Phải cúi chào thế nào mới đúng kiểu của người Nhật? - Phần 4
Nhiều quy tắc quá nhỉ?
Sau ba phần trước, nếu bạn vẫn cảm thấy băn khoăn về việc khi nào nên cúi chào, nên cúi sâu và lâu bao nhiêu, thì dưới đây là một vài mẹo nhỏ. Chúng sẽ giúp bạn bớt đau đầu nhức óc, trong trường hợp bạn không muốn nhớ mấy cái tiểu tiết làm gì.
Đầu tiên, hãy cúi chào khi có người cúi chào bạn. Quy tắc này không bao gồm các nhân viên có nhiệm vụ chào đón bạn trong các cửa hàng và những người phát tờ rơi trên phố. Đơn giản đến không thể đơn giản hơn được.
Thứ hai, nếu vẫn còn phân vân, dứt khoát cúi chào ở góc 30° luôn. Cách làm này được chấp nhận trong hầu hết các tình huống, vì nó thể hiện sự cân bằng giữa tôn trọng và thân thiện.
Thứ ba, hãy dùng độ tuổi và địa vị làm căn cứ để quyết định xem cần cúi chào bao lâu. Đoán tuổi thì dễ rồi, và nếu như bạn cần xác định địa vị của người đối diện, hãy thử hỏi xin danh thiếp của họ. Chuyện trao nhau danh thiếp ở Nhật cũng thường như là phát kẹo ấy mà, không khó khăn gì đâu!
Nếu bạn thử mọi cách đều không thấy ổn, hãy làm một việc đơn giản hơn, đó là cúi chào lâu hơn thời gian người ta cúi chào bạn, hoặc, nếu bạn đi cùng một nhóm người, thì nên lâu hơn sếp trực tiếp của bạn.
Những lỗi cơ bản thường mắc phải khi học người Nhật cách cúi chào
Đừng cúi chào kiểu chắp tay lễ Phật. Tuy rằng kiểu cúi chào “truyền thống” này đã theo đạo Phật du nhập vào xứ sở Mặt trời mọc từ Trung Quốc, song người Nhật đã không dùng nó từ rất lâu rồi, trừ phi là đi lễ đền, chùa.
Không bao giờ vừa đi vừa chào trong các tình huống đòi hỏi sự chuẩn tắc, dù chỉ là chào hỏi xã giao. Hãy dừng lại, cúi chào, sau đó tiếp tục đi tới nơi bạn cần tới.
Cúi chào trong khi vẫn đang ngồi trên ghế thường bị xem là quá suồng sã trong các tình huống đòi hỏi tính quy chuẩn. Nguyên tắc vàng là, nếu như người bạn định cúi chào đang đứng thì bạn cũng nên đứng dậy trước khi cúi chào.
Đừng vừa chào vừa nói. Nếu bạn có điều cần nói, hãy nói trước, chào sau. Điều này được gọi là gosengorei (ngữ tiên hậu lễ). Một trường hợp ngoại lệ duy nahats được chấp nhận là trong lúc đang xin lỗi. Cúi người trong lúc xin lỗi sẽ giúp bạn trông có vẻ có thành ý hơn, mặc dù rất có thể nó gây ra tác dụng ngược nếu như người mà bạn đang nói chuyện cùng là một người cực kỳ câu nệ kiểu cách. Hãy chọn cách nào an toàn hơn nhé.
Khi chào hỏi trên cầu thang, đừng đứng trên bậc cao hơn để cúi chào người đứng ở bậc thấp hơn. Thay vào đó, hãy đợi cho tới khi người ta lên đến cùng bậc với bạn, sau đó hẵng cúi chào.
Đừng cố cúi chào khi bạn còn đang cáu giận người khác ra mặt. Cúi chào là phương thức thể hiện sự tôn trọng, do vậy toàn thân bạn nên thể hiện điều đó.
Một số người, thường là đàn ông, rất hay đưa tay dọc theo thân người ra phía sau, chạm vào cạnh mông, nhưng đây không phải là cách chào đúng, trừ phi đối phương ưa chuộng phong cách này vì một vài lý do nào đó. Như đã đề cập ở trên, tư thế đúng phải là đặt tay phía trước đùi.
