Vội vã Hà Giang - Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương
Buổi sáng hôm ấy tôi đứng trước hai sự lựa chọn: Hoặc đi cafe phố cổ, hoặc leo đỉnh Đồn Cao. Không mất quá nhiều thời gian phân vân và mặc kệ ý kiến của bạn đồng hành (đôi khi tôi lấy quyền làm chị ra để tự cho phép mình "gia trưởng" một chút vậy đó), tôi chọn Đồn Cao, dù biết rằng phương án này sẽ khiến tôi mệt hơn là đi cafe phố cổ. Ai quen tôi đủ lâu ắt sẽ hiểu, tôi là kiểu người đường quang không đi cứ thích đâm quàng bụi rậm, suy nghĩ hơi kỳ dị nên thường xuyên đặt bản thân và những người có liên quan vào vòng bất trắc. Có lẽ vì phúc phần của tổ tiên quá dày nên tôi thường xuyên thoát nạn ở phút thứ 89, bao nhiêu bận hiểm nguy rồi mà có chừa được đâu.
Những vất vả của chuyến leo cột cờ Lũng Cú chiều hôm trước được nhắc lại y chang ở lần leo núi này, may mà không phải chịu áp lực về thời gian nên tôi có thể vừa đi vừa nghỉ. Không biết bao lần tự động viên mình "Vượt qua dốc kia rồi sẽ tới", cứ phải tự lừa mị bản thân như thế để làm doping trèo lên con đường dốc chênh chao. Vừa leo, vừa nhớ đến câu Tiêu Tuyết nói với Tần Khanh trong "Chết, sập bẫy rồi": "Dạng như mày, chưa đập vào tường cho chết thì vẫn cứng đầu cứng cổ không chịu nhận ra đó là đường cụt. Chỉ cần mày chọn được một con đường, thì dù là bò đi, mày cũng có thể bò tới cuối”. Cười ngu ngơ, đuối sức nên hai chữ "ngu ngơ" ấy cũng méo mó thành "mếu máo". Vừa đi vừa nghĩ, uống hết chai nước mang theo lúc nào chẳng hay. Môi khô ráp và cổ họng rên rỉ, tình cờ lại liếc thấy bên đường có bụi mâm xôi dại. Lâu lắm rồi, kể từ hồi chuyển nhà về thị trấn tôi không còn thấy loài cây này nữa. Cây mâm xôi lách ra từ đá nên quả bé xíu xìu xiu, chỉ nhỉnh hơn đầu đũa một chút, không to mọng như trên sườn đồi phía sau nhà. Nhấm vài quả thôi mà thấy cơn khát vơi đi quá nửa, con đường trải xi măng teo tóp dần rồi kết thúc hẳn, nhường chỗ cho những bậc thang đá cỏ rêu phủ đầy. Nắng đã lên chéo góc đỉnh đầu, xói da rát bỏng. Hai lần trượt chân rồi tôi cũng làm được điều mà bạn hiền cất công dặn dò. Đêm hôm trước, buồn bực về chuyện chỗ nghỉ đêm nên tôi không có tâm trạng liếc ngang ngó dọc Đồng Văn. Giờ, dưới cái nắng lấp lóa ngày cuối thu, Đồng Văn hiện ra hiền ngoan như dải lụa mềm hững hờ trong thung lũng. Những mảnh ruộng chưa tháo nước chói ngời, từng dải sáng đổ ào từ triền mây xuống đất bằng như khói trời lộng lẫy. Đồng Văn trong nắng thu đẹp huyền ảo, cái đẹp biến chuyển từng phút giây, khiến người ta phải nín thở, không dám chớp mắt sợ sẽ bỏ lỡ một khoảnh khắc diệu kỳ nào đó. Tôi bấm máy ảnh liên tục, chụp để an ủi thôi, thực tình cũng biết rằng máy ảnh của mình không đủ sức nắm bắt được thứ ánh như mơ như thực ấy.
