Top Top 10 phim kinh dị coi xong hết dám đi ngủ một mình (P1)

Top 10 phim kinh dị coi xong hết dám đi ngủ một mình (P1)

Đăng vào ngày trong Tin tức 6886

Nhật Bản có một kho tàng truyện kể vô cùng phong phú, phần lớn trong đó là kinh dị. Và kho tàng này là nguồn cung cấp chất liệu trực tiếp cho phim ảnh. Có nghĩa là phim kinh dị Nhật Bản rất tuyệt vời... nếu bạn biết được đúng phim để xem.

Tofugu đã biên soạn một danh sách tổng kết những bộ phim kinh dị Nhật Bản hay nhất mọi thời đại. Cả đội gồm 3 người đã hợp sức để xem các bộ phim và viết cảm nhận sau khi xem xong. Bài viết này là thành quả lao động cật lực của họ.

10. Noroi: The Curse (2005)

Noroi

Ban đầu tôi không chắc chắn lắm về Noroi. Các clip trailer tư liệu low-fi VHS hé lộ một bộ phim kinh dị kiểu tài liệu - một ý tưởng mà tôi cho rằng đã lỗi thời. Nhưng Noroi đã chứng minh rằng trực giác của tôi là sai lầm; bộ phim pha trộn tài tình các dạng phương tiện truyền thông để sáng tạo nên một cách tường thuật độc đáo, một phong cách đậm chất Nhật, một sự bổ sung đầy quái đản cho dòng phim kinh dị.

Noroi có một khởi đầu rất nhanh. Khi nhà điều tra về các hiện tượng dị thường Kobayashi Masafumi đến một thị trấn nhỏ để thám thính lời đồn về những tiếng động lạ ở khu vực quanh đó, anh phát hiện một trang web lạ thường về những thần đồng tâm linh, những con sâu ngoại chất, những nghi lễ cổ xưa đã gần bị chôn vùi trong quên lãng, những người mất tích, và những cái chết. Kobayashi tuyên bố, "Dù khiếp sợ đến thế nào đi nữa, tôi vẫn muốn tìm ra sự thật."

Cuộc điều tra của Kobayashi là khám phá năng lượng (giới hạn) của Noroi. Thay vì lối dẫn chuyện nhàm chán, chúng ta được thỏa thuê với một bộ phim tài liệu kết hợp với những cuộc phỏng vấn, hậu trường thực hiện chương trình truyền hình, và những nghiên cứu do chính Kobayashi thực hiện. Sự pha trộn này, cùng với những thủ pháp của truyền hình Nhật Bản, đã thêu dệt nên một bầu không khí đậm chất Nhật. Cộng thêm những nhân vật mà chắc bạn tin là có thực ngoài đời và những yếu tố văn hóa Nhật Bản (như lễ thanh tẩy trừ tà), và đọng lại trong bạn sẽ là một trải nghiệm kinh dị tinh túy của Nhật Bản.

Các cảnh quay VHS, mà ban đầu có thể khiến khán giả khó chịu, cuối cùng đã trở thành một trong những điểm đặc sắc nhất của phim. Những hình ảnh chất lượng thấp, nhiều hạt, cộng thêm cách quay mang đến cảm giác ngột ngạt đã tạo nên một phong cách thị giác gây căng thẳng, hãi hùng. Không giống như những hình ảnh được lọc rõ nét thường thấy trong điện ảnh, những đoạn phim của Noroi có vẻ rất gai góc và thực tế. Máy quay cầm tay, những đoạn phim được phát hiện, và những cảnh có góc khuất đã biến Noroi thành một trong những bộ phim dữ dội và rối rắm nhất tôi từng xem.

Với hơn 2 tiếng đồng hồ, Noroi có một thời lượng khá dài, nhưng bạn sẽ không hề cảm thấy buồn tẻ. Cuộc điều tra cuốn hút của Kobayashi kết hợp với sự pha trộn những phương thức quay phim khéo léo đã dệt nên một câu chuyện kinh dị kỳ quái làm tôi phải dán mắt vào màn hình từ đầu đến cuối.

9. Ju-On: The Grudge (2003)

Juon

Nối gót Ringu, Ju-On: The Grudge đã thổi bùng ngọn lửa của trào lưu phim kinh dị Nhật Bản đầu thập niên 2000. Thực ra Ju-On: The Grudge, được ra mắt công chúng vào năm 2002, là phần 3 trong loạt phim này. Ju-On: The Curse và Ju-On: The Curse 2 đều được phát hành trực tiếp dưới dạng video và thu hút sự chú ý đủ để bộ phim thứ 3 ra đời và công chiếu ở các rạp phim.

Ju-On: The Grudge xoay quanh 2 hồn ma của một người phụ nữ và cậu con trai bị giết bởi người chồng/cha của họ. Chết đi với oan khuất tràn ngập, họ đã ám và giết chết bất kỳ ai tiếp xúc với ngôi nhà của họ.

