Top Toàn cảnh J-pop

Toàn cảnh J-pop

Đăng vào ngày trong Tin tức 5913

Thử nghĩ mà xem – Tập đoàn Sony Music là một trong những công ty thu âm hàng đầu thế giới; Yamaha là nhà chế tác nhạc cụ lớn nhất thế giới; dân số Nhật Bản đứng vào hàng thứ 10 của thế giới, và nền công nghiệp âm nhạc của nước này thu về hàng tỷ đôla trên toàn thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, có bao nhiêu nghệ sĩ người Nhật giành được No.1 trên các bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ và châu Âu? Một người. Đúng vậy, có duy nhất một người – Sakamoto Kyu với bài Sukiyaki, nhưng đó là chuyện từ năm 1963 rồi.

SMAP

Vậy thì, rốt cục đã có chuyện gì xảy ra với nước Nhật vậy? Hàng tỷ vấn đề - các công ty thu âm hài lòng với doanh số của thị trường nội địa, nơi mỗi năm các ban nhạc dưới trướng họ (nói theo đúng nghĩa đen) đều đặn xuất album lên kệ, rồi thì rào cản ngôn ngữ - rất ít người Nhật cảm thấy thoải mái khi nói hoặc hát bằng tiếng Anh, và cuối cùng, có một sự thật không thể chối cãi là, nhạc pop Nhật Bản không kiếm được thị trường nằm ngoài phạm vi châu Á (vì ở các nước châu Á khác, nói đến Nhật, bao gồm cả âm nhạc của xứ sở Mặt trời mọc, là người ta thấy ngưỡng mộ, thấy sùng bái rồi).

Trong những năm qua, tuy không phải là không có điểm sáng nào nổi bật, song, nếu tính về số lượng thì vẫn còn là quá ít ỏi. Những ban nhạc tài năng như Southern All Stars, Chage and Aska hay Dreams Come True đã cho ra mắt những bản thu âm sống mãi trong trái tim bạn, nhưng lại hoàn toàn mất hút trên các bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ hay của châu Âu. Vào thập niên 90, các ban nhạc khác như Shonen Knife, Pizzicato Five, Cibo Matto và Buffalo Daughter cũng có rất nhiều fan hâm mộ nước ngoài, nhưng thành công về mặt thương mại thì hầu như không có.

Nền âm nhạc Nhật Bản trong thời kỳ 1958 – 1990

Dòng nhạc pop/ rock đã trải qua nhiều nấc thăng trầm trong giai đoạn này. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, những âm thanh sôi động của rock tưng bừng khuấy tung các thành phố trên đất Nhật ngay sau khi họ đã cách mạng hóa tai nghe nhạc của người Mỹ. Các chàng trai cô gái năm nào hẳn vẫn còn ấn tượng rõ nét về những ngôi sao của thời ấy, thời thanh niên sôi nổi của họ, những ngôi sao với phong thái giống như Elvis và Gene Vincent tại lễ hội Mùa đông diễn ra ở Tokyo vào tháng Hai năm 1958.

Vào thập niên 60, The Beatles và Rolling Stones chính là những hình mẫu đầy cảm hứng để các nhóm nhạc bản địa học hỏi theo. Nhạc guitar điện (ereki) chính là một trong những điều làm nên hiện tượng Group Sounds (một nhóm nhạc rock rất nổi tiếng của Nhật). Những nhóm nhạc được biết đến nhiều nhất của Nhật trong thời kỳ này chính là The Tigers (Những chú hổ) và The Spiders (Những con nhện). The Tigers là nhóm đầu tiên chơi ở Budokan, nơi trở thành sân khấu trong nhà lớn nhất của Nhật Bản sau này. Nhóm đã có tour diễn thành công cùng The Ventures, ban nhạc rock (no vocal) nổi tiếng (đến tận ngày hôm nay) với điệu surf của Mỹ vào năm 1965. Tuy nhiên, sức tàn phá của ngành công nghiệp thu âm đã đặt một dấu chấm hết cho kỷ nguyên Group Sounds, mở ra một thời kỳ mới của các Thần tượng (Idols) và cả nhạc Rock nữa.

