Văn hóa Ông bà anh yêu nhau thời chỉ có chiếc cúc áo thứ hai

Ông bà anh yêu nhau thời chỉ có chiếc cúc áo thứ hai

Đăng vào ngày trong Tin tức 4501

Đã bao giờ bạn thắc mắc: ở Nhật Bản, các chàng trai trao cúc áo cho cô gái mình yêu là vì nguyên do gì? Đó có thể là trào lưu, nhưng cũng rất dễ là câu chuyện nhiều kỳ về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Nghe thử nhé!

Ông bà anh yêu nhau thời có Gakuran

Trước khi nghe chuyện tình yêu của “ông bà anh”, có lẽ bạn nên “nốt” lại mấy điều nhỏ xíu về Gakuran đã nhé!

Gakuran

Nốt thứ nhất, Gakuran, đơn giản là đồng phục của các chàng trai trung học ở Nhật Bản.

Nốt thứ hai, Gakuran đích thị lấy cảm hứng từ màu xanh đen hải quân, những người lính đáng nể của Nhật Bản.

Nốt thứ ba, Gakuran có cái cổ áo đứng, và hàng cúc cài đều từ trên xuống dưới. Các cúc được trang trí với các biểu tượng đặc biệt để tỏ lòng tôn kính khi đến trường.

Và từ đây, câu chuyện tình yêu của “ông bà anh” mới thực sự bắt đầu…

Mỗi dịp lễ tốt nghiệp đến, cúc áo thứ hai của bộ đồng phục ấy được trao cho cô gái mà chàng trai yêu thích. Cũng cúc áo thứ hai ấy, cô gái có thể hỏi xin chàng trai mình thích tặng cho. Đây gọi là lời thú nhận tình yêu những năm tháng đi học.

Tình yêu “xanh ngát xanh” này còn trái ngang ở chỗ, một chàng trai có thể nhận được rất nhiều yêu cầu, rồi mới quyết định trao cúc áo thứ hai cho cô gái mà mình quan tâm nhất. Ngay sau đó các cúc áo khác dành cho những cô gái khác. Có nghĩa là mọi thứ xung quanh chiếc cúc áo đều có thể gây hiểu lầm. Nhưng thật lòng thì chuyện tỏ tình bằng cách này vẫn muôn phần trong sáng và đáng yêu nhất thời cắp sách đến trường.  

haru na no ni
haru na no ni
Ca khúc Haru na no ni (Dẫu cho có xuân) cũng nhắc đến chiếc cúc áo này

Chuyện ngôn tình về chiếc cúc áo

Nối tiếp lời tuyên ngôn rằng tỏ tình bằng cái cúc áo là trong sáng và đáng yêu nhất thời cắp sách đến trường, bạn nghe thêm vài câu chuyện ngôn tình về nó để kiểm chứng nhé!

Chiếc cúc áo thứ hai đâu chỉ dành cho mỗi học sinh, nó còn cả tuyển tập truyện dài kỳ từ thời thế chiến thứ hai. Trước khi ra trận, chàng lính trẻ tặng cúc áo thứ hai cho những người phụ nữ mình thương thầm. Hay chuyện phi công Kamikaze, khi biết có rất ít cơ hội quay trở về an toàn, anh cũng trao cúc áo thứ hai cho cô gái mình yêu thích. Rồi chuyện cái cúc áo dựng thành bộ phim lay động toàn nước Nhật. Konpeki no Sora Tooku kể về chàng trai sắp tử trận trao món quà cuối cùng cho cô gái mình thích, chính là cúc áo thứ hai trên quân phục của chàng trai. Về sau, cái cúc áo thứ hai trở thành chi tiết phổ biến nhất trong tiểu thuyết của Taijun Takeda nói riêng, và các anime ăn khách khác nói chung.

Konpeki no Sora Tooku

Nhưng quan trọng nhất ở đây là chuyện người Nhật sao cứ nói mãi về chiếc cúc áo thứ hai mà không phải cúc áo thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm… Lý giải chuyện ở quân đội, chàng lính cho chiếc cúc thứ hai, đơn giản là sự vắng mặt của nó sẽ ít gây chú ý nhất cho chỉ huy.

