Phải cúi chào thế nào mới đúng kiểu của người Nhật? - Phần 1
Tại sao cứ phải cúi chào?
Người ta tin rằng thói quen cúi chào ở Nhật Bản bắt đầu xuất hiện vào khoảng giữa thời kỳ Asuka và Nara (538-794 sau Công nguyên) cùng với sự truyền bá Phật giáo từ Trung Quốc. Theo những giáo lý này, cúi chào là cách trực tiếp phản ánh địa vị - nếu như bạn gặp người có địa vị cao hơn mình, bạn sẽ đặt mình ở vào vị trí “dễ bị tổn thương” khi cúi chào, giống như một chú chó thân thiện lăn qua lộn lại trên mặt đất để chứng tỏ rằng bạn đối với họ là vô hại vậy.
Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, cúi chào được sử dụng với vô vàn những mục đích khác nhau và khác nhiều so với ý định ban đầu của nó. Nói chung thì bạn cần cúi chào trong các trường hợp sau:
- Chào hỏi khi gặp mặt hoặc tạm biệt
- Khi bắt đầu hoặc kết thúc một tiết học, một buổi gặp mặt hoặc một buổi lễ kỷ niệm (VD: kỷ niệm ngày cưới, đám giỗ…)
- Cảm ơn
- Xin lỗi
- Chúc mừng
- Khi đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ
- Tỏ lòng thành kính
Tuy nhiên, hơn cả việc chỉ tập trung cho những mục đích nêu trên, có một điều rất quan trọng cần phải ghi nhớ, đó là cúi chào cũng truyền tải rất nhiều cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như thái độ cảm kích, tôn trọng hoặc hoài nghi. Ngay khi bạn đã học được những tư thế chuẩn mực trong việc cúi chào, hãy luôn nhớ rõ những gì bạn muốn biểu đạt thông qua tư thế của mình, vì điều này sẽ giúp bạn xác định độ sâu cần thiết phải cúi người cũng như cần cúi chào trong bao lâu một cách tự nhiên nhất.
Cúi chào khi đứng và cúi chào khi ngồi
Trước khi nói đến những kiểu cúi chào khác nhau mà bạn cần biết, hãy điểm qua hai tư thế giúp bạn có thể bắt đầu làm quen với việc cúi chào sao cho đúng chuẩn.
Tư thế đầu tiên là tư thế ngồi, được gọi là seiza (chính tọa, tức ngồi thẳng). Seiza là tư thế bạn luôn được trông đợi sẽ ngồi trong hầu hết các tình huống đòi hỏi sự trang trọng, chuẩn tắc, từ tham gia nghi thức trà đạo đến đi viếng đám tang. Để thực hiện tư thế seiza khi đang đứng thẳng, hãy bắt đầu bằng việc khuỵu gối. Đàn ông nên khuỵu từng gối một, trong khi với phụ nữ nên là cả hai đầu gối hạ xuống cùng một lúc, nếu có thể. Duỗi thẳng bàn chân và các ngón chân ra phía sau thân người, sau đó hạ toàn bộ trọng tâm xuống phần bắp chân hoặc gót chân của bạn. Hai bàn tay đặt trên đùi, lòng bàn tay úp xuống. Hãy cố gắng ngồi thẳng lưng hết mức có thể. Nếu bạn chưa từng ngồi theo tư thế này trong một thời gian dài, tôi cực kỳ khuyến khích bạn nên tập luyện trước ở nhà, vì cũng phải mất một thời gian mới quen được đó.
Bạn cũng có thể cúi chào trong tư thế đang đứng, gọi là seiritsu (chính lập, tức đứng thẳng). Để thực hiện tư thế seiritsu, hãy đứng và nhìn thẳng vào một điểm cách khoảng 5m 40cm (xấp xỉ18ft) phía trước mặt bạn. Nếu bạn là đàn ông, hai bàn chân bạn nên đặt cách nhau 3cm. Nếu bạn là phụ nữ, hãy chú ý để chân khép chặt. Đặt hờ tay trên đùi theo đường chéo, giữ khoảng cách giữa thân người và hai khuỷu tay của bạn cỡ một nắm đấm. Cuối cùng, hãy nhớ hít thở bằng cơ hoành để có một diện mạo trông chính trực hơn.
Trong phần tiếp theo sẽ giới thiệu những kiểu cúi chào chính mà bạn nên biết, đồng thời giải thích rõ ràng từng bước từng bước một trong cách thực hiện để bạn có thể cúi chào như một người Nhật chính gốc.
Nguồn: tofugu