Hóng Vén màn bí mật hậu trường của các phiên bản live-action Death Note (Phần 1)

Vén màn bí mật hậu trường của các phiên bản live-action Death Note (Phần 1)

Đăng vào ngày trong Tin tức 2396

Nếu là một fan của Death Note, dù là bộ phim đầu tiên ra mắt năm 2006, phiên bản truyền hình 2015 hay bản điện ảnh 2016, chắc chắn bạn không nên bỏ qua những câu chuyện thú vị đằng sau quá trình thực hiện các tác phẩm này.

Nhân dịp Death Note Light up the NEW World được công chiếu vào cuối tháng 10/2016, My Navi đã đăng một loạt bài với nội dung là cuộc phỏng vấn nhà sản xuất Sato Takahiro, người đã tham ra vào hai phần của bộ phim Death Note 10 năm trước, bộ phim ngoại truyện về L năm 2008 và bộ phim truyền hình năm 2015. Do cuộc phỏng vấn kéo dài đến 5h và dài khoảng 40,000 từ nên My Navi đã thu gọn trong 20 phần chính. Sau đây là nội dung được Doramaworld tóm lược các ý chính quan trọng:

Death Note
(c) Shueisha

Làm thế nào mà NTV giành được bản quyền chuyển thể live-action?

- Manga Death Note được bắt đầu đăng trên tạp chí Shukan Shonen Jump vào năm 2003. Ngay từ đầu đội ngũ sản xuất đã rất hứng thú với câu chuyện này song phải đến tận khi tập hai ra mắt, khi L xuất hiện, họ mới liên hệ hai tác giả và nhà xuất bản Shueisha để bày tỏ mối quan tâm.

- Theo ý từ các tác giả và Shueisha, họ không mong muốn làm một bộ phim anime nhưng lại rất quan tâm đến việc thực hiện phim chuyển thể live-action. Do đó họ tìm kiếm một đối tác có thể thực hiện cả hai bản, và bản live-action sẽ được làm trước. Mong muốn này trùng hợp với kế hoạch của NTV, nên họ đã tổ chức một buổi đàm phán.

- Tuy nhiên, một điều mà công chúng gần như không được biết chính là kế hoạch thực hiện phim truyền hình trước tiên, tiếp theo là phim điện ảnh và sau đó là anime. Một trong những vấn đề mấu chốt là làm thế nào để lồng hết toàn bộ câu chuyện vào bộ phim chỉ trong vòng hai tiếng, một điều thực sự khiến nhà sản xuất cảm thấy bất khả thi.

- Một vấn đề khác là họ phải cố gắng làm rõ được nhận thức về câu truyện cũng như các nhân vật thông qua bản truyền hình để giúp tăng doanh thu phòng vé cho bản điện ảnh. Vào thời điểm đó, NTV đã từng có rất nhiều kinh nghiệm về việc kéo dài câu chuyện từ bản truyền hình sang bản điện ảnh, ví dụ như các bộ phim Ie Naki KoKindaichi Shonen no Jikenbo.

- Kế hoạch đã không thể thực hiện vì việc giết người bằng cách viết tên vào Death Note là một chủ đề gây tranh cãi, chắc chắn không phù hợp khi có nhiều thành phần khán giả khác nhau sẽ theo dõi trên kênh truyền hình. Sự thực là, trong số các đài truyền hình quan tâm đến việc chuyển thể live-action thì NTV là đài duy nhất có ý tưởng thực hiện bản truyền hình cùng với điện ảnh.

Death Note
(c) NTV

- Mặc dù đã giành được quyền chuyển thể từ năm 2004, nhưng bất ngờ trong chính nội bộ đài NTV lại có ý kiến phản đối về việc thực hiện bộ phim truyền hình. Vào thời điểm đó, nhà sản xuất đã thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp những yếu tố ngoại vi trong lời đề nghị của họ, một điều không hề là vấn đề rắc rối khi họ thực hiện bản truyền hình năm 2015 và không hề có một lời phàn nàn nào từ phía khán giả. Sự khác biệt này phần nào có được nhờ bộ phim điện ảnh năm 2006 đã tạo dựng được một lượng đông đảo khán giả quan tâm theo dõi, do đó giờ đây họ không còn ngại ngần với chủ đề này nữa.

