Tìm hiểu về các loại mặt nạ truyền thống của người Nhật
(c) NTV
Oni
(c) kai keisuke@Shutterstock
Oni là những con quỷ. Chúng thường hiện thân với gương mặt đỏ rực và hàm răng sắc nhọn đầy dữ tợn, tuy nhiên những sinh vật này không phải là điều đáng sợ nhất trong những con quái vật ở Nhật Bản. Mặt nạ Oni phổ biến nhất vào Lễ Hội Ném Đậu, được gọi là Setsubun, của Nhật Bản, khi mà mọi người sẽ đeo chúng trong lễ hội được cử hành tại các ngôi đền. Cha mẹ thường sẽ đeo chiếc mặt nạ này ở nhà và dọa những đứa trẻ, trong khi trẻ con sẽ ném đậu nhằm dọa “oni” khiến chúng rời khỏi và đem may mắn vào nhà trong cả năm tới.
Tengu
(c) Kiattisak Anoochitarom@Shutterstock
Tengu là một vị thần núi khá đáng sợ. Vị quỷ thần này thường được miêu tả lại có gương mặt đỏ bừng cùng biểu cảm giận giữ. Nhưng điểm phổ biến nhất chính là chiếc mũi đỏ và dài. Trong quá khứ, tengu giống như loài chim. Khi biến thành con người, cái mỏ đã biến thành cái mũi nhưng vẫn giữ nguyên ở hình dạng chìa dài ra. Mặt nạ Tengu thường được sử dụng trong kịch Noh và điệu nhảy Shinto. Chúng cũng được làm như một món đồ trang trí mang ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa và đem lại may mắn cho gia đình.
Kitsune
(c) Norrie MacKenzie@Shutterstock
Kitsune là loại mặt nạ cáo thường được đeo để biểu diễn trong các lễ hội Shinto hoặc bởi những người tham dự lễ hội. Về mặt lịch sử, loài cáo thường được miêu tả như một loài vật có khả năng thay đổi hình dạng. Chúng cũng được coi như là những sứ giả của Inari, vị thần tượng trưng của gạo, thương mại và sự phồn thịnh. Và như vậy, mặt nạ Kitsune là một phần quan trọng không thể thiếu trong những lễ hội có vị thần này.
Hyottoko
(c) d’n’c@Flickr
Hyottoko là mặt nạ có biểu cảm theo thiên hướng hài hước, ngây ngô, trẻ thơ. Miệng của chiếc mặt nạ luôn được làm tròn lại và chéo sang một bên, giống như nguồn gốc của nó là hình ảnh một cậu bé đang huýt sáo. Trong một vài điệu nhảy truyền thống của người Nhật trong các lễ hội, người tham gia sẽ đóng vai hề và đeo mặt nạ Hyottoko.
Okame (Otafuku)
(c) bluehand@Shutterstock
Okame giống như kiểu Hyottoko phiên bản nữ và hai loại mặt nạ này thường được xuất hiện chung với nhau. Chúng có thể được đeo bởi những người biểu diễn hài kịch, những điệu nhảy ngốc ngếch. Tương tự như phiên bản nam, Okame là hình tượng mang điều lành và đôi khi được cho rằng sẽ đem tới sự may mắn. Okame được miêu tả là một người phụ nữ với gương mặt rộng hình oval và đôi mắt đang cười. Loại mặt nạ này còn có cái tên khác là otafuku.
Mặt nạ kịch Noh và kịch Kyogen
(c) posztos@Shutterstock
Kyogen thường được biểu diễn như những vở hài thư giãn nhẹ nhàng, xen kẽ giữa các vở kịch Noh vốn thường nghiêm túc và trang trọng hơn. Trong Kyogen, diễn viên đóng giả các nhân vật không phải con người sẽ đeo mặt nạ, và trong kịch Noh, mặt nạ lại phổ biến hơn với hàng trăm kiểu loại khác nhau. Phần lớn những chiếc mặt nạ trong danh sách này đều xuất hiện trong kịch Noh hoặc dựa theo nó.
Men-yoroi
(c) Vladimir Zhoga@Shutterstock
Men-yoroi là những chiếc mặt nạ bọc thép được đeo bởi các chiến binh và samurai. Chúng được trang trí và chỉnh sửa theo ý muốn của người đeo sao cho vừa vặn nhất. Somen che toàn bộ dương mặt người đeo và đóng vai trò bảo vệ trong khi menpo được bao phủ trang trí bên ngoài. Ngày nay, phần lớn men-yoroi được trung bày tại các viện bảo tàng.
Nguồn: The Culture Trip
Người dịch: Drake