Văn hóa Làm quen với tiểu thuyết trên điện thoại di động

Làm quen với tiểu thuyết trên điện thoại di động

Đăng vào ngày trong Tin tức 2727

Tiểu thuyết trên điện thoại di động, tiếng Nhật gọi là keitai shousetsu, là một dòng trào lưu văn học mới được phổ biến rộng rãi qua hình thức các mẩu tin nhắn trên điện thoại.

Trong thời đại công nghệ thông tin, dạng tiểu thuyết này ban đầu được sáng tác và đón nhận chủ yếu bởi chị em phụ nữ Nhật Bản, khai thác chi tiết về những câu chuyện tình cảm hư cấu như tình yêu, tình dục, cưỡng dâm, các mối quan hệ xã hội cũng như các câu chuyện về hiện tượng mang thai tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, khi keitai shousetsu bắt đầu có những bước tiến mang tính toàn cầu rõ rệt thì các đề tài cũng nghiễm nhiên trở nên đa dạng hơn.

Kết cấu của hệ thống mạng Internet Nhật Bản cho phép người sử dụng có thể dùng tên và lý lịch giả khi đăng ký. Do đó, danh tính của các tác giả tham gia viết loại truyện này thường rất ít khi bị đem ra mổ xẻ trước dư luận, và hiện tượng “nam mạo danh nữ” cũng từ đó mà nở rộ. Khác với tiểu thuyết thường, keitai shousetsu có khả năng thể hiện ý đồ của tác giả thông qua cách trình bày. Nếu một cặp tình nhân đang tranh cãi, tác giả sẽ sắp xếp các câu thoại gần hơn và có mật độ dày hơn so với bình thường. Ngược lại, khi viết một bài thơ nhẹ nhàng lãng mạn thì các câu văn có xu hướng cách xa nhau, nhưng vẫn đảm bảo dễ dàng cho việc theo dõi cốt truyện.

Mỗi tin nhắn viết theo dạng keitai shousetsu thường có từ 1000 đến 2000 từ (ở Trung Quốc) hoặc 70 từ (ở Nhật Bản), được tải về từ các trang web nguồn dưới hình thức các phần mềm nhỏ gọn. Các phần mềm này sẽ được vận hành bởi một ứng dụng đặc biệt trên điện thoại dựa theo hệ thống ngôn ngữ lập trình Java. Keitai shousetsu thường đến với độc giả qua ba loại định dạng: WMLD, JAVA và TXT. Maho iLand là một nguồn keitai shousetsu miễn phí khổng lồ với hơn 1 triệu tác phẩm chủ yếu của các tác giả nghiệp dư, đồng thời là nguồn cung cấp các mẫu khuôn, nền cho các blog và website. Maho iLand đạt đến con số 3.5 tỉ lượt truy cập mỗi tháng. Năm 2007, 98 tiểu thuyết keitai shousetsu đã được xuất bản thành sách, trong đó phải kể đến sự thành công của “Koizora” – sáng tác bởi Mika - với 12 triệu lượt theo dõi trực tuyến. Tiểu thuyết này không chỉ dừng lại trên những trang sách đơn thuần mà còn được chuyển thể thành phim, tiến thêm một bước để gần hơn với độc giả qua màn ảnh rộng.

Koizora
5 trong bảng xếp hạng 10 tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2007 có nguồn gốc từ keitai shousetsu.

Lịch sử

Keitai shousetsu đầu tiên được in thành sách ra mắt tại Nhật vào năm 2003 bởi một người đàn ông Tokyo trung niên lấy bút danh Toshi. Tác phẩm này mang tên Deep love, là câu chuyện của một thiếu niên Tokyo làm nghề mại dâm. Deep love ngay sau đó đã nhận được sự hưởng ứng từ độc giả toàn quốc và nhanh chóng được xuất bản thành sách bìa cứng, tiêu thụ hơn 2.6 triệu bản trong nước Nhật, để rồi sau đó được chuyển thể thành truyện tranh, thành phim truyền hình, thành phim điện ảnh. Keitai shousetsu thành công nhờ sự kết hợp hài hoà giữa văn nói và văn viết, do đó nhanh chóng được giới trẻ đón nhận. Phong trào lan nhanh sang Trung Hoa đại lục và Hàn Quốc. Tại Nhật, nhiều công ty sẵn sàng trả nhuận bút cao cho người sáng tác (đến 100,000USD) và chi trả chi phí mua bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa gây ấn tượng đủ đối với giới trẻ Mỹ và Châu Âu.

