Bạn có biết thật ra Nhật cũng làm lại rất nhiều phim Hàn không (P2)
Hotelier (Người quản lí khách sạn)
Hotelier của Hàn Quốc là tác phẩm truyền hình nổi bật đưa tên tuổi của nữ diễn viên khả ái Song Yun Ah tỏa sáng hơn trong hàng sao bấy giờ. Là nghệ sĩ tài năng với sự đa dạng trong từng vai diễn, cô đã thể hiện xuất sắc nhân vật người quản lí nóng tính nhưng chuyên nghiệp, quyết đoán trong Hotelier. Song Yun Ah đã làm lu mờ cả bạn diễn là ngọc nữ Song Hye Kyo. Cô cùng siêu sao Bae Yong Joon đã tạo thành cặp đôi đẹp nhất trên màn ảnh nhỏ năm đó.
Thế nhưng dù mang tiếng là tác phẩm remake của bản Hàn nhưng Hotelier phiên bản Nhật ra mắt năm 2007 có nội dung bản không hề liên quan ngoài bối cảnh là khách sạn. Diễn biến câu chuyện và tuyến tình cảm của nhân vật cũng thay đổi. Người đảm nhận vai nữ quản lí trong phim là ca sĩ sở hữu nét đẹp tinh khiết Ueto Aya. Phủ sóng khắp các quảng cáo nhưng qua mặt Song Yun Ah với diễn xuất đi vào lòng người của Hotelier phiên bản cũ thật sự là chuyện rất khó với cô. Diễn viên chính của bản Hàn, ông hoàng làn sóng Hallyu Bae Yong Joon chỉ tham gia bản Nhật với tư cách khách mời, không ảnh hưởng gì đường dây câu chuyện. Tanabe Seiichi dù diễn xuất rất tốt nhưng khi kết hợp với Ueto đã không tạo được hiệu ứng như phiên bản Hàn.
Ryokiteki na Kanojo (Cô nàng ngổ ngáo)
Đây là phim truyền hình dài phát sóng năm 2008 dựa theo bản điện ảnh lập doanh thu kỉ lục năm 2001 phòng vé Hàn Quốc My Sassy Girl. Từ một bộ phim điện ảnh dài hơn 2 tiếng chuyển thể thành phim truyền hình 11 tập là một áp lực không nhỏ với ekip. Họ phải đưa những tình tiết thêm thắt hợp lí vào bản truyền hình sao cho không làm loãng cốt truyện cô đọng của bản điện ảnh. Đó là chưa kể đến tác phẩm gốc có sức ảnh hưởng rộng khắp châu Á, đặc biệt là vai diễn huyền thoại của “mợ chảnh quốc dân” Jun Ji Hyun. Chuyện tình trên phim của “chàng ngốc” Cha Tae Hyun và “cô nàng ngổ ngáo” Ji Hyun đã là một chuyện tình kinh điển của điện ảnh xứ củ sâm, đại diện của thể loại tình cảm hài.
Với một bản gốc quá nổi tiếng này, những nhà làm phim Nhật đã thất bại ngay từ khi lựa chọn diễn viên cũng như thay đổi hoàn cảnh nhân vật, diễn biến câu chuyện. Bộ phim không phải là tình yêu nảy sinh từ sự gặp gỡ của hai cô cậu sinh viên mà giữa một giảng viên và một tiểu thuyết gia. Có lẽ vì vị thế, tuổi tác mang vẻ trưởng thành hơn nên nhân vật đã “đánh mất” sự ngây thơ với diễn xuất của Kusanagi Tsuyoshi (SMAP) và Tanaka Rena. Thời điểm tham gia bộ phim, Tsuyoshi đã 34 tuổi và Rena cũng gần 30, dù ngoại hình của cặp đôi này có trẻ hơn tuổi thật nhưng vẫn già hơn so với độ tuổi của nhân vật. Bộ phim vấp phải nhiều ý kiến chê bai nên hiệu ứng khán giả cũng không tốt.
Cũng trong năm 2008, Mỹ đã thực hiện một bản remake với sự tham gia của Jesse Bradford và Elisha Cuthbert dưới bàn tay đạo diễn Yann Samuell. Tuy nhiên, bản điện ảnh này cũng không gây được tiếng vang gì.
HOPE: Kitai Zero no Shinnyu Shain (Cuộc đời dang dở)
Hope được làm lại từ bộ phim Misaeng của Hàn Quốc năm 2014 dựa trên nguyên tác là bộ truyện tranh nổi tiếng được rất nhiều yêu thích của tác giả Yoon Tae Ho.
Thủ vai chính trong phim là Nakajima Yuto, thành viên của Hey!Say!JUMP!. Yuto từng ghi dấu ấn qua vai ngôi sao giải trí Shingo trong phim điện ảnh Pink to Gray năm 2015. Một lần nữa, Yuto cố gắng thay đổi dạng vai để không gây nhàm chán hình ảnh với vai diễn Ichinose Ayumu chân thành khác hẳn với khí chất sang chảnh ngời ngời trong Pink to Gray. Ayumu đã bỏ dở giấc mơ kì thủ và “làm lại” ở tuổi 22 trong vị trí nhân viên thử việc. Từ người hoàn toàn không biết gì, anh đã cố gắng để được trở thành nhân viên chính thức. Trên chặng đường đó, anh đã vượt qua những dè bĩu, xem thường và chiến thắng cả bản thân mình.
