Du lịch Đi chợ nổi như người Bangkok

Đi chợ nổi như người Bangkok

Đăng vào ngày trong Tin tức 877

Trong số những khu chợ nổi nằm quanh Bangkok, Amphawa chỉ được xếp hàng thứ hai sau chợ Damnoen, cả về quy mô lẫn danh tiếng. Nhưng có lẽ nhờ thế nên khu chợ này mang nhiều tính địa phương hơn, với bầu không khí đậm đặc chất Thái mà thiếu vắng đi bóng dáng khách du lịch nước ngoài.

Mỗi buổi chiều muộn ba ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật), hàng trăm chiếc ghe từ các xóm làng lân cận sẽ đổ về nơi sông Mae Klong uốn mình những lần cuối trước khi hòa vào vịnh Bangkok, bao quán hàng trên bờ cao nương mình theo dòng nước cũng sẽ rũ bỏ vẻ uể oải thường nhật để đón hàng nghìn người thủ đô tìm về đây mua sắm nghỉ ngơi.

Chợ nổi Bangkok
Buổi trưa ở Amphawa

Từ một ngôi làng nhỏ có tên Bang Chang, Amphawa dần chuyển mình trở thành một khu chợ tấp nập vào giữa thế kỷ 18, sau khi vua Rama II của vương triều Chakri được chào đời tại đây. Theo đà phát triển của ngành công nghiệp không khói, Amphawa ngày nay mang nhiều màu sắc du lịch hơn nhưng ta vẫn có thể tìm thấy đôi chút bóng dáng của quá khứ trên những gian nhà gỗ lợp mái ngói vảy cá phong trần bụi tháng năm, trong những món ăn và các mặt hàng thủ công, giữa thái độ niềm nở thân tình của người bán kẻ mua, như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Tôi lò dò đi theo cô bé tình cờ quen trên chuyến minivan từ Tượng đài Chiến thắng ở thủ đô, tò mò trông cô thành thạo sà vào các gian hàng, lên bến xuống thuyền đôi khi chỉ để chào hỏi và chuyện phiếm vài lời. Cô nói, tuần nào cô cũng về khu chợ nổi này như nhiều người Bangkok khác, ăn đôi bữa, mua dăm món đồ, chỉ thế thôi nhưng không đi thì sẽ buồn lắm. Từ nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cô, tôi đã thôi không thắc mắc vì sao dân Bangkok sẵn sàng vượt qua quãng đường xấp xỉ 80km để đến với khu chợ miền duyên hải tỉnh Samut Songkhram này vào mỗi cuối tuần nữa.

Chợ nổi Bangkok

Đến tận bây giờ tôi vẫn không giải thích được mình thích chợ nổi Amphawa vì lẽ gì, không tìm ra lý do thì cứ mặc nhiên mà chấp nhận sự thật ấy thôi. Tôi chỉ biết rằng mình nhớ bầu không khí mặn mòi nơi ấy, cơn gió lộng thổi về từ sông lớn Mae Klong khi len lỏi qua lối đi chênh vênh bên mặt nước đã hào phóng nhận thêm mùi ngọt ngào của những món bánh mứt, mùi đậm đà hơi quá lửa của hải sản cháy xèo xèo trên những ghe đồ ăn nhàn nhã đậu dưới chân cầu thang và cả hương hoa thoảng nhẹ trong những giỏ xinh treo lắc lẻo đầu hè...

Chợ nổi Bangkok

Tôi nhớ những chiếc bàn chỉ rộng bằng băng ghế học sinh, chân bàn rất cao nhưng bé xíu đặt chơi vơi gần mé nước. Ban đầu tôi cũng thử liều ngồi xuống một chiếc bàn đặt trên cầu thang, sau đó không chống lại nổi nỗi sợ chết đuối nên đành rút lui, đi một vòng cho quên đi cơn run rẩy rồi lựa cái bàn đặt cạnh lối đi mà vẫn lo trượt chân té cái ào. Tôi không rớt xuống sông nhưng xui rủi làm sao vẫn cứ bị ướt, vừa ngồi xuống ghế kêu đồ ăn, nhỏm dậy chụp được bức hình thì một cô gái mải chuyện với bạn nên vung tay quá trớn, phân nửa cốc trà cô ấy đang cầm trên tay văng cả vào người tôi. Máy ảnh ướt nhẹp, đau lòng muốn khóc, cuống quít lau thấm đủ các kiểu mà vẫn run, không dám bật lên chụp nữa, sợ nước chui vào lens hay máy thì chết không kịp ngáp. May mà khi ấy tôi vừa đậy bao da lại, tới giờ sau gần một tháng con máy yêu quý vẫn không sao, mừng ghê.

Chợ nổi Bangkok
Món kem dừa nổi danh của chợ Amphawa, 35baht/bát

Tôi nhớ món kem dừa ngon quá xá là ngon, một bát 35baht bự chảng có tận dăm viên kem, vài thìa xôi dẻo, một thìa to lạc rang giã dập, dăm miếng cơm thốt nốt, một muỗng ngô luộc tách hạt, thêm mấy sợi dừa nạo, cuối cùng kết thúc bằng đôi ba viên bí đỏ hầm nhừ cắt quân cờ. Thật sự không thể cưỡng nổi, giờ nhớ lại hình như lại thấy cơn thèm tràn về.

Tôi nhớ anh chàng ngồi kéo violon bên lối đi, khi tôi đưa máy lên chụp liên quay ra cười duyên với tôi, và bất thần đổi điệu nhạc sang bài "A time for us", nháy mắt thầm thì "for you". Một chút thế thôi khiến đứa con gái 10 người đi qua mất 9,5 người phán rằng "nhan sắc tầm thường" như tôi thấy mình thật đặc biệt, hình như, hơi nóng đang dâng cả lên má.

Chợ nổi Bangkok
Harley - một phiên bản thu nhỏ và giản lược của em Dyna Wide Glide 2001, xung quanh là các thể loại xe máy ô tô làm từ vỏ lon bia.

Amphawa, Amphawa, ồ, Amphawa còn có gì nữa nhỉ. Amphawa còn có những món đồ lưu niệm được làm đa số bằng thủ công, không hẳn chỉ ở chợ này mới có, nhưng không gian rộng rãi và ánh sáng đầy đủ khiến những món hàng được tôn lên rất nhiều lần. Thật khó để rời chợ Amphawa mà không mua chút gì về làm quà, có thể là một chiếc áo phông trắng giản dị vẽ hình chibi của bạn kèm câu cảm thán "I love Amphawa", có thể là chiếc túi xách remake từ quần jean đầy cá tính, có thể là đôi ba món đồ trang sức lạ lẫm để làm duyên, dăm món đồ chơi xinh xinh mua vui cho lũ trẻ ở nhà, hay vài đĩa nhạc từ thập niên 60-70 với mức giá rất dễ chịu, hoặc là một chiếc đèn làm từ sọ dừa để trang trí thêm cho căn phòng yêu dấu...

Chợ nổi Bangkok

Chợ nổi Bangkok

Amphawa, tôi nhớ tiếng chuông gió lanh canh trên đầu, nhớ quán trà có lối đi mành mành rủ rỉ, nhớ cả ánh mắt rượi buồn của dì trông nắng vãn trên sông... Thương nhớ như thế, làm sao có thể không quay lại chợ nổi Amphawa cho được. Dù rằng chính tôi cũng không biết đến khi nào mới đáp đền được lời hẹn hò ấy...

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."