Bởi biết rằng có những giây phút không thể nào níu giữ như thế này nên tôi cứ nấn ná mãi dưới cái nắng gắt trên đỉnh Đồn Cao, đến khi mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo mới tìm đường leo xuống. Dọc đường hoa dại nở bời bời, kiếm cớ tạt ngang chụp chỗ này một chút, chỗ kia một chút, về lại phố thị đã là hơn chín giờ sáng. Trước chuyến đi đã mơ rằng mình sẽ thong thả đến, thong thả đi, quên rằng bản thân là con gái nên sến ơi là sến, gặp cảnh đẹp là sẵn sàng la cà mặc xác thời gian luôn. Tôi đồ rằng cậu em phải ngán ngẩm lắm khi dọc đường chốc chốc tôi lại gào lên "Dừnggggggggggggg lạiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii", chân ngắn hì hụi tụt khỏi xe lao phăm phăm ra vệ đường chĩa máy bắn phá ầm ầm. Vài lần như thế rồi cậu cáu, không cho tôi tạt ngang tạt dọc nữa, nhờ vậy hai đứa mới đến được đèo Mã Pí Lèng vào lúc trời đã chuyển sang trưa.
Tôi nghe danh Mã Pí Lèng từ nhiều năm trước qua một truyện ngắn của tác giả Vũ Xuân Tửu. Truyện kể về mối tình giản dị ngắn ngủi của một thầy giáo cắm bản với một cô gái người Mèo. Không một lời yêu, chỉ có tiếng kèn lá nói thay những điều ấp ủ.
Bây giờ Mỷ hay đi cắt cỏ ngựa thay cho Páo. Tôi cũng hay lân la đến bên gốc sa mu cổ thụ thổi kèn lá:
“Em ơi! Đã nói nhiều nhưng ta chưa tỏ...".
Tiếng cắt cỏ ngừng bặt. Tôi hồi hộp dõi lên vạt rừng. Bỗng có tiếng kèn lá cất lên:
“Anh ơi! Chúng mình dù tâm sự đẹp ngần nào...".
Chợt có tiếng trẻ con cười rúc rích trong bụi cây. Mỷ bốc một nắm đất ném rào rào. Bọn trẻ con lốc nhốc cõng nhau chạy lên bản. Thì ra, chúng đã rình mò. Tôi lững thững về bản, trong lòng lo sợ bọn trẻ con khoe chuyện với trưởng bản. Nhưng tiếng kèn lá lại vút lên:
“Anh ơi! Em muốn nói với anh bằng điều khác...".
Kết truyện buồn, hằng muốn quên đi nhưng không hiểu sao vẫn bị những câu văn tả cảnh chiều biên cương ám ảnh mãi:
Chiều biên cương tím biếc. Sương giăng mờ lũng núi. Tiếng chuông bò loong coong về bản. Khói lam quyện trên những mái tranh. Hun hút dưới chân núi, dòng sông Nho Quế nhạt nhòa như một dải thắt lưng xanh xanh, huyền ảo.
Tôi tìm về Mã Pí Lèng cũng chỉ vì truyện ngắn này thôi. Nhớ rằng nhà Mỷ nằm trong một xóm nhỏ dưới chân đèo, khi dừng lại tại đài vọng cảnh, thay vì tạo dáng làm duyên hay giương máy lên săm soi từng ngọn cây bờ đá, tôi chỉ chăm chăm tìm xem nhà của cô ở đâu. Ở xóm nhỏ chon von trên những mũi đá tai mèo, ở bản thấp nằm trọn trên một đỉnh đồi con, hay là mái nhà nằm êm kín giữa những bụi chuối kia? Làm sao tôi có thể tìm ra? Dù biết là hư cấu nhưng chẳng phải đã có những bối cảnh bước ra từ phim truyện như nhà của Pao đấy sao? Chỉ biết ngậm ngùi vì "Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pí Lèng" không nổi tiếng như "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá". Thẫn thờ như có điều gì trân quý vừa lướt qua tầm tay mà không cách nào nắm bắt, tôi ngước nhìn mặt trời chói chang trên đầu, đành hẹn lòng một ngày quay lại sẽ ghé Mã Pí Lèng lúc chiều muộn để đón chiều biên cương tím biếc, để ngắm dòng Nho Quế ngời xanh như ngọc giữa hoàng hôn. Hai ngày trôi qua và đã bao lần tôi hẹn rằng sẽ trở lại? Đất này chỉ cằn khô đá sỏi mà quyện chân người còn hơn bùn đỏ bazan, xe lăn bánh rồi mà hồn còn cheo leo trên đỉnh mây trời, mắt không ngoái lại, lòng vẫn say lịm như vừa dốc cạn cả bát rượu ngô. Nặng tình như thế thì quên đi sao đành?
