Vội vã Hà Giang - Lên trời hai đứa hai nơi
Cảm nhận đầu tiên về thành phố này là cái gì cũng khiêm nhường và giản đơn, màu xanh lan tràn khắp mọi nơi. Những con phố quanh co dốc lên dốc xuống, những mái nhà bé mọn, sớm tinh mơ im vắng tiếng người... tất cả đều gợi nhớ đến phố nhỏ nhà tôi. Đến một nơi xa lạ, người khác thường đánh giá về sự sầm uất phát triển, về nét đẹp cảnh quan, về tình đời nóng lạnh; còn tôi chỉ âm thầm tìm kiếm một chút thân quen với quê hương mình. Bao năm qua, thị trấn nhỏ ấy vẫn là niềm riêng đau đáu, nằm im lìm ở một góc khuất nẻo nào đó, lâu lâu thức dậy để nhắc tôi rằng chân son chẳng thể rũ bụi quê nhà. Bởi vì một chút hương quen ấy mà phút chốc tôi cảm mến thành phố Hà Giang ngay. Đẹp, buồn và hiền lành, tính tôi ngại va chạm nên chỉ cần thế là đủ.
Anh tôi bảo, "Số cô sinh ra là để được người khác chăm sóc", một người bạn khác lại có lần trêu, "Em là để yêu". Lúc nghe nói vậy thì khoái lắm, nhưng càng về sau càng thấy không ổn. Quen được người khác quan tâm lo lắng nên nhiều khi ngay cả chuyện của chính bản thân mình cũng không chu toàn được. Tôi có thời gian ngồi đánh giá nhận xét về Hà Giang như vậy là vì cậu em phải chạy đi mua ít đồ lặt vặt mà tôi đã sơ suất bỏ quên ở Hà Nội, sau đó lại tất bật đi lấy xe máy đã gửi lên từ hôm trước và đổ xăng. Nói thật tình là cảm thấy rất áy náy vì mình chẳng được cái tích sự gì. Cứ ngồi rủa bản thân mãi, hình như ông Trời nghe nhiều thấy bực mình, từ đó cho đến hôm về lại Hà Nội ổng quyết định dìm tôi chết ngộp trong dằn vặt và ngại ngùng luôn, cho chừa.
Đi lạc một chút thì tình cờ tìm thấy một hàng xôi nhỏ cạnh trường tiểu học, hai đứa tấp vào giả vờ làm nhi đồng, lấp đầy dạ dầy lấy sức chiến đấu cho buổi sáng. Ở Hà Giang người ta ăn xôi theo kiểu rất lạ, gạo nếp vo qua với bột nghệ nên xôi có màu vàng chanh, ăn cùng thịt băm, ruốc bông, nước thịt kho và hành phi giòn. Mẹ tôi dặn, đi chơi nhiều thì nên ăn sáng bằng xôi cho chắc dạ, cứ tìm quanh một trường học bất kỳ kiểu gì cũng có hàng xôi. Lần này thực nghiệm cho thấy lời mẹ dạy rất ít khi sai, tôi không chắc mình đã bỏ lọ Berberin vào balo hay chưa, thôi cứ liều liệu ăn uống cẩn thận.
Bỏ qua những bóng áo chàm và dập dờn váy hoa của người Mông thi thoảng vụt qua thì đường từ thành phố Hà Giang lên Quyết Tiến sao giống con đường từ nhà tôi ngược lên biên giới quá đi thôi. Trời lất phất mưa, hai đứa vượt qua ba đoàn phượt, AQ rằng trời chẳng mưa to hơn được nữa đâu (thật ra là tôi tự tin với cái áo khoác chống thấm của mình). Đến Quyết Tiến, từ xa xa đã trông thấy hàng chữ "Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn" trên quả đồi đối diện. Hà Giang với mẹ tôi chỉ có thế nên nhất định phải chụp bằng được hàng chữ ấy về khoe mẹ. Từ xa cho đến gần, chặc lưỡi bảo lên lưng chừng dốc ngang tầm nhìn sẽ chụp, nhưng xe đang đà lên không dừng được, lại chép miệng hẹn lúc về. Và kể từ đó, tôi đã biết thế nào là đèo dốc đích thực. Đường Tây Tiến (bây giờ là Sơn La - Mường Lát) được Quang Dũng tả rằng "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", giả dụ nhà thơ hành quân qua cung đường vượt cao nguyên đá này thì ông sẽ tả sao đây?
