Du lịch Dang dở Chiang Rai

Dang dở Chiang Rai

Đăng vào ngày trong Tin tức 860

Ngày ấy, tôi đến với Chiang Rai, trông thành phố bé nhỏ thấy thương, như cô gái quê đang cố gắng khoác tấm áo rộng quá khổ người. Ở Chiang Rai cái gì cũng mang khuôn mặt ngơ ngác, tựa hồ vừa tỉnh giấc say, đương luống cuống chẳng biết bắt đầu ngày mới thế nào.

Tôi bị hút về Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc - hay còn gọi là chùa Rừng Tre) vì những ẩn tàng lịch sử, chọn một guesthouse ngay cạnh đấy nên ngày nào cũng mấy lượt tung tẩy chạy bộ qua nửa thành phố ra đến bến xe. Có lẽ vì cái cảm giác tồi tội thương thương ngay khi vừa chạm ngõ thành phố mà tôi sẵn sàng liều lĩnh quăng đi hết những nguyên tắc đi bụi của mình, nào là không băng qua những đường phố, những khu chợ vắng người thiếu đèn vào buổi tối một mình, nào là không leo lên một chuyến xe khách toàn người lạ mà chẳng biết nó chạy về đâu, nào là không bao giờ được để người bản địa biết rằng mình đang độc hành...

Tôi đã quên, quên hết, liều lĩnh mở lòng đón nhận Chiang Rai như cô nhóc ngờ nghệch lần đầu rời vòng tay mẹ gần mười năm về trước.

Mỗi lần như vậy, adrenaline chạy rần rật trong huyết quản, dù tôi biết có thể có hiểm nguy mà vẫn không buồn ngần ngừ dù chỉ một phút. Bởi vì tôi tin vào linh cảm của mình, ai đó hoặc nơi nào đó mang lại cảm giác an toàn ngay từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ, có lẽ cũng sẽ tốt đẹp cả thôi. Là những nhận xét bật ra lập tức trong đầu, không hề bị xáo động bởi những lý do bào chữa kiểu như "phục trang thanh nhã", "cử chỉ lịch sự", "lời nói thân thiện"... Đương nhiên, không bao giờ tôi khuyến khích người khác liều mạng như mình, cung Thiên Di của tôi đẹp như mơ không có nghĩa tất cả mọi người đều thế. Ở trong một không gian khác, một thời điểm khác, chắc sẽ chẳng bao giờ tôi quyết định như hai ngày ngắn ngủi đó, phải chăng là bởi Chiang Rai an lành thấy lạ?

Chiang Rai
Cột đồng hồ 4 mặt trung tâm thành phố

Chiang Rai của quá khứ và của ngày hôm nay nổi danh chủ yếu nhờ Tam Giác Vàng. Nơi gặp gỡ của sông Ruak và sông Mae Khong lẽ ra cũng chỉ thường thường như ngã ba Bạch Hạc*, nếu đường biên giới của ba quốc gia Lào -Myanmar - Thailand không tình cờ gặp gỡ tại đây và Khun Sa không chọn vùng đất hiểm yếu này làm căn cứ địa. Chiếc xe songthaew màu xanh chạy từ Chiang Saen đi Mae Sai thả tôi trước cổng Hall Of Opium, tôi ngẩn người, đây là resort hay là bảo tàng vậy kìa? Nhưng khi đã băng qua tất cả các phòng trưng bày bên trong, bước ra bên ngoài mới hiểu vì sao người ta lại thiết kế khuôn viên đẹp thanh thản như thế. Chỉ bởi bên trong bảo tàng đem lại những cảm xúc quá mãnh liệt, nên bên ngoài yên ả xanh tươi là để làm dịu cảm xúc của khách tham quan. Rất khó để giãi bày những ấn tượng mình đã có tại bảo tàng ấy, chỉ có thể nói ngắn gọn rằng dù sinh ra và lớn lên ở một thị tứ đã từng một thời quay cuồng vì ma túy, đương nhiên tôi không còn lạ lẫm với những tác hại của thứ chất độc này nữa, vậy mà tiếp xúc với lượng thông tin ngồn ngộn được trình bày quá sáng tạo ở Hall Of Opium, bản thân vẫn cảm thấy choáng váng. Khi tham gia chuyến du hành xuyên qua lòng đồi ở bảo tàng này, người ta sẽ bị tấn công trên hầu khắp các giác quan. Ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ, mùi hương, tất cả kết hợp nhuần nhuyễn cùng với những gian trưng bày, những phòng chiếu phim, những hành lang đặc sắc luân phiên nhau đủ để người ta quên đi ngoài kia đời đang xôn xao rực rỡ mà chỉ còn thấy những u ám dưới bóng phù dung. Hall Of Opium thật sự không dành cho những người yếu bóng vía, nhưng với quy mô này, Wikitravel có phong tặng đây là một trong những bảo tàng xuất sắc nhất châu Á cũng không ngoa chút nào.

