Phải cúi chào thế nào mới đúng kiểu của người Nhật? - Phần 3
Saikeirei: Kiểu “sùng kính”, góc 45 tới 70°
Khách du lịch và những người ngoại quốc sống ở Nhật Bản hiếm khi nào phải thực hiện saikeirei (tối kính lễ), do kiểu chào này biểu đạt sự tôn kính hoặc hối tiếc ở mức cao nhất. Ngoài mục đích tôn giáo – rồi chúng ta sẽ tới phần này thôi, kiểu cúi chào này gần như chỉ dùng cho những lời xin lỗi khoa trương hoặc thần tử đối với hoàng đế mà thôi. Nói cách khác, đừng dùng kiểu chào này với bất cứ ai hết.
Kiểu đứng
Đứng theo tư thế seiritsu. Cúi gập người 70° về phía trước, giữ nguyên trong khoảng 2,5 giây. Cũng tại thời điểm đó, với cùng một tốc độ tương đương, hạ bàn tay thấp xuống phía đầu gối. Khi tay chạm đến phần trên của đầu gối thì dừng lại. Nhìn vào một điểm phía trước, cách bạn khoảng 80cm. Giữ nguyên tư thế này trong 3 giây. Trở về tư thế seiritsu trong khoảng 4 sgiây
Kiểu ngồi
Ngồi ở tư thế seiza. Cúi rạp người về phía trước, cho tới khi mặt bạn cách sàn khoảng 5cm và giữ nguyên tư thế đó trong khoảng 3 giây. Đồng thời trượt hai tay về hai bên đâu gối, tay phải trước, tay trái sau. Chụm nhẹ tay lại và đặt trên mặt đất phía trước mặt bạn, cách khoảng 7cm. Chạm đầu ngón tay của hai ngón giữa lại với nhau tạo thành một hình nêm hẹp hướng vào phía trong thân người. Đưa mắt nhìn thẳng xuống, mặt phải song song với sàn nhà. Thu mình nhỏ lại, sao cho ngực gần như chạm vào đùi, cánh tay khép sát vào thân người, mặt trong của phần cánh tay chạm vào mặt ngoài của đầu gối. Giữ tư thế này trong khoảng 3 giây. Từ từ trở lại tư thế seiza trong khoảng 4 giây. Trong lúc thu tay về, tay trái thu nhanh hơn tay phải một chút xíu. Nhìn vào trung điểm của khoảng cách giữa bạn và người mà bạn vừa cúi chào. Trong lúc “luyện” tư thế này, hãy đặc biệt chú ý tới bước 9, tức là trở lại tư thế seiza ấy mà. Hãy tỏ ra chuyên chú và chân thành, ngừng lại một chút trước khi hoàn toàn ngồi thẳng trở lại. Điều này giúp kéo dài thời gian, và cùng với đó là mức độ tôn trọng mà bạn định thể hiện.
Thêm nữa, do kiểu cúi chào này kéo dài tới 10 giây, có một vài quy tắc đặc biệt để hít thở như sau: hít vào khi cúi người về phía trước, sau đó thở ra khi bắt đầu giữ nguyên tư thế cúi chào. Sau khi thở ra, hãy chờ một lát – thường là khoảng hai cái chớp mắt, sau đó thì hít vào trong lúc đang dần thẳng lưng dậy.
Nirei-Nihakushu: Kiểu “lễ nghi”
Khi tới thăm một ngôi đền Shinto, bạn sẽ có cơ hội dâng lễ và rung suzu (dây thừng có gắn chuông). Sau đó, bạn sẽ muốn thể hiện nirei-nihakushu (nhị lễ nhị phách thủ, tức hai lần cúi chào, hai lần vỗ tay) lắm đấy.
Cúi chào kiểu keirei 2 lần. Vỗ tay trước ngực hai lần, bàn tay hướng lên trên. Cúi chào kiểu saikeirei một lần.
Dogeza: Kiểu “Xin tha mạng”
Ngày này, chắc chắn bạn sẽ chỉ gặp dogeza (thổ hạ tọa) trong các phim về samurai với yakuza thôi. Một người đang bị quở mắng vì đã làm ra chuyện vô cùng đáng hổ thẹn sẽ thực hiện kiểu “cúi chào” này, bằng cách sấp mặt xuống đất để giấu đi nỗi sợ hãi hoặc xấu hổ, song tôi hy vọng bạn sẽ không bao giờ ở vào vị thế đó, bởi vì, về cơ bản, đây chính là kiểu “phủ phục”, “quỳ mọp” trong truyền thuyết đó.
Các tình huống đặc biệt
Nếu bạn đang làm việc tại Nhật Bản, đôi khi bạn sẽ thấy công ty mình có quy định riêng về kiểu cách cúi chào, và những quy định đó chưa chắc đã giống những gì tôi mô tả ở trên. Ví dụ thế này, sếp của bạn có thể yêu cầu bạn đặt tay theo cách nhất định hoặc cúi chào theo một góc nhất định. Trong các trường hợp đó, hãy làm như những gì bạn được chỉ dạy. Cứ lấy đồng nghiệp làm minh chứng sống là được.
Nếu bạn cúi chào khi vẫn đang ngồi trên ghế, hãy chừa ra một khoảng trống giữa bạn và lưng ghế. Nhớ phải ngồi thẳng lên đấy nhé. Phụ nữ nên khép chặt đầu gối và hai chân lại với nhau, còn đàn ông thì nên để hai đầu gối và hai chân mình cách nhau khoảng 15 đến 20cm. Quy tắc cúi chào theo góc bao nhiêu độ cũng tương tự như khi đứng.
Phần cuối cùng sẽ là những điểm quan trọng cần lưu ý!
Nguồn: tofugu