Top 3 bộ phim là lời khẳng định hùng hồn: Mùi hương có thể gây chết người!

3 bộ phim là lời khẳng định hùng hồn: Mùi hương có thể gây chết người!

Đăng vào ngày trong Tin tức 1632

Con người có 5 giác quan: thính giác, vị giác, thị giác, khứu giác và xúc giác. Trong đó, khứu giác có tác dụng cảm nhận mùi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, mũi của con người có thể ngửi được 1.000 tỷ mùi. Từ đó, con người đã tận dụng và điều chế ra hàng vạn mùi hương ứng dụng cho đời sống.

Còn trong văn chương và điện ảnh, người ta cũng cho ra đời những tác phẩm có liên quan mật thiết giữa mùi hương và con người. Trong đó nổi bật 3 tác phẩm điện ảnh, mùi hương không hẳn là mê hoặc người khác mà còn là nguyên nhân gây ra những cái chết đau lòng. Cùng tìm hiểu đó là những tác phẩm nào nhé.

Mùi Hương từ mái tóc đỏ của trinh nữ

phim mùi hương

Nhắc đến hương thơm mà không nhắc về tác phẩm Mùi Hương là một thiếu sót lớn. Ra đời vào năm 1985, trong 9 năm liên tiếp, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức Patrick Süskind luôn nằm trong top sách bán chạy tại quê nhà. Tác phẩm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên toàn thế giới và được dựng thành phim năm 2006.

Thông thường, một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết sẽ vấp phải nhiều chỉ trích cũng như liên tục bị so sánh với nguyên tác. Nhưng Mùi Hương (Perfume: The Story of a Murderer) là một ngoại lệ. Dưới sự chỉ đạo của Tom Tykwer, các diễn viên Ben Whishaw, Alan Rickman, Rachel Hurd-Wood và Dustin Hoffman... đã mang đến một tác phẩm choáng ngợp và khiến khán giả cảm nhận được “mùi hương” mà tiểu thuyết miêu tả.

Tác phẩm xoay quanh Grenouille, một đứa trẻ mồ côi trải qua tuổi thơ bất hạnh, người có khứu giác cực nhạy nhưng đồng thời lại không có mùi hương của bản thân như bao người. Khi lớn lên, hắn đi khắp nơi để tìm kiếm những mùi hương. Đến một ngày, hắn ngửi được mùi hương từ một thiếu nữ đồng trinh và nhận ra nó hoàn toàn khác với những mùi hương trước đây hắn từng ngửi. Từ đó, hắn quyết định tạo ra một mùi hương của riêng hắn. “Mùi hương tối thượng” đó được lấy từ mái tóc đỏ của trinh nữ. Hắn bắt đầu giết các cô gái trong vùng cho đến khi tạo được mùi hương khiến cả nhân loại phải cuồng si.