Lý giải hoa lá hẹ một tí thì bởi vì cúc thứ nhất đại diện cho bản thân mình. Cúc thứ ba là người bạn tốt nhất. Còn cúc thứ hai mới là dành cho người mình yêu quý nhất. Chính vì thế nên chiếc cúc này mới gửi thông điệp rằng cô ấy là người quý giá nhất với chàng trai này.

Lý giải ngôn tình thì chiếc cúc thứ hai nằm gần tim chàng trai nhất. Trao tặng chiếc cúc này chẳng khác mấy chuyện trao luôn trái tim của chàng trai cho cô gái.

Trên là những mảng màu hồng về chiếc cúc thứ hai trên bộ đồng phục của chàng trai. Nếu bạn muốn nghe tiếp đoạn cuối về những mảng màu xám cũng nơi cúc áo cô gái nhận được, thì ngay dưới đây sẽ rõ!

cúc áo thứ hai

Chuyện thực tế thế kỷ 21

Vài điều sau cùng, rất có thể sẽ làm bạn “hẫng” một nhịp về cái kết của chuyện ngôn tình chiếc cúc áo. Nhưng yên tâm đi nào, nó chỉ là một nốt trầm thật nhẹ cho cuộc tình bớt “nhạt” thôi!

Sau trào lưu tặng cúc áo thứ hai thật lâu, người ta mới nhận ra rằng đây chỉ là một ý tưởng “tuyệt” cho những cô gái Nhật Bản bày tỏ tình cảm. Giữ chiếc cúc ấy là một lời nhắc nhở về những tình cảm cô gái từng có, ngay cả khi hai người không còn gặp nhau. Mặc dù để trở thành văn hóa, chiếc cúc áo thứ hai ở Nhật Bản đã làm điều này rất tốt, nhưng không thể phủ nhận đây là ví dụ khác cho tính cách nhút nhát khi thể hiện cảm xúc của người Nhật.

Sự thật “phũ phàng” tiếp theo là so với tỷ lệ phần trăm của những người biết về nó, chỉ có một số nhỏ phụ nữ Nhật mới được trải nghiệm chuyện trao nút này. Thậm chí, thanh thiếu niên bây giờ còn không quan tâm đến mốt này, 9% là tỷ lệ khiêm tốn đã nhận được chiếc cúc áo thứ hai. Nguyên nhân đại loại vì trường học Nhật Bản đang chuyển từ mặc gakuran sang áo khoác thể thao. Như vậy tất nhiên sẽ chẳng có bất cứ cái nút nào xuất hiện để chàng trai trao đi!

Cuối cùng là sự thật khiến bạn ngạc nhiên, nếu như bạn thuộc tuýp người bi quan luôn tự hỏi những thứ ngôn tình có xảy ra ở đời thực. Trong gần một nửa số người được hỏi cho biết chẳng có gì xảy ra sau khi nhận cúc áo thứ hai. Nhưng cũng hơn 30% nói rằng họ bắt đầu hẹn hò và… kết hôn sau đó. Tạm kết thì đây thực sự là tỷ lệ thành công ngoài mong đợi. Bởi vì câu chuyện dài miên man về cái cúc áo thứ hai rất có thể còn kéo dài từ năm này sang năm khác, thập kỷ này sang thập kỷ khác. Đơn giản vì đó là văn hóa Nhật Bản.

Còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm những câu chuyện phim liên quan đến chiếc cúc áo, thì đây!

chiec cuc ao thu 2
Bất cứ cô gái nào cũng muốn lưu giữ chiếc cúc áo của chàng trai mình thích.
Takeo muốn tặng chiếc cúc áo cho Kagami nhưng cô nàng lại muốn nhận cúc từ Suna
 (Ore Monogatari!!).

chiếc cúc áo
Nhân vật Ken trong Proposal Daisakusen muốn dành chiếc cúc áo cho người mình thích vào ngày tốt nghiệp
nhưng lại có những bạn nữ thích sưu tầm chiếc cúc áo này để chứng tỏ mình là được yêu thích nhất

chiec cuc ao
Không còn cúc áo thứ hai trên Gakuran, Ken đã tặng Rei chiếc cúc áo thứ hai
trên đồng phục bóng chày mà cậu đã yêu thích suốt thời học sinh

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."