Bẩm sinh tôi là con mèo có lá gan chuột nhắt, đường sá cứ một bên núi một bên vực lại chẳng thèm có taluy che chắn như thế này thật sự thử thách trái tim bé bỏng yếu đuối tội nghiệp của tôi ghê lắm. Ban đầu còn "trời ơi", "lại nữa à", "ôi mẹ ơi", còn hăm hở đếm xem bao nhiêu khúc cua tay áo liên tiếp nhau, về sau mệt quá, chẳng dám nhìn và cũng chẳng buồn đếm nữa, chỉ biết thở hào hển mà thôi. Chóng mặt cùng với những vòng cua còn hóc hiểm hơn cả đường đua Tour de France, tôi phải thừa nhận quyết định sáng suốt nhất trong tháng 9 là đã chọn cậu em làm bạn đồng hành. Giả dụ chỉ có một mình, lớ ngớ tôi đã cho cả xe lẫn người lao thẳng xuống vực cả chục lần chứ chẳng đùa. Lên đến cổng trời Quản Bạ, ngó lại phía sau chỉ thấy vực âm u và dốc mờ ảo trong sương, tự cho phép mình thở phào vài phút. Đã đến lối lên trời rồi sao, tấm biển trước mặt "quảng cáo" rằng trên đó có cánh cổng bằng gỗ nghiến dày 15cm dựng từ năm 1939. Bởi câu viết ấy mà tôi háo hức muốn leo lên, mấy anh chị ở đoàn phượt gặp tại đó thì cứ cản, bảo rằng chẳng có gì đâu. Thói đời càng cản ngăn thì càng hăm hở, "không tin bố con thằng nào hết", tôi xúi cậu em đi trước thăm dò xem sao. Cậu leo lên theo lối bậc thang, chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy cậu quay lại, gọi thì chẳng buồn bắt máy, ngẩn người, chẳng lẽ thằng này giống Từ Thức, gặp tiên nên quên cả lối về rồi?
Chừng mươi phút sau (mà tôi thấy như cả tiếng đồng hồ) mới thấy cậu lò dò xuống, xác nhận rằng trên đỉnh trơ trọi. Tôi vẫn không tin, còn một lối đi tráng xi măng bên cạnh, quyết tâm bò theo đường ấy xem sao. Dọc đường có điện thoại của chị đồng nghiệp cũ, "trăn trối" rằng em tìm đường lên trời đây, mấy hôm nữa không thấy tin tức gì thì có nghĩa em bỏ lại trần gian cưỡi hạc vân du rồi nhé. Đường không dài, cũng không quá dốc nhưng tôi bị đau khớp và có tiền sử bệnh tim nên leo được một tí là đã thở cả ra đằng tai. Cậu em đi đằng sau thì cứ động viên suốt, cộng thêm cái tính cứng đầu, cuối cùng tôi cũng lên được đến đỉnh.
Vỡ mộng rồi.
Có một cánh cổng, nhưng không phải bằng gỗ nghiến dày 15cm mà bằng sắt đã gỉ, ngăn đôi trạm thông tin bỏ hoang. Cho chừa cái thói ương như ổi. Giờ bảo trở về theo đường cũ thì tôi vái cả nón (quên, lúc ấy không đội nón, vái cả cái áo khoác). Ờ, kể ra cũng lâu lắm rồi không được trèo tường vượt rào, ở trên đây chỉ có hai chị em, việc quái gì phải giữ gìn hình tượng.
Thế là tôi leo cổng, cũng như ai.