Nỗi cô đơn không thể diễn đạt thành lời của Người Đọc

the reader người đọc

Không xoay quanh nước hoa như Mùi Hương, Người Đọc chỉ có điểm chung với tác phẩm trên là cùng đến từ nước Đức, và trong tác phẩm ẩn chứa nỗi cô đơn không thể diễn đạt thành lời. Ra đời năm 1995, tiểu thuyết của nhà văn Bernhard Schlink đã được ra hơn 40 thứ tiếng. Năm 2008, phim Người Đọc (The Reader) được khởi chiếu, mang về doanh thu cao cùng nhiều giải thưởng lớn. Tuy nhiên, phim cũng bị so sánh với nguyên tác và được đánh giá là không thể hiện hết những tinh tế từ tiểu thuyết.
Câu chuyện xoay quanh cậu bé Michael người phụ nữ 36 tuổi tên Hanna giúp đỡ khi bất ngờ phát bệnh ngoài đường. Sau thời gian dưỡng bệnh, Michael quay lại tìm Hanna và từ đó bị cuốn vào những cuộc hoan lạc bất tận. Hanna yêu cầu Michael phải đọc sách cho cô nghe rồi mới được làm tình. Để ở bên Hanna, Michael bỏ hết mọi thú vui và mọi mối quan hệ khác. Rồi bỗng một ngày, Hanna biến mất, để lại nỗi đau trong lòng cậu bé 15 tuổi. Khi Michael đang là sinh viên Luật, cậu đến dự một phiên tòa về tội tác Đức Quốc Xã và gặp lại Hanna, lúc này đang đứng ở vị trí bị cáo. Nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn trong lòng Michael, và cậu quyết định im lặng ngay cả khi phát hiện Hanna không hề biết chữ. Nhiều năm sau, Michael cảm thấy chán chường trước cuộc sống hiện tại và vẫn bị ám ảnh về Hanna, nên ông đã đều đặn ghi âm tiểu thuyết vào cát-sét và gửi đến trại giam cho Hanna. Ông không ngờ Hanna đã học chữ và bắt đầu viết thư cho ông. Hai người cứ vậy trao đổi suốt thời gian dài. Đấy cũng là lúc những cảm xúc trong lòng Michael khơi gợi lại. Khi Hanna chuẩn bị mãn hạn tù, Michael gặp lại người xưa, thì cũng là lúc ông cảm thấy thất vọng trước người phụ nữ bị thời gian làm cho già nua ấy. Điều đó không qua mắt được Hanna và bà quyết định tự sát.
Kate Winslet trong vai Hanna từ giai đoạn còn trẻ đến khi về già đã thuyết phục đại đa số khán giả. Tuy thế, kịch bản lại làm nhiều người không hài lòng. Đặc biệt là ở đoạn gần cuối phim, khi Michael gặp lại Hanna và nhận ra “mùi của một bà già” từ người Hanna và trở nên ghê tởm, thì ngôn ngữ điện ảnh đã không lột tả tốt như cách mà ngôn từ tiểu thuyết đã làm được. Nhưng đây vẫn là một bộ phim ám ảnh và lấy nước mắt của những trái tim yêu nghệ thuật thứ bảy.

Mùi của cái nghèo trong Ký Sinh Trùng

ký sinh trùng

Không như hai tác phẩm trên được chuyển thể từ tiểu thuyết, Ký Sinh Trùng được thực hiện dựa trên kịch bản gốc. Bộ phim được mang tham dự Liên hoan phim Cannes và giành về giải thưởng Cành Cọ Vàng ngay trong năm nay, rồi lan dần hiệu ứng trên nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là bộ phim đạt kỷ lục doanh thu sneakshow tại Việt Nam.

Câu chuyện xoay quanh gia đình họ Ki có tài nhưng không gặp thời, đang sống chật vật tại một ngồi nhà bán hầm. Khi cậu con trai cả nhận được công việc gia sư cho nhà họ Park giàu có, cả gia đình lên kế hoạch từng bước thâm nhập vào ngôi nhà. Mọi việc diễn ra thuận lợi, cả bốn người đều được trọng dụng thì vào một đêm mưa, một vị khách tìm đến và đẩy cả gia đình vào cảnh mất hết tất cả.

Poster mang hơi hướm kinh dị nhưng Ký Sinh Trùng lại là một dark comedy khiến bạn có thể vừa cười phút trước và bật khóc ngay phút sau. Phim cài cắm rất nhiều chi tiết ẩn dụ và tầng tầng ý nghĩa sâu xa khó lòng nắm bắt nếu chỉ xem một lần. Đây cũng là lý do bộ phim vừa có tính nghệ thuật vừa thỏa được yếu tố thương mại này khiến khán giả phải lên mạng đọc các bài phân tích về phim và bàn luận sôi nổi suốt thời gian qua.

Từ kế sinh nhai và những tham vọng của mỗi người, Ký Sinh Trùng trở thành một bức tranh phân chia rõ rệt giữa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Nhân vật tiêu biểu nhất trong phim là ông Ki-Taek, người rất nhạy cảm khi có ai đó nói đến “mùi” của ông. Họ nói đó là mùi của người củ cải thối, mùi của giẻ lau, hay đúng hơn là mùi nghèo mà dù ông có tắm bao nhiêu xà phòng cũng không thể tẩy đi. Cũng chính vì cái bịt mũi của gia đình nhà giàu mà hết thảm cảnh đau thương này đến cảnh tang tóc khác diễn ra chỉ trong vài phút ngắn ngủi.

Cả ba bộ phim đều là ba màu sắc riêng biệt, nhưng đều làm khán giả thổn thức suốt thời gian dài. Ở đó có mùi thơm ngát, có mùi của tuổi tác, có mùi của cái nghèo... và mỗi nhân vật có những ám ảnh cùng nỗi cơ đơn đeo bám riêng. Cả ba đều kết thúc rất buồn, nhưng là cái kết hiển nhiên không thể nào khác.

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."