cho đến khi bản thân buộc phải tự giúp đỡ lấy chính bản thân mình. Chỉ sự dũng cảm đối mặt và tin tưởng vào bản thân, biết chịu trách nhiệm và không bỏ cuộc, mọi chuyện đều trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn.Đồng thời, giá trị giáo dục của phim còn thể hiện ở việc phê phán hành vi áp đặt, ngược đãi người khác.
Lời kết
Dù thế nào thì Mary to Majo no Hana cũng là một phim rất đáng trông đợi và thật sự có khiến chúng ta thất vọng không thì phải ra rạp rồi mới biết. Nhỡ đâu, mang thành kiến và tò mò mua vé xem phim và rồi bị dính “thính” Ponoc bởi phim quá hay thì sao? Mary to Majo no Hana chờ bạn đấy!