Vội vã Hà Giang - Đường ta đã qua, chìm khuất chân trời
Chiều muộn hôm ấy, lại chỉ có chúng tôi ngược về cực Bắc. Tại thời điểm đó hầu hết các đoàn phượt đều đã chinh phục xong cột cờ Lũng Cú và đang hối hả trở về Đồng Văn. Tôi bảo cậu em, thôi đằng nào cũng muộn, ta ngắm hoàng hôn rơi trên cực Bắc cũng hay ho mà. Miệng nói vậy nhưng thực ra lòng vẫn nôn nao nhiều lắm. Xăng còn nửa bình, áng chừng không đủ để về đến Đồng Văn nên chúng tôi đổ thêm 1l nữa. Đi mãi, động cơ đã rên rỉ rồi mà mới chỉ đến điểm trung tâm xã Ma Lé. Dù không nói ra nhưng vào lúc ấy, tôi cảm thấy hoang mang thật sự.
Vẫn cố gắng đặt lòng tin vào cậu em, trong đầu tôi bắt đầu "diễn tập" hàng loạt phương án cho trường hợp chúng tôi đến quá muộn. Rồi nhận ra rằng cứ lẩn mẩn với những ý nghĩ ấy chỉ tổ làm bản thân lo lắng hơn, tôi tìm cách làm mình bị phân tâm bằng cách hùa vào rên rỉ về cung đường nhọc nhằn chúng tôi đang đi, lầm bầm chửi xéo chú kỹ sư nào làm cột mốc - có lẽ đã cắm mốc theo đường chim bay thay vì đường chim đi xe máy. Mắng chán rồi xoay sang tám về những chủ đề khác, trên trời dưới biển, mà bây giờ có hỏi lại tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã lảm nhảm những gì. Cảnh hoàng hôn vẫn đẹp như mơ nhưng lòng người đang rầu thúi ruột thúi gan nên chẳng còn tâm trạng đâu mà chụp ảnh. Tưởng như con đường dài vô tận, đến khi tôi cạn kiệt chủ đề thì cuối cùng cũng thấy những mái nhà lô xô co cụm vào nhau phía xa.
Thật may, với một kẻ mắc bệnh nói nhiều như tôi mà không thể nghĩ ra điều gì để nói thì thử hỏi còn gì bi kịch hơn?
Đồng hồ chỉ 17h30. Bây giờ là tháng Mười, theo thông tin của tờ lịch block tại công ty tôi thì mặt trời ở đây sẽ lặn chỉ trong vòng mười lăm phút nữa. Hai chị em vội vàng mua vé, gửi đồ rồi lao ngược lên cột cờ. Ban đầu, em tôi tính rằng sẽ gửi xe ở bưu điện xã rồi hai đứa cuốc bộ lên. Nhưng tôi biết rằng thể lực của mình không đủ để leo hết chừng ấy bậc thang nên nằng nặc bắt nó phải phóng xe lên bãi gửi ở lưng chừng đồi. Cách bãi gửi chừng hai mươi mét nữa thì con xe không thể gắng gượng được nữa, tôi đành tụt xuống cuốc bộ. Đường nhỏ, dốc cứ ngược lên, tôi có cảm giác sức mình kiệt dần theo mỗi lần nhấc chân. Chỉ có vài mươi bước mà tôi lết mãi mới tới, đứng thở hồng hộc nhìn lên khoảng bốn chục bậc thang dẫn lên cột cờ, nghe đâu như nhạc phim Mission Impossible đang réo ầm ĩ trong đầu.
Vượt hơn 400km để có mặt tại đây, chỉ còn cách một tầm tay với, lẽ nào bỏ cuộc?
Cậu em cản, nghỉ một lúc cho lại sức rồi hẵng leo tiếp. Tôi không cam tâm, cứ lặp đi lặp lại câu nói "Mặt trời không đợi", bò dần lên từng bậc thang. Phía sau tôi, một anh chàng bị trẹo chân cũng đang ì ạch leo lên, được khoảng chục bậc, anh hét lên "Giờ mà có thằng nào cõng tao lên đỉnh, tao thề yêu nó cả đời". Tôi bật cười, quay lại thắc mắc:
"Anh là đàn ông cơ mà".
"Kệ chứ, cõng lên là yêu tuốt".
Tôi quay lại nhìn lên đỉnh, thở dài, lặp lại câu nói vừa nãy của anh. Cậu em quay sang lườm lườm tôi vài giây, bất thần ngồi phịch xuống, giục "Chị lên đi". Tôi từ chối, không phải vì sợ vế sau của câu tuyên bố trên ứng nghiệm mà vì sợ cả hai đứa sẽ ngã quỵ ngay khi tôi vừa leo lên. Trước chuyến đi này, chẳng hiểu ăn uống ngủ nghỉ thế nào mà tôi tăng một mạch 8kg, cố gắng giảm cân mãi vẫn không thành công. Nói gở mồm, tôi lăn đùng tại trận thì không sao, nó mà thẳng cẳng ra đấy thì ai đưa cả hai về lại Đồng Văn?
Nên là tôi lại tiếp tục sự-nghiệp-bò-lên-cột-cờ với cậu em động viên hết lời bên cạnh.