Có những người phụ nữ thường duỗi tay ra phía trước, song song với thân người (hai tay có thể đặt song song cạnh nhau hoặc chồng lên nhau) khi cúi chào. Đây không phải là cách chào chuẩn xác, tuy rằng nó rất phổ biến trong giới trẻ, có lẽ bởi nó thể hiện tính nữ tinh tế nhiều hơn chăng. Tôi sẽ không gọi kiểu chào này là “sai”, bởi các ý niệm về tính thỏa đáng trong văn hóa luôn thay đổi theo các thời kỳ - chỉ cần bạn nhớ đây không phải là kiểu cúi chào truyền thống là được.
Những câu chuyện lý thú khác về cách cúi chào của người Nhật
Tôi phải cảnh báo bạn trước thế này, một khi đã tập cúi chào đúng kiểu rồi, muốn dừng lại là khó lắm đấy! Dưới đây là một số ví dụ có thể bạn sẽ thường xuyên bắt gặp ở Nhật Bản.
Cúi chào ngay cả khi nghe điện thoại: Người Nhật quen với việc cúi chào đến nỗi ngay cả khi nghe điện thoại họ cũng làm động tác cúi chào, mặc dù người ở đầu dây bên kia không hề nhìn thấy họ. Thường thì thói quen này sẽ dừng ở mức "gật đầu chào" thôi, nhưng một số người thậm chí còn đi xa hơn thế. Một khi bạn đã bắt đầu quen cúi chào khi nói chuyện điện thoại, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã không uổng phí thời gian ở Nhật rồi.
Cúi chào đoàn tàu vừa khởi hành: Nếu bạn đang đứng trên sân ga để đợi chuyến tàu cao tốc của mình tới, hẳn là bạn sẽ chú ý thấy những người đàn ông và phụ nữ cúi chào chuyến tàu vừa khởi hành trong lúc nó đang rời sân ga, Những người này thường là nhân viên của công ty tàu hỏa hoặc nữ nhân viên phục vụ hoặc tổ lao công, và họ cúi chào để thể hiện sự biết ơn đối với hành khách của họ.
Đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp những người luôn cúi chào như vậy trước thang máy trong các trung tâm thương mại. Giờ thì đó đã là một thứ tín ngưỡng rồi đó!
Thi-chào: Bạn có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng, lịch sự là một cái gì đó đã được nâng lên đến tầm nghệ thuật ở Nhật Bản. Đôi khi nó có thể biến thành một cuộc cạnh tranh hẳn hoi, đặc biệt là giữa hai người có cùng địa vị hay chức vụ. Khi hai người kiểu này cúi chào nhau, họ thường sẽ cảm thấy mình buộc phải đáp lễ lại tất cả những người đã cúi chào mình. "Í, anh ấy cúi chào kìa!" người A nghĩ, "vậy thì mình phải đáp lễ thôi!". Người B nhìn thấy cảnh này cũng tự nhủ, "Ôi không, cô ấy lại cúi chào kìa, mình cũng phải chào lại chứ!". Điều này có thể dẫn đến tình cảnh hai bên cứ thi nhau cúi chào, càng về sau độ cúi người càng nông hơn. Cuối cùng, khi độ cúi của thân người đã nhỏ tới mức không còn có thể tính được là đang cúi chào nữa, đôi bên sẽ cùng ngừng lại và thế là xong việc. Vấn đề là, chẳng ai muốn dừng việc cúi chào trước để bị “dán tem” là thiếu tôn trọng hay thiếu thân thiện cả.
Chúc may mắn!
Hy vọng bản hướng dẫn này sẽ hữu ích với bạn, chí ít là giúp bạn đủ tự tin để cúi chào chuẩn nhất trong lần tiếp theo đặt chân tới Nhật Bản. Về nếu như bạn cần một bản tóm tắt dễ thương bằng hình ảnh, hãy xem hình dưới đây nhé.
Nguồn: tofugu