Du lịch Bật mí kinh nghiệm du lịch tự túc siêu tiết kiệm ở Nhật

Bật mí kinh nghiệm du lịch tự túc siêu tiết kiệm ở Nhật

Đăng vào ngày trong Tin tức 2618

Mình đang sống ở Mỹ và đã sang Nhật du lịch tự túc 2 lần. Hôm nay mình viết một bài chia sẻ gửi đến các bạn, với chủ trương tiết kiệm được gì thì tiết kiệm nhưng nhất định phải làm những thứ mình muốn.

Không chỉ nước Nhật, du lịch bất cứ đâu đều tốn tiền nhất 4 khoảng: vé máy bay, chỗ ở, phương tiện di chuyển và ăn uống. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chú trọng 4 khoảng này. Mình là công dân Mỹ nên chỉ cần mang theo passport, không cần xin visa. Người đi chung với mình sống ở Mỹ, vẫn quốc tịch Việt Nam thì mình bảo lãnh vì tiền trong nhà bank không đủ, nếu đủ thì cũng không cần mình bảo lãnh. Các bạn ở Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm xin visa của Yuu nhé.

1. Vé máy bay:

Mình bay từ Mỹ nên có lẽ không giúp được gì nhiều cho mọi người bay từ Việt Nam. 2 lần mình đi Nhật mình đều chọn cuối tháng 3 – đầu tháng 4 vì vé rẻ hơn (không phải hè, không rơi trúng những ngày lễ quá lớn của Nhật và Mỹ), thời tiết cũng ấm áp thích hợp khi đi bộ nhiều, và là mùa hoa anh đào nở.

2. Phương tiện di chuyển:

Trong thành phố: Mình chuộng đi bằng train và subway hơn là xe buýt vì nó đúng giờ và mình có website này giúp mình biết được là nên bắt chuyến nào và đổi chuyến ở ga nào. Để trả tiền cho train/subway thì mình mua thẻ IC (ví dụ như PASMO và SUICA có thể xài trong cả nước Nhật). Thẻ IC như là pre-paid card ấy. Cứ bỏ tiền vào thẻ IC rồi mỗi lần đi tàu xe cứ đập lên máy là nó tự trừ tiền, mình đỡ mất công tính toán tiền để mua vé riêng lẻ. Hết tiền trong thẻ thì lại nạp thêm vào. Ở trạm tàu điện nào cũng có mấy cái máy bán thẻ đi tàu, mình mua thẻ ngay trạm tàu ở sân bay.

Lưu ý là đa số train/subway ngưng chạy lúc 11 giờ khuya nên các bạn tranh thủ về lại chỗ ở trước giờ đó. Không bắt được chuyến tàu cuối cùng thì phải kêu taxi mắc lắm, nhất là buổi tối taxi tăng giá nên càng mắc hơn nữa. Có lần máy bay từ Osaka đến Tokyo bị trễ nên mình và nhỏ bạn phải đi taxi về hostel ở Tokyo. Chia đôi thì mỗi đứa trả 100 USD lận.

Nhật
Chiếc thẻ này khá tiện lợi so với di chuyển bằng những phương tiện khác

• Di chuyển giữa các thành phố

- Xe buýt ban đêm: tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc. 2 lần mình đi Nhật, cả 2 lần mình xài Willer Express vì nó có website tiếng Anh và dễ tìm trạm xe. Nếu bạn có thể ngủ trên xe buýt thì mình khuyến khích nên chọn cách này, vừa tiết kiệm tiền ở một đêm và đỡ tốn thời gian di chuyển buổi sáng. Các bạn có thể coi thử giá trên website của Willer Express. Đa số xe buýt có khoang phía dưới đựng vali, trước khi mua vé bạn nên kiểm tra xe buýt có cái này không nha. Khác với xe buýt chạy nội địa thành phố, xe buýt chạy giữa các thành phố rất tuân thủ giờ giấc. Xe buýt sẽ không đợi bất kỳ ai và sẽ khởi hành đúng giờ quy định. Bạn nên đến trạm xe sớm ít nhất nửa tiếng và hỏi xem xe buýt của bạn ở đâu. Nhiều xe buýt khác nhau có thể đậu ở cùng một trạm nên coi chừng bị lỡ chuyến bạn cần đi.

xe buýt Nhật
Ngủ thế này không sợ ai làm phiền

- Shinkansen: mắc nhất nhưng đáng thử. Nhật nổi tiếng với tàu tốc hành Shinkansen chạy như tên bắn nhưng rất êm. Nếu bạn không thể ngủ trên xe buýt thì mình khuyên nên mua JR Pass. JR Pass chỉ dành cho du khách nước ngoài, và bạn phải mua nó trước khi đặt chân đến Nhật. Lưu ý khác là JR Pass chỉ đáng đồng tiền nếu bạn đi ít nhất 2 chiều đi lẫn về Tokyo <-> Kyoto. Nếu bạn chỉ đi nội bộ Tokyo hay những thành phố lân cận thì không nên mua JR Pass. Cái này mình mua ở Mỹ nha, Nhật không có bán vì chỉ dành cho khách du lịch.