Dễ phải chục năm rồi không thực hành nhưng ngón nghề vẫn còn xịn lắm, vượt rào thành công, tay chân người ngợm không hề xây xát gì. Hoa dại mọc bời bời, sương giăng mờ mịt châm vào buốt da, cổng trời là đây nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn chẳng thấy lối dẫn lên thiên thai. Thôi thì, "Lên trời hai đứa hai nơi - Thôi em chỉ muốn làm người trần gian" *, lại dắt díu nhau tìm về cõi tạm. Còn nặng nợ hồng trần thế này thì hạc nào chở nổi ngoài hạc Wave S 110?
Từ cổng trời Quản Bạ, đi thêm một chút là đến núi đôi. Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu khi thấy thắng cảnh này là... "Bét ra cũng phải cup D". Hai lần dừng xe mới tìm được view đẹp để chụp ảnh trên con đường men núi đã nát bươm và ầm ầm xe tải qua lại. Bởi vì sương nên màu ảnh lên rất lạ, hướng ống kính ra xa 90độ thì bắt gặp nhà khách Tam Sơn vàng rực lên giữa màu xanh núi đồi. Quản Bạ ngoài cổng trời và núi đôi thì chẳng có gì, hai đứa lượn vè vè tìm hàng sửa xe để bơm lại bánh và mua dây chun cột đồ. Riết rồi đôi vai cũng được giải phóng, đi một đoạn dài thấy đường cứ thênh thang bằng phẳng, chưa kịp vui đã phải rồ ga leo dốc. Thiệt tình, không có dốc cao nhất, chỉ có dốc cao hơn mà thôi.
Vì đã lên lịch trình đến Yên Minh mới ăn trưa nên hai chị em chỉ còn một tiếng rưỡi để vượt qua quãng đường 50km đèo dốc. May mà sáng sớm ăn xôi, giả dụ ăn món nước thì dọc đường đã phải hát bài huề huệ mấy lần rồi. Sương tan, nắng lên, con đường xuyên qua giữa rừng cây ngút ngàn. Đi mãi, đi mãi mới thấy rừng thông Yên Minh, chỉ dừng lại mươi phút để duỗi chân duỗi cẳng và vái lạy vong linh các anh hùng liệt sĩ. Đứng từ trên đài tưởng niệm trông ra bốn bề chỉ thấy cây là cây, bởi nắng trưa lấp lóa hay mắt người mỏi mệt mà tất cả cảnh vật phía xa cứ sáng bừng rực rỡ, tôi không rõ. Nắng gắt gay, trời hanh hao nhưng gió nhiều nên hơi lạnh vẫn cứ thấm vào da. Mệt và đói nên dù biết rằng đang đi giữa "rừng thông đẹp nhất Việt Nam" nhưng hai đứa chẳng dám dừng lại để săn ảnh, sợ rằng khi đã dừng lại thì sẽ tự động tìm gốc cây nào đó làm giấc mini, khỏi đi đứng gì nữa luôn. Đường thì cứ uốn lượn và nắn tim người như thế, người thì cứ hơi tí là run rẩy lẩy bẩy như này, cực chẳng đã cậu em phải hét lên "Chị đừng đụng vào vai em nữa". Đến lúc đó tôi mới biết cứ vào khúc quanh là tôi vít chặt vai cậu trong vô thức. Quy định mới được ban ra, vít vai một lần phạt 20k. Dính đến quyền lợi kinh tế một cái là đâu vào đấy ngay, thiệt tình, ai bảo chỉ thân lừa mới ưa nặng, thân con mèo cũng từa tựa vậy thôi.
Từ trên đỉnh dốc mắt hoa mày choáng, tôi trông thấy thị trấn Yên Minh nằm gọn lỏn trong lòng thung lũng phía xa. Tiếng trống ngực hòa cùng tiếng réo ầm ĩ của cái dạ dày, chúng tôi sống rồi.
(*) Trích lời bài hát "Hoa học trò" của nhạc sĩ Anh Bằng