Điều khiến cho câu chuyện khác với những công thức ngôi nhà ma thường thấy chính là lời nguyền sinh sôi nảy nở. Nếu bạn vào nhà, bạn bị nguyền. Nếu bạn tiếp xúc với một người bị nguyền, bạn cũng sẽ bị nguyền. Và một khi bạn đã bị nguyền, sớm muộn gì hồn ma cũng sẽ tìm đến để xử tử bạn. Đây là một công thức tạo cú đảo ngược rất hay, không còn kiểu "trốn thoát khỏi ngôi nhà" nhan nhản thường gặp nữa.

Nhưng điều thực sự khiến bộ phim đáng sợ chính là thiết kế âm thanh và hóa trang. Những hồn ma được sơn trắng toát lại đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Chỉ có vậy thôi mà đã tạo được hiệu quả khiếp đảm đến cùng cực (cứ mỗi lần thấy thằng bé trong phim là tôi lại sởn cả gai ốc). Và những âm thanh từ Kayako (hồn ma người vợ) thì khiến người xem lạnh xương sống.

Tuy nhiên bộ phim không phải là không có lỗ hổng. Tính chất bất ngờ của phim có nghĩa là bạn không phải tiêu tốn thời gian với bất kỳ nhân vật nào trong đó cả. Một hồi phim được bắt đầu, bạn gặp một nạn nhân mới, và khi họ chết đi thì hồi tiếp theo lại được mở ra. Những phân đoạn rùng rợn nho nhỏ thì rất tuyệt. Nhưng tổng thể bộ phim lại không bao hàm được một ý nghĩa kinh hoàng chung.

Nếu đã xem rất nhiều phim kinh dị Nhật Bản bắt nguồn từ thời kỳ này trở đi, có thể bạn sẽ thấy Ju-On quá quen thuộc nên không gây được sự kinh ngạc nào nữa. Nhưng nếu chỉ mới làm quen, thì bạn rất nên thử. Rất nhiều đoạn kinh dị hấp dẫn cho một người mới bắt đầu.

8. Dark Water (2002)

Dark Water

Đây là bộ phim kinh dị đầu tiên khiến tôi rơi nước mắt cảm thương. Dark Water tương tự với Ringu ở chỗ cũng dựa theo câu chuyện của Suzuki Koji, được đạo diễn bởi Nakata Hideo, và có nhân vật chính là một người mẹ đơn thân. Nhưng không như Ringu, Dark Water có nhiều xung đột về nội tâm, tình cảm của nhân vật chính.

Khi bộ phim bắt đầu, nhân vật nữ chính Yoshimi đang trong quá trình làm thủ tục ly dị và đấu tranh giành quyền nuôi con gái Ikuko. Trong quá khứ cô từng có những chấn thương tâm lý, và đang gặp nhiều áp lực để chứng minh mình có đủ khả năng để giám hộ Ikuko bằng cách tìm được một căn hộ và một công việc toàn thời gian. Thật không may, rốt cuộc Yoshimi lại thuê phải một chỗ có vài điểm bất tiện như trần nhà bị rỉ nước, những lọn tóc đen tuôn ra từ bồn rửa, và, hê hê, một hồn ma con nít biết sát nhân đang ám ngoài hành lang chung cư.

Dù Dark Water có một vài yếu tố ngụy biện chỉ hợp lý với thể loại phim kinh dị (chẳng hạn như chúng ta không bao giờ thấy những người thuê nhà khác, và người quản lý tòa nhà thì thờ ơ một cách kỳ lạ về việc nước nhỏ giọt thành vũng), nhưng trong phim có những khoảnh khắc tĩnh lặng tuyệt đẹp khi hai mẹ con Yoshimi và Ikuko bên nhau. Tôi đặc biệt xúc động khi Yoshimi bận việc đến rước Ikiko trễ ở trường mẫu giáo, và cha cô bé đã rước thay. Yoshimi bắt kịp hai cha con trên đường, và cuối cùng Ikuko quyết định theo mẹ về nhà, nói rằng cô bé luôn chọn mẹ trước tiên.

Chắc chắn Dark Water có những khoảnh khắc gây sợ hãi, hoảng hốt, đặc biệt ở một phần ba sau cùng của phim khi mọi thứ lên đến cao trào và hồn ma biến khát khao trả thù của nó thành một hiện thực kinh hoàng. Và phần kết cũng hớp hồn tôi bằng cách gây kinh ngạc tột độ. Bộ phim rùng rợn này đã tạo được nhiều nét ấn tượng trong thể loại phim kinh dị, nhưng vượt xa những câu chuyện hồn ma báo thù điển hình và truyền tải được nhiều điều về những cuộc chiến của tình mẫu tử, đặc biệt là những người mẹ đơn thân. Nếu bạn thích những bộ phim kinh dị Nhật Bản với những nhân vật chân thực, chất chứa nhiều tâm tư tình cảm, thì đã có Dark Water dành sẵn cho bạn đây.