Lời giải đáp cho cơn sốt tiểu thuyết điện thoại

Mặc dù được bắt đầu từ Nhật nhưng keitai shousetsu đã nhanh chóng lan sang Trung Quốc, và rất nhiều người tham gia sáng tác là sinh viên đại học. Những tác giả này hiểu rõ điều gì sẽ hấp dẫn độc giả của họ; họ vay mượn những cái thực trong cuộc sống thường ngày, để rồi biến hoá chúng một cách tài tình và đem chúng vào tác phẩm.

Dòng tiểu thuyết này tạo ra một thế giới ảo cho giới trẻ thông qua điện thoại, hay nói đúng hơn, thông qua những mẩu tin nhắn có thể nhận được và gửi đi từ bất cứ nơi đâu. Tương tự như các trò chơi trực tuyến, độc giả có thể đặt mình vào vị trí nhân vật chính trong câu chuyện. Keitai shousetsu tạo ra không gian riêng cho từng độc giả. Ông Paul Levinson, trong quyển Information on the Move (2004) đã nói rằng: “… Ngày nay, các tác giả có thể sáng tác và các độc giả có thể theo dõi bộ tiểu thuyết gần như vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu…” và những tiểu thuyết này không chỉ ‘riêng tư’ mà còn ‘di động’.

Keitai shousetsu đang thay đổi thói quen đọc sách của con người; độc giả giờ đây không còn phải tự vác thân mình ra cửa hàng tìm một cuốn sách về đọc. Họ chỉ cần một chiếc di động có thể nối mạng, vào các trang web cung cấp dịch vụ, tải về một cuốn tiểu thuyết và đọc trên chiếc di động vào lúc nào họ thích. Giống như e-book, keitai shousetsu có thừa tính tiện lợi.

Nhật Bản
Giới trẻ Nhật Bản ra đời với chiếc điện thoại trên tay, và chính những chiếc điện thoại đó đã tạo nên một nền văn hoá mới với những ngón tay đua nhau trên bàn phím di động.

Cho đến nay, tiểu thuyết trên điện thoại vẫn luôn bị xem là một dòng văn học phụ không giá trị tại Nhật, vùng đất đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại 1000 năm về trước – “Truyền thuyết về Genji”. Mọi chuyện thay đổi khi danh sách những tác phẩm bán chạy nhất năm 2007 được công bố. 5/10 tác phẩm đứng đầu là tiểu thuyết trên điện thoại đã cho thấy rằng keitai shousetsu không những đã trở thành món ăn tinh thần cho độc giả Nhật Bản mà còn chiếm giữ vai trò thống trị. Hơn thế nữa, ba vị trí đầu trong danh sách còn bị chiếm giữ bởi một tác giả nghiệp dư vừa vào nghề, gây tranh cãi xôn xao trong cả dư luận lẫn báo giới.

“Liệu keitai shousetsu sẽ ‘giết’ tiểu thuyết gia thực thụ?” – tạp chí văn học nổi tiếng Bungaku-kai giật tít lớn trên bìa tờ nguyệt san số tháng 1 của họ. Trong khi độc giả hết lời ca ngợi dòng văn học mới được ra đời và tiêu thụ bởi thế hệ trẻ, những người chỉ thích đọc truyện tranh, thì các nhà phê bình lại lên tiếng phê phán kịch liệt. Họ cho rằng nếu như keitai shousetsu tiếp tục thống trị văn đàn với sự nghèo nàn trong chất lượng thì nền văn học Nhật Bản sẽ nhanh chóng tiến đến sự suy tàn.

Mặc dù vậy, các tác giả của dòng tiểu thuyết này vẫn dễ dàng đạt đến con số tiêu thụ sách cao ngất ngưỡng mà các tiểu thuyết gia truyền thống chỉ dám mơ đến.

Rin, cô gái 21 tuổi, tác giả của bộ tiểu thuyết “Nếu anh…” là một ví dụ điển hình. Cô đã sáng tác tác phẩm của mình suốt 6 tháng ròng khi cô còn là một nữ sinh trung học. Cô sáng tác bất cứ thời gian nào cô rảnh, hoặc ngay cả khi cô đang làm công việc bán thời gian của mình; ngay khi có ý tưởng, cô viết ra trên chiếc điện thoại của mình và tải lên trang web dành cho các tác giả mới vào nghề.

Sau khi độc giả bình chọn tác phẩm của cô cho vị trí cao nhất trên một bảng xếp hạng, tiểu thuyết viết về một câu chuyện tình buồn giữa hai người bạn thanh mai trúc mã này ngay lập tức được xuất bản thành sách bìa cứng dày 142 trang. Cuốn sách tính đến nay đã bán được hơn 400,000 bản và đứng thứ 5 trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2007, theo Tohan – một trong những nhà phân phối sách lớn nhất Nhật Bản.

