Văn hóa Bạn biết gì về phim truyền hình Nhật Bản?

Bạn biết gì về phim truyền hình Nhật Bản?

Đăng vào ngày trong Tin tức 4612

Phim truyền hình Nhật Bản, còn được gọi là dorama, là một loại sản phẩm truyền hình của Nhật Bản và được phát sóng hàng ngày. Tất cả các đài truyền hình lớn của Nhật đều sản xuất nhiều thể loại phim truyền hình nhiều tập, gồm tình cảm, hài, trinh thám, kinh dị… Vào những dịp đặc biệt, cũng có những phim truyền hình dài 1 hoặc 2 tập với chủ đề đặc biệt, chẳng hạn như một phim truyền hình sản xuất năm 2007 để kỷ niệm 60 năm chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.

5 ji kara 9 ji made

Các bộ phim truyền hình nhiều tập được phát sóng theo từng mùa dài 3 tháng, mỗi mùa đều có phim mới. Đa số các bộ phim được phát sóng vào các buổi tối trong tuần lúc khoảng 9 giờ, 10 giờ, hoặc thậm chí là 11 giờ. Đa số các bộ phim chiếu vào buổi sáng hoặc buổi trưa đều được phát sóng hàng ngày, và thời gian chiếu các tập của một bộ phim có thể lên đến vài tháng, chẳng hạn như các bộ phim asadora (phim truyền hình buổi sáng) của NHK hoặc các phim truyền hình buổi sáng khác. Tuy nhiên các bộ phim buổi tối thì được chiếu theo tuần và thường có độ dài 11, 12 tập. Trong những trường hợp bộ phim thành công vang dội, sau tập cuối, sẽ có một tập đặc biệt được thực hiện thêm vào.

Ở Nhật có 4 mùa phim: mùa đông (tháng Một đến tháng Ba), mùa xuân (tháng Tư đến tháng Sáu), mùa hè (tháng Bảy đến tháng Chín) và mùa thu (tháng Mười đến tháng Mười Hai). Một số bộ phim có thể bắt đầu trong tháng khác dù vẫn được tính là phim của mùa khác.

Một nét đặc trưng để phân biệt phim truyền hình Nhật Bản đó là mỗi tập thường chỉ được quay chỉ vài tuần (thường là 2, 3 tuần) trước khi phát sóng (quay cuốn chiếu). Các fan có thể được đến xem thần tượng của họ đóng ngay trong thời gian phim đang chiếu.

Sự khác biệt giữa trọng tâm của các đài truyền hình

Thời gian gần đây phim truyền hình phát sóng trên Fuji TV và NTV thường được yêu thích nhất. Dù TBS trước đây từng và hiện vẫn đang sản xuất được một số bộ phim thành công, nhưng trong vài năm gần đây tỉ lệ rating thành công của đài đang giảm dần và bị NTV qua mặt.

Fuji TV có tiếng là đài sáng tạo ra các công thức phim truyền hình. Thập niên 1980, 1990, Fuji TV truyền bá các bộ phim thần tượng bằng việc sử dụng các diễn viên trẻ tuổi, nổi tiếng của thời đó. Những bộ phim truyền hình chiếu lúc 9 giờ tối thứ Hai của đài thường được gọi là Getsuku (rút gọn từ Getsuyoubi (thứ Hai) và ku (9)). Các bộ phim Getsuku thường xoay quanh chủ đề tình yêu. Đây được xem là khung giờ rất đươc ưa chuộng của các bộ phim truyền hình và thường đem lại rating cao trong suốt một mùa phim. Thế nhưng trong những năm gần đây, tiếng tăm của các bộ phim truyền hình Getsuku đã giảm bớt, hầu hết có rating trung bình đều không vượt quá 20%.

Các đài truyền hình khác của Nhật Bản cũng có trọng tâm riêng. Ví dụ TV Asahi chú trọng vào những câu chuyện cổ trang và hình sự (điển hình là bộ phim hình sự trường thiên Aibou nay đã đi đến mùa thứ 11). NHK thì chú trọng hơn vào sản xuất các chương trình hướng đến lớp khán giá lớn tuổi, tập trung vào các bộ phim cổ trang về các nhân vật lịch sử, quy tụ đội ngũ diễn viên toàn sao, thường được gọi là phim taiga, và các bộ phim về những vị anh hùng, anh thư trẻ tuổi nhưng đầy chí khí.