Sau gần chục lần nó bảo "Nhìn kìa, còn ba bậc thang nữa thôi" thì tôi cũng lên được đến chân cột cờ. Rõ kỳ cục, lúc bò thì cực nhọc là thế, lên đến đỉnh rồi chẳng hiểu sức lực từ đâu sinh ra, bỗng thấy tinh thần minh mẫn, thể xác nhẹ nhõm hẳn (dù rằng vẫn thở hổn hển). Ráng chiều phủ vàng trên những phiến đá hoa cương, gió rít lồng lộng, cờ bay phần phật trên đỉnh đầu. Tôi quay nhìn tứ phía, đầu óc mụ mị không xác định nổi đâu là đất mình đất lạ. Vội vàng chụp vài kiểu ảnh trước khi màn đêm ập xuống, đúng lúc đó thì mẹ tôi gọi điện. Gió quá to, tôi hét lên rằng "Con đang ở trên cột cờ Lũng Cú", mẹ tôi hét lại "Leo lên đến nơi mà còn sống là tốt rồi". Với những người bình thường hay chính tôi của thời khỏe mạnh, leo vài chục bậc thang là chuyện chẳng có gì để kể. Chỉ hai năm thôi, sức khỏe tôi đã tệ hại đến mức đi bộ vài trăm mét cũng là cả một cực hình, nói gì leo dốc ngược thế này. Mặt trời dùng dằng đợi cho những kẻ khốn khổ thỏa thuê với gió mây Lũng Cú, khi không còn kiên nhẫn được nữa thì khép mắt rất nhanh. Bóng tối bao trùm, xung quanh cột cờ có trụ đèn nhưng ban quản lý vẫn chưa bật lên. Dù nuối tiếc, chúng tôi cũng đành dò dẫm đi xuống.
Về lại được bưu điện xã, tôi ngồi chết gí trong phòng khách, uống hết mấy chén nước nóng mới thấy hơi thở dần bình ổn. Nhìn đồng hồ, áng chừng phải hơn 8h tối hai chị em mới về đến Đồng Văn, tôi móc điện thoại gọi cho khách sạn để báo check in trễ. Đến lúc đó, hậu quả một chút sơ suất của tôi khi đặt phòng mới hiển hiện rõ.
Chúng tôi không có phòng.
5 phút cự cãi và kết quả chẳng đi đến đâu, hai đứa nhìn nhau chặc lưỡi, thôi cứ về Đồng Văn rồi tính tiếp. Thị trấn rộng như thế, lẽ nào không có chỗ cho chúng tôi dung thân một đêm?
Đêm cao nguyên lạnh cắt cứa thịt da. Mặc một chiếc áo đại hàn, đội mũ cài khuy kín cổ mà trên đường tôi vẫn run lẩy bẩy. Trăng mười hai sáng vằng vặc nhưng không đủ soi rõ đường đi, cậu em liên tục phải đổi giữa đèn cốt với đèn pha để đo đường. Một lần nữa, chỉ có chúng tôi và con đường. Cách đây dễ cũng gần ba năm, tôi đã viết trong một entry rằng bố là người đàn ông tôi tin tưởng nhất, người duy nhất đủ vững chãi cho đến thời điểm ấy để tôi đặt cả cuộc đời vào tay lái. Bây giờ, tôi buộc phải học cách đặt niềm tin vào một người khác. Bẩm sinh tôi chẳng có sở trường gì ngoài đa nghi hơn kẻ khác nên việc này không hề đơn giản, tốt nhất là im lặng tuyệt đối để người cầm lái không bị phân tâm. Về sau cậu em tôi có kể, trên 24km đường đêm hôm ấy cậu rất lo lắng vì tôi vừa đốt sức trên cột cờ, lại bị cao huyết áp và có tiền sử bệnh tim, lỡ ngất xỉu giữa đường thì cậu cũng đành bó tay chịu chết. Đi nhanh thì sợ tai nạn, đi chậm thì sợ sức tôi không chịu được. Tôi ngồi sau nào có biết gì đâu, nhiều khi còn lẩm nhẩm hát vu vơ vài câu bất chợt nảy ra trong đầu. May mà mũ bảo hiểm dày nên cậu không nghe thấy tiếng tôi hát, nếu không thì tôi dám cá nguyên đống cân nặng thừa của mình rằng cậu sẽ lạc tay lái, đưa cả hai đứa xuống vực là cái chắc.
Rừng ngăn lối, núi che mây, không có cơ hội cho chúng tôi ngoái nhìn con đường đã bị bỏ lại phía sau. Mà như thế cũng tốt. Tôi nhớ Trịnh Công Sơn có viết rằng "Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên". Biết bao giờ trở lại, một cái nhìn sâu chắc hẳn sẽ thêm một vết hằn ký ức, mai này nỗi nhớ sẽ cồn cào hơn. Cúi mặt mà đi, "Đường ta đã qua, chìm khuất chân trời. Đường ta sẽ đi, nào ai biết tới. Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ" *.
Thị trấn Đồng Văn đón chúng tôi trong bầu không khí rủ buồn hiu hắt của phố huyện vùng cao. Một ngày quá dài, gần 200km rong ruổi, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc từ háo hức - ngẩn ngơ - thanh thản - hoài niệm - chạnh buồn - hoang mang - phấn khích - lo lắng, nên khi tìm được nơi nghỉ đêm, thanh tẩy bụi trần và lấp đầy cái dạ dày, tôi có cảm giác như mình đã chạm ngõ thiên đường.
Thiên đường thật sự, rực rỡ trong giấc ngủ mệt nhoài, không phải bóng mờ khuất nẻo như "heaven gate" ở Quản Bạ.
* Trích lời bài "Không còn mùa thu" của nhạc sĩ Việt Anh