“Mẹ tôi còn không biết rằng tôi đã bắt đầu viết tiểu thuyết từ lâu”, Rin cho biết. Giống như những tác giả keitai shousetsu khác, cô lựa chọn cho mình một bút danh ngắn gọn chỉ với một âm tiết. “Vậy nên khi tôi bảo với mẹ rằng tôi sắp xuất bản tiểu thuyết, mẹ tôi vô cùng bất ngờ. Bà đã không tin tôi cho đến khi cuốn sách được xuất bản thật sự và xuất hiện đầy rẫy ở các hiệu sách lớn”.

Rin
"Rin cùng với tác phẩm keitai shousetsu của mình"

Keitai shousetsu ra đời tại Nhật vào năm 2000 sau khi trang Web chuyên về thiết kế website - Maho iLand - nhận thấy được trào lưu viết tiểu thuyết trên blog của nhiều blogger. Họ bắt đầu thiết lập những chương trình cho phép người viết có thể tải bài viết của mình lên và người đọc có thể phê bình góp ý. Cộng đồng này nhanh chóng nở rộ và tạo ra một dòng văn học mới rất riêng biệt. Nhưng phải đến 2 - 3 năm sau, trào lưu này mới thật sự trở thành một cơn sốt. Người tham gia ngày một nhiều; cho đến đã có hơn 1 triệu tựa sách được tải lên Maho iLand, theo như số liệu công ty này công bố gần đây.

Và cơn sốt này một lần nữa được hâm nóng khi các công ty mạng điện thoại Nhật Bản quyết định phát triển nâng cấp mạng lưới, cung cấp cho khách hàng dịch vụ lưu truyền khối dữ liệu lớn không giới hạn với cước thuê bao giá rẻ cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác. Docomo – công ty truyền thông lớn nhất tại đây – bắt đầu dịch vụ từ giữa năm 2004.

Tính năng của chiếc điện thoại ngày càng được nâng cao, đồng nghĩa với sự ra đời của một thế hệ mới tại Nhật Bản, thế hệ với những chiếc điện thoại di động – thay cho những chiếc máy vi tính - là vật bất li thân của những người trẻ tuổi từ ngày còn ngồi trên ghế học đường. Họ chọn đọc tiểu thuyết trên điện thoại di động, mặc dù rằng những trang Web ấy vẫn có thể truy cập được nhờ máy vi tính. Họ lia ngón tay với tốc độ chóng mặt, sử dụng emoticons (biểu tượng thể hiện cảm xúc) – chẳng hạn như các gương mặt cười và hình nốt nhạc – để thể hiện cảm xúc. Những điều này gần như đã mất trong quan niệm của những người đã bước qua ngưỡng 25.

“Không phải tự dưng họ có cảm hứng sáng tác và cũng không phải ngẫu nhiên mà điện thoại di động đóng vai trò quan trong như vậy”, Chiaki Ishihara, nhà nghiên cứu Văn học Nhật Bản tại Đại học Waseda cho biết. “Thật ra, với mục đích trao đổi thư điện tử, một công cụ hiện đại mang tên điện thoại di động đã được thiết kế với mục đích tạo ra sự tiện lợi trong trao đổi thông tin đã mang đến cho tác giả nguồn cảm hứng sáng tác”.

Quả thật vậy, nhiều tiểu thuyết gia trên điện thoại cho biết họ chưa từng sáng tác tác phẩm nào trước đây, cũng như nhiều độc giả của họ chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết nào cho đến khi keitai shousetsu ra đời.

Các tác giả không được hưởng bất kì khoản nào từ tác phẩm online của mình, dù cho tác phẩm ấy có được hàng triệu lượt xem đi nữa. Tiền nhuận bút, nếu có, sẽ chỉ đến tay họ nếu tác phẩm họ sáng tác ra được tái bản và in thành sách. Độc giả có thể truy cập các nguồn tiểu thuyết miễn phí, hoặc thoả thuận một hợp đồng với giá chỉ từ 1 đến 2 Đô-la một tháng. Về phần công ty quản lý Website, họ sẽ thu lợi nhuận của mình bằng hình thức nhận quảng cáo cho các công ty và tổ chức.

Các nhà phê bình cho rằng keitai shousetsu có rất nhiều điểm tương đồng với truyện tranh, cũng là một thể loại sách được ưa chuộng bởi giới trẻ. Trong keitai shousetsu, các nhân vật có xu hướng rất hiếm khi được miêu tả kĩ càng cũng như không được phát triển cụ thể cho lắm, và lời thoại thường rời rạc nhưng mang tính đối thoại nhiều hơn tiểu thuyết thường.