Nhạc chủ đề và nhạc nền

Nhạc chủ đề và nhạc nền tạo nên giai điệu tổng thể cho một bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật. Hầu hết các phim truyền hình đều bắt đầu với 1, 2 phút nhạc chủ đề trong phần giới thiệu đầu phim. Nhiều phim có ít nhất là một giai điệu thu hút khán giả ngay từ đầu, hiện tên phim trong vài giây, sau đó là 1, 2 phút nhạc chủ đề dành cho phần giới thiệu cuối phim. Nhạc nền được sử dụng trong những những đoạn chính yếu của tập phim để làm nổi bật tâm trạng nhân vật trong cảnh phim đó.

Có một bộ phận fan phim Nhật đồng thời cũng là fan của ca khúc nhạc phim. Hầu hết các đài truyền hình cộng tác với các công ty nhạc để sản xuất ca khúc nhạc phim nguyên bản. Đa số các ca khúc mở đầu và kết thúc phim được viết dành riêng cho phim, tuy nhiên cũng có một số ca khúc chủ đề được lấy từ các nguồn đã có từ trước. Khi đã hội đủ thư viện nhạc, đài truyền hình sẽ phát hành đĩa nhạc phim nguyên bản, thông thường là vài tuần sau khi phim bắt đầu lên sóng. Các ca khúc chủ đề cuối phim thường do một ca sĩ hoặc nhóm nhạc J-pop nổi tiếng trình bày.

NHK tự sản xuất nhạc chủ đề và là đài truyền hình Nhật Bản duy nhất có dàn nhạc riêng. Hầu hết nhạc chủ đề trong các bộ phim taiga và asadora của NHK đều do nội bộ sáng tác và sản xuất.

Những năm gần đây, nhiều ca khúc chủ đề từ những nguồn bên ngoài nước Nhật đã được cấp phép sử dụng. Ví dụ, có những ca khúc chủ đề được cấp phép từ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực ghi âm phương Tây. Điều này gây bất lợi vì khi một bộ phim truyền hình Nhật được cấp phép ra nước ngoài, việc cấp phép cho nhạc chủ đề trở nên cực kỳ tốn kém. Chẳng hạn như trong bộ phim Densha Otoko của Fuji TV, ca khúc mở đầu và vài bài nhạc nền phải bị thay thế khi phim được phát sóng trên Nippon Golden Network vì họ không được quyền sử dụng phần nhạc này.

Kaseifu no Mita

Tầm quan trọng của ratings trong phim truyền hình Nhật

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, truyền hình Nhật Bản được cho là thể loại truyền thông quan trọng nhất. Theo một cuộc khảo sát do NHK thực hiện năm 2000, có 95% người Nhật xem truyền hình hàng ngày. 86% nói rằng truyền hình như là một phương tiện không thể thiếu đối với họ, và 68% chọn báo chí. Ngoài ra, có một số phương tiện khác cũng được dùng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, ví dụ như Internet. Thế nhưng, Shinji Takada, một điều hành của NTV, thì tin chắc rằng dù Internet rất phổ biến trong giới fan phim truyền hình, “Chúng tôi không xem broadband (băng thông rộng) là truyền thông chính thống. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Băng thông rộng chỉ là một phương tiện bổ sung.”

Ratings phim truyền hình được một số công ty nghiên cứu tính toán. Video Research Ltd. là một trong những công ty uy tín, và có nhiều đài truyền hình, công ty quảng cáo, và fan phim truyền hình Nhật sử dụng các số liệu của công ty này hơn cả. Ratings tập trung vào vùng Kanto (Tokyo) và Kansai (Osaka), những nơi được xem là thể hiện rõ các chương trình mà đại đa số người Nhật theo dõi. Ratings thường được công bố vào thứ Tư hàng tuần. NHK là một trong những đài hiếm khi công bố ratings.

Hệ thống ratings

Hệ thống ratings rất đơn giản. Tất cả các đài truyền hình chủ chốt của Nhật cùng tạo nên thị trường truyền hình Nhật Bản, cho nên một công ty khảo sát phải xác định độ lớn của lượng khán giả trung bình. Có 2 yếu tố được sử dụng để xác định lượng khán giả: tổng số nội dung truyền đi và tổng số thu nhận, vì quy mô thị trường khác biệt từ công ty này sang công ty khác. Số lượng khán giả thực xem một tập phim truyền hình được tính toán bằng cách sử dụng nhiều phương pháp thăm dò khác nhau. Ratings được tính bằng hệ thống điểm hoặc phần trăm. Hệ thống này dựa theo số người xem của tập chia cho quy mô thị trường. Cuối cùng, các số liệu được đăng tải trên trang web của công ty khảo sát. Họ cũng tạo ra một bản sao chép rõ ràng.