Chiang Rai
Hall Of Opium nằm trọn trong Golden Triangle Park

Trong đầu cứ lấn bấn những cảm xúc còn vương lại ở Hall Of Opium nên tôi đi qua Tam Giác Vàng với tâm trạng khá hững hờ. Bị lỡ mất chuyến xe 2h chiều về lại Chiang Rai, tôi còn khoảng 30p cho đến chuyến xe kế tiếp, nhìn quanh rồi quyết định leo lên Wat Phra That Pu Khao. Đây là một trong số những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Chiang Rai, được Cha Kaeo Mu Muang dựng lên từ thế kỷ VIII sau Công nguyên, hơn nghìn năm bể dâu như thế nên đương nhiên chùa bây giờ chỉ là bản phục dựng từ thế kỷ XIV. Chùa nằm trên đỉnh đồi Sop Ruak, phải băng qua một rừng tre, trên đó có cột mốc Tam Giác Vàng giản dị thuở trước. Các tòa nhà của ngôi chùa này được thiết kế khá đặc biệt, viharn bằng gỗ và không có tường bao kín xung quanh, mondop bé xíu, nằm ngay sau viharn và được quét vôi trắng toát, năm chedi đổ vỡ ôm kín sau mondop như bảo vệ. Chùa mới (mới hơn so với chùa cũ về mặt lịch sử chứ tuổi đời cũng phải tính bằng đơn vị trăm năm rồi) nằm thấp hơn một chút, được xây hoàn toàn bằng đá khối, nhưng lại bị phá duyên bởi lớp tường xây mới mẻ ngay mặt trước ubosot. Nhưng mấy ai chịu bỏ công leo lên đồi để biết rằng Tam Giác Vàng không chỉ là một ngã ba sông kiêm ngã ba biên giới với quá khứ khét tiếng lẫy lừng vì thuốc phiện, trước khi Khun Sa tìm đến, nơi tiền đồn này cũng từng có yên vui?

Chiang Rai
Wat Phra That Pu Khao (chùa cũ)

Chiang Rai
Chùa mới

Chiang Rai
Toàn cảnh Tam Giác Vàng

Chiang Rai

Nhưng nếu Chiang Rai chỉ có Tam Giác Vàng, thì can cớ gì mà có những gã Tây balo lại sẵn sàng cắm chốt ở tỉnh này cả tháng trời không chán? Chiang Rai vẫn còn những điểm đến đặc biệt, như là một ngôi chùa mà không phải là chùa chẳng hạn. Sở dĩ nơi này được gọi là "chùa Đen" có lẽ vì kiến trúc tòa nhà trưng bày trung tâm quá giống với một ubosot thông thường trong các chùa Thái. Trên 40 tòa nhà trong khuôn viên bảo tàng chứa đựng hành trang ngài Thawan Duchanee mang về qua mấy chục năm lang thang tu tập từ Nepal đến Indonesia, là những nông cụ, nhạc cụ tưởng như đã thất truyền ở ngay chính trên đất mẹ của mình, là những pho tượng gỗ từ thô sơ không khác gì tượng nhà mồ Tây Nguyên đến tinh xảo như vừa bước ra từ cung điện Thái thuở xưa nào đó, là những bộ xương da động vật - tỷ như bộ da nguyên vẹn của một con Anaconda và vài con cá sấu chẳng hạn, là những món đồ nội thất được thiết kế đầy sáng tạo từ sừng trâu bò, là những bức tượng Phật của cả ba phái Tiểu Thừa, Đại Thừa và Mật tông... Baan Dam trong nửa tiếng chạy đua trước giờ đóng cửa và đua cùng cơn giông cứ nhấm nhứ trên đầu chẳng khác nào một đoạn phim quay ngược sáng, tôi chỉ thấy được đường viền bên ngoài mà khó phân biệt rõ chi tiết bên trong, nên bản thân cứ chơi vơi giữa hai luồng cảm xúc, vừa thích vừa ngại. Vừa thấy hoan hỉ xứng đáng với những vất vả khi tìm đường đến với nơi này, vừa dè dặt suy nghĩ, sợ rằng bởi mình quá gấp gáp vội vàng nên sẽ làm những lời kể về Baan Dam kém phần hấp dẫn đi chăng? Nên thôi sẽ không viết nhiều về bảo tàng này nữa, thêm vài dòng hẳn là sẽ càng lộ ra thiếu sót tùm lum, nhường lại Baan Dam nguyên vẹn trong mắt nhìn của những người đến sau vậy.