- Vì vấn đề này, nhà sản xuất đã liên hệ Shueisha để giải thích về hoàn cảnh không nhận được phản ứng thuận lợi. Do đó họ đã quyết định thực hiện hai phần của bản điện ảnh và cho ra mắt liên tiếp. Đó là bộ phim Nhật đầu tiên được thực hiện như vậy, vì thông thường phần hai được quyết định sản xuất hay không còn phụ thuộc vào thành công của phần một. Tuy nhiên NTV đã chấp nhận rủi ro khi hứa hẹn làm cả hai phần, bất chấp phần một có thành công hay không.

- Do manga được quyết định sẽ chấm dứt vào năm 2006 nên Shueisha đòi hỏi phần đầu của bản điện ảnh phải ra mắt ngay sau đó. Thế nên phần một ra mắt vào tháng 6/2006 và tiếp theo là phần hai công chiếu vào tháng 11 cùng năm. Điều đó có nghĩa là họ chỉ có một năm để sản xuất phim. Thời điểm đó thị trường điện ảnh Nhật Bản không thuận lợi như hiện nay, thế nên vô cùng khó khăn để tìm suất chiếu khi hầu hết đều dành cho phim Hollywood do các công ty phim ảnh lớn phát hành. Thật may mắn rằng họ đã được Warner Bros. cho suất chiếu và điều này chỉ được chốt lại vào mùa thu 2005.

Những chuyện hậu trường về tuyển chọn dàn diễn viên chính

Death Note
(c) NTV

- Sau khi suất chiếu được xác nhận, Fujiwara Tatsuya là người đầu tiên được xác nhận trong dàn cast. Khi đó anh là lựa chọn không thể tranh cãi cho diễn viên thủ vai Yagami Raito. Mặc dù có rất nhiều diễn viên khác phù hợp với hình dung về nhân vật Raito song nhà sản xuất vẫn cảm thấy rằng chỉ có Fujiwara mới có thể diễn tả chân thực sự điên cuồng trong tính cách khi Raito chìm đắm trong công lý và tinh thần chính nghĩa của riêng mình. Bởi vậy, ngay từ rất sớm đã có quyết định rằng Fujiwara sẽ tham gia bộ phim.

- Fujiwara được xem là một diễn viên tài năng, anh dường như không cần phải nỗ lực gì nhiều và chỉ cần nhấn nút là có thể dễ dàng hóa thân vào nhân vật. Tuy nhiên xét về tính cách riêng thì anh lại rất khác biệt với Raito. Nếu so sánh với các bạn diễn khác, Mastuyama Kenichi đúng là kiểu "sống" như chính nhân vật của mình xuyên suốt quá trình thực hiện bộ phim, còn Toda Erika thì gần với phong cách của Fujiwara. 

- Tuy nhiên, nếu nói rằng Fujiwara không cần phải nỗ lực làm việc là sai hoàn toàn. Anh rất chú trọng về cách diễn và suy nghĩ về rất nhiều điều có thể ảnh hưởng đến việc diễn tả nhân vật. Thêm vào đó, vì có rất nhiều cảnh diễn với Tử thần Ryuk - nhân vật chỉ được thêm vào sau đó bằng kỹ xảo, Fujiwara đã phải diễn trong tưởng tượng và thực hiện những cảnh giống nhau lặp đi lặp lại với độ chính xác đáng ngạc nhiên. Có thể chắc chắn rằng Fujiwara là một diễn viên sân khấu đầy kinh nghiệm - người có thể lặp lại các hành động giống nhau chính xác trong mỗi buổi diễn.

- Fujiwara là người khởi xướng phong cách cảm ơn bất ngờ tại Shinjuku Joy Cinema và khiến nó trở nên rất nổi tiếng. Năm 2006, Shinjuku Joy là rạp chiếu lớn nhất Tokyo với sức chứa khoảng 200-300 mỗi tầng (bị đóng cửa năm 2009), trong khi cả Shinjuku Piccadilly và TOHO Cinema Shinjuku đều chưa được xây dựng. Vào ngày đầu tiên ra mắt phần một, Fujiwara và Matsuyama đã đến Cine Chitta ở Kawasaki để chào hỏi khán giả và lẽ ra đã kết thúc ngày bằng buổi xuất hiện trực tiếp trong chương trình Sports Urugurusun của đài NTV. Nhưng sau đó Fujiwara quyết định đến một địa điểm khác để chào hỏi khán giả, song chỉ có Shinjuku Joy Cinema chấp nhận sự viếng thăm muộn này. Cuối cùng họ đã xuất hiện vào suất chiếu muộn vào đêm đó và khiến khán giả bất ngờ. Sau đó họ cũng thường xuất hiện không báo trước tại rạp chiếu này và khiến nó trở thành nơi nổi tiếng cho những fan muốn thử may mắn nếu được gặp các diễn viên. Thông thường, trong các buổi ghé thăm, người chủ trì luôn nói rằng các fan không được phép chụp ảnh, song Fujiwara lại khuyến khích họ cứ chụp bao nhiêu tùy thích, vì họ muốn xem như đây là một món quà dành cho các fan.

