Ngẫm Phân tích Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen theo góc nhìn Tâm lý học

Phân tích Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen theo góc nhìn Tâm lý học

Đăng vào ngày trong Tin tức 1496

Tác phẩm điện ảnh này đã hoàn thành để trả lời câu hỏi "Tại sao chúng ta phải sống?".

Diễn biến trong Mugen Ressha-hen có đúng với kiến thức giấc mơ theo góc nhìn Tâm lý học không?

Kể từ khi phát hành tại Nhật Bản vào ngày 16/10, phiên bản điện ảnh Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen đã đạt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, ấn tượng nhất chính là vị trí Doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại tại Nhật Bản đang nằm trong tầm tay. Tác phẩm này chứa đựng vô vàn sự hấp dẫn, và một trong số đó chính là cuộc chiến giữa ác quỷ Enmu, kẻ có thể xâm nhập và tấn công giấc mơ của con người, và nhân vật chính Tanjiro.

Trong phim đã đề cập đến “thuật thôi miên” và “chiến tranh tâm lý sử dụng giấc mơ”, vậy trên thực tế “mộng - giấc mơ” là gì? Bài viết này có nhiều điểm dựa trên những nhận xét của Matsuda Eiko, giáo sư Khoa xã hội học của Đại học Toyo, người đang nghiên cứu về những giấc mơ và ác mộng mà con người gặp phải, về cách khai thác những giấc mơ trong phiên bản điện ảnh Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen (Thanh Gươm Diệt Quỷ: Chuyến Tàu Vô Tận).

kimetsu no yaiba(c) Toho

Trong phim, Enmu là một con quỷ có thể sử dụng kỹ thuật "thôi miên đưa đối phương chìm vào giấc ngủ, khiến người đó mơ và tấn công tinh thần", nhưng điều này có thể thực hiện ngoài đời thực không? Trước hết, thôi miên là đưa bạn vào "trạng thái thôi miên", không phải để khiến bạn nằm mơ. Trong thôi miên, "trạng thái thôi miên" là việc áp dụng kỹ thuật, còn giấc mơ là một trong những trạng thái của giấc ngủ, bạn không thể nằm mơ ngay sau khi bắt đầu ngủ.

Tiếp theo, liệu có thể “nghĩ gì mơ nấy” và “nhập mộng” được không? Hiện tại, không ai có thể nhìn thấy giấc mơ của người khác, cho dù có cắm các thiết bị vào não rồi kết nối lên màn hình máy tính. Các thí nghiệm tính đến thời điểm hiện tại chỉ tiến hành để đoán xem con người có những giấc mơ gì. Ví dụ, hình ảnh hoạt động của não khi bạn đang thức và nhìn thấy hoặc nghĩ về một người đàn ông trưởng thành giống với hình ảnh hoạt động của não khi bạn chợp mắt và chìm vào giấc ngủ, vì thế chuyên gia có thể đoán được bạn đang mơ thấy một người đàn ông. Người ta không thể hiểu được toàn bộ câu chuyện của một giấc mơ, và rất khó để hiểu một giấc mơ trong khi ngủ vì lượng thông tin rất lớn, nhưng bản thân nghiên cứu còn nhiều giới hạn.

Enmu dùng "đòn tấn công tinh thần bằng cách sử dụng giấc mơ", còn ở đời thực, liệu có thực sự bị tổn thương tinh thần bởi những giấc mơ? Ác mộng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nguy cơ tự tử. Ví dụ, một người đã cố gắng tự tử nhưng được cứu sống, triệu chứng mà họ đang mắc phải ngay trước khi tự sát là liên tục gặp ác mộng. Cũng có trường hợp người ta đang bị chứng khó ngủ, nhưng lời khuyên của chuyên gia là, nếu bạn gặp ác mộng lặp đi lặp lại, bạn cần được điều trị và hỗ trợ đặc biệt.

Giấc mơ sáng suốt (hay còn gọi là giấc mơ tỉnh táo) là khi bạn hoàn toàn ý thức được mình đang mơ. Ngoài ra còn có trường hợp bạn mơ hồ không phân biệt được đâu là thực đâu là hư. Đây là một triệu chứng xảy ra ở những người bị sang chấn tâm lý. Nếu bạn gặp phải sang chấn tâm lý, bạn có thể gặp ác mộng để tái hiện lại cảnh của sang chấn đó như nó vốn có. Hơn nữa, ngay cả khi bạn đang tỉnh táo, bạn đột nhiên nhận được một "hồi tưởng" trong đó cảnh sang chấn được tái hiện đột ngột trong não của bạn. Trong trường hợp đó, cảnh sang chấn thực tế sẽ được phát bất kể bạn đang ngủ hay đang thức giấc, vì vậy bạn sẽ không biết đó là mơ hay thực. Đó là một triệu chứng xuất hiện ở những người có trải qua ác mộng mạnh và rất khổ sở. Người ta đã nghiên cứu ra rằng cảm giác không khỏe khi thức giấc cũng ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi trong ngày.

