Ẩm thực Tìm hiểu về 9 món ngọt truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản

Tìm hiểu về 9 món ngọt truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản

Đăng vào ngày trong Tin tức 1899

Phần lớn nghệ thuật, văn hóa và ẩm thực của Nhật Bản dựa trên những nguyên tắc về thẩm mỹ và sự thay đổi của các mùa trong năm. Các loại bánh kẹo truyền thống của Nhật, được biết đến với tên “wagashi”, cũng được dựa theo những nguyên tắc đó. Wagashi bắt nguồn từ món ăn kèm khi thưởng thức với một cốc trà xanh matcha của các gia đình hoàng gia và quý tộc. Theo thời gian, những món ăn này được phát triển thành rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thủ công có thể ăn được.

Wagashi thường được thiết kế theo hình dạng những thứ từ thiên thiên, như hoa, trái cây và lá, trong đó có các thành phần nguyên liệu theo mùa, như lá hoa anh đào vào mùa xuân và hạt dẻ vào mùa thu. Mặc dù ngọt nhưng lượng đường trong wagashi thường ít hơn những món tráng miệng phương Tây, mang đến một hương vị tinh tế vô cùng phù hợp với trà xanh. Có rất nhiều loại wagashi khác nhau, hãy cùng đọc để khám phá xem chúng là gì nhé - nhiều món ngon đang đợi bạn!

Wagashi có nhiều loại tinh tế và đa dạng

1. Dorayaki

Dorayaki
(c) gurunavi

Dorayaki là món ăn ngọt truyền thống của Nhật dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già, và thậm chí còn là món ăn ưa thích của nhân vật hoạt hình được yêu mến Doraemon. Món tráng miệng này bao gồm hai miếng pancake và nhân bánh là đậu đỏ azuki ngọt. Cái tên được đặt từ hình dạng của nó, trông giống một “dora”, hay chiếc chiêng của Nhật, và được làm ra bởi một thợ làm món ngọt ở Tokyo vào đầu những năm 1900.

2. Mochi

Mochi
(c) mindembody

Mochi là một loại wagashi của Nhật được làm từ gạo nếp, có thể chế biến theo cả vị ngọt và mặn. Gạo nếp được giã bằng một cái vồ nặng đến khi trở thành một hỗn hợp đặc sệt, sau đó được cho thêm những nguyên liệu khác và nặn thành hình dạng mong muốn. Mochi vô cùng đa dạng phong phú, như daifuku là bánh nhân đậu đỏ, sakura mochi được gói trong lá hoa anh đào ướp muối, và kusamochi có hương vị của lá ngải cứu Nhật Bản. Mochi thường được ăn vào những dịp đặc biệt và là một thành phần không thể thiếu trong lễ hội đón chào năm mới của người Nhật từ đầu thời Heian.

3. Dango

Dango
(c) gurunavi

Trong khi mochi được làm từ gạo giã nhuyễn thành bột nhão thì dango lại là những chiếc bánh bao nhỏ được làm từ bột gạo, có vị ngọt và hình dạng vừa miệng ăn. Để làm được loại wagashi Nhật Bản này, bột gạo được trộn với nước nóng để làm thành bột nhào và sau đó nặn thành hình bánh bao, rồi được hấp chín, xiên, và nướng. Vừng thường được thêm vào bột gạo, để tạo thành goma-dango có hương vị của hạt. Dango là món ngon khó cưỡng lại, ngoài ra dango cũng được rưới thêm một loại nước tương đặc và ngọt.

4. Monaka

Monaka
(c) gurunavi

Monaka là món ngọt truyền thống của Nhật bao gồm hai miếng bánh kẹp giòn, bọng xốp được làm từ gạo nếp và có nhân đậu đỏ ngọt ở giữa. Miếng bánh kẹp thường được nặn thành hình bông hoa như hoa đào, hoa cúc, hoa mận. Ngoài ra người ta cũng có thể thay nhân đậu đỏ ngọt bằng các loại hoa quả theo mùa khác hoặc hạt dẻ ngọt.

