Hoppy, là bia nhưng chẳng phải bia
(c) gurunavi.com
Một điều rõ rành rành là người Nhật rất thích rượu bia. Với nền kinh tế phát triển mạnh và lịch sử xuất nhập khẩu sang các nước khác còn tương đối mới mẻ, cũng như có sản phẩm bia của riêng mình, Nhật Bản đã có thể cung cấp cho người dân đa dạng nhiều loại thức uống ngon và thú vị. Bia, nihonshu (rượu gạo), umeshu (rượu mơ), và rượu vang chỉ là một vài trong số những loại đồ uống phổ biến mà người lớn có thể thưởng thức trong nhà hoặc ngoài trời với mọi người.
Hiện nay, văn hóa uống rượu ở Nhật đang có quy mô rất lớn - mọi cửa hàng tiện lợi đều có các loại rượu được chọn lọc, nomikai (các bữa tiệc rượu) thông thường hoặc với mục đích làm ăn đang trở nên thịnh hành, và nhiều nhà hàng cung cấp các dịch vụ nomihoudai (tất cả những gì bạn có thể uống) - thật khó để tưởng tượng ra một nước Nhật mà không có rượu bia. Đặc biệt là bia.
Bia tại Nhật Bản
(c) Instagram: hoppybeverageco
Hiện nay bia cực kỳ phổ biến ở Nhật, hầu hết mọi người đều đặt nama biru (bia tươi) làm thức uống đầu tiên của họ vào buổi tối, và các cửa hàng có rất nhiều thương hiệu bia địa phương và quốc tế. Suntory, Asahi và Sapporo là những ví dụ về các công ty bia thành công trong nước. Bia hiện có giá cả hợp lý nhưng không phải lúc nào cũng phải chăng.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, có rất nhiều binh lính Mỹ ở Nhật Bản. Họ mang bia theo cùng, và khi người dân địa phương thấy họ uống bia, họ hỏi nó là gì. Vào thời điểm đó, người dân Nhật Bản chủ yếu uống rượu sake; bia là một hương vị tương đối mới. Tuy nhiên, trong thời gian đó, các nhà phân phối muốn bán bia cho những người dân bình thường biết rằng loại thức uống ngoại lai này có chi phí nhập khẩu cực kỳ đắt đỏ. Đó chính là lúc Hoppy ra đời.
Hoppy
Hoppy được tung ra thị trường vào năm 1948 bởi Công ty Nước giải khát Kokuka. Mặc dù không chứa bất kỳ loại bia hoặc chất purine nào (một hợp chất thường xuất hiện trong bia), Hoppy vẫn có hương vị đặc trưng giống bia, biến nó trở thành loại thức uống thay thế tốt cho những ai muốn thử bia nhưng nằm ngoài tầm chi trả của họ.
Thật ra Hoppy mang 0,8% độ cồn, nhưng về mặt pháp lý, nó là đồ uống không cồn. Theo truyền thống, nó được phục vụ cùng với shochu, đặc biệt là korui shochu, và chúng được pha với nhau cho ra loại thức uống 5% độ cồn. Phần bọt của Hoppy hòa với hương vị mạnh của shochu khiến người ta muốn uống hoài không thôi. Hoppy cũng có dạng chai thủy tinh, lấy cảm hứng từ chai bia của Mỹ.
Cách thưởng thức Hoppy
Hoppy và loại shochu tương ứng được bảo quản trong tủ lạnh và ly uống được bỏ trong tủ đá để phục vụ lạnh (san-rei, nghĩa là ba phần làm mát). Shochu được phục vụ trong ly, và sau đó Hoppy được rót thêm vào. Đừng khuấy! Người ta khuyên rằng bạn nên rót năm phần Hoppy, một phần shochu cho hương vị cân bằng, nhưng cũng có người thích vị mạnh hơn.
Bạn sẽ ít thấy đá trong shochu, vì đá được cho là lấy đi hương vị của thức uống. Vì đã có "san-rei" nên đương nhiên Hoppy sẽ ngon và mát lạnh khi đến tay bạn.
Hoppy hiện nay
Công ty Nước giải khát Kokuka đã đổi tên thành Hoppy Beverage Co., Ltd. Với việc giới thiệu các sản phẩm bia thật và các công ty Nhật tự sản xuất bia, hầu hết mọi người đều cho rằng Hoppy sẽ chết. Tuy nhiên, nó vẫn là loại thức uống phổ biến tại các izakaya (một quán rượu nhỏ kiểu Nhật) và nhà hàng.Tại sao lại thế ?
Có lẽ vì Hoppy là một trong những loại thức uống hoài cổ mà các quán này phục vụ. Mọi người có thể nhớ đến cha hoặc ông nội của họ đã từng uống Hoppy trong thời hậu chiến. Hoppy cũng đã ra mắt nhiều sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như Black Hoppy, 55 Hoppy - kỷ niệm 55 năm ra mắt thị trường và Hoppy 330, được dùng cho gia đình. Thời gian gần đây Hoppy đã hồi sinh và tồn tại trước các loại bia thực sự được ra mắt ở Nhật.
Lần tới khi ra ngoài, hãy thử Hoppy nếu bạn thích bia và shochu! Chắc chắn là người dân địa phương sẽ rất ấn tượng nếu bạn biết về nó, Hoppy sẽ mang lại cho bạn một bữa tối thú vị với hương vị đột phá và hoàn toàn mới.
Nguồn: Jpninfo