Theo một nghĩa nào đó, những giấc mơ sáng suốt là điều bình thường, nhưng cũng có thể gây ra rất nhiều tổn thương về mặt tinh thần. Thuật của Enmu thực sự có sức tấn công ghê gớm. Trong trường hợp của Tanjiro, cậu mau chóng nhận ra mình đang trong giấc mơ. Nó xảy ra khi bạn phát hiện sự khác biệt so với thực tế. Dưới 10% số người có thể có một giấc mơ rõ ràng mỗi tháng một lần. Nhìn chung, những người có nhiều óc sáng tạo thường có nhiều giấc mơ sáng suốt. Vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể, nhưng có sự khác biệt về khả năng sáng tạo giữa những người thường mơ rõ ràng và những người không như vậy. Cho nên trường hợp của Tanjiro, một người nghiêm túc và thực tế vững chắc, lại ý thức được mình đang mơ thì thật đáng ngạc nhiên!

Nhưng xét theo khía cánh chiến đấu thì Tanjiro cũng là người sáng tạo đấy. Quay trở lại phân đoạn Tanjiro nhận ra rằng cậu cần phải quyết định thoát khỏi giấc mơ. Trên thực tế, giấc mơ sáng suốt có thể được đánh thức bằng cách nói ra hoặc cử động ngón tay của bạn. Bạn còn có thể thay đổi diễn biến trong giấc mơ đó và thức dậy khi bạn cảm thấy dễ chịu.

Lúc mơ thì bạn có bị đau không? Người có người không. Tanjiro được đào tạo nhạy cảm với các cảm giác thể chất, vì vậy có thể cậu đã cảm thấy đau. Trái lại, Zenitsu và Inosuke bắt đầu chiến đấu trong một giấc mơ sau khi phát hiện ra cảm giác khó chịu trong giấc mơ của họ vì họ "mạnh một cách bất thường". Đó là trường hợp của một số người ít bị ám thị hoặc thôi miên. Thật sự đáng ngạc nhiên khi Zenitsu có thể thoát khỏi giấc mơ có quá nhiều mỹ nữ như thế.

Enmu có nói rằng “Được chết trong giấc mơ thật là hạnh phúc”. Khi chúng ta đang ngủ, có thể chúng ta sẽ nằm mơ hoặc không, nhưng đại khái là lúc chúng ta mơ thì cơ thể được nghỉ ngơi và lúc chúng ta không nằm mơ thì não bộ được nghỉ ngơi. Trong trường hợp đang mơ và cơ thể đang nghỉ ngơi thì khó mà chết lắm.

Trong phim còn có câu thoại: “Mong muốn có một giấc mơ hạnh phúc, một giấc mơ toại nguyện của con người thật đáng kinh ngạc.” Thông thường, khi bạn gặp căng thẳng trong cuộc sống, bạn có một giấc mơ không như ý, và ngược lại nếu bạn nằm mơ thấy điều hạnh phúc thì bạn cũng cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, khi cảm xúc đến với bạn trong giấc mơ, bạn sẽ dễ dàng tỉnh giấc hơn. Do đó, nếu bạn cảm thấy hân hoan trong giấc mơ thì bạn sẽ mau chóng tỉnh dậy.

Enmu còn nói là: "Ta không muốn bị ảnh hưởng đến tinh thần nên ta không đi vào giấc mơ của người khác". Trường hợp này thì ta có thể liên tưởng đến việc bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi thân chủ. Bản thân nhà trị liệu phải rèn luyện để ít bị cuốn vào cảm xúc của đối phương.

Nhân vật Enmu thật sự đã có nhiều câu nói ấn tượng, như: “Trái tim con người đều giống nhau vì chúng mỏng manh và yếu ớt như thủy tinh.” Đó chỉ là quan điểm của một con quỷ. Trái tim con người rất tinh tế, họ có nhiều trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống giới hạn với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ối. Trái tim con người có thể bị tổn thương, nhưng sẽ được phục hồi. Từ góc độ trải nghiệm những điều khác nhau, con người ta sẽ trở thành chính họ ở phiên bản mạnh mẽ hơn. Có vẻ như Enmu đang chiến đấu với Sát Quỷ Đội bằng những kiến ​​thức sai lầm về những giấc mơ nhỉ.

kimetsu no yaiba(c) Toho

Khai thác góc nhìn Tâm lý học, phiên bản chiếu rạp lại trở thành hit lớn!

