Du lịch Lạc lối ở Bangkok

Lạc lối ở Bangkok

Đăng vào ngày trong Tin tức 1048

Người ta ước đoán rằng, cứ mười người Thái thì có một người là dân Bangkok. Nói vậy cũng đủ để hình dung rằng thủ đô này lớn rộng và đông đúc thế nào.

Gần bốn ngày lưu lại chia làm hai lần ghé, cảm xúc đương nhiên có sự khác biệt, nhưng tựu chung tôi vẫn cảm thấy bản thân và Bangkok chưa thể gọi là quen biết nhau được. Thành phố mênh mông, "khi hẹn nhau đã lạc lối tìm"*, dù đã chọn public bus (a.k.a bus chuồng gà) làm phương tiện di chuyển chính nhưng tôi chỉ có thể cày được một phần đảo Rattanakosin (nơi có Hoàng cung và Khaosan Rd), một phần nhỏ quận Dusit (với quần thể cung điện cùng tên), Chinatown và một xíu xiu Pratunam cho đỡ lạc mode. Đa số những nơi tôi ghé đều đã quá quen thuộc với du khách Việt Nam, rất khó để viết vài dòng mà không lặp ý của người đi trước. Nhưng thôi cũng cứ liều, không kể lại mai này nhớ Bangkok thì biết ăn mày dĩ vãng ở đâu?

Hơn hai mươi năm sống trên đất Việt cứ bị đùa trêu là người Trung Quốc (trăm sự đều tại họ tên quá dị), buổi tối đầu tiên ở Bangkok đương nhiên tôi chọn Chinatown làm điểm dừng chân, chỉ vì tò mò không biết liệu mình có bị nhận lầm? May rằng chỉ tò mò chứ không hề "trông đợi", thực tế Chinatown của Bangkok hôm tôi đến đã nhạt nhòa bản sắc người Hoa, nếu không có những biển hiệu tiếng Trung xen lẫn tiếng Thái, hẳn tôi đã nghĩ mình đến nhầm chỗ rồi. Tất cả mọi thứ đều bình thường như bao phố ăn chơi buổi đêm khác, không biết nhặt gì ra để làm bản sắc của con đường Yaowarat này nữa. Là xe cộ như nước, áo quần như nêm chăng? Là tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc áp đảo các quốc tịch khác? Là những hàng quán ăn uống và đồ lưu niệm giăng giăng hai bên đường? Không không, cả tôi và bạn đều dễ dàng bắt gặp những điểm trên ở khắp các thành phố du lịch ở Thailand nói riêng và trên toàn thế giới nói chung mà. Có lẽ tôi đến sai thời điểm, lại đi một mình, chưa kể trước đó đã có một buổi chiều nhừ tử dưới cái nắng gắt gay nên mới cạn kiệt hứng thú với Chinatown như vậy. Bây giờ nhớ lại tôi chỉ còn ấn tượng với món nước quýt nguyên chất 100% rất ngon rất mát, đĩa pad Thai hơi mặn, xiên bạch tuộc giòn giòn, điểm chung là đắt lè lưỡi và khó trả giá. May mà còn có đồ ăn, nên nếu được hỏi ý kiến, tôi chỉ dám nhỏ nhẹ đề đạt rằng: Hãy đến Chinatown, nếu không nghĩ ra chỗ nào để đi vào buổi tối ở Bangkok và không tiếc tiền để nhậu. Chỉ thế thôi.

Thái Lan Bangkok
Chinatown a.k.a Yaowarat Rd

Thái Lan Bangkok
Bữa tối ở Chinatown

Như nhiều du khách lần đầu đến với Bangkok, đương nhiên tôi không thể bỏ qua Hoàng cung. Đến với tâm thế "đánh dấu", biết chắc rằng với kiểu hạn chế khách tham quan ở bên ngoài hầu hết các công trình trong Hoàng cung thì đừng mong sẽ thu hoạch được bao nhiêu. Không hiểu biết nhiều về kiến trúc và mỹ thuật, nhưng tôi nhận thấy do được xây dựng vào thời sơ kỳ cận đại nên ngoài chất Thái đặc trưng, các công trình trong khuôn viên Hoàng cung còn chịu ảnh hưởng của ba luồng văn hóa khác - Trung Hoa, Tây phương và Khmer. Từ những bức tường, những ngôi tháp, một mô hình chùa, đôi ba bức tượng được phủ kín sứ men Trung Hoa rực rỡ màu sắc; đến những tòa nhà và không ít đồ nội thất đơn giản mà lịch lãm đúng chất Tây phương; điểm xuyết một vài nét nhắc nhở sự giao thoa văn hóa từ đế chế Khmer như tượng Nagini (công chúa rắn Naga) năm đầu, mô hình Angkor Wat và vài Khmer style prang; tất cả được hòa trộn rất nhuần nhị, lộng lẫy, vàng son, roi rói màu sơn mới. Nhưng chúng mới quá nên làm người hoài cổ như tôi thấy kém vui, đặc biệt khi khách tham quan cứ ken kín xung quanh nói nói cười cười.