Death Note
(c) NTV

- Mặc dù Matsuyama Kenichi là một trong số các diễn viên được cân nhắc lựa chọn cho vai L, nhưng các tác phẩm trước đó của anh như Winning PassOtokotachi no Yamato đã tạo dựng cho Matsuyama một hình ảnh nghiêm túc, chỉn chu, khác xa với hình dung của mọi người về L. Thêm vào đó Matsuyama cũng còn khá xa lạ với khán giả nên ban đầu anh cũng không được ưu ái là mấy. Tuy nhiên ê kíp sản xuất lại gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm diễn viên đóng L. Rốt cuộc định mệnh đã chọn Matsuyama vào vai này. Ban đầu các nam diễn viên có tiếng tăm nhất định đã được mời vào vai L nhưng nhiều người trong số họ cảm thấy e ngại khi đóng một vai đặc biệt như vậy. Thêm vào đó hình ảnh mà họ tạo dựng trước đó lại không mấy gần với hình ảnh L trong suy nghĩ của khán giả. Sau đó, nhà sản xuất quyết định rằng chọn một gương mặt mới như Matsuyama - người mà khán giả chẳng có chút ấn tượng gì trước đó - sẽ rất hoàn hảo cho vai L. Lần đầu tiên gặp Matsuyama, họ đã nghĩ ngay rằng anh rất giống với L bởi nước da nhợt nhạt, chân tay dài cùng những cử chỉ vụng về.

- Tuy nhiên, việc bắt đầu quay với Matsuyama không hề thuận lợi vì bị kẹt lịch với Fujiwara - khi đó đang tham gia một vở diễn sân khấu. Bởi vậy phần phim của Fujiwara được quay trước liên tục đến tận tháng 2/2006, khi đó Matsuyama đóng chung với anh trong những cảnh cao trào của phần một. Quả thật là hơi làm khó Matsuyama khi anh phải đóng một cảnh quan trọng như thế ngay trong ngày quay đầu tiên của mình cho phim, nhưng kết quả lại tốt hơn rất nhiều so với mong đợi. Sau đó Matsuyama thú nhận rằng anh đã bị áp đảo bởi sự thể hiện của Fujiwara và hứa rằng sẽ làm tốt hơn trong phần sau, bởi vì cả L và Light nên ngang bằng để khiến bộ phim thêm thú vị.

- Thực sự không khó để biến Matsuyama thành L vì ngay từ đầu anh đã có nước da rất hợp với nhân vật này. Vì phải thể hiện được tình yêu với đồ ngọt của L, dự tính ban đầu là chỉ có đường viên và bánh donut trong phòng khách sạn mà L ở. Tuy nhiên, Matsuyama đã ý kiến rằng nên có nhiều loại hơn vì Watari phải làm nhiều hơn thế cho L. Cuối cùng Matsuyama là người được chọn các loại đồ ngọt ăn vặt trong phim - luôn để đầy cả hai cái bàn và khiến toàn bộ trường quay ngập tràn mùi thơm của bánh nướng và bánh ngọt suốt cả ngày.

- Về hyottoko (loại mặt nạ truyền thống của Nhật) mà L đeo trong phim, thực ra đây là do Matsuyama lựa chọn. Nhà thiết kế gợi ý một chiếc mặt nạ với khuôn mặt quái dị, còn đao diễn lại muốn một chiếc mặt nạ nhìn ngầu nhưng Matsuyama là người có quyết định cuối cùng và khăng khăng sử dụng mặt nạ hyottoko.

Nguồn: Doramaworld
Dịch: Eri-chan

Admin

Admin

"Yêu đương chỉ như những áng mây lướt nhanh qua trời
Yêu chi cho lệ hoen đôi mi, để con tim vụn vỡ
Khi yêu cứ ngỡ nên thơ, tình yêu như giấc mơ
Để hôm nay ôm một mối sầu bơ vơ."