Misaeng nhận được nhiều giải thưởng truyền hình và khán giả đã hết lời khen ngợi. Ngay từ khi Trung và Nhật mua lại bản quyền phim, nhiều fan Hàn lo âu liệu phiên bản khác có thể tái hiện chân thực được cảnh công sở khắc nghiệt như đất nước họ hay không. Và phiên bản Nhật ra đời để trả lời thắc mắc đó. Nhân vật của HOPE được xây dựng mang nét tính cách “chuẩn mực” cho một tập thể nhân viên văn phòng thường thấy: có người dẻo miệng, người khù khờ, kẻ ma lanh, người cố chấp… Dù biết bao áp lực, khó khăn, những con người ngày ngày ra vào khối cao ốc ấy vẫn không ngừng nỗ lực, có thể vì tập thể, cũng có thể vì chính bản thân mình. Xem Hope, khán giả, nhất là những người trẻ sẽ có được cái nhìn đồng cảm và chắt lọc được nhiều bài học kinh nghiệm quí báu qua những câu chuyện hài hước mà thâm thúy.
Bộ phim vừa lên sóng mùa hè 2016 này, hứa hẹn thu hút một lượng lớn các fangirl yêu thích vẻ đẹp sáng sủa của Yuto. Tuy nhiên, HOPE khởi đầu khá èo uột với rating 6,5% và cật lực gồng gánh suốt nửa chặng đường phim hè. Quả thực nội dung phim không phải kém, diễn xuất của Yuto cứ cho là không qua nỗi Im Si Wan nhưng rõ ràng đã có nhiều tiến bộ. Chỉ có thể nói HOPE không đề cập yếu tố tình cảm, lãng mạn nào mà chỉ có giấy tờ, sếp lệnh và núi việc, vốn không được ưa chuộng trong dịp hè. Vậy nên, Hope đã không may mắn khi bị “thất sủng” bởi đa số khán giả.
Là một Special drama, Marathon được chuyển thể từ phim điện ảnh cùng tên của Hàn Quốc công chiếu năm 2005, dựa trên nguyên tác của Park My Geong. Đây là phim nằm trong loạt phim 24h-TV của Fuji TV với chủ đề về bệnh tật và chết chóc, hầu hết đều giao cho JE’s boys đảm nhận vai chính qua từng năm. Marathon kể về chàng trai tự kỉ từ nhỏ, nhờ có mẹ và thầy huấn luyện viên hướng dẫn, cổ vũ, cậu ta đã dũng cảm tham gia cuộc thi marathon.
Ở bản gốc, diễn viên Cho Seung Woo với ngoại hình không mấy nổi bật nhưng diễn xuất đa dạng, cực kì chân thực đã thể hiện xuất sắc nhân vật bị tự kỉ nặng, luôn ngô nghê và ngơ ngác với cuộc đời. Ninomiya Kazunari, thành viên Arashi, một trong những JE's boys được đánh giá cao về diễn xuất chính là người được chọn mặt gửi vàng với vai Miyata Shotaro trong phiên bản Nhật. Và Nino đã không làm các fan của mình thất vọng khi hóa thân thành chàng ngốc lơ đễnh, thật thà Miyata. Không sao chép bản chính, ngược lại, Nino đã mang đến một nhân vật Miyata sống động bằng lối diễn chân thực của mình. Khán giả không còn thấy một anh chàng duyên dáng, đáng yêu mà trước màn hình họ chỉ thấy một kẻ tự kỉ nặng.
Với nội dung mang đầy tính giáo dục và xã hội, sâu sắc và cảm động, Marathon 2005 trở thành một trong số ít những phim Hàn về đề tài thể thao nhận được nhiều giải thưởng lớn. Marathon 2007 cũng được đón nhận rất nhiệt tình, lấy đi nhiều nước mắt khán giả và đặc biệt là bộ phim đã giúp Nino tiếp tục đóng vai chính trong hai phim kế tiếp cũng thuộc loạt phim 24h-TV.
Last Present (Món quà cuối cùng)
Phim có thời lượng 1 tập này được phát sóng vào tháng 11 năm 2005 có nội dung dựa trên phim điện ảnh Hàn Quốc cùng tên dài hơn 100 phút. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ trải qua nhiều ngăn cấm và sóng gió trong tình yêu lẫn hôn nhân. Người vợ vì muốn che giấu bệnh tật của mình mà tỏ ra lãnh đạm, phũ phàng với chồng. Đến cuối cùng, cô đã gửi cho anh một “món quà cuối cùng” đặc biệt. Bộ đôi Lee Jung Jae và mỹ nhân Lee Young Ae là hai người nắm giữ linh hồn của phiên bản gốc. Bằng diễn xuất tinh tế, chân thật, họ đã giúp Last Present chạm vào biết bao trái tim nam nữ đầy tình yêu và khát vọng, không quên lấy nước mắt người xem bằng kết thúc buồn đúng chất dòng phim tình cảm Hàn Quốc.
Dưới góc nhìn và bàn tay những nhà làm phim truyền hình Nhật, Last present đến với khán giả theo một cách rất riêng. Cặp đôi trong phiên bản remake này là Domoto Tsuyoshi đa tài của Kinki Kids nhà JE và Kanno Miho. Về độ xứng lứa vừa đôi và khả năng biểu cảm thì cặp đôi này cũng không hề thua kém phiên bản Hàn. Lee Young Ae là diễn viên tài năng, nữ thần sắc đẹp thì Miho cũng nổi tiếng với những nét khả ái và sự nỗ lực trong những vai diễn đa dạng cùng biểu cảm tuyệt vời của mình. Hai chàng trai Lee Jung Jae và Tsuyoshi đều là những diễn viên thực lực. Sự kết hợp của Miho và Tsuyoshi trong phim là một món quà về tình yêu, sự hi sinh ý nghĩa đậm phong vị Nhật cho khán giả.