Vội vã Hà Giang - Người về như mưa, soi tìm dấu cũ
Tôi không nhớ nổi chúng tôi đã vượt qua bao xe trên những con đèo cheo leo dẫn lên Đồng Văn, chỉ nhận ra nhau bằng một phong cách chung: Áo chống nắng kín người, xe máy tả tơi, balo cột chắc phía sau. Chào nhau bằng cái vẫy tay và một thoáng gật đầu, đường dài dường như cũng bớt cô đơn một chút.
Từ Udaipur, anh tôi nhắn tin hỏi, "Đồng Văn có gì lạ không em?". Ngược dần lên cao, qua tấm biển "Đồng Văn kính chào quý khách" là thấy đặc sản của đất này hiện hữu nơi nơi. Đá. Cúi mặt xuống đất, ngước mắt nhìn trời, trông trước ngoái sau tứ bề đều là đá. Cây cối chật vật lách đá chen ra, lá dày, hoa nhỏ và cứng cỏi hơn những bóng xanh yểu điệu chốn đồng bằng. Tôi nhắn lại cho anh, "Đá, và còn hơn thế nữa nhưng em đang khám phá". Con đường cứ dốc ngược lên đỉnh và vẫn giữ nguyên phong cách "không cần taluy", làm trái tim tội nghiệp của tôi hết rơi tõm xuống dạ dày lại bất thình lình vọt ngược lên lồng ngực. Ngồi phía sau không chịu áp lực cầm lái nên thỏa sức ngắm nghía, phong cảnh vô cùng hùng vĩ, tôi cứ hăm hở quay trái quay phải bấm máy liên hồi. Cựa như sâu đo, may mà hồi trưa cậu em được ăn no nghỉ khỏe nên mới không nổi điên quẳng tôi giữa đường. Cậu biết rằng đường sá như này thì tôi không cách chi tự cầm lái được nên tranh thủ lên mặt ghê lắm, suốt cả hành trình không đếm nổi bao lần tôi phải la oai oái rằng "Ối làng nước ơi thằng này nó bắt nạt tôi". Người cầm lái thỏa mãn khi chinh phục được những đoạn đường khó, còn kẻ ngồi sau thì hí hửng với niềm vui bé mọn khi được quay trước quay sau và lâu lâu rú lên "Đẹp thế", "Đường như mơ í", "Quá đỉnh"... chọc đứa cầm lái sôi máu lên, nghe quát cho... đỡ buồn.
Lịch trình dự kiến là Yên Minh - Sà Phìn - Lũng Cú - Đồng Văn, nhưng một chút chếnh choáng vì say nắng đã dẫn chúng tôi tiến thẳng về Phó Bảng. Vào đến thị trấn rồi mới biết mình nhầm, rất muốn lượn lờ nơi đây nhưng vì thời gian không cho phép, đành ngậm ngùi quay ra nếu không sẽ chẳng kịp lên Lũng Cú trước lúc đêm về. Ba km lạc bước đã dẫn chúng tôi qua một vườn hồng, khoanh ruộng vốn rất bình thường ở miền xuôi bỗng trở nên hay ho chi lạ ở mảnh đất này. Chiều rơi lãng đãng trong thung lũng, vạt nắng leo lên triền núi, bỏ mặc những luống hồng lịm dần với bóng râm. Tôi cứ nấn ná ở đây, không biết nên đổ tại lý do nào; lãng mạn thì rằng là vì thung lũng bình yên quá, không gian yên tĩnh và thanh thản quá, không nỡ cất bước ra đi. Mà thô thiển thì... vì chân và lưng mỏi quá rồi, không còn muốn leo lên xe nữa. Dùng dằng mãi cũng chịu rời đi, xe bắt đầu leo dốc rồi mà mắt không an phận cứ ngoái đầu nhìn lại phía sau. May mà tôi không là Orpheus và vườn hồng kia cũng chẳng phải nàng Eurydice **, nếu không ắt tôi sẽ có thêm một niềm hối tiếc khi ngồi viết những dòng này.
Có một công thức chung cho những con đường Đồng Văn chúng tôi đã đi qua chiều hôm ấy: Một bên núi đá xám xịt, một bên vực sâu nắng ngời, lòng đường hẹp và hầu hết các khúc quanh đều bị bánh xe nghiến cho tơi tả. Đi mãi vẫn chưa thấy Dinh họ Vương ở đâu, bản đồ và GPS vẽ một hướng, người dân lại chỉ một đường hoàn toàn khác. Chúng tôi đi theo cảm tính, cho rằng một di tích lịch sử nổi tiếng như thế thì kiểu gì cũng có biển chỉ đường, lo gì không tới nơi. Điều đáng lo hơn là thời gian không đợi, mặt trời cao nguyên không chờ, nếu không nhanh chúng tôi sẽ lỡ hẹn cùng Lũng Cú chiều nay. Đi qua bao nhiêu gốc sa mộc, bao nhiêu bụi ngải cứu dại, bao nhiêu bức rào bằng cỏ mía, cuối cùng cũng thấy được ngã ba - một đường lên Lũng Cú, một lối rẽ Sà Phìn xuống Dinh họ Vương.