Khi đạo diễn Shinkai Makoto tạo nên siêu phẩm toàn cầu với Kimi no Na wa. (Tên Bạn Là Gì?), nhà sản xuất Kawamura Genki giải thích yếu tố này là cú hit của "vô thức tập thể" (collective unconscious). Bên cạnh đó còn có Sen to Chihiro no Kamikakushi (Vùng Đất Linh Hồn) của đạo diễn Miyazaki Hayao, đạt kỷ lục phòng vé cao nhất tại Nhật Bản, là câu chuyện về một cô bé lạc vào thế giới linh hồn và gặp gỡ tám triệu vị thần trong một thế giới vô thức tập thể.

Vô thức tập thể dường như cũng là nguyên nhân chính tạo nên cú hit lớn của phiên bản điện ảnh Kimetsu no Yaiba. Kimi no Na wa. mang chủ đề đi vào giấc mơ của người khác, còn Kimetsu no Yaiba: Mugen Ressha-hen (Thanh Gươm Diệt Quỷ: Chuyến Tàu Vô Tận) là đi vào giấc mơ của chính mình. Và khi xé màng bao giấc mơ, vùng vô thức lan tỏa ra bên ngoài, khung cảnh này mang cốt lõi tâm lý học của Carl Jung.

sigmund freud
Sigmund Freud dùng tảng băng trôi để minh họa cho cấu trúc tâm lý

Hơn nữa, thiết bị di chuyển trong phim là xe lửa, giống như Ginga Tetsudo no Yoru (Night on the Galactic Railroad) của Miyazawa Kenji và Ginga Tetsudo 999 (Chuyến Tàu Thiên Hà 999) của Matsumoto Reiji, nhắc nhở chúng ta về một cuộc hành trình đến phần bên trong trái tim của chúng ta.

Trong Kimetsu no Yaiba, “quỷ” là con quái vật được tạo ra bởi vô thức tập thể của con người với những cảm xúc khác nhau như lo lắng, sợ hãi và tức giận. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời tiêu diệt được quỷ có thể hiểu như một phép ẩn dụ cho sự thức tỉnh.

Nhân vật chính Kamado Tanjiro có thể lặn sâu dưới đáy giếng của sự vô thức tập thể vì cậu có tài kết nối với người khác. Trong Kimi no Na wa. điều này được gọi là “Musubi / Sanrei”. Thiết kế cũng gợi nhớ đến loại hình nghệ thuật Ukiyo-e hoặc Nishiki-e, làm rung động trái tim người Nhật.

Ở Nhật Bản trong thế kỷ 21 là sự phổ biến của các gia đình hạt nhân (chỉ có hai thế hệ cha mẹ và con cái sống với nhau), tỷ lệ sinh ngày càng giảm, và do sự sung túc về kinh tế cũng như tự động hóa các công việc gia đình, các bậc cha mẹ cũng bắt đầu tận hưởng cuộc sống cá nhân và yêu bản thân mình hơn. Kết quả là cha mẹ không quan tâm nhiều đến con cái, không có sự tương tác với hàng xóm, không biết nhà kế bên là ai, đang làm gì… Người ta chỉ quan tâm đến bản thân mà thiếu cảm thức cộng đồng, rối loạn nhân cách ái kỷ (tiếng Anh: Narcissistic personality disorder) ngày càng nhiều. Số người thờ ơ với nỗi đau của trái tim người khác ngày càng gia tăng, bắt nạt trên mạng tràn lan, xã hội bị chia rẽ và môi trường bất bình đẳng (không thể có được phản ứng thích hợp với những cảm xúc mà bản thân muốn bày tỏ nên bị chế giễu, bị từ chối hoặc phớt lờ). Nhưng mặt khác mọi người cũng dần nhận ra việc “thiếu kết nối cộng đồng”, vô thức nhận ra “Không thể để tình trạng này tiếp diễn, chúng ta phải lấy lại sự gắn bó và cảm thông giữa con người với con người”. Đó chẳng phải là lý do lớn nhất kéo khán giả ra rạp ủng hộ Kimetsu no Yaiba sao?

maslow

Tháp nhu cầu của Maslow có 5 tầng, tầng thấp nhất là nhu cầu thể lý, rồi đến nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp - tình cảm, nhu cầu được tôn trọng, và nhu cầu cao nhất chính là thể hiện bản thân. "What a man can be, he must be", theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, đây là mong ước có thể làm được tất cả những gì mà người đó có khả năng, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Trong trường hợp của Mugen no Ressha-hen, có thể xem đây là câu chuyện về "nhu cầu được thừa nhận" của Rengoku Kyojuro, người có vết thương lòng vì không được cha mình công nhận, cuối cùng đã được thỏa mãn và anh đã đạt được "sự tự nhận thức". Tác phẩm điện ảnh này đã hoàn thành để trả lời câu hỏi "Tại sao chúng ta phải sống?".

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."