Thái Lan BangkokThái Lan Bangkok
Một ví dụ về "hội nhập quốc tế". Chedi vàng nhọn hoắt của Thái đứng cạnh Khmer style prang nhưng được nạm sứ màu Trung Hoa, cả hai lại bầu bạn với cột đèn Tây phương 100%

Thái Lan Bangkok
Chakri Maha Prasat, nơi tổ chức các lễ khánh tiết của hoàng gia

Hơn hai tiếng đồng hồ tham quan nơi đây, đa số thời gian tôi dùng để ngơ ngẩn ngắm hàng dãy tranh tường vẽ kín những hành lang bao quanh khuôn viên chùa Phật ngọc (Wat Phra Kaew). Trên đó, người nghệ nhân kể lại sử thi Ramayana, bản cải biên, được vua Rama I cho biên soạn lại từ những câu chuyện có cùng nội dung được lưu truyền suốt vương triều Ayuthaya. Các bức tranh có lớp lang và chương hồi hẳn hoi, tôi như mê đi trong sắc trầm của thời gian, quên hẳn tiếng đời xôn xao ngoài nắng.

Thái Lan Bangkok
Tranh tường ở Wat Phra Kaew. Có ai đoán được đây là đoạn nào trong Ramayana không?

Ngoài tranh tường, có một nơi tôi khiến tôi thích thú là bảo tàng ngành dệt của hoàng hậu Sirikit, nằm ngay cạnh lối vào Hoàng cung. Thật ra ban đầu khi tạt vào đây, mục đích của tôi chỉ là hưởng chút gió điều hòa, khi mồ hôi ráo rồi thì lăn tăn nghĩ, đây là bảo tàng hay là... phòng thay đồ của hoàng hậu được chuyển đổi công năng nhỉ? Trong đó "khoe khoang" những dự án hỗ trợ ngành thủ công may mặc trên khắp đất nước của hoàng hậu và trưng bày những bộ trang phục đã cùng bà đi qua những lần quốc yến và thăm viếng ngoại giao, rất tinh xảo, đậm chất truyền thống nhưng vẫn quyến rũ và hợp thời. Chỉ là có một chút thương cảm khi thấy form trang phục mỗi năm mỗi rộng, đường cong dần mất hút, theo đó là gương mặt quốc mẫu cũng tàn phai theo tuổi tác. "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng - Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu"**, phải trông thấy lúc tuổi già xế bóng của mỹ nhân, thật tình ngậm ngùi lắm thay.

Thái Lan Bangkok
Bảo tàng ngành dệt của hoàng hậu Sirikit

Tôi không có nhiều ấn tượng với Wat Pho (chùa Phật nằm), bởi khi bước chân sang đây bản thân đã có dấu hiệu bị say nắng, nên đa số thời gian dành để nằm bò ra trên bệ cây nghỉ nhọc và ăn kem. Chỉ nhớ là khu Phutthawat (phần khuôn viên thờ Phật chính) nho nhỏ nhưng bức tượng Phật nằm rất to, nét mặt bình yên như thế, bình yên đến nỗi tôi chỉ có một khát khao học theo đức ngài mà ngả lưng luôn thôi (xin các bạn Phật tử thứ lỗi cho tôi tội báng bổ). Bởi vì quá mệt nên thay vì đi tiếp đến Vimanmek Mansion và Dusit Palace cho khỏi phí cái vé tham quan Hoàng cung 500baht, tôi đành ngậm ngùi bắt bus 32 về lại guesthouse nghỉ nhọc, ngồi trên xe mơ hồ nghe túi tiền rên rỉ, chao ôi là xót xa.