“Các tiểu thuyết gia Nhật Bản thường dùng cảnh để tả tình”. Ví dụ như, “Đoàn tàu tiến ra từ trong đường hầm dài, lăn những vòng đầu tiên vào đất nước băng tuyết”; Mika Naito, một tiểu thuyết gia tiềm năng lấy ví dụ từ câu mở đầu nổi tiếng của tác phẩm “Đất nước băng tuyết”.

“Trong keitai shousetsu, bạn không cần như thế. Nếu bạn giới hạn không gian vào một địa điểm nhất định, độc giả sẽ không thể cảm nhận được sự tương đồng giữa nơi họ đứng và nơi chiếc di động của họ đang nói đến".

Do thường được viết theo ngôi thứ nhất nên keitai shousetsu cũng giống như một cuốn nhật kí di động. Hầu hết tác giả là phụ nữ trẻ khát vọng vào những mối tình đẹp, những giấc mơ cháy bỏng.

Koizora

Koizora (Bầu trời tình yêu), cuốn tiểu thuyết đầu tay của một cô gái trẻ tên Mika, sau khi được tải lên Maho iLand, tính đến nay đã có hơn 20 triệu lượt độc giả theo dõi trực tuyến. Một câu chuyện tình đầy nước mắt với cưỡng dâm, mang thai, tình dục vị thành niên và một căn bệnh oái oăm, cuốn tiểu thuyết nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Được in thành sách, cuốn tiểu thuyết đứng đầu bảng xếp hạng các tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2007 và sau đó còn được dựng thành phim.

Ngày nay, các học giả không còn lên tiếng phê bình kịch liệt như trước nữa, nhưng một trong số họ vẫn cho rằng keitai shousetsu nên được xem là một thể loại giống như âm nhạc và truyện tranh.

Rin cho rằng, những cuốn tiểu thuyết cổ điển không đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ hiện đại.

“Họ không thích thú với các tác phẩm của các tiểu thuyết gia chuyên nghiệp vì câu cú của họ thường rất khó hiểu, giải thích dông dài, cũng như cốt truyện không phù hợp với họ”, cô nói. “Mặt khác, tôi cũng hiểu tại sao nhiều người Nhật lại không muốn công nhận keitai shousetsu là một dòng văn học. Câu chữ vô cùng đơn giản và cốt truyện lại rất dễ đoán trước. Nhưng tôi vẫn mong họ sẽ chóng thay đổi quan điểm của mình”.

Khi trào lưu này ngày càng bùng nổ, càng ngày càng nhiều người thử khám phá tài năng của mình trên một lĩnh vực mới mẻ này thì một câu hỏi lớn lại được đặt ra: Liệu một tác phẩm có thể được gọi là keitai shousetsu nêu nó được sáng tác trên máy vi tính thay vì trên điện thoại?

“Khi một tiểu thuyết được viết trên máy tính, đặc tính của số lượng dòng sẽ khác và âm điệu cũng sẽ có sự khác biệt nhất định so với khi viết trên điện thoại cầm tay. Nhiều người hâm mộ sẽ khó có thể chấp nhận gọi đấy là keitai shousetsu” - Keiko Kanematsu, biên tập viên của Goma Books - một công ty chuyên về tái bản keitai shousetsu cho biết.

Mặc dù vậy, có người vẫn cho rằng keitai shousetsu không chú trọng về việc viết bằng thiết bị này hay thiết bị nọ.

Tiểu thuyết gia Naito cũng cho biết rằng, cô viết tác phẩm của mình trên máy tính, sau đó tải vào điện thoại và chỉnh sửa lần cuối trước khi tải lên mạng. Không như những tác giả mới vào nghề ở tuổi teen hay khoảng 20 tuổi khác, cô bảo rằng cô cảm thấy rất thuận tiện khi sáng tác trên máy tính cá nhân.

Nhưng dù sao ít ra cũng đã có một tác giả trẻ tuổi đã có can đảm chuyển sang sáng tác trên máy tính. Một năm về trước, một tài năng mới chớm của Công ty xuất bản Starts, Chaco, đã quyết định ngừng sáng tác trên điện thoại dù cô ấy có thể sáng tác nhanh hơn rất nhiều so với việc sử dụng máy vi tính.

“Vì để sáng tác trên điện thoại, đôi khi cô ấy phải cắt móng tay của mình đến tận da trong và điều đó thường xuyên làm tay cô chớm máu”, đại diện của Starts nói.

“Kề từ khi cô ấy chuyển sang sáng tác trên máy vi tính, vốn từ vựng của cô bỗng trở nên phong phú bất ngờ và câu cú cũng dài hơn trước kia”.

(Dịch: Rin-chan)

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."