Văn hóa Sự bùng nổ của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản

Đăng vào ngày trong Tin tức 3627

Sau khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) công bố một báo cáo gây chấn động đề cập đến việc Nhật Bản đang bắt kịp Hoa Kỳ, thậm chí có thể vượt mặt nước Mỹ để trở thành thị trường âm nhạc đáng giá nhất thế giới, người ta liền bắt tay vào phân tích tại sao điều này lại có thể xảy ra được.

Theo thống kê tại thời điểm nghiên cứu, dân số Nhật Bản bằng khoảng 41% dân số Mỹ. Làm thể nào để họ chi một số tiền bằng hoặc hơn người Mỹ cho các sản phẩm âm nhạc? Câu trả lời khả dĩ nhất hiện ra từ chính phần bình luận trong Digital Music News: luật chống vi phạm bản quyền ở Nhật Bản, với điều khoản cho phép bỏ tù các trường hợp xâm phạm bản quyền, chính là tác nhân giúp cho doanh số của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản có sự tăng trưởng như vậy.

“Nhật Bản đã đưa ra luật phạt tù dành cho những ai download bất hợp pháp từ năm 2012”, một người bình luận giấu tên nói. “Giờ thì chúng ta đã thấy được (những) kết quả rồi đó: chúng giống hệt như những gì đã được dự báo từ trước”.

Chỉ một điều thôi: tới tận tháng 6/2012 luật này mới được thông qua, và tới tận tháng 10/2012 mới được chính thức triển khai, vậy nên chúng ta không thể quy tất cả công lao về cho luật pháp được. Vậy thì nhân tố nào đóng vai trò chủ đạo ở đây? Làm thế nào mà Nhật Bản có thể kiếm được rất rất nhiều tiền (tính trên đầu người) từ nền công nghiệp âm nhạc, nhiều hơn cả thị trường Mỹ?

Evolver.fm đã phỏng vấn Alan Swarts, VJ trước đây của MTV Japan, đồng thời cũng là một nhân viên kỳ cựu với 17 năm kinh nghiệm (chức vụ gần đây nhất là phó chủ tịch mảng sáng tạo và nội dung), để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

1. Ở Nhật, cái gì cũng đắt đỏ

Đi taxi ở Nhật, phí mở cửa là 710 yên, còn vé xem phim thì khoảng 1800 yên và CD album tính trung bình vào khoảng 3000 yên.

Thế đấy, CD bán ở Nhật đắt lắm, và các sản phẩm kỹ thuật số khác cũng thế. Giá thường thấy của một bài hát trên iTunes là 250 yên. Nhật Bản đã bán ra rất rất nhiều đơn vị sản phẩm, nhưng điều khiến cho thị trường này trở thành một thị trường lớn chính là giá của mỗi sản phẩm bán ra đều thuộc mức cao so với phần còn lại của thế giới. Hiện giờ, Nhật Bản không chỉ là quốc gia có thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới đâu; đây còn là thị trường âm nhạc đắt đỏ nhất thế giới cơ.

2. Giá CD là bất biến

Giá của mỗi CD bán ra tại Nhật hầu như không có sự thay đổi trong suốt một thập kỷ (thậm chí có thể lâu hơn thế), mặc dù ngày nay, hầu hết các phiên bản phát hành đều có những mục khuyến mãi tặng kèm như DVD hoặc các cuốn sách ảnh cỡ lớn hơn để cân xứng với giá thành. Giá của các sản phẩm âm nhạc luôn được bảo hộ hợp pháp trước các chương trình giảm giá – giá thực sự được in luôn vào sản phẩm ấy, nên là, trong lịch sử, chưa từng xảy ra một trận chiến về mức giá bán lẻ nào khiến cho giá thành sản phẩm bị hạ xuống cả. Các cửa hàng tiện lợi của Best Buy hoặc Walmart không thể bán CD với mức chiết khấu siêu khủng để lôi kéo khách hàng mua sắm được. (Một mức giá tương tự cũng được chốt cứng cho sản phẩm sách và DVD, và tôi tin rằng điều này chính là lý do tại sao thị trường Nhật vẫn thích mua bản in một cách đều đặn và mạnh mẽ đến vậy).

