Ngẫm Kandagawa - Giá mà cô ấy đừng dịu dàng đến thế

Kandagawa - Giá mà cô ấy đừng dịu dàng đến thế

Đăng vào ngày trong Tin tức 829

Sự dịu dàng của cô ấy, thiết tha tĩnh lặng như một dòng sông, và trôi đi cũng như một dòng sông...

Hiếm có bài hát nào chỉ mới ra đời 40 năm mà được người ta khắc hẳn lên bia đá, nhất là khi bài hát ấy lại tồn tại trong một xã hội luôn đổi mới như nước Nhật. Thế nhưng, Kandagawa đã làm được điều đó. Không phải vì nó gắn với một sự kiện tôn giáo hay chính trị, không phải vì đó là lời trăn trối của một bậc kì nhân, đơn giản, hiền hoà và lặng lẽ, Kandagawa đã trôi êm suốt trong 40 năm lịch sử âm nhạc Nhật Bản, chỉ bởi những câu từ rất đi vào lòng người:

"Hồi ấy còn trẻ, anh đã không sợ gì cả, chỉ là, sự dịu dàng của em đã khiến anh lo sợ"

Khi nghe Kandagawa, tôi hình dung ra một cảnh tượng: Trong căn phòng được thắp đèn, nơi mà lớp giấy dán cửa sổ đã đổ vàng gần mục, có một cặp đôi cùng nhau ở trọ. Phòng không rộng nhưng gọn gàng. Bên chiếc nệm mét tư là kệ sách, trên kệ bày vài loại sách văn chương xen lẫn với truyện tranh lẻ tập. Một cô gái từ dưới bếp đi lên. Trên tay cô có cá nướng, cơm cuộn ăn với nước tương và rau củ mùa xuân. Cô thắt mái tóc đen dàn thành hình xương cá rồi kéo chúng qua một bên vai, dịu dàng nói chuyện với người yêu bằng chất giọng vẫn còn đặc sệt phương ngữ.

"Có lẽ em đã ném chúng đi rồi nhỉ, 24 viên phấn màu chúng ta mua
Em vẽ một bức chân dung tôi (...)
Bên dưới cửa sổ là sông Kanda
Nơi căn nhà trọ ba chiếu nhỏ bé, em ngắm những đầu ngón tay tôi
‘Anh buồn sao?’ em hỏi"

kandagawa

Trong bối cảnh sinh viên đại học Nhật Bản từ thập niên 40 - 60, tình cảnh nói chung khá chật vật. Tương tự như trong tác phẩm Rừng Na Uy, nhiều người đã trở nên mất phương hướng, một số biểu tình, một số ra nước ngoài, số khác nữa, đã tự tử trước cuộc sống không lối thoát. Tuy vậy, rất nhiều sinh viên đã ở lại và trở thành chứng nhân của thời cuộc. Một trong những điều níu giữ họ khi đó, chắc hẳn có tình yệu.

Hai nhân vật trong bài hát có lẽ là sinh viên từ tỉnh địa phương đến học tại các trường đại học ở Tokyo. Thông thường, họ phải thuê nhà trọ chật hẹp "ba chiếu", dùng chung nhà vệ sinh, đôi khi là chung cả bếp nấu ăn với những phòng khác. Những người sinh viên ấy đi nhà tắm công cộng vào cuối ngày và dùng sách ở thư viện trường. Trong những năm 1945 - 1949, rất nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Nhưng cạnh bên những biến động bên ngoài, vẫn có những tình yêu thật đơn giản:

"Có lẽ em đã quên rồi nhỉ, chiếc khăn tắm màu đỏ tôi dùng làm khăn choàng
Khi hai chúng ta đi xuống con đường nhỏ tới nhà tắm công cộng
Dù rằng ta bảo: ‘Ra cùng một lúc nhé’
Nhưng tôi luôn là người phải đợi đến khi tóc cảm như đã nhiễm lạnh và đóng băng
Tiếng chai xà bông nhỏ vuột khỏi tay rơi lạch cạch, khi em ôm tôi
- Lạnh quá ha?"

Có thể chúng ta chẳng bao giờ biết đi nhà tắm công cộng thế nào, cảm giác hai người vừa lạnh vừa ướt, cùng quay trở về nhà dưới ánh đèn hiu hắt. Nhưng chúng ta - những người nghe nhạc, chắc chắn sẽ hiểu được những khi cùng người yêu trải qua ngày gian khổ: cùng ở một căn phòng nhỏ, cùng dùng chung những chiếc khăn tắm, cùng nhau, đi đi về về trong những ngày tưởng rất khó khăn của tháng năm tuổi trẻ.

kandagawa

Ngạn ngữ có câu: "When you cry at a trouble it becomes double, when you smile at a trouble it disappear like a bubble." (Khi em khóc, mọi khó khăn trở nên nặng nề hơn, còn khi em cười, khó khăn ấy lại như bóng nước hư vô vậy). Chắc hẳn chàng trai trong Kandagawa cũng nghĩ thế khi hát:

"Em vẽ một bức chân dung tôi, tôi còn nói rằng: ‘Em vẽ đẹp lắm’
Dù nó chưa bao giờ trông giống tôi"

Chỉ với những câu ca giản đơn là thế, Minami Kosetsu và Kitajo Makoto đã làm rung động trái tim bao người. Hồi ấy không có những bảng xếp hạng online như bây giờ, chỉ là bài hát vừa được phát sóng qua chương trình phát thanh, đã có vô số người gọi điện yêu cầu phát lại. Đĩa nhạc mới lên kệ đã bán hết sạch, doanh thu mỗi ngày trung bình lên đến 80.000 đĩa, số lượng đó nhanh chóng tăng lên hàng triệu chỉ trong vài tuần.

Cho đến nay, Kandagawa vẫn được nhiều người ưa thích, ngay cả trong một đất nước không ngừng có sự thay đổi về màu sắc văn hóa như Nhật Bản. Kandagawa viết về dòng sông Kanda như "Dòng Sông Xanh" viết về con sông Seine của Pháp, như "Đôi Bờ" viết về dòng Volga của Nga, như những bài hát của nước ta, viết về sông Hương, sông Đà, sông Cửu Long... vậy. Và chẳng phải là dòng sông, mà hẳn còn là dòng chảy, dòng nhớ, dòng của những nhịp cảm xúc khoan thai lãng mạn của con người. Biết đâu Kandagawa cũng ra đời như thế, vào một ngày bờ sông nở rực ánh hoa đào?

"Chúng ta đã từng rất trẻ, chúng ta đã từng chẳng sợ điều gì
Tôi chỉ sợ sự dịu dàng của em..."

Nhiều khi chúng ta chẳng sợ gì cả, chỉ là vì sự dịu dàng của cô ấy cứ ở mãi trong tiềm thức, làm chúng ta không nỡ bước tiếp mà thôi. Giá mà cô ấy đừng dịu dàng đến thế, chúng ta đã có thể rời đi mất rồi...

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."