Không có cơ sở khoa học vững chắc về cách diễn giải các tỉ lệ đánh giá. Với các fan phim truyền hình, đơn giản phim nào có tỉ lệ phần trăm cao nhất thì là “kẻ chiến thắng” trong tuần. Các fan sử dụng những số liệu này để quyết định bộ phim mà họ nên xem trong suốt thời gian còn lại của mùa phim. Ngoài cách diễn giải đơn giản này, có thêm một hoặc nhiều yếu tố khác có thể được dùng để giải thích vì sao một số bộ phim có phần trăm cao hơn các phim khác. Chẳng hạn như phim truyền hình buổi tối thường thu hút ratings cao hơn các phim phát buổi sáng hoặc trưa chiều. Mặc dù quy mô truyền hình hầu như ngang bằng vào buổi sáng, trưa và tối, nhưng các phim buổi tối thu hút được số lượng nhiều hơn do đa số khán giả buổi tối phải làm việc cả ngày, và ban ngày có ít người ở nhà xem tivi hơn. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ trái với quy tắc này. Ví dụ bộ phim truyền hình buổi sáng của NHK Oshin đã thu hút được ratings trung bình là 52.6%, đây là con số cực cao đối với một phim truyền hình buổi tối, nhưng với một bộ phim chiếu buổi sáng và liên tục 6 ngày trong tuần thì là một con số còn phi thường hơn.

Cuối cùng, phần trăm ratings đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của các nghệ sĩ truyền hình. Các nhà sản xuất truyền hình dựa vào số lượng các bộ phim trước đó của nghệ sĩ để xác định xem liệu nghệ sĩ đó có mang đến thành công về marketing hay không. Nếu ratings các bộ phim trước đó khả quan, nghệ sĩ đó sẽ nhận được lời mời vào những bộ phim có kịch bản và sản xuất tốt hơn.

Công thức tạo ratings cao

Trong các bộ phim truyền hình buổi tối, dàn diễn viên được tuyển lựa kỹ càng và thường là những diễn viên nổi tiếng được khán giả yêu thích. Việc chọn diễn viên thường ảnh hưởng đến tỉ suất xem đài của phim truyền hình, việc ghép cặp các nam nữ diễn viên xứng đôi càng đặc biệt quan trọng trong một bộ phim tình cảm. Các diễn viên phim buổi sáng và buổi trưa chiều thường không nổi tiếng bằng phim buổi tối, điều này được phản ánh rõ rệt qua ratings, nhưng qua thời gian, các diễn viên giỏi sẽ giành được tiếng tăm. Các diễn viên thường nỗ lực hơn trong những bộ phim phát sóng mùa đông, vì khán giả thường ở nhà nhiều hơn trong suốt những tháng mùa đông lạnh giá.

Giờ phát sóng

Đa số các phim truyền hình Nhật đều không phát sóng vào mốc giờ tròn, hoặc giờ rưỡi. Thay vào đó, một số phim bắt đầu lúc 8:58pm, còn một số khác thì là 9:05pm. Trước đây, khi vấn đề ratings chưa được coi trọng, các phim được phát sóng chính xác theo giờ tròn. Sau đó, vì cuộc chiến ratings nên một số đài quyết định đánh bại đối thủ bằng cách phát sớm hơn vài phút. Lý thuyết của thông lệ này là khi một chương trình kết thúc vài phút trước giờ tròn hoặc giờ rưỡi, khán giả xem đài sẽ bắt đầu chuyển kênh cho tới khi tìm được kênh nào không chiếu quảng cáo. Tương tự như vậy, nếu một tập phim chiếu quá giờ tròn hoặc giờ rưỡi vài phút, hầu như đa số khán giả sẽ xem chương trình tiếp theo bởi vì họ đã bỏ lỡ vài phút đầu của tập phim khác trên kênh khác.

Ngoại lệ của xu hướng này là đài NHK, vẫn tiếp tục bắt đầu các chương trình đúng vào giờ tròn hoặc giờ rưỡi. Lý do có thể là vì các đài khác cứ liên tục thay đổi giờ phát sóng nên chiến thuật này sẽ không còn tạo lợi thế trước các đối thủ khác nữa.

Dịch: Ajisai

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."