kinki kids

3. Dân sưu tập gia nhập thị trường

Ngày nay, rất nhiều CD khi phát hành đều đính kèm quà tặng, kiểu như combo CD/DVD chẳng hạn. Các nghệ sĩ sở hữu lượng fan “quá đông quá nguy hiểm” (như là các nhóm nhạc nam, các thần tượng nữ và các nhóm K-pop) thậm chí sẽ còn đi xa hơn bằng cách phát hành vô số các phiên bản của cùng một sản phẩm – ví dụ như, một album đơn có thể có đến 3 phiên bản để phát hành:

  • CD kèm DVD quay full concert
  • CD kèm DVD có MV và những hình ảnh phía sau hậu trường
  • CD kèm sách ảnh dày 40 trang.

Các fan trung thành thì cần cả 3 phiên bản của album để hoàn thiện bộ sưu tập, và mỗi phiên bản ngốn đến 30 đô hoặc hơn ấy chứ. Đôi khi họ mua lại một phiên bản khác chỉ vì nó có cái cover khác, thế thôi. Làm fan “tiêu hoang không cần nghĩ” ở Nhật Bản thực sự không dễ dàng gì đâu.

TVXQ, nhóm nhạc K-pop lớn nhất ở Nhật Bản, đã phát hành tới 3 phiên bản khác nhau của Time, album ra đời vào năm 2013 và 3 phiên bản của Tone, album ra đời vào năm 2011. Nhóm nữ AKB48 có tới 5 single thuộc vào hàng bán chạy nhất trong năm 2012 [trích theo Swarts], và đây là một trường hợp rất thú vị để nghiên cứu, bởi các CD của họ không chỉ đơn thuần là những bản thu âm, mà kèm theo đó còn có những thứ khác, ví dụ như vé mời đến dự các buổi gặp gỡ giao lưu với nghệ sĩ, hoặc phiếu bầu cho fan chọn ra giọng hát chính cho single kế tiếp của nhóm.

Mặc dù Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Nhật Bản có đủ lý do để tự hào về việc ngành thị trường âm nhạc Nhật Bản đã leo lên vị trí số 1, song họ vẫn nên lo lắng cho thì tương lai thì hơn. Thị trường Nhật hiện nay đang thiếu vắng sự đa dạng trong cung cách tiêu thụ, chủ yếu lệ thuộc vào lực lượng fan trung thành, những người sẵn sàng vung tiền ra mua 3 phiên bản khác nhau của cùng một album, hoặc 100 bản cho một single của AKB48 bởi điều đó giúp họ có được 100 lượt bầu chọn cho cô gái mà họ yêu thích giành được chiến thắng trong vòng bầu cử tiếp the. Thị trường chắc chắn sẽ thu hẹp khi những phương thức trên trở nên lỗi thời và những giá trị thặng dư tặng kèm CD chẳng còn tác dụng gì nữa.

4. Cuộc cách mạng download bất hợp pháp không bao giờ xảy ra

Không hề có bóng dáng của Napster, Bit Torrent hay bất cứ thứ gì tương tự như thế tồn tại trong đời sống của giới trẻ Nhật Bản. Có lẽ là bởi người Nhật thường rất trung thực – hoặc là, (chúng tôi khá thích giả thiết này), người trẻ ở Nhật thích lướt net bằng điện thoại hơn, và thói quen này không cho phép chia sẻ nhiều file cho lắm.

Bất kể lý do là gì thì việc download bất hợp pháp đã và đang chẳng thể làm suy yếu nổi thị trường âm nhạc của Nhật Bản như nó đang làm ở những nơi khác. Hầu hết mọi người vẫn mua (hoặc thuê) nhạc từ các nguồn hợp pháp, và đương nhiên, họ trả tiền rất đầy đủ. Nhật Bản cũng không hẳn đã “miễn dịch” hoàn toàn với sự sụt giảm của thị trường hàng hóa hiện vật, nhưng từ nhiều năm nay, doanh số của nó đang dần bị thị trường tải nhạc dành cho di động thâu tóm bớt. Một bài hát phiên bản uncut cũng chỉ có giá xấp xỉ $4 thôi. Cũng nên quan tâm thị trường đàn em này từ bây giờ đi là vừa, bởi vì công cuộc buôn nhạc số hiện giờ cũng khá là tấp nập – người ta chẳng suốt ngày chúi mũi vào smartphone đấy thôi. Tuy nhiên, hệ thống tải nhạc trên smartphone thì vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng cho lắm.