Chiang Rai
Tòa nhà trưng bày chính của Baan Dam

Như "chùa Đen" Baan Dam, "chùa Trắng" Wat Rong Khun cũng là tác phẩm để đời của một nghệ sĩ quốc gia. Bắt đầu xây dựng từ năm 1997, ước vọng của ngài Chalermchai Kositpipat là mô phỏng cõi Niết Bàn trong khuôn viên một ngôi chùa. Chín tòa nhà được dựng lên nhưng mới chỉ có đại điện chính được hoàn thiện toàn bộ, phần còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện, dẫu rằng ngày Wat Rong Khun trở nên toàn vẹn thì chắc hẳn người khởi công đã nhắm mắt xuôi tay từ lâu lắm rồi. Duyên của tôi với ngôi chùa này cũng không thoát khỏi hai chữ "dở dang", tôi đặt chân đến đây khi đại điện vừa đóng cửa nên chẳng kịp vào, chỉ có thể mường tượng qua lời kể của những người đi trước rằng trong đó hay ho lắm, trên tường có cả hình Doraemon, Người Nhện, Harry Potter, rồi tòa tháp đôi 11/9... nữa cơ (!!!). Dù lỡ làng nhưng phần bên ngoài của Wat Rong Khun cũng đủ làm tôi mê mẩn, chi tiết nào cũng rất tỉ mỉ, cho thấy người nghệ sĩ đã dụng công đến đâu, đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu triết lý Phật giáo theo cách hiểu của mình. Màu trắng biểu trưng cho sự thuần khiết của đạo Phật, còn ánh lấp lánh trên những mảnh gương khảm trên tường chùa đại diện cho lẽ minh triết của Đức Phật rọi khắp muôn nơi trên cõi tạm này. Cây cầu dẫn vào đại điện băng qua mặt hồ ken kín những đôi tay vươn lên giãy dụa van cầu từ địa ngục, một cặp ngạ quỷ ngồi canh thế nhân triền miên trả nghiệp, bên trên phủ bóng hai vị hung Phật vung bảo khí diệt trừ ác đạo tà ma. Cũng là một cách hình dung về luân hồi, vượt qua thì sẽ được giải thoát, chân chính tiến vào Niết Bàn. Với kiến trúc tầng tầng lớp lớp thâm nghĩa như thế, tôi không lấy làm lạ vì sao khách du lịch nào đến với Chiang Rai cũng đều ghé thăm Wat Rong Khun, lại càng không buồn nghĩ nhiều hơn một phút để bản thân quyết định sẽ quay lại ngôi chùa này, một ngày nào đó, để "thị sát" kiểm tra xem chùa hoàn thiện đến đâu - cứ cho là vậy đi.

Chiang Rai
Hoàng hôn Wat Rong Khun

Chiang Rai

Chiang Rai với tôi là những lần dang dở, phần nhiều do tôi tính toán thời gian sai lầm. Mà cũng nhờ thế, tôi đã có những phút giây hồi hộp phấn khích như trẻ con ham đùa lúc chạy mưa vội vã; đã có nhiều khi miên man nghĩ suy, thấy mình tự do - thanh thản - phiêu diêu, như mây bay, như gió thoảng trên những chuyến bus chuồng gà trôi về miền lạ; đã mò mẫm đường đi nước bước như thuở mới bắt đâu ruổi chân đi hoang; đã thấy mình như tan đi trong cái ồn ào náo nhiệt của chợ đêm Chiang Rai thật thà; đã tám chuyện thật vui với những người địa phương tình cờ gặp gỡ dù rằng mình không biết tiếng Thái còn họ chẳng quen tiếng Anh, vậy mà vì lý do nào đó đôi bên vẫn thuận lợi hiểu nhau như thường (?!). Duyên phận của tôi với Chiang Rai chỉ vừa mới chắp nối, dây tơ chưa đủ dài nên cứ mong đợi hoài về một ngày nào đó tái ngộ. Tôi còn chưa thăm Wat Phra Kaew dù đã ở sát vách, tôi chưa kịp leo lên Wat Huay Pla Kung để đón đợi một Chiang Rai dưới ánh hoàng hôn, tôi còn chưa biết "tiểu Thụy Sỹ" nước này - Mae Salong - trông như thế nào, tôi vẫn chờ ngày nào đó đến với Phu Chi Fah để đón một "bình minh biên giới", tôi luôn nuối tiếc khi nghĩ đến Chiang Saen - kinh đô đầu tiên của vương quốc Lanna - thoáng hiện trong chớp mắt khi xe vội vã ào qua, tôi nào đã nguôi những tò mò về Baan Dam và Wat Rong Khun dù vừa mới ghé... Gửi lại Chiang Rai nhiều lời hẹn hò như thế, hỏi lòng sao để thôi nhớ, sao để ngừng mơ bây giờ?

*Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp lưu của sông Đà, sông Thao và sông Lô.

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."