Thái Lan Bangkok

Thái Lan Bangkok

Sau này khi trở lại trước khi rời khỏi Thailand, thể lực đã được điều chỉnh để thích nghi với kiểu thời tiết nhiệt đới tuyệt đối của đất nước này, tôi mới dần cảm thấy thật ra Bangkok cũng đáng yêu và là một thành phố dễ sống. Dù giàu hay nghèo, thành phố này vẫn có chỗ dành cho bạn, ví dụ như kẻ dư tiền sẽ lên tầng 78 tháp Baiyoke II để ngắm toàn cảnh thủ đô phồn hoa về đêm, còn hầu bao hẻo mọn như tôi sẽ chọn Chedi mạ vàng trên đỉnh núi Vàng của Wat Saket (còn gọi là Wat Srakesa) để nhận về một Bangkok bình yên dưới trời xanh nắng nhạt. Giữa tiếng chim lích chích mơ hồ trên mái ngói và giọng trò chuyện khe khẽ của hai anh lính nhân ngày nghỉ viếng thăm, tôi nghĩ về những nẻo đường mình đã đi, những phương trời đang mơ tới, hiểu rằng chuyện độc hành là do vô tình nhưng dần dà mình đã thật sự yêu thích những lúc ngồi vẩn vơ lặng lẽ thế này. Bây giờ đã quên đi đôi chỗ trong những dòng giới thiệu về ngôi chùa này, nhưng vẫn nhớ cảm giác nắng gió mơn man trên da, êm đềm như vỗ về. Ngày cuối cùng trên đất Thái của tôi đã bắt đầu dịu dàng như thế đấy.

Thái Lan Bangkok
Wat Saket - đi về phía nắng

Rời Wat Saket, tôi đi bộ ra bến thuyền Panfa Leelard trên dòng kênh Maha Nak để đón thuyền đi Jim Thompson's House. Người ta thường đi vãn cảnh sông Chao Phraya mênh mông với những kiến trúc huy hoàng đôi bờ, còn tôi ngược đời chọn dòng kênh nước đen dập dềnh rác rến chạy giữa những khu ổ chuột. Đừng hy vọng nhà thuyền sẽ cung cấp cho bạn áo phao, cũng không hề có quầy bán vé đâu, cứ thản nhiên níu dây đu vào thuyền, tự kiếm chỗ trống mà ngồi thôi. Khi khách đã hòm hòm, máy lạch tạch rền vang, thuyền quay đầu, hai tấm bạt chăng đôi bên mạn thuyền sẽ được kéo lên để ngăn nước tạt vào, và cô bán vé khéo léo lượn trên mép thuyền chỉ với một sợi dây chão làm bảo hiểm, bắt đầu đi dọc khoang xé vé thu tiền. Chưa từng đi phương tiện nào hay ho từ chủ đến khách thế này nên tôi tò mò ngắm nghía rồi quên luôn nỗi sợ chết đuối bẩm sinh. Đến khi leo lên bến thuyền Saphan Hua Chang vẫn còn thấy phấn khích, đi dọc lối nhỏ rủ rỉ dây mành mành đến gần Jim Thompson's House mà còn muốn nhảy tưng tưng khoe khoang rằng hôm nay mình không sợ chết đuối, may sao gần hai tuần sống trong bầu không khí Phật giáo nên tâm tính bình hòa hơn nhiều rồi, còn kìm nén được hành vi.

Thái Lan Bangkok
Bến thuyền Panfa Leelard trên dòng kênh Maha Nak

Để miêu tả về Jim Thompson's House, cụm từ hợp lý nhất có lẽ là "khu vườn yên tĩnh". Đi qua lối gạch nhỏ mướt mát cây xanh, trông bóng nắng lốm đốm rớt rơi trên vai mềm, nghe tiếng piano ngẫu hứng đôi khi mới buông lơi vài nốt, tưởng như tôi gặp lại những hình dung năm xưa của mình khi nghe album "Khu vườn yên tĩnh" của Hồng Nhung. Nào là "thánh thót giọt nước rơi cuối vườn", rằng "gió sớm nay có vội vàng cuốn bay chút nồng nàn", và cả "cỏ vườn xanh biết đá vô tư" *** nữa...

Thái Lan Bangkok
Khu vườn yên tĩnh...

