Top Fukushima 50 – Một câu chuyện có thật dành tặng tất cả mọi người

Fukushima 50 – Một câu chuyện có thật dành tặng tất cả mọi người

Đăng vào ngày trong Tin tức 822

Một trận động đất lớn với cường độ 9.0 và cường độ địa chấn lên đến cấp 7 kéo theo cơn sóng thần cao 10m đánh thẳng vào Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Khu vực lò phản ứng bị mất điện, khiến nhà máy rơi vào tình huống không thể làm mát lò phản ứng. Nếu các lò phản ứng phát nổ, thiệt hại là không thể tưởng tượng.

Nguyên tác và ý nghĩa tên phim

Nhân vật chính của Fukushima 50 là Izaki Toshio, xoay quanh cuộc chiến của ông cùng các đồng nghiệp là những kỹ sư, công nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Ichiev) trong 5 ngày đêm. Đây cũng là hồi ức của ông về giám đốc Yoshida Masao, người chịu trách nhiệm chỉ huy tổng thể. Phim được chuyển thể từ tác phẩm phi hư cấu của Kadota Ryusho mang tên Người đàn ông nhìn thấy vực thẩm của cái chết: Yoshida Masao và nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (tạm dịch). Tác giả nguyên tác đã thực hiện khoảng 90 cuộc phỏng vấn từ các nhân vật đã trải qua sự kiện này để viết cuốn sách dày hơn 400 trang. Phim chuyển thể dài 122 phút, lột tả sự thật về vụ tai nạn hạt nhân mà có thể bạn chưa từng biết, những tình huống căng thẳng mà chỉ những người có mặt tại hiện trường mới nắm rõ, những khó khăn diễn ra hết lần này đến lần khác, thiệt hại nặng nề, đấu tranh của công nhân nhà máy và chính phủ, sức mạnh và sự yếu đuối của con người…

fukushima 50

Kadota đã viết rất nhiều phóng sự và nhiều cuốn sách phi hư cấu về đề tài thảm họa, đã phỏng vấn 69 nhân viên tuyến đầu, giám đốc nhà máy Fukushima Daiichi là Yoshida Masao (người đứng đầu nhóm ứng phó) cũng như cựu Thủ tướng Naoto Kan, người đóng vai trò tích cực, đồng thời cũng gây tranh cãi trong phản ứng của chính phủ đối với thảm họa. Tổng cộng, ông đã phỏng vấn hơn 90 người liên quan. Nguyên tác của Fukushima 50 ra đời vào năm 2012, khắc họa cuộc đấu tranh tuyệt vọng của công nhân để mở các lỗ thông hơi của nhà máy nhằm tránh các vụ nổ do phóng xạ. Tuy nhiên, ông không tham gia vào việc viết kịch bản mà cho phép các nhà làm phim tự sáng tạo mà không cần bám sát nguyên tác. Ông chỉ góp ý khi đọc kịch bản lần đầu tiên, là phim thiếu kịch tính, hãy bổ sung điều đó.

Trên thực tế vào thời điểm xảy ra sóng thần, nhà máy có khoảng 450 người, sau đấy còn gần 90 người ở lại chiến đấu. Khi lên phim, con số này đã được rút xuống thành 50, đồng thời đó cũng là số năm hình thành và phát triển của Fukushima Daiichi. Cái tên Fukushima 50 có ý nghĩa như thế.

Kết phim có dòng chữ nói về Thế vận hội Mùa hè Tokyo sẽ diễn ra vào năm 2020 với chủ đề Tái thiết. Phim được phát sóng vào tháng 03/2020 cũng nhân sự kiện này. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến sự kiện thể thao này phải dời sang năm 2011. Dù vậy, Fukushima 50 cũng như một dự báo chuẩn xác về tương lai Nhật Bản với đại dịch này. Trong phim, các bạn có thể thấy sự đấu tranh của những công nhân tuyến đầu với bộ máy chính phủ, tương đồng với tình hình Nhật Bản khi các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đang chiến đấu ngày đêm với Covid-19; còn chính phủ thì bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với khủng hoảng, hệt như Naoto Kan và TEPCO (Công ty Điện lực Tokyo) trong vụ thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Diễn biến

Các nhân viên hiện trường như giám sát viên Izaki, nhân viên ca 1 và 2… tận lực làm việc để kiểm soát các lò phản ứng hạt nhân còn lại. Riêng giám đốc Yoshida, người truyền cảm hứng cho cấp dưới, có những lúc đã bộc lộ sự tức giận trước các hướng dẫn từ trụ sở chính, vốn dĩ không thể nắm bắt tình hình chính xác. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trở nên vô dụng, người dân buộc phải sơ tán. Trong trường hợp xấu nhất, trong vòng bán kính 250km kể cả Tokyo cùng 50 triệu dân sẽ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với cả miền đông Nhật Bản, 1/3 nước Nhật bị hủy diệt.