Aidoru (tức idol) là từ được dùng để chỉ những ca sĩ xinh xắn kiểu em-gái-nhà-bên. Hình tượng idol được thiết kế, kiểm soát và quảng bá giống như bất cứ các sản phẩm nào khác. Trên thực tế, với các công ty tìm kiếm tài năng, để những ngôi sao mới nổi của mình trở thành gương mặt đại diện cho một sản phẩm kẹo hay mì ăn liền trên sóng truyền hình chính là một phần quan trọng trong kế hoạch bán đĩa. Trong các thập niên 70 và 80, người ta đã được chứng kiến hàng trăm idol đến rồi đi, ví dụ như Pink Lady, Yamaguchi Momoe, Tanokin Trio và The Candies. Từ năm 1976 đến năm 1978, Pink Lady có 9 bài giành No.1 trước khi biến mất không sủi lấy một chiếc bọt tăm.

Thập niên 80 là thời kỳ gặt hái những thành công mang tầm quốc tế của dòng nhạc techno-pop với đại diện là nhóm YMO (Yellow Magic Orchesta). Thành viên Sakamoto Ryuichi của nhóm đã trở thành một trong những nhạc sĩ Nhật Bản nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, nhưng ngoài lĩnh vực nhạc phim ra thì hầu như không có thành công nào khác về mặt thương mại. Thập kỷ này cũng là thời kỳ phát triển đỉnh cao của New Music, một sự tổng hòa của folk (nhạc dân gian), rock và pop, với đại diện tiêu biểu là ca sĩ/ nhà soạn nhạc Matsutoya Yumi, tức Yuming. Những ban nhạc rock đỉnh cao của thập niên 80 có thể kể đến bao gồm Southern All Stars, Kome Kome Club, Checkers và Princess Princess.

Thập niên 90 và sau đó

Mặc dù thập niên 80 mới là thời đại hoàng kim của các idol, song công ty tìm kiếm tài năng Johnny’s Jimusho vẫn tạo ra được một thế hệ thần tượng mới như SMAP, V6 và Kinki Kids, một thế hệ thần tượng dẫn đầu trào lưu âm nhạc của thập niên. Việc có được một chương trình truyền hình riêng đã giúp lứa thần tượng này luôn ở trong tầm mắt của công chúng, ngay cả khi họ đang ở vào những khoảng nghỉ giữa các lần ra đĩa và đi tour. Cùng với những nghệ sĩ được “tạo ra” dưới bàn tay của nhà sản xuất Komuro Tetsuya, họ đã “hô biến” thứ nhạc pop dễ nghe dễ hát của những người trẻ không thực sự có tài trở thành một thể loại đặc trưng, được biết đến dưới cái tên J-pop. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Komuro, với tư cách là một nghệ sĩ, đã đứng ra thành lập nhóm TM Network và vươn ra toàn cầu. Sau những nỗ lực thúc đẩy sự hoạt động của nhóm, khai thác những mong mỏi của ca sĩ và người hâm mộ, ông đã trở thành một trong những nhân vật giàu có nhất Nhật Bản. Trong năm 1995, thời điểm được coi là năm đột phá của ông, Komuro đã thu về 27 tỷ yên. Trong năm tiếp theo, ông có 5 đĩa đơn lọt vào top 10 bài hát được yêu thích nhất. Những thành tựu khác của ông có thể kể đến nhãn hiệu Avex Trax và các nghệ sĩ như nhóm TRF, ca sĩ Amuro Namie và Kahala Tomomi.

Một nhạc sĩ chuyển hướng làm nhà sản xuất khác chính là Tsunku. Ông đã “tạm thời” rời bỏ cương vị thủ lĩnh nhóm nhạc Sharan-Q để trở thành người tạo ra các idol. Thành công rực rỡ của nhóm Morning Musume khiến người ta không dám đặt quá nhiều hy vọng vào việc ông có thể tái lập kỳ tích đó thêm một lần nữa. Nhóm nhạc nữ với khả năng biến hóa khôn lường này “xưng vương” J-pop bằng một cơn bão tỷ suất xem chương trình truyền hình của họ vào năm 1997. “Gia đình Tsunku” đã dần dần lớn mạnh thành một ông khổng lồ có đầy đủ năng lực tài chính và quảng bá, với những cô gái Musume và các sao trẻ khác trong Hello! Project, một hệ thống gồm nhiều nhóm nhạc nhỏ thường xuyên đổi vị trí cho nhau, tạo ra những nhóm nhỏ tạm thời và quảng cáo tuốt luột mọi thứ trên đời. Khả năng kiếm tiền gần như tuyệt đối của nhóm có lẽ đủ để đảm bảo cho bọn họ tồn tại cùng chúng ta đến ngày tận thế luôn.