- Máy bay: rẻ hơn shinkansen, nhiều khi chỉ mắc hơn xe buýt ban đêm có 10 USD nhưng cẩn thận kẻo bị delay. Peach với Jetstar là 2 hãng máy bay giá rẻ ở Nhật mà website có tiếng Việt, tiếng Anh. Vì giá rẻ nên bạn phải coi chừng những phí “chìm”. Mình đi Peach một lần và kinh nghiệm không được vui cho lắm. Lúc mua vé mình mua thêm hành lý ký gửi và mọi việc đều êm xui cho đến khi chuyến bay mình đi bị dời từ 7 giờ tối thành 9 giờ rưỡi tối. Đến Tokyo thì đã 11 giờ khuya như mình nói ở trên là trễ chuyến tàu cuối về Tokyo, đành phải đi taxi. Tính tiền vé máy bay và taxi thì thà đi shinkansen còn rẻ hơn. Nhưng có lẽ mình xui nên bay đúng lúc bị delay.

3. Chỗ ở:

Mình chẳng bao giờ ở khách sạn hotel. Khách sạn ở Nhật mắc nên mình ở chỗ dạng nhà nghỉ hostel/motel hoặc mướn phòng người bản xứ dạng Airbnb.

o Nhà nghỉ hostel: có thể chọn mướn phòng hoặc mướn giường. Khi mình mướn giường thì sẽ ở trong 1 phòng tập thể dorm. Những phòng dorm sẽ có tủ locker cho mỗi người trong phòng nên đồ quý giá mình cất trong đó, không sợ gì hết.  Khuyến khích các bạn ở thử phòng dạng capsule cũng ngộ lắm. Mình chuộng ở hostel/dorm vì lý do sau:

1. Làm quen với những khách du lịch từ những nước khác nhau. Đặc biệt rất hữu ích cho những bạn đi du lịch một mình, nhưng bạn cũng phải cẩn thận nhé.

2. Hostel hay tổ chức những hoạt động miễn phí hoặc chi phí rất thấp cho khách trọ. Mình may mắn khi tham gia Kimono Walk và Sushi Party của Khaosan ở Tokyo. Chỉ cần trả 20 USD để mướn bộ Kimono từ trưa đến chiều, tản bộ với khách trọ và nhân viên của Khaosan trong khu vực Asakusa, lúc chiều thì có party nhiều món Nhật truyền thống giá chỉ có 500 yên. Còn Sushi Party thì nhân viên chỉ khách cách cuốn sushi dạng hand roll, tuy không nhiều loại cá nhưng tươi ngon miễn chê. Bạn mình từng đi Osaka kể hostel của nó còn dắt khách trọ đi ăn và tập làm Takoyaki mỗi thứ 3, và tham quan khu chợ Osaka mỗi thứ 5 miễn phí.

Việc chọn Hostel ở khu vực nào là tùy vào nhu cầu của mỗi người. Mình luôn ở Asakusa vì nơi đó có đền Sensoji nổi tiếng, tập trung nhiều du khách ngoại quốc.

Kimono
Lần đầu tiên diện Kimono, có cảm giác giống nhân vật trong Rurouni Kenshin

Sushi Party
Mỗi hostel sẽ có hoạt động khác nhau

o Airbnb: người bản xứ có phòng trống trong nhà họ thì họ sẽ đăng lên trang web. Nhiều khi giá sẽ rẻ hơn ở hostel. Nhưng bạn nên cẩn thận là nhà ở Nhật rất nhỏ. Có lần mình mướn phòng ở khu Shinjuku, cái phòng cho 2 người mà bề ngang chỉ cỡ 1m7 và bề dài chỉ 3m. Có một lưu ý về Airbnb. Nếu bạn xin visa đi Nhật tự túc thì không nên chọn Airbnb là nơi ở dài ngày. Mình có đọc một bài viết kể đại sứ quán Nhật không chấp nhận Airbnb, mà phải là hostel, inn, hotel có đăng ký giấy phép hẳn hoi. Bạn mình xin visa đi Nhật nhưng chỉ ở Airbnb có 1-2 ngày nên trót lọt. Mình không rõ lắm vụ xin visa nhưng cẩn thận thì vẫn hơn.

4. Ăn uống: cần gì vào nhà hàng sang trọng? Nội ăn vặt lề đường cũng đủ no rồi. Vừa thử được nhiều món khác nhau vừa ngon nữa. Thay vì lên mạng tìm những nơi bán đồ ăn ngon và tốn mấy tiếng tìm chúng thì tại sao lại không vào thử một quán trong góc hẻm? Nhờ đi lạc mà mình tình cờ ăn được những món rất thú vị và những quán dễ thương bất ngờ. Thích nhất là lúc đi lạc khu Gion thì phát hiện được chỗ ăn oden dưới cây hoa anh đào rất lãng mạn (chỉ thiếu một chàng trai bên cạnh thôi). Nếu bạn không biết tiếng Nhật như mình thì khi vào quán có thể hỏi menu tiếng Anh, hoặc sử dụng từ điển Anh – Nhật trên điện thoại. Đa số quán ở thành phố lớn nhiều người du lịch như Tokyo, Kyoto, Osaka, Nagoya… có menu tiếng Anh. Còn nếu không có thì bạn cứ chụp hình mẫu đồ ăn trưng trước quán và chỉ vào hình đó.

hanami
 Đây là dịch vụ dành riêng cho các địa điểm có Ohanami.
Mướn bàn là 500 yên, bao nhiêu người ngồi cũng được, oden là 1000 yên. Chỉ cần gọi thức ăn thì có thể mang nước uống của mình theo.
du lịch Nhật Bản
Đây là tổng chi phí mình đã liệt kê khi sang Nhật lần 2

Trên đây là chút ít kinh nghiệm của mình khi ở Nhật. Nếu các bạn quan tâm đến vấn đề gì có thể để lại comment, mình sẽ viết thêm bài để chia sẻ nhé.

Cá Mè

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."