Phương pháp xử lý tối ưu nhất là mở lỗ thông hơi. Phương pháp này chưa từng được thực hiện trên thế giới. Các công nhân phải trực tiếp đi vào lò phản ứng để thực hiện mở thủ công. Họ bị cách ly với thế giới, bỏ mặc gia đình đang ở nơi sơ tán để chiến đấu với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử vì trách nhiệm với người dân và tình yêu dành cho quê hương đất nước.

Nhân vật duy nhất được giữ lại tên thật và bám sát với thực tế nhất là Yoshida Masao, chỉ huy nhóm phản ứng khẩn cấp. Gần hai năm sau thảm họa, ông qua đời vào năm 2013 vì ung thư và được ghi nhận không liên quan đến thảm họa.

Đạo diễn

Wakamatsu Setsuro tốt nghiệp Đại học Nghệ Thuật Nhật Bản, trở thành trợ lý đạo diễn phim truyền hình, rồi đạo diễn cho các tác phẩm nổi tiếng như Furikaereba Yatsu ga Iru, Sore ga Kotaeda!, Yamamoto Nadeshiko… Sau khi trở thành đạo diễn phim điện ảnh, ông tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng của Viện hàn lâm Nhật Bản cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất với các tác phẩm White Out, Shizumanu Taiyo…

Trường quay

Hầu hết cảnh phim được quay tại Kadokawa Daiei Studio ở Chofu, Tokyo với bối cảnh là Phòng điều khiển trung tâm Đơn vị 1-2 và Phòng đối phó khẩn cấp. Bên cạnh diện tích phim trường hoành tráng, cảnh trí và thiết bị cũng được mô phỏng chuẩn xác đến từng chi tiết. Các thiết bị dù là nhỏ nhất được treo trên tường, vị trí từng chiếc bàn, màu sắc của các bức tường cũng được tái dựng giống như nhà máy điện hạt nhân đã hoạt động trong 50 năm. Những người làm việc ở Ichiev khi đến tham quan đã rất ấn tượng và xác nhận cảnh dựng giống như thật. Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao phải dựng phim trường mà không đến nhà máy để quay để tiết kiệm kinh phí, câu trả lời là sóng thần năm 2011 dẫn đến sự cố rò rỉ phóng xạ và nhiều khu vực bị nhiễm phóng xạ đã bị phong tỏa, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Một trong những cảnh quy mô nhất là hiện trường nổ lò phản ứng 1. Để thực hiện cảnh này, đoàn phim phải tạo hiệu ứng rung lắc dữ dội, còn các diễn viên phải ra vẻ hoảng loạn, mau chóng tìm kiếm mặt nạ bảo vệ trong khi trần nhà và đèn rơi xuống. Cảnh này được thực hiện thủ công, trần và đèn được kết nối khéo léo bằng dây và nhân viên cầm dây giật mạnh khi có hiệu lệnh của đạo diễn. Mỗi lần thực hiện, nếu bị hỏng sẽ phải mất thời gian khá lâu để phục dựng lại trạng thái ban đầu, vì vậy cả đoàn phim căng cứng như cây cung giương dây. Khi đạo diễn hô to “Burn!”, trần nhà sụp xuống, bụi bay khắp nơi và khói bốc lên, đồng thời các diễn viên vừa hoảng loạn té từ ghế xuống vừa chú ý vị trí đứng lên để không bị thương. Đây là thử thách lớn nhất của đoàn phim và nó đã được quay thành công, mang đến những hình ảnh sống động về vụ nổ.