Hamasaki Ayumi

Hamasaki Ayumi là một cơn gió lạ của thời kỳ cuối thập niên 90, một nữ ca sĩ có động lực và tham vọng rõ ràng… và khiếu làm marketing siêu nhạy. Nàng diva nổi tiếng sang chảnh này rất được các nữ sinh thuộc các trường trung học trọng điểm sùng bái, và nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh thời trang không chính thức của các cô học sinh. Trong những năm gần đây, vị trí này ít nhiều đã đổi chủ - trớ trêu thay, đó là Koda Kumi, cũng là người của thương hiệu Ayu’s Avex. Cô ấy rất biết cách sử dụng hình ảnh sexy, cá tính Kansai sôi nổi và sự may mắn của mình để vươn từ một ca sĩ hát trong club thành một nghệ sĩ có thành tích bán đĩa xuất sắc nhất năm 2006 và 2007. Sự nổi tiếng của Koda chính là động lực để rất nhiều fan tìm kiếm những khóa học ca hát từ các tổ chức như TakeLessons.

Đọc tới đây, hẳn bạn đang nghĩ J-pop chỉ nặng về tính thương mại và thiểu hẳn những nghệ sĩ có tài thực sự, phải vậy không? Không phải đâu. Nhóm Glay chẳng hạn, họ đã biểu diễn trước đám đông lên tới 200,000 người vào năm 1999, một kỷ lục đáng nể đấy. Nhóm nhạc với bốn thành viên Hokkaido chơi cũng rất đúng chuẩn J-Rock, nhưng họ đã làm nên thành công cho nhóm sau những nỗ lực làm việc hết sức chăm chỉ cùng hình tượng “rock’n’roll” vững như bàn thạch. Một số nghệ sĩ theo phong cách Tây phương như Dragon Ash và Utada Hiraku cũng rất nổi bật trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Dragon Ash chơi rap trộn với rock và chứng minh được rằng – ít nhất là khi người ta cố gắng đào tạo ra một ca sĩ giỏi – người Nhật có thể rap hết mình, rap tuyệt đỉnh như ai.

16 tuổi, sinh ra ở New York, được cho ra mắt vào năm 1999, mặc dù trông Utada có vẻ chẳng khác gì so với các idol khác, song cô rõ ràng là một luồng gió mới. Vẻ ngoài xinh xắn dễ thương của cô hoàn toàn vô hại, còn “First Love” đã trở thành album bán chạy nhất Nhật Bản của một ca sĩ mới debut với 8 nghìn bản được tẩu tán hết veo. Giống như các nghệ sĩ khác, cô đương nhiên cũng phải ký kết các hợp đồng ràng buộc thương mại và quảng bá trên truyền hình, tuy nhiên, những trải nghiệm về cuộc sống bên ngoài nền âm nhạc của Nhật Bản đã giúp cô vượt lên trên tất thảy những điều đó. Thành công của Utada, cộng thêm “quyền lực” ngày càng được mở rộng của Hamasaki Ayumi đã mở đường cho thành công vượt trội của những người phụ nữ có tư tưởng độc lập tự chủ khác, như Koyanagi Yuki và Shiina Ringo chẳng hạn.

Tôi không quá quen thuộc với những gì đang diễn ra đối với các dòng nhạc alternative, indie và nhạc sàn của Nhật Bản, nhưng sau đây là những cái tên để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi tại thời điểm này: Thee Michelle Gun Elephant (một band Ramones kiểu Nhật), The Mad Capsule Markets, Buffalo Daughter, Seagull Screaming Kiss Her Kiss Her, Boom Boom SatellitesCaptain Funk.

Dịch: MER

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."