Cô gái trẻ dẫn chúng tôi đi quanh những gian phòng mà người đàn ông từng "đơn thương độc mã cứu vớt nghề dệt lụa thủ công Thailand từ bờ vực thất truyền" (lời tạp chí Time) đã sống. Qua những lời giới thiệu xen lẫn bình luận của cô, tôi có thể hình dung được cuộc sống thường nhật của một người phương Tây giữa lòng Bangkok buổi giao thoa, sự nghiệp và những đóng góp của ông, đồng thời, cả cách nhìn nhận của người Thái về cuộc đời ông nữa. Họ tôn trọng nhưng không tôn thờ, sẵn sàng phê phán những hành động xâm phạm tín ngưỡng và văn hóa Thái của Jim Thompson, như là việc mua những căn nhà truyền thống từ Ayuthaya và Bangkrua, dỡ ra, chọn phần tinh túy nhất để ghép lại thành nhà mình. "Không khác gì việc phá vỡ một gia đình", phần nào tôi đồng ý với bình luận của cô hướng dẫn viên. Tôi cũng trông thấy rất nhiều tượng Phật được trưng bày rải rác trong nhà, chỉ đơn thuần với mục đích trang trí mà hoàn toàn mất đi ý nghĩa tâm linh. Một số bức tượng còn bị khiếm khuyết, như tượng Phật rước về từ Angkor Wat đã mất phần điêu khắc hình thần rắn Naga bảy đầu phía sau. Và người Thái cho rằng, bởi những hành động báng bổ đó mà số phận Jim Thompson đã gặp quả báo, ông mất tích khi đang trong kỳ nghỉ với bạn bè ở cao nguyên Cameron (Malaysia). Ngôi nhà ông trở thành bảo tàng, để hậu thế soi vào và tưởng nhớ "người nước ngoài nổi tiếng nhất Bangkok, và có thể là cả Đông Nam Á"****. Dù có nhiều nhận định trái ngược về cuộc đời và cống hiến của Jim Thompson, không thể phủ nhận bảo tàng tư nhân này thực sự là một nơi nên ghé, một dấu lặng yên lành giữa Bangkok hừng hực sức sống này.

Thái Lan Bangkok

Phần còn lại của ngày, tôi đi thăm quần thể cung điện Dusit. Bước chân vào Anata Samakhom Throne Hall, tôi có cảm giác mình như đứa bé nhà bần nông chen ngang lấn dọc vượt qua hàng rào những chân là chân người lớn để lõ mắt trông lên đám rước hoàng tộc ấy. Tôn nghiêm hoàng gia và những đồ trân quý thuộc vào hàng quốc bảo đè tôi không thở nổi, ban đầu còn cố gắng tìm hiểu lai lịch của từng món đồ, nào là ngai báu, nào là bình phong khảm vàng và châu ngọc, nào mô hình thuyền rồng, rồi kiệu đứng kiệu ngồi, bao quanh là những bức thảm thêu trải kín cả bức tường óng ánh chỉ bạc, những bức phù điêu chạm trổ từ gỗ teak với độ tinh xảo đạt đến mức thượng thừa mà tôi nghĩ nếu những người thợ làng Ninh Xá quê tôi có cơ hội chiêm ngưỡng thì sẽ tuyệt biết bao... sau đó phát hiện ra chúng chủ yếu được chế tác nhân dịp mừng thọ 80 năm hoặc kỷ niệm 60 năm lên ngôi của đức vua thì tôi bớt săm soi hơn, cố gắng lờ đi những thứ lấp lánh đang tỏa sáng xung quanh mà tập trung vào những thiết kế cơ bản của cung điện này. Nếu chỉ đưa mắt lướt qua, sẽ chỉ nhận thấy tòa cung điện này cơ bản được kiến tạo theo trường phái Phục hưng Ý và phong cách Tân cổ điển, nhưng khi ngước mắt trông lên, bạn sẽ bắt gặp những trang sử của vương triều Chakri***** hiện ra trên những mái vòm cao vợi qua nét vẽ tài hoa của hai họa sĩ người Ý - Galileo Chini và Carlo Riguli. Rất Âu mà cũng rất Á, nhưng tôi vẫn nghĩ những báu vật mà mình vừa chăm chú ngắm nhìn nếu được trưng bày trong một cung điện theo phong cách Thái truyền thống thì sẽ đạt được hiệu quả thị giác cao hơn, mà xem chừng khó vì hình như trên khắp đất nước Thailand không còn nơi nào như vậy nữa rồi.

