5 món khai vị kích thích bữa ăn Nhật Bản thêm phần ngon miệng
Edamame
Nếu bạn đã từng đến nhà hàng Nhật thì chắc hẳn không còn xa lạ gì với món Edamame, đậu nành luộc khai vị cho các bữa ăn nổi tiếng tinh tế của Nhật Bản. Hoặc nếu bạn là một fan của series Toy Story, thì chắc chắn phải biết đến những bé đậu đồ chơi dễ thương này trong phần 3 của bộ phim.
Edamame là một món ăn có xuất xứ từ Nhật Bản. Vì hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp giảm cholesterol không tốt và tăng lượng cholesterol lành mạnh trong cơ thể. Ngoài ra edamane còn giúp phòng loãng xương và ung thư. Edamame có cách chế biến khá đơn giản, quan trọng là giữ lửa nhỏ để không làm mất hàm lượng dinh dưỡng của đậu. Người ta lựa ra những trái đậu nành non có 2 - 3 hạt, còn nguyên vỏ xanh áo lớp tơ mịn bên ngoài, đem hấp hoặc luộc rồi xốc đều với muối, tạo ra một món đậu bùi và mằn mặn.
Thật ra đây là loại đậu nành hệt như bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng người Nhật đã lai tạo nó để tạo ra những hạt đậu to, chắc, chỉ hái vào lúc sáng sớm. Các bà nội trợ Nhật Bản rất hay mua loại đậu luộc sẵn này trong siêu thị, về nhà rã đông là có thể dùng. Còn trong các nhà hàng thì thực khách vừa ăn Edamame vừa nhâm nhi môt cốc rượu Sakê nóng. Ở An Giang những năm gần đây bắt đầu trồng loại đậu này để cung cấp cho các nhà hàng và xuất khẩu.
Chawanmushi
Chawanmushi, một món ăn được đựng trong chung trà, tạm dịch là Trứng hấp kiểu Nhật, có mùi vị gần giống với bánh flan mặn.
Món Chawanmushi này được đựng trong một chung trà rồi đem đi hấp, thường dược dùng vào mùa đông giá buốt hoặc những ngày mưa lành lạnh. Thử tưởng tượng đang run cầm cập mà tay được áp vào một chung trà nóng hôi hổi thì ấm biết là bao nhiêu, đã vậy còn có thể giải quyết ngay cơn đói với các thành phần bổ dưỡng như trứng, hạt bạch quả, nấm, hải sản... nữa chứ.
Món Chawanmushi ngày nay còn được sáng tạo dùng kèm với mì udon, vi cá, ngoài ra còn được hấp trong thố lớn hoặc là dùng lạnh nữa.
Korokke, gọi nôm na là khoai tây nghiền, là món ăn bắt nguồn từ Pháp với tên gọi Croquette, có rất nhiều hình dạng. Nào vuông, nào tròn quay, nào thuông dài… tùy bạn nắn. Nhân của Korokke thường là bò bằm hoặc nguyên một chú tôm đỏ, ngoài ra bạn cũng có thể cho vào bất cứ thứ gì mà bạn thích. Trong một chương trình giao lưu thần tượng, nhóm nhạc nổi tiếng Nhật Bản Hey! Say! JUMP đã tạo ra món Korokke sô cô la cực kỳ hấp dẫn đấy.
Korokke là một món ăn cực kỳ bình dân ở Nhật, và khi sang đến Việt Nam, mấy bé khoai tây nghiền này có giá khá mềm so với những món ăn khác. Đây được chọn làm món khai vị dùng kèm với một ít cà chua, bắp cải, sốt pha cho đỡ ngán. Cách làm korokke khá đơn giản nhưng hơi bị mỏi tay. Đầu tiên bạn phải rửa sạch khoai tây, luộc cho mềm, để nguội, lột vỏ rồi dùng muỗng nghiền nát. Trộn khoai tây với thịt bò bằm hoặc là bất cứ thứ gì bạn muốn, chẳng hạn như rau củ, thậm chí là không cho gì khác, nêm nếm vừa ăn, áo qua lớp bột xù rồi cho vào chảo dầu nóng đến khi vàng đều thì vớt ra. Đơn giản là thế đấy nhưng rất nhiều người đã thất bại với món này, vì khoai tây bị vón cục, vì chiên quá lửa…
Đây là một món dễ ăn nhưng dễ bị ngán, nên chỉ có tín đồ Nhật Bản và các bà nội trợ mong cho các bé mau ăn chóng lớn là ưa chuộng món này. Một số nhà hàng ở Việt Nam để tiết kiệm thời gian đã nghiền khoai tây bằng máy và thế là hỏng mất món Korokke.