7. Tetsuo: The Iron Man (1989)

Tetsuo The Iron Man

Tôi không chắc chắn về những gì mình vừa xem. Tetsuo: The Iron Man quá ồn ào, đậm chất thị giác, gớm ghiếc, lôi cuốn, và với tôi, là bộ phim kinh hoàng nhất trong danh sách này. Giống như cô bạn gái của nhân vật chính, tôi bắt đầu xem phim với suy nghĩ "Không có gì làm mình sợ được." Cả hai chúng tôi đều đã lầm.

Tetsuo: The Iron Man khắc họa sự biến đổi ngoại hình của một nhân viên công sở thành một vật toàn thân đầy kim loại; toàn bộ của một âm mưu trả thù/thống trị thế giới mà người ta có thể nghĩ ra. Mang tính trải nghiệm nhiều hơn là một phim điện ảnh, có lẽ bạn chỉ nên xem và đắm chìm trong một sự kinh dị di động này mà không cần thắc mắc gì cả.

Không chỉ có phần cảm nhận đánh giá này của chúng tôi mà hơn thế nữa, bộ phim còn xứng đáng nhận được một khuyến cáo - Tetsuo: The Iron Man không dành cho những người yếu tim. Việc sử dụng các hiệu ứng chuyển động dừng đã tạo nên những hình ảnh khí quan và gớm guốc nhất mà tôi từng xem trên màn ảnh. Những khán giả tò mò muốn xem nên được cảnh báo trước về những cảnh quan hệ tình dục và trần như nhộng khi toàn thân nhân vật chính bắt đầu biến đổi.

Tính mỹ thuật, thử nghiệm, và kinh phí thấp - có thể một số người sẽ thắc mắc về việc Tetsuo có được xem như một phim kinh dị chính đáng. Nhưng chủ đề chính của phim - không thể kiểm soát một phần cơ thể và sức khỏe - là một trong những nỗi khiếp đảm chân thực nhất mà con người chúng ta có thể phải đối mặt. Cộng thêm nghệ thuật tạo hình và những hình ảnh quái đản, sẽ thật sai lầm nếu không đưa Tetsuo: The Iron Man vào một cuộc bàn luận về những bộ phim kinh dị đỉnh nhất của Nhật.

6. House (1977)

House

Khi House được công chiếu ở Nhật vào năm 1977 đã vấp phải thất bại hoàn toàn. Nhưng khi Criterion đưa bộ phim ra mắt khán giả phương Tây năm 2010, các nhà phê bình lại chỉ tuôn ra những lời khen ngợi, yêu mến.

House quả thật là một bộ phim đặc biệt. Nhưng hầu hết những lời tung hô đều đã bỏ lỡ trọng điểm của sự tuyệt vời của bộ phim. Họ chỉ xoáy vào sự "lập dị" và "thái quá" hơn là những điều đã biến House thành một bộ phim độc đáo.

Và đó là gì? Chúng tôi sẽ giải thích, nhưng trước tiên là một câu chuyện nhỏ đằng sau bộ phim.

Đạo diễn Obayashi Nobuhiko là một giám đốc quảng cáo nổi bật ở Nhật Bản trong thập niên 1970. Toho đã tiếp cận ông sau thành công của bộ phim nổi tiếng Jaws (Hàm cá mập) để đề nghị ông sáng tạo ra một thứ gì tương tự sẽ tận dụng được thành công của phim. Thay vì làm một bộ phim về cá mập ăn thịt người hàng loạt, ông lại tìm ý tưởng từ cô con gái đang học tiểu học của mình, Chigumi. Ông hỏi cô bé sợ thứ gì. Cô bé đã nghĩ đến đồng hồ ồn ào, futon bị rớt, đàn piano chặt đứt các ngón tay và những con mèo bông, và những thứ này đã được Obayashi đưa vào kịch bản.

Đây chính là điều tạo nên sự tuyệt vời cho House. Đây là một bộ phim kinh dị hoàn toàn trẻ con. Vì vậy các nhân vật mang tính chất một chiều (tên của họ còn ám chỉ hành vi của họ). Nhưng tất cả đều mang đến sự trải nghiệm. Xem House khi bạn là người lớn nghĩa là bạn buộc phải suy nghĩ như một đứa trẻ và sợ những thứ mà một đứa trẻ sợ hãi. Điều này mang đến sự vui nhộn đẫm máu khi chiếc đàn piano bắt đầu chặt chân tay người, máu me phun trào từ mọi phía.

Đôi khi sự pha trộn giữa điên rồ và máu me trong House rất hoàn hảo. Cũng có những khi lại không được như vậy. Nhưng bất chấp sự thiếu hoàn hảo, điều này vẫn tạo nên sự hiệu quả bởi vì nó là thực. Dù những khán giả ở năm 2010 ca tụng House bởi sự kỳ quặc của phim, tôi lại nghĩ tình cảm dành cho House đến từ sự chân thực của nó. House biết chính xác mình muốn gì và dùng toàn bộ sức mạnh để có được điều đó. Kết hợp với một góc nhìn của trẻ thơ và bạn sẽ có một bộ phim xứng đáng để đem lòng yêu mến.

 

Nguồn
 

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."