akb48

5. Hàng hóa hiện vật vẫn là nhất, bởi kỹ thuật số vẫn còn đang ở thời sơ khai

Thuyết âm mưu: Các nhãn hiệu thu âm của Nhật Bản không bao giờ muốn thị trường nhạc số thật sự xuất hiện, bởi nó sẽ gom hết lợi nhuận của thị trường hàng hóa mất.

Các trang tải nhạc trực tuyến cho phép download một đĩa đơn chỉ với giá $4 thì okay. Nhưng để iTunes hoặc một trang tương tự như thế xây dựng cả một kho nhạc để trở thành đối thủ cạnh tranh của các nhà cung cấp bản in thì chẳng okay tí nào. ITunes có mặt ở Nhật Bản từ năm 2005, nhưng phải tới năm 2012 thì Sony Music Nhật Bản mới được phép đưa repertoire (những bài nhạc dùng làm vốn biểu diễn) lên Apple, đồng nghĩa với việc iTunes Nhật đã bỏ lỡ mất một giai đoạn đáng chú ý trong bối cảnh phát triển của thị trường âm nhạc Nhật Bản trong nhiều năm liền.

Các dịch vụ đăng ký thuê bao cũng đang phải đối mặt với những rào cản lớn. Tương tự như vậy, các dịch vụ đăng ký âm nhạc đa phương tiện vẫn đang được tung ra ở Nhật Bản, nhưng vẫn còn đó những trở ngại chính. Trong khi đó, Sony’s Music Unlimited đã được tung ra cùng một catalog nhạc quốc tế khổng lồ, cùng với đó là tài nguyên của Sony Nhật Bản, nhưng chẳng xơ múi được gì từ thương hiệu nổi tiếng Avex của Nhật Bản, một thương hiệu không mặn mà gì với các đối tác bên ngoài bởi chính bản thân nó cũng sở hữu dịch vụ nghe nhạc/ xem phim trực tuyến với tên gọi Uula. Ngược lại, Uula cũng chẳng có bài hát nào từ Sony Nhật Bản hết. Recochoku được sáng lập bởi một tập đoàn của các thương hiệu nội địa, và chỉ riêng điều này thôi cũng đã đủ giúp nó trở thành lựa chọn mặc định khi bước vào thế giới kỹ thuật số. Tuy nhiên, Recochoku chỉ sở hữu một catalog tương đối nhỏ, khoảng một ngàn bài hát gì đấy, và lưu ý rằng, lý do nằm ở việc người ta đang tập trung nhận diện các hit của J-Pop.

Chốt lại là: Vẫn chưa có một dịch vụ kỹ thuật số nào đủ hoàn hảo tới mức có thể thuyết phục được người tiêu dùng từ bỏ thói quen mua CD và hoàn toàn gia nhập kỷ nguyên kỹ thuật số. Và đó chắc chắn là điều mà ngành công nghiệp thích mê rồi.

Câu chuyện kết tiếp: Nhật Bản với ước mơ vươn mình ra thế giới

Chủ đề hot đối với tất cả mọi người làm trong ngành công nghiệp này chính là xuất khẩu âm nhạc Nhật Bản ra thế giới. Điều này được xem như là điểm mấu chốt đối với sự sống còn của giới sáng tác cũng như các thương hiệu âm nhạc. Dưới đây là một playlist trên YouTube được hiệp đoàn công nghiệp tạo ra với nhiệm vụ xuất khẩu nhạc Nhật ra thế giới.

Nếu như sự bùng nổ của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản ở thị trường hải ngoại được xếp làm lựa chọn ưu tiên hàng đầu, sẽ có nhiều hơn các thương hiệu phải chấp nhận hợp tác cùng các công ty như Spotify, và rồi fan của White Stripes hẳn sẽ “phát hiện” được hiện tượng guitar/drum Miyavi, nói ví dụ là thế.

Nguồn

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."