fukushima 50

Quy mô diễn viên

Đảm nhân vai trò trụ cột là Sato Koichi (vai giám sát Izaki Toshio) và Watanabe Ken (vai giám đốc Yoshida Masao), đây đều là những tên tuổi lớn của điện ảnh Nhật Bản. Watanabe Ken là một trong số ít diễn viên Nhật Bản nổi tiếng thế giới, còn Sato Koichi là gương mặt quen thuộc của điện ảnh Nhật Bản suốt bốn thập kỷ qua với thành tích năm lần thắng giải Academy Awards. Ban đầu, Sato không muốn tham gia phim vì nghĩ rằng vẫn còn quá sớm để làm một bộ phim với đề tài rò rỉ phóng xạ trong khi người dân vẫn phải gánh chịu những hậu quả mà nó để lại. Tuy nhiên ông đã bị thuyết phục khi biết rằng Fukushima 50 sẽ tập trung khai thác những anh hùng tiền tuyến. Sato nghĩ rằng ông sẽ được giao vai Yoshida chứ không phải Izaki. Để nhập vai, ông đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân để có cái nhìn chân thật hơn. Cả đời sống ở Tokyo nhưng nhà máy điện dường như là một cái gì rất xa với ông. Nhờ bộ phim ông đã trải nghiệm một chút cuộc sống của những người dân địa phương sống gần nhà máy từ khi còn nhỏ. Hiện vẫn còn nhiều khu vực bị phong tỏa, và có rất ít người già quay về sống tiếp. Số còn lại đã được chính phủ và TEPCO chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Ngoài dàn diễn viên chính, trong phim còn rất nhiều người thủ vai công nhân lúc chưa sơ tán, mọi người chia nhau thủ vai đang khẩn trương làm việc. Cảnh diễn này có sự tham gia của 120 diễn viên quần chúng, vì thế tạo cảm giác hoàn toàn khác lúc các diễn viên chính diễn tập. Watanabe Ken trong vai Yoshida bước vào và chào hỏi thật lớn: “Vẫn còn nhiều người khó thể về nhà. Hãy hiểu cho cảm xúc của họ và anh em hãy cẩn thận sơ tán đi.” Có thể thấy rõ tinh thần trách nhiệm thấm đẫm mọi người trên trường quay, họ phối hợp chặt chẽ để cả những người chỉ chạy vụt qua màn hình cũng thể hiện được sự căng thẳng trên gương mặt. Đấy là chưa kể những diễn viên tham gia các bối cảnh khác, như người dân thu dọn hành lý vội vã lên xe sơ tán…

Nếu bạn có xem phim thì chắc hẳn đã thấy rất nhiều màn hình TV đang phát trực tiếp diễn biến sóng thần, nổ lò phản ứng… Trước đó, các nhà làm phim đã ghi hình những cảnh phim này và phát trên ti vi, tạo cảm giác thực tế cho diễn viên.

Hoặc như những cảnh tập trung rất đông kỹ sư, công nhân và Watanabe Ken ngồi xử lý tình huống với gương mặt thay đổi và liên tục đưa ra những quyết định khó khăn. Dĩ nhiên những cảnh này không thể diễn một lần là đạt nên yếu tố thời gian vô cùng quan trọng. Kim đồng hồ trên tường được sửa lại sau mỗi lần NG.

Trong phim có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành như “van động cơ”, “làm mát lõi” rồi các số liệu… các diễn viên, đặc biệt là Watanabe Ken đã phải luyện tập nhiều lần trước khi diễn chính thức. Đoạn thủ tướng đến, nhân vật Yoshida đã phải giải thích một mạch dài về tình hình đang diễn ra với những thuật ngữ khó nhằn đã được Watanabe thể hiện vô cùng xuất sắc. Không chỉ lời thoại, cả cử chỉ điệu bộ, cách cong lưng và chuyển cộng cổ trông giống như giám đốc Yoshida ngoài đời thực. Được biết, Yoshida Masao là nhân vật duy nhất được giữ lại tên thật, còn những nhân vật khác kể cả thủ tướng đương nhiệm đều đã đổi tên. Trong nguyên tác có gần 90 người ở lại bảo vệ nhà máy, nhưng trên phim đã rút ngắn còn 50 người, mỗi nhân vật là tính cách của 2-3 người ngoài đời thực gộp lại.

