Đà Lạt - Những mùa yêu dấu cũ
Đà Lạt trong tôi cũng như tình nhân lỡ làng, đã từng yêu và vẫn luôn thiết tha yêu mà phải đành ngậm ngùi trượt qua đời nhau theo dòng chảy số phận. Đã bao lần tim trót lỡ nhịp vì những miền đất mới nhưng ký ức về Đà Lạt vẫn cứ ngủ yên trong một góc tâm hồn tôi, chưa từng suy suyển, chẳng thể mất đi. Dù rằng vẫn biết cả tôi và thành phố ấy, "Tất cả đổi thay rồi, em bây giờ đã khác - Hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa"*, chỉ là bản thân cố chấp nên vẫn chẳng thể nào nguội lòng, vẫn cứ bao dung vô điều kiện với Đà Lạt như thế.
Dốc cafe Nguyễn Chí Thanh
Tôi yêu Đà Lạt từ những con dốc dài chạy quanh co trong lòng thành phố. Yêu dốc Nhà Làng vì cái tiệm sách cũ be bé, xoay trở thế nào cũng thấy mình bất nhã vô duyên. Yêu dốc Nguyễn Chí Thanh vì một đêm gió lạnh ù cả tai, ngồi trong cafe Artista, chuyện vãn với một người lạ vô tình ngồi chung bàn, ưu uẩn âm thầm trôi đi khi nào chẳng biết. Cầm trên tay ổ bánh mì "ngon nhất Đà Lạt" mua ở quán khuất ven dốc mà bỗng thấy tủi thân khôn tả, người xa lạ còn quan tâm đến mình như thế, người thân quen nếu có vô tình, hẳn là vì bản thân mình trong lòng họ đã nhẹ hẫng đi mất rồi. Một chiều giữa thu chói ngời sắc đỏ hoa trạng nguyên và thơm nồng mùi hồng chín cũng khiến tôi vương vấn dốc An Bình. Ngày muộn nào tôi lang thang từ Trần Nhân Tông qua Bùi Thị Xuân, hòa giữa lớp lớp sinh viên xuôi ngược dập dờn màu áo lạnh, chen chúc cùng các bạn ấy trong quán Hảo, chợt nhớ ra mình cũng vẫn là sinh viên, và hẳn nhiên còn rất trẻ. Muôn nẻo tôi đi cuối cùng vẫn hướng về dốc Lê Đại Hành, dõi mắt tìm cột thu sóng của bưu điện thành phố để lần ra lối quay lại khách sạn. Và, đôi khi tôi vẫn mơ thấy tấm lưng đẫm ướt mồ hôi nhấp nha nhấp nhô buổi trưa nào anh tôi gò lưng chở đứa em ngược dốc Sương Nguyệt Ánh. Người ta lạc vào dốc đều phải chậm bước giảm ga, nên dốc dù ở nội đô hay ngoại thành thì bao giờ cũng lặng lẽ hơn phố thường một chút. Bởi thế, chỉ ở dốc mới có những ông cụ bà lão kê ghế ngồi ngóng nắng trườn qua mái cao, nhớ về quá khứ, thương tới tương lai, thanh thản ngắm nhìn cái cuộc sống sắp sửa không thuộc về mình nữa.
Tôi thương Đà Lạt vì những nhà vườn mộc mạc dang tay ôm trọn phồn hoa đô thị. Thương từ những sáng mai nắng rạng, đi qua lối nhỏ đẫm sương đêm ngàn ngạt hơi đất mới, cỏ hoa vươn vai vây kín bước chân mình; thương tới những chiều giông ngồi trông ra mưa gió tơi bời, mùi cafe bện chặt nếp áo làn khăn mà như vương cả lo toan đắng chát. Thương cả chất giọng Hà Nội, giọng Nghệ Tĩnh bốn đời chưa phai của các cô bác, nếu trời không xanh trong và đất bazan không quyện chân người đến thế thì tôi đã ngỡ mình trôi ngược ra Bắc mất rồi. Ở trong những nhà vườn ấy, tôi được dạy cách ướp chè sen, cách luyện kẹo cu đơ, cách gọt củ thủy tiên, cách hãm đà hoa cúc, được nghe kể về những mùa gian khó nhìn cây bắp cải nặng cả chục kg mà nước mắt ứa quanh, về những đêm sương ôm gối chong chong bên đèn trông lại quê cũ... Và cũng ở đó, tôi gặp được những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành tỷ phú, những cô bé cậu bé một thời lăn lê trên những luống hoa nay đi khắp bốn biển năm châu. Không có kỳ tích ở đây, chỉ có thời vận, kinh nghiệm và quyết tâm tạo thành tất cả. Mùa giông gió vừa qua nghe tin mưa đá dội xuống, Đa Thiện tan hoang, Vạn Kiếp xơ xác, lòng gợn gợn nhớ những người xưa, không biết nay đang thế nào, có bao giờ được thấy lại nhau không?