Trở về thành phố theo lối cũ, chúng tôi được Hà Giang an ủi bằng dòng Cán Tỷ trong ánh chiều tà. Nếu sông Nho Quế hun hút dưới vực sâu gần nghìn mét, một bên là dãy Mã Pí Lèng, một bên là dãy Săm Pun thì sông Cán Tỷ nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, ngoan lành bên những mái xóm trông hệt phía bên kia sông ở quê nhà tôi. Chỉ có màu nước như ngọc thạch là không thể tráo đổi hay cố tình lầm lẫn sang nước sông của một miền khác. Màu xanh kỳ lạ không phải do rêu mà do những khoáng thạch lẫn trong đá tai mèo ở vùng đất này. Chiều đang rơi thật chậm, nắng bỏ lại dòng sông chỉ còn hát ca trên cao vời chóp núi, sông càng xanh ngời, lúng liếng như mắt con gái Mông cuối phiên chợ tình. Bên này là đường về Yên Minh, đi qua một cây cầu đã là khu vực biên giới. Áng chừng, sườn kia của dãy núi vẫn còn ưỡn ngực đón nắng hẳn đã là địa phận đất lạ. Lằn ranh mong manh thế nên mỗi năm không biết có bao nhiêu biệt kích giả dân thường hồn nhiên nối gót cụ Nguyễn Tuân "xê dịch qua biên giới". Mà thôi, cảnh đãi người như vậy lại cứ nghĩ ngợi về chuyện chính trị an ninh quốc phòng thì xem ra hoang phí thật. Quên đi một chút thôi để giữ thật lâu hình ảnh thung lũng Cán Tỷ khép mi mơ màng lúc ngày muộn là hơn, lần sau quay lại chắc gì đã có duyên gặp gỡ?
Bỏ lại non cao chúng tôi về với phố thị, những mái nhà trình tường cũng lùi dần phía sau, về đến thành phố Hà Giang là hoàn toàn mất dấu. Sau lưng tôi còn có những cây đào tựa đầu trên mái ngói nâu, hoa nở e ấp dưới trời xanh nắng thu. Lạ thế, trời đang chuyển đông mà trên cao nguyên cây thay lá non, đào mơ cựa mình hé nở. Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá lớn khiến cho nhịp sinh học của cây cối cũng chệch choạc, nhưng nhờ có thế mà tôi mới gặp được những bông đào hồng rực lên trên sắc xanh mê mải của nền trời. Hoa của một "mùa xuân ảo vọng", lừa mị con người bằng chút ấm áp cuối cùng trước khi rùng mình đón gió bấc từ phương Bắc tràn sang. Tôi nhớ Tết quá, bỗng nhiên thèm được trở về nhà.
Ngày mai, chúng tôi sẽ xuôi theo hướng Tây Nam đi tìm một vùng đất mới...
* Khi viết bài này, tôi đang nghe "Thu, hát cho người" của Vũ Đức Sao Biển, Ngọc Lan trình bày. Nghe đến câu "Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương", chợt run lên như thấy lại cảm giác của mình vào buổi trưa cuối tuần trên Mã Pí Lèng hôm ấy. Là vì tôi đa cảm, chắc thế, nên cứ miên man nghĩ rằng nếu đá núi có cất tiếng, hẳn cũng sẽ nhắn gửi khách phương xa bằng những lời như thế này. Hà Giang hào sảng và chân chất vẫn sẵn lòng đợi người quay lại, có phải không?