Công đoạn quay phim được thực hiện theo trình tự để mô tả các công nhân dần kiệt sức. Để bảo đảm tính chân thật, các diễn viên đã không cạo râu, ở trong phim trường ẩm ướt không có lấy ánh sáng và mặc đồ bảo vệ kể cả khi không ghi hình để mô phỏng những gì mà các công nhân phải trải qua, chính vì thế khán giả cũng cảm nhận được sự mệt mỏi và căng thẳng trong “5 ngày” định mệnh ấy.

fukushima

Lực lượng tự vệ và hiệp lực của quân đội Hoa Kỳ

Trong phim có cảnh một Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản liên tục gọi điện về Mỹ, và cảnh gần cuối là quân đội Hoa Kỳ dùng trực thăng đến hỗ trợ và tiếp tế.

Nếu cảnh trong nhà máy được dựng trên phim trường thì cảnh thủ tướng thăm Ichiev bằng trực thăng, cảnh phun nước xuống nhà máy... đoàn phim đã mượn siêu máy bay trực thăng vận tải của Lực lượng phòng vệ mặt đất để quay. Còn cảnh Chiến dịch Tomodachi được quay tại căn cứ không quân Yokota Hoa Kỳ và Nhật Bản. Những người lính tại căn cứ cũng tham gia vào cảnh quay này. Thật khó để phân biệt thật giả trong các bối cảnh đúng không nào. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản, quân đội Hoa Kỳ đã hợp tác với đoàn phim để tạo nên sự chính xác trong từng chi tiết.

Âm nhạc

Phụ trách âm nhạc cho Fukushima 50 là Iwashiro Taro, người đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Đại học Nghệ thuật Tokyo từ năm 1991 và đã soạn nhạc cho rất nhiều chương trình TV, phim hoạt hình, phim điện ảnh, game cũng như các buổi hòa nhạc. Ông đã gặt hái vô số giải thưởng trong và ngoài nước cho phim Xích Bích, Kuubo Ibuki, Shinbun Kisha… Ông là một cộng sự quen thuộc của đạo diễn Wakamatsu Setsuro.

Bạn sẽ nhận thấy âm nhạc trong phim đều được thể hiện bằng nhạc cụ, với sự tham gia của violin Goto Ryu, cello Hasegawa Yoko, dàn nhạc giao hưởng Tokyo và dàn nam hợp xướng Temple Church của Luân Đôn.

So sánh

Khi phim ra mắt đã vấp phải những ý kiến trái chiều, khen ngợi có và chỉ trích cũng có. Phim bị so sánh với Shin Godzilla, bộ phim tái khởi động lại loạt phim Godzilla vào năm 2016. Shin Godzilla cũng lấy cảm hứng từ sự kiện ngày 11/03/2011, khéo léo lồng ghép tiếng nói dân tộc bằng hình ảnh những người lính gan dạ vượt qua sự bất tài của quan chức cấp cao để cứu Nhật Bản thoát khỏi con quái vật thở ra lửa hạt nhân.  

Bộ phim cũng làm khán giả phẫn nộ khi nghĩ về sự chậm trễ của những người đứng đầu bộ máy chính phủ mà tiêu biểu là thủ tướng lúc bấy giờ và TEPCO. Phim không nêu rõ lý do những lãnh đạo này hành động như vậy mà biến họ thành những kẻ ngốc gây cản trở cho người hùng Yoshida, khiến phim cũng hứng phải nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều nhà phê bình phim cho rằng đây là tác phẩm gợi lên sự kích động, tức giận và đối đầu thay vì xác minh, chia buồn và đoàn kết. Được biết, TEPCO hoàn toàn không tham gia vào quá trình sản xuất cũng như có bất cứ sự hợp tác nào đối với dự án Fukushima 50.

Kết

Nhà phê bình thì chỉ trích, khán giả quốc tế thì không hiểu tường tận các sự kiện và ẩn ý trong phim, khán giả Nhật Bản rất quan tâm và tích cực mua vé… tất cả đã giúp Fukushima 50 đạt được doanh thu lý tưởng. Dù nội dung còn nhiều tranh luận nhưng có một điều không thể phủ nhận, rằng các nhà làm phim đã rất nghiêm túc để thực hiện bộ phim này, mang đến những cảm nhận chân thật về hình ảnh và âm thanh. Đặc biệt, dàn diễn viên chính kỳ cựu, những diễn viên phụ thực lực phối hợp nhịp nhàng, 10 điểm tròn trĩnh dành tặng cho phần diễn xuất. Như vậy cũng đủ để bạn dành thời gian ra rạp xem Fukushima 50 rồi đúng không nào?

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."