Miso Soup
Miso Soup giống như món canh ở Việt Nam vậy, tức là nó rất phổ biến và hầu như có mặt trong những bữa ăn hàng ngày của người Nhật. Miso Soup ngoài là một món canh ra, nó còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, giống như người Việt "Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương", thì những người con Nhật Bản đi xa sẽ nhớ da diết món Miso Soup mẹ nấu ở quê nhà. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài hát Miso Soup của nhóm Tegomass.
Cách nấu Miso Soup khá đơn giản, đun nồi nước, bỏ tương Miso (đậu nành và cơm ủ, lên men), một ít đậu hủ Nhật cắt vuông nhỏ, thêm rong biển, rắc ít hành lá lên. Miso Soup hợp khẩu vị người Nhật sẽ khá nặng mùi Miso, dậy lên vị chát đặc trưng. Khi qua đến Việt Nam, món Miso Soup nhẹ hơn, dễ ăn hơn. Hiện này ở các nhà hàng có cả Miso Soup hải sản, nấm kim châm, rau củ... Nhưng chính cái giản dị của Miso Soup đã đủ quyến rũ rồi. Ngoài ra còn một cách chế biến Miso Soup tiện lợi hơn chính là mua gói Miso bán ngoài siêu thị, chế nước sôi vào nữa đấy.
Cách ăn Miso soup cũng rất đặc biệt. Vì tương Miso sẽ lắng dưới đáy chén, nên trước khi ăn ta phải dùng đũa khuấy nhẹ cho tương nổi lên, hòa đều cùng nước súp. Miso Soup ăn riêng chứ không chan lên cơm như cách ăn canh của người Việt Nam mình, vì vậy đầu lưỡi sẽ thấm vị Miso, lan xuống vòm họng. Nếu bạn ăn Miso Soup trong một thời gian, bạn sẽ ghiền và cảm thấy bữa ăn mất ngon nếu thiếu đi món súp này. Một điểm cần lưu ý nữa là người ta chỉ húp Miso Soup thôi chứ không dùng muỗng nhé.
Tamagoyaki
Tamagoyaki là món ăn rất dược ưa chuộng trong đời sống của người Nhật, nhất là những bữa sáng. Tùy theo mỗi vùng mà gia vị cho món trứng cuộn này khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là nguyên liệu chính của nó là trứng gà, chứ không phải trứng vịt vì người Nhật chỉ ăn trứng gà. Cũng nói thêm rằng món Tamagoyaki này cực kỳ rẻ, vì trứng gà là thực phẩm gần như không tăng giá suốt mấy mươi năm qua ở Nhật. Tuy nhiên, người Nhật thích tự tay mình làm món trứng cuộn chiên này.
Để làm Tamagoyaki, dĩ nhiên chúng ta phải có trứng, nêm nếm một số gia vị chuyên dụng, chiên một lớp mỏng lên chiếc chảo đặc chế, khi trứng vừa chín tới, ta sẽ cuộn nó lại, đổ thêm một lớp trứng nữa, cuộn nó lại, và làm như thế tổng cộng ba lần. Ngay khi trứng còn nóng, ta lấy mành tre cuộn tròn nó và giữ cố định khoảng 5 phút. Sau đó thì cắt khúc trứng. Đây là Tamagoyaki cơ bản nhất.
Tamagoyaki có vị ngọt nhẹ của đường, thường được chế biến với các nguyên liệu khác. Maki thì có món trứng cuộn lươn, trứng cuộn rong biển, trứng cuộn phô mai, trứng cuộn thanh cua... Còn có món Tamagoyaki Nigiri nữa chứ.
Ngày nay, món Tamagoyaki rất được các bạn nữ ưu ái cho vào hộp bento đấy.
Huyền Quang