Dinh họ Vương chiều hôm ấy chỉ có hai chị em chúng tôi tha thẩn. Cửa nhà quan bậc cao vời vợi, hàng sa mộc nghiêm trang đứng quanh, ngăn tầm mắt kẻ lạ nhòm vào dinh thự. Chỉ mấy chục năm thôi, người xưa khuất bóng, chốn cao sang nay cũng hóa bình thường. Chị bán vé tranh thủ đun nồi nước trên bếp, gọi vóng một hồi mới vội vã chạy ra. Bao giờ cũng thế, tôi luôn có cảm tình với những chốn cổ kính thâm nghiêm. Chạnh nghĩ đến một quá khứ vàng son, thấy may rằng ở chốn cao nguyên này con cháu họ Vương vẫn còn giữ gìn được hương hỏa ông cha. Tôi không am hiểu gì về kiến trúc, chỉ thấy những nét chạm khắc trên rui mè, trên cánh cửa, bức rèm bằng gỗ khắc, mái ngói lưu ly, khuôn viên kiểu tứ hợp viện sao giống như những miêu tả của anh tôi về ngôi nhà tổ ở một nơi xa xôi tôi không bao giờ có cơ hội ghé đến. Tôi cứ quanh quẩn mãi trên hành lang lầu hai của khu nhà, mê mẩn nhìn những phiến gỗ bạc mầu thời gian, mắt không đeo kính nên nhìn đâu cũng thấy hoa văn chập chờn. Ghé qua một gian nhỏ ở phía sau, thẳng lối dẫn vào lô cốt phía Đông, thứ đập vào mắt khiến tôi phải bật cười, lấy điện thoại ra nhắn tin cho bố, "Con đang ở dinh họ Vương, ở đây có bộ bàn ghế giống hệt bộ nhà mình". Mãi một lúc sau bố mới nhắn lại (ngờ rằng mẹ nhắn hộ, bố tôi lười lắm, chỉ thích gọi cho nhanh thôi), bảo rằng nhớ phải chụp ảnh lại đấy. Khi chuẩn bị bước qua ngạch cửa, tôi dặn cậu em rằng chúng ta chỉ có 30p để tham quan toàn bộ nơi này. Lại thêm một lần phải chạy đua cùng mặt trời, bước ra khỏi dinh thấy chiều đã tàn trên những mái ngói rêu phong. Trông vời lên đỉnh núi vẫn thấy nhàn nhạt ánh nắng, xin chị bán vé một thanh tre để làm giá cột đồ phía sau, hai đứa hộc tốc phi xe về cực Bắc.
Thói đời vẫn hay éo le, càng vội vàng thì cảnh sắc xung quanh càng tươi đẹp, không đi thì trễ mà rồ ga lướt qua lại chẳng đành. Qua ngã ba chừng vài km, chúng tôi bắt gặp một triền núi mênh mang tam giác mạch. Chưa kịp vui đã thấy nỗi buồn tê tái trong lòng. Một đoàn phượt đã cắm chốt ở đấy, rồi lại thêm một đoàn nữa, các nam thanh nữ tú cứ hồn nhiên xông thẳng vào ruộng tam giác mạch để tạo dáng, lăn lê bò toài săn ảnh. Bước đến gần thấy dấu vết của bao kẻ đi trước để lại là những lối mòn như trăn xéo giữa ruộng hoa, đất bị nện xuống chặt cứng, hoa ngả rạp như bị voi giày. Hai đứa nhìn nhau thở dài, đứng mon men bên bờ ruộng chụp vài kiểu làm kỷ niệm rồi lên xe đi tiếp. Khi nổ máy, cậu em quay lại nhắc nhở các bạn kia chụp ảnh cẩn thận kẻo phá hết hoa của đồng bào, vài người quay ra lườm hai đứa bằng ánh mắt mang hình viên đạn, có cô gái còn lầm bầm sau lưng "Vẽ chuyện, cứ thích thể hiện". Các bạn yêu hoa, say cảnh, không ai cấm. Nhưng người Mông trồng hoa đâu phải cho dân du lịch ngắm và ngả ngớn chụp ảnh, họ trồng tam giác mạch làm lương thực ăn khi giáp hạt cơ mà. Mấy ngày gần đây, tôi nghe người đi sau kể lại là cũng ở triền ruộng ấy, ngay sau ngày chúng tôi ghé qua đã có một cô gái Mông phải cầm dao quắm đứng canh ruộng. Ở những khoảnh ruộng khác, có bà già ngồi trông, ai ghé qua muốn chụp ảnh phải đưa bà 10.000đ. Và cũng đã có những tiếng kêu hốt hoảng khi trai gái miền xuôi dập dìu lao đến những ruộng tam giác mạch "Bọn giặc đến rồi". Tôn chỉ của dân phượt là "Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân", phải chăng các bạn ấy quá ngây thơ nên nghĩ rằng dấu chân ở đây là những lối mòn ở giữa ruộng của đồng bào?
* Tựa đề được trích từ bài "Một bài thơ nhỏ" của thi sĩ Du Tử Lê.
** Lấy ý từ câu chuyện về thi sĩ Orpheus trong thần thoại Hi Lạp