5. Manju

Manju
(c) gurunavi

Manju là loại bánh ngọt được làm từ bột gạo với nhân đậu ngọt và hấp chín bằng hơi nước. Manju được nặn thành nhiều hình dạng phong phú trước khi nướng hay hấp, từ loại bánh tròn mịn hoàn hảo đến chiếc bánh được điểm thêm hạt dẻ lấm tấm. Manju có một số hình dạng sáng tạo như lá phong hay thậm chí là hình chú thỏ nhỏ.

6. Daifuku

Daifuku
(c) gurunavi

Daifuku là loại bánh nhỏ được làm từ một miếng bánh mochi mềm mịn bao bọc lớp nhân đậu ngọt hoặc trộn trực tiếp với cả hạt đậu, và thường có màu trắng, hồng hay xanh. Phần nhân có thể là đậu đỏ anko hay đậu trắng shiro-an, hay cũng có thể là một miếng hoa quả. Loại Daifuku phổ biến là ichigo daifuku (vị dâu), được làm với đậu đỏ và nguyên trái dâu ngọt. Bánh daifuku thường được phủ một lớp bột katakuriko để ngăn chúng dính với nhau.

7. Yokan

Yokan
(c) gurunavi

Yokan là một loại thạch truyền thống làm từ đậu đỏ hoặc trắng, đường và bột agar (một loại gelatin có nguồn gốc từ rong biển), hòa lẫn với nhau rồi đóng khuôn thành khối để định hình. Đậu đỏ Azuki là loại nguyên liệu phổ biến nhất, nhưng đậu trắng cũng có thể được sử dụng, đặc biệt để làm yokan dùng với trà xanh. Các nguyên liệu theo mùa như hạt dẻ hay khoai lang cũng có thể được trộn lẫn để làm loại bánh này. Một biến thể khác của yokan là mizu yokan, có lượng nước nhiều hơn nên có kết cấu mềm và nẩy giống thạch hơn.

8. Senbei / Arare

Senbei
(c) gurunavi

Senbei và arare là hai loại bánh quy giòn được làm từ gạo nướng trên lửa. Vừa mới nướng xong, bánh sẽ có hương thơm tuyệt vời cùng kết cấu rõ ràng. Không như những loại wagashi khác, senbei và arare được làm từ loại gạo không dính, chứ không giống gạo nếp làm bánh mochi. Senbei là miếng bánh cỡ lòng bàn tay được nướng trên lửa đốt than củi và có thể được dùng với nước tương, rắc vừng, đường và rong biển nori. Arare là những miếng senbei cỡ vừa miếng ăn, thường được trộn với những nguyên liệu khác như lạc hay đậu Hà Lan vị wasabi.

9. Yatsuhashi

Yatsuhashi
(c) aumo.jp

Yatsuhashi là món ăn truyền thống được bán tại Kyoto với cả hai loại là nướng giòn và bánh mềm. Yatsuhashi giòn thường được làm từ bột gạo được giã nhuyễn thành bánh crepe mỏng, nướng trên vỉ nóng, sau đó phủ một lớp bột quế và đường. Bánh yatsuhashi mềm , được gọi là “nama yatsuhashi”, được làm từ bột gạo nhào, thêm vị quế, trà xanh hoặc vừng và gấp phủ phần nhân là đậu đỏ ngọt. Nama yatsuhashi có hình dạng truyền thống tam giác và kết cấu bột nhão được nhiều người ưa thích.

Món ngọt truyền thống Nhật Bản vừa ngon mắt vừa ngon miệng

Nhật Bản là ngôi nhà của vô vàn bánh kẹo truyền thống không chỉ có vẻ đẹp bắt mắt mà còn cả vị ngon khó cưỡng. Bạn có thể vừa chiêm ngưỡng các mùa luân chuyển vừa thưởng thức những món ngọt với hình dáng tinh xảo, hương vị ngọt ngào. Và đừng quên một ly trà xanh nữa nhé!

Nguồn: Gurunavi

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."