Tôi nhớ Đà Lạt bằng những cơn mưa giăng giăng chậm bước chân người lữ thứ. Mưa Đà Lạt hiếm khi vội vàng dồn dã, cứ điềm nhiên thong thả như chính cá tính con người xứ này. Có cơn mưa gội mát nắng hè, giọt mưa long lanh sáng ngời như ngọc, vỡ xôn xao trên lá hoa đương thì rực rỡ. Uống cạn ly cafe thì mưa cũng vừa tạnh, chạy xe ngang qua Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông thấy chóp mũi vấn vít mùi thông non, tưởng mình cứ đi miết như thế hoài hoài cũng được. Có cơn mưa mùa đông mờ mịt hơi sương, chỉ vừa đủ để tóc người lấp lánh bụi nước, hình như mắt người cũng sáng hơn, gò má ửng hồng, miệng cười ấm áp. Đi về phố vắng thấy người đứng đợi, Đà Lạt bỗng hết lẻ loi. Có cơn mưa đêm gõ nhịp đường quen, hơi lạnh và tấm lưng người rung rung đưa tôi vào giấc ngủ khi nào chẳng biết. Mưa Đà Lạt làm người ta không thể ào ạt đến thành phố này rồi sồng sộc đi như đánh dấu lấy thành tích, dù muốn dù không thì khi mưa đổ, khách cũng phải dừng lại lắng nghe Đà Lạt tỉ tê chuyện buồn vui từ những năm tháng dông dài. Một lần rồi nhiều lần, ngày nọ nhận ra mình cũng cần những lúc lặng lẽ như thế, để rồi khi đã rời xa, thành phố hiện ra trong giấc mơ đôi khi nhòe nhòe hơi nước, mới biết những cơn mưa kia đã giăng mềm ký ức về Đà Lạt từ lúc nào mất rồi.
Bánh tráng nướng dì Dinh
Tôi quyến luyến Đà Lạt còn bởi những quán nhỏ thơm lừng đồ ăn bất ngờ hiện ra. Thành phố này không có nơi nào được gắn mác "con đường ẩm thực", quán ngon cứ nằm lẫn trong phố, nhiều khi chỉ một giây lơ đãng thôi là bỏ qua mất rồi. Tôi thích bánh canh Phan Rang ở vòng xoay Trần Phú, lần nào ghé lại cũng kêu một tô bánh canh chả cá dầm kèm theo hai cái cuốn. Chả vừa dai vừa giòn, miếng cá sớ mịn ngọt thơm, thêm vài lát ớt, ăn đến khi mồ hôi túa ra trên trán cũng không thấy mùi tanh dậy lên chút nào. Cũng ở khu này còn có cà ri Ấn Độ ở quán Lệ Dung, ăn xong phải đợi nguyên ngày mới thấy mùi vợi bớt. Tôi nhớ mì Quảng o Xí ngày xưa ở ấp Ánh Sáng nay dời về Mạc Đĩnh Chi, một tô mì sườn thôi cũng đủ bõ công chạy vượt suối Cam Ly kiếm tìm. Tiện đường thì nhớ sang Nguyễn Văn Trỗi ăn một đĩa kem trái cây ở quán Thanh Thảo, trần nhà thâm thấp làm anh tôi lần nào vào đây cũng vài bận ngước lên dè chừng, phải kêu thêm một ly kem bơ ăn cho đỡ tức. Vòng vèo chán rồi thì buổi chiều nhớ quay lại ngã ba Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật ăn bánh tráng nướng dì Dinh để dỗ dành cơn đói lúc chiều tà. Tôi thèm bánh mì xíu mại ngã ba Chùa, nghĩ đến nồi xíu mại sóng sánh, ổ bánh mì giòn tan thôi là đã thấy cồn cào ruột gan. Ở quán Tam Nguyên trên đường đi thung lũng Vàng, tôi đã gặp lại món cơm lam đúng điệu như của bà ngoại làm cho hồi nhỏ, kèm với món gà nướng ngon nhất tôi từng ăn trong đời. Với người Đà Lạt, miến phở xứ này đậm đà hơn ngoài Hà Nội, mì Quảng ăn giữa phố núi ngon hơn ở Quảng Nam, bún bò vừa miệng hơn là ăn ở Huế, bánh canh chả cá gợi cơn thèm hơn hẳn nguyên gốc ở Phan Rang... Không khí lành lạnh dễ khiến người ta mau đói và có cảm giác ngon miệng hơn, đi Đà Lạt thôi đừng bàn đến chuyện giảm cân, nơi nơi đều có quán ngon như thế thì cầm lòng sao đành...
Từ Thanh Hóa, qua bốn tiếng nhồi nhét trên đường Hồ Chí Minh, chênh vênh thêm hai giờ bay dọc chiều dài đất nước, lại lắc lư xóc nảy suốt bảy tiếng trên xe giường nằm xuyên đêm, tôi trở lại Đà Lạt vào một sáng cuối thu buốt lạnh. Không người đón đưa nhưng nỗi bồi hồi khi được tái ngộ "tình nhân" đã vùi lấp chút lẻ loi vừa tấp tểnh nảy mầm. Hành khách xung quanh tôi đang đọc địa chỉ để lên xe trung chuyển, nghe những tên đường tên phố quen thuộc vang lên, đôi chân chộn rộn chỉ muốn chạy ào đến với tất cả. Nhiều tháng ngày xa cách, hôm nay trở lại, người còn nhớ ta không?
* thơ Boris Kornilov