Thái Lan Bangkok
Anata Samakhom Throne Hall

Thái Lan Bangkok

Vimanmek Mansion được mệnh danh là "cung điện bằng gỗ teak màu vàng lớn nhất thế giới". Sang đến bên này thì không còn cảm giác phải chen lấn vượt qua rừng người nữa, mà dường như thấy mình đang dòm qua lỗ giấy bồi trông vào đời sống thường ngày của hoàng gia. Cung điện này làm tôi nhớ đến dinh III Bảo Đại ở Đà Lạt, đương nhiên là quy mô và việc bảo tồn được thực hiện tốt hơn nhiều. Nhưng cũng bởi những rào chắn bằng kính bao quanh từng căn phòng, từng lối đi, cùng với hàng chục nhân viên ngồi rải rác khắp các hành lang mà tôi thấy nơi này như một cung điện chết. Không thể tìm được thứ cảm xúc mơ hồ, tưởng như thấy bóng dáng tiền nhân vừa lướt qua đây như ở dinh III, vương triều vẫn tồn tại mà nơi này đã thật sự thuộc về quá khứ mãi mãi rồi. Tôi biết rằng không thể đòi hỏi một sự gần gũi nào hơn, bởi tất cả những gì thuộc về hoàng gia đối với người Thái đều là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ừ thôi nhắc lại một nhận định cũ, dù sao, có một nơi để bấu víu tinh thần như thế, thật ra cũng tốt.

Thái Lan Bangkok

Tôi sẽ không đề cập đến khu Pratunam vì thật sự không biết nói gì. Đây là địa chỉ đỏ của các tín đồ shopping, nhưng với tôi thì chỉ là nơi "giải ngố". Đi cho biết, và thế là hết. Chắc chắn sẽ có nhiều bạn từng càn quét khu này biết cách giới thiệu hơn tôi, nên xin phép nhường lời cho các bạn ấy vậy.

Bangkok, thật khó để diễn giải cảm xúc tôi dành cho thành phố này. Tôi đã thấy mình lạc lõng ngay trong những giờ đầu tiên gặp gỡ, tôi đã thấy mệt mỏi đến nỗi phải tự động viên "tối mai là thoát khỏi Bangkok rồi" trong ngày thứ hai, tôi đã tiếc nuối ngẩn ngơ trên chuyến minivan trở về từ chợ nổi Amphawa trong ngày thứ ba (sẽ có một note riêng cho chợ nổi này), tôi đã nghe lòng mình ngân nhịp ở Sukhothai trông đợi từng giờ trở lại Bangkok, và khi ngồi trên taxi lúc mờ sáng ra sân bay Don Mueang về Hà Nội, tôi biết rằng mình đã bắt đầu nhớ thành phố này dù lời chia tay vẫn chưa hề nói. Sẽ rất khó để thốt lên "chan rak Krung Thep"******* dù tôi có đa cảm đến đâu chăng nữa, nhưng rồi sẽ trở lại, nhất định rồi, để ghé những chốn đã vấn vương, để thăm những nơi còn lạ lẫm, để học đòi giả vờ làm người Bangkok trên những chuyến bus chuồng gà và thuyền kênh nước đen, để khẳng định với những người đã, đang và sẽ đến thăm thủ đô này, rằng Bangkok là người đàn bà phố chợ, đẹp đẫy đà, sắc sảo khôn ngoan nhưng thật ra rất giàu tình thương.

* Lời bài hát "Nước mắt cho Sài Gòn" - Nguyễn Đình Toàn

** Trích "Tiêu hồn Hải Đường" - Triệu Diễm Tuyết

*** Lời các bài hát "Tiếng mưa để lại", "Hương cau" (Dương Thụ), "Hòn đá trong vườn tôi" (Dương Thụ - Quốc Trung), trích từ album "Khu vườn yên tĩnh" của Hồng Nhung

**** Trích "Jim Thompson - người Mỹ huyền thoại trên đất Thái" - William Warren

***** Vương triều đương đại của Thailand

****** Câu này có nghĩa là "Tôi yêu Krung Thep". Krung Thep là cách người Thái gọi thủ đô nước mình.

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."