Kakushi Ken Oni no Tsume - Thể hiện chính xác nhất bản chất người võ sĩ
(c) Shochiku
Kakushi Ken Oni no Tsume là bộ phim cuối cùng trong series phim dựng từ loạt truyện ngắn Kakushiken của nhà văn Fujizawa Shuhei, kể về cuộc sống của các võ sĩ chân chính trong thời buổi đầy biến động khi nước Nhật đang đứng trước sự thay đổi lớn: chạy theo văn minh phương Tây. Hai bộ phim trước là Tasogare no Seibei (Seibei Hoàng Hôn, hay còn được biết đến với cái tên The Twilight Samurai ở Tây Phương) và Kakushi Ken Oni no Tsume (Thanh Ẩn Kiếm: Móng Tay Quỷ). Phim được chọn làm phim công chiếu mở đầu cho Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo năm 2004.
(c) Shochiku
Kakushi Ken Oni no Tsume là một bức tranh nhân tình đầy tính nhân văn, thể hiện chính xác bản chất của người võ sĩ, của kẻ cầm kiếm. Có nhiều suy nghĩ và định kiến lệch lạc rằng võ sĩ Samurai là những kẻ chỉ biết chém giết như quỷ Tu La, những kẻ máu lạnh. Nhưng Kakushi Ken Oni no Tsume đã phủ nhận tất cả và nói lên sự thật về tâm hồn quảng đại, đức hiếu sinh của người cầm kiếm. Sự thật là suốt cuộc đời cầm kiếm, Munezou chỉ giết một người duy nhất để báo thù cho bạn và trước đó chưa hề rút gươm ra khỏi vỏ.
Bối cảnh của câu chuyện là thời cuối đời Mạc, Nhật Bản đang đứng trước một ngã rẽ: chạy theo văn minh phương Tây và thế lực võ sĩ ngày càng mất dần những giá trị, bao gồm cả đạo đức và tinh thần. Mở đầu phim là cảnh bộ ba người bạn thân cùng học chung một thầy: Katagiri Munezo và Shimada Samon tiễn Hazama Yaichiro lên đường đi Edo tìm công danh. Một nỗi bất an dậy lên trong lòng Munezou.
(c) Shochiku
Katagiri Munezou là một võ sĩ cấp thấp của một phiên nhỏ miền Đông Bắc nước Nhật. Munezou sống hạnh phúc bên mẹ, em gái Shino cùng người hầu gái Kie trong cảnh bần hàn. Chẳng bao lâu sau mẹ mất, Kie và Shino lần lượt về nhà chồng. Tình cờ một hôm Munezou gặp lại người hầu gái cũ bây giờ đang làm dâu cho một hiệu bán dầu là Iseya. Tưởng là Kie sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới, hoá ra chỉ là những tháng ngày đau khổ và đầy đoạ… Biết được điều này, Munezou vội đến Iseya đánh cướp Kie về. Thầm yêu mến Kie nhưng danh dự của người võ sĩ không cho phép Katagiri hành động như vậy...
Rồi sóng gió nỗi dậy khi Samon mật báo Hazama Yaichiro phạm tội mưu phản ở Edo, đang bị đưa về bản phiên để xử tội. Munezou vốn cùng học kiếm thuật chung một thầy với Yaichiro nên không khỏi liên quan. Rồi Yaichiro phá ngục đào tẩu, quan quân bất lực trước kiếm pháp của hắn. Trong phiên chỉ có mình Munezou là có thế đánh bại Yaichiro… Tình thế đặt hai người bạn đồng môn vào thế sống chết…
(c) Shochiku
Kakushi Ken Oni no Tsume không có nhiều cảnh chém giết. Văn chương Fujizawa Shuhei không tả nhiều về những thế kiếm, những trận đánh long trời lở đất. Nếu chờ đợi một điều gì đó như ở phim võ hiệp Hongkong thì người xem sẽ thất vọng lớn. Tuy nhiên cái mà đạo diễn muốn nói đến, thứ mà Shuhei muốn miêu tả chính là cực ý, tinh tuý của kiếm thuật.
Trong phim chỉ có mỗi đoạn Munezou đấu Yaichirou, nhưng đoạn thầy Toda Kansai chỉ điểm cho Munezou chứa đựng không biết bao nhiêu tinh hoa của kiếm thuật. Có thể nói đó là cực ý, thuần tuý của kiếm pháp.
“Nếu địch công thì ta chạy. Ta chạy thì địch tất loạn”.
“Nhưng chân ta chạy chứ tâm không chạy. Tâm lúc nào cũng luôn tấn công”.
Thứ kiếm pháp bí tryền “Móng tay quỷ” mà Toda truyền thụ cho Katagiri và Hazama luôn tranh giành hoá ra chỉ là những câu khẩu quyết như thế này. Đó chính là ẩn kiếm. Là thanh kiếm của tâm hồn.
Hội đắc cực ý của kiếm pháp, Munezou từ bỏ cuộc đời võ sĩ sau khi giết chết đại lão báo thù cho Hazama rồi lên phương bắc tìm Kie, sống một đời thương nhân…
(c) Shochiku
Kakushi Ken Oni no Tsume là một bộ phim tuyệt vời với cốt truyện tuyệt vời ấm áp tình người, góc quay đẹp, diễn xuất tốt và âm nhạc xuất sắc. Một Jidaigeki đáng xem.
Kim Cang
Ghi chú: Phim sử dụng tiếng địa phương miền Đông Bắc
Ani han: ani san
Seba: Soredewa
Sogedakoto